Trong bài viết về du học và du lịch, tác giả Rosie Nguyen có đề cập đến việc chi phí học đại học và sau đại học tăng cao khiến nhiều thanh niên Âu Mỹ lựa chọn những cách khác để bổ sung kiến thức.
Bài viết sau giới thiệu một chương trình tự học giúp chúng ta có được những trải nghiệm và kiến thức thay thế cho một khóa đào tạo thạc sĩ mà không cần quay lại trường học. Đây là một phần trong quyển The Art of Non Conformity của Christ Guillebeau, một người lữ hành, một người viết sách, một nhà kinh doanh, một blogger người Mỹ. Anh đã đặt chân lên tất cả các quốc gia trên thế giới (193 quốc gia theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc), và là tác giả cuốn sách Khởi nghiệp với 100$ mới xuất bản ở Việt Nam gần đây.
Mở đầu bài viết, Christ chia sẻ nền tảng của chương trình: "Tôi đã chứng kiến nhiều người ở nhiều độ tuổi thực hiện chương trình tự học này theo những cách khác nhau. Bản thân tôi cũng đã tự trải nghiệm sự khác biệt giữa giá trị của tấm bằng sau đại học của mình với nghề nghiệp hiện tại một người viết độc lập dựa trên chương trình tự học. Mục đích của tôi không phải là để phủ nhận các chương trình giáo dục truyền thống, mà là để cung cấp một phương án học tập thay thế. Bạn không cần phải từ bỏ việc học vì bất kỳ điều gì, và theo đuổi một bằng cấp sau đại học không phải là lựa chọn duy nhất".
"Chương trình tự đào tạo một năm thay thế khóa học sau đại học (kèm diễn giải của người dịch).
1/ Đăng ký với báo The Economist và đọc mỗi bài báo một cách sùng tín. Chi phí: 97$ + 60 phút mỗi tuần. (Báo Economist không cho phép đọc miễn phí, nhưng họ thường có các gói khuyến mãi đăng ký 300$/ năm tương đương 6$/ tuần, cho phép tiếp cận tất cả các bài viết ở nhiều dạng khác nhau, có cả dạng audio. Các bài báo của trang này khá chất lượng với thông tin phong phú, cách phân tích sâu và từ vựng rất đa dạng. Nếu không đăng ký, bạn có thể đọc tối đa 6 bài/tuần).
2/ Ghi nhớ tên của mọi quốc gia trên thế giới, tên các thành phố, các tổng thống và phó tổng thống của các quốc gia lớn. Chi phí: 0 đồng + 3 - 4 giờ mỗi lần.
3/ Mua vé máy bay vòng quanh thế giới và ghé thăm những vùng lãnh thổ lớn trên địa cầu, nhớ bao gồm Châu Phi và Châu Á (đối với người Việt thì có thể là Châu Phi và Châu Mỹ/Châu Âu, mục đích là để trải nghiệm những nền văn hóa khác biệt). Chi phí: tùy vào nơi bạn đến, nhưng dự kiến là 4,000$.
4/ Đọc các văn bản tôn giáo cơ bản của các đạo lớn trên thế giới: Ngũ Kinh Moise, Tân Ước, kinh Koran và những lời dạy của Phật Thích Ca. Hãy ghé thăm một nhà thờ, một thánh đường Hồi giáo, một giáo đường Do thái, và một ngôi đền. Chi phí: các tài liệu này có thể được tìm thấy miễn phí trên mạng, hoặc ít hơn 50$ + 20 giờ.
5/ Đăng ký vào một chương trình học ngoại ngữ và nghe các podcast (file dạng audio hoặc video tải từ Itune) năm lần một tuần liên tục trong một năm. Tham dự một câu lạc bộ ngoại ngữ địa phương để thực hành ngoại ngữ. Chi phí: 0 đồng + 87 giờ.
6/ Cho một người kinh doanh vay qua trang web Kiva.org và thu xếp ghé thăm họ khi bạn đi nước ngoài. Chi phí: có thể là 0$ khi kết thúc dự án, vì 98% các khoản vay ở trang này đều được hoàn trả.
7/ Nắm vững ít nhất ba kỹ năng mới trong vòng một năm. Gợi ý: nhiếp ảnh, nhảy dù, lập trình máy tính hoặc võ thuật. Điểm mấu chốt không phải là trở thành chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào kể trên, mà là trở nên thông thạo các kỹ năng đó. Chi phí: thay đổi tùy thuộc vào kỹ năng bạn chọn, nhưng mỗi kỹ năng sẽ tốn ít hơn học phí 3 tín chỉ tại các trường đại học.
8/ Đọc ít nhất 30 quyển sách phi hư cấu và 20 cuốn tiểu thuyết kinh điển. Chi phí: xấp xỉ 750$ (chi phí này có thể được giảm thiểu bằng cách mượn sách từ bạn bè hoặc thư viện).
9/ Tham gia một câu lạc bộ sức khỏe hoặc một phòng tập gym trong suốt quá trình tự học nghiêm ngặt của bạn. Hầu hết các trường đại học đều thu phí vào trung tâm thể hình khoảng 32,000$ và tính chung vào tiền học phí. Nếu không thì bạn sẽ phải tự trả chi phí riêng cho mình. Chi phí: 25 - 75$/tháng. (Có thể không cần tốn khoản tiền đó nếu hằng ngày chạy bộ trong công viên, tham gia lớp yoga miễn phí, và đi bơi mỗi tuần với giá vé 15 nghìn đồng như mình).
10/ Luyện tập để có thể thuyết trình và nói chuyện một cách thoải mái trước công chúng. Tham gia câu lạc bộ Toastmaster địa phương để có những hướng dẫn cụ thể và bài bản dành cho người mới bắt đầu. (Toastmaster là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thành lập các câu lạc bộ quốc tế nhằm mục đích phát triển kỹ năng giao tiếp, nói chuyện với công chúng và khả năng lãnh đạo của các thành viên. Link Toastmaster Sài Gòn: http://www.facebook.com/saigontoastmasters). Chi phí: 25$ phí tham dự và 2giờ/tuần trong 10 tuần.
11/ Bắt đầu tạo một blog riêng cho mình. Lên kế hoạch post bài đều đặn và viết blog trong suốt một năm. Bạn có thể tạo blog miễn phí trên WordPress.org (hoặc Blogger.com). Một mẹo nhỏ: đừng cố gắng để viết mỗi ngày. Hãy viết mỗi tuần một hoặc hai lần, và nếu bạn thấy thoải mái với tốc độ đó thì tăng dần tần suất lên. Chi phí: 0 đồng.
12/ Thiết lập http://en.wikipedia.org/wiki/Main_Page làm trang chủ của bạn. Trong một năm tới, mỗi khi bạn mở trình duyệt web, bạn hãy đọc các bài viết ngẫu nhiên mỗi ngày trên đó.
13/ Học viết bằng cách nghe các podcast của Grammar Girl (một trang web chuyên về ngữ pháp tiếng Anh http://www.quickanddirtytips.com/grammar-girl) và đọc quyển Bird by bird của Anne Lamott. Chi phí: 0 đồng cho Grammar Girl, 14$ cho Anne Lamott.
14/ Thay vì đọc toàn bộ quyển Từ điển bách khoa toàn thư, hãy đọc quyển The Know - it - all (Tóm lược Từ điển bách khoa) của A. J. Jacobs . Chi phí: 15$.
Tổng chi phí: ít hơn 10,000$.
(Đây là ước tính của Christ, chứ trừ 4,000$ vé du lịch vòng quanh thế giới và điều chỉnh các chi phí khác cho phù hợp với tình hình Việt Nam thì tổng phí cho chương trình tự học này chỉ khoảng 1,500$).
Giống như các chương trình đào tạo truyền thống ở Mỹ và Canada, chương trình tự học thay thế này không bao gồm chi phí nhà ở và thực phẩm. Tuy nhiên, sự tự do và độc lập được bao gồm trong chương trình học mà không kèm theo phụ phí nào cả.
Bằng cách theo đuổi chương trình này, bạn có thể thu được khối lượng kiến thức gần như tương đương với những gì mà hàng chục nghìn sinh viên khác phải tốn hàng chục nghìn đô la để có được. Đương nhiên là tùy vào lĩnh vực quan tâm của bạn mà chương trình có thể được điều chỉnh cho phù hợp. Nếu bạn thích văn học, bạn có thể đọc 100 quyển sách thay vì 50. Hoặc nếu bạn quan tâm đến lập trình máy tính, bạn có thể học nhiều về thiết kế blog hơn là chỉ biết làm cách nào để post bài viết.
Hiện nay các trường đại học đăng tải các tài liệu học tập trực tuyến, thậm chí trong một số trường hợp bạn có thể đi xuyên suốt một khóa học không khác gì các sinh viên phải đóng học phí khác. Hãy download các bài giảng từ những khóa học mà bạn quan tâm và lắng nghe những podcast từ các giáo sư."
Thú vị nhỉ? Không nói khối lượng kiến thức thu lượm được sau chương trình này nhiều hay ít hơn so với một khóa học thạc sĩ, cũng không nhận xét chương trình đúng hay sai, nhưng ý tưởng của Christ Guillebeau về một phương án học tập thay thế quả thật rất thú vị và gợi nhiều suy nghĩ.
Suy nghĩ thứ nhất là các lựa chọn để nâng cao kiến thức một cách tự do. Những đề nghị đa phần là miễn phí, đưa ra phương án học tập khả thi cho người học mà không phải vướng bận quá nhiều đến điều kiện kinh tế, chi phí đi lại, những khó khăn trong việc trì hoãn công việc và sắp xếp lại cuộc sống như những chương trình giáo dục truyền thống. Những gợi ý của Christ rất thực tế, phù hợp với những người quan tâm nhiều đến kiến thức xã hội và phát triển toàn diện (như mình).
Suy nghĩ thứ hai là việc đề cao thực học, đề cao kiến thức thật sự chứ không phải là bằng cấp. Bằng cấp đã luôn là một vấn nạn trong nền giáo dục Việt Nam. Theo đuổi kiến thức và trí tuệ để khai sáng con người nên là mục đích của học tập, chứ không phải đổ xô đi kiếm bằng và cấp bằng như tình trạng hiện giờ.
Suy nghĩ thứ ba là việc cổ vũ con người tự giáo dục và phát triển bản thân theo hướng chủ động và tự giác. Học tập không chỉ và không nên gói gọn trong phạm vi trường học. Để hoàn thiện bản thân, mỗi người cần tích cực và nỗ lực trau dồi kỹ năng và bồi dưỡng kiến thức, để bù đắp cho những lỗ hổng từ các chương trình đào tạo, cũng như cập nhật tri thức mới để không lạc hậu với cuộc sống.
Học tập nên là một quá trình cả đời.
Tram Đọc (Read Station)
Theo Rosie Nguyen