Chúng ta tìm thấy gì sau những tâm hồn đổ nát?
Chúng ta tìm thấy gì sau những tâm hồn đổ nát?
Chỉ bằng những truyện ngắn có dung lượng vừa phải, Võ Diệu Thanh đã cho người đọc thấy được những chiều khác nhau của nội tâm. Sau đớn đau đâu chỉ là hờn giận.
Võ Diệu Thanh là một cây bút nữ có sức viết khá dẻo dai, bền bỉ và khá đa dạng. Một số tập truyện ngắn của chị đã để lại ấn tượng trong lòng độc giả như Cô con gái ngỗ ngược, Gạt đi nước mắt… Bên cạnh đó chị còn thử sức mình ở với tiểu thuyết và sáng tác một số tập truyện cho thiếu nhi.

 

Cửa sổ hình tia chớp là tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Võ Diệu Thanh. 11 câu chuyện trong cuốn sách giúp người đọc có hình dung khác về miền Tây sông nước. Đằng sau bức tranh thiên nhiên trù phú ấy là biết bao đau thương mất mát, những tâm sự chẳng bao giờ vơi cạn của hồn người, như mùa nước nổi đến rồi lại đi.

 

 

Sau lưng người là buồn đến mênh mang

 

 

Miền Tây làm người ta phải nhớ, phải thương bởi sông nước mênh mang hữu, lòng người hồn hậu. Một xứ sở mà sự đua chen, toan tính dường như đã lùi ra theo khói bụi thành phố.

 

Ở nơi đó, luôn có tiếng nói cười rổn rảng của những người dân quanh năm vui vầy cùng con nước, thấy bông điên điển nở cũng đủ ấm lòng... Bức tranh ấy thật đẹp, nhưng nó không phải là miền Tây của Võ Diệu Thanh.

Tập truyện ngắn Cửa sổ hình tia chớp

Trên dải đất hình chữ S này, không có nơi nào tránh được sự khốc liệt của cơn binh lửa, miền Tây cũng vậy. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng niềm đau vẫn còn nguyên ở đó. Người ta đau vì quá hận, quá căm hờn. Nó như đống tro còn nguyên tàn lửa đỏ, cứ thế âm ỉ trong lòng người. Truyện ngắn Sau lưng là vô tận cho người đọc thấy sự dai dẳng của những hận thù.

Chị Hưởng, Sáu Hồng, Quang và Ba đều là những con người sinh ra từ sông nước miền Tây, và cuộc chiến đã đưa họ về hai phía. Những oán giận, cùng tội lỗi cũng từ đó mà sinh ra. Người chết, để lại thù hận cho người sống như cái cách người ta gửi lại nhau những món nợ. Kẻ mang tội còn sống là còn mắc nợ. Một món nợ khó trả.

Đến khi người hiền và kẻ ác gặp nhau ở bên kia thế giới, “nghiệp” của đời người phải chăng mới được giải hết. Giây phút đó, thù hận mới được buông bỏ, không phải vì kẻ ác đã trả hết “nợ”, mà bởi giờ phút này người tốt mới đành buông tay.

Đàn bà đẹp là truyện ngắn mang âm điệu buồn thương, khiến người ta cứ mãi thổn thức trong lòng. Người xưa có câu: “Hồng nhan họa thủy” phải chăng đàn bà đẹp xưa nay luôn là mầm họa? Không, đàn bà đẹp là cái tội thì đúng hơn. Một người vợ đẹp, sống bên cạnh người chồng đau ốm, bệnh tật đến liệt giường thì cái tội dường như càng lớn.

Cái tội đến từ nỗi đau của người chồng hay từ gương mặt mĩ miều cùng làn da trắng của cô vợ. Nó đến từ cái nghèo, cái đói luôn chực chờ mỗi bữa cơm. Nó đến từ dục vọng của những người đàn ông xấu xa, hau háu nhìn bằng ánh mắt thèm thuồng ngoài song cửa…

Chúng ta nên đối xử ra sao với người đàn bà lầm lỡ, không giữ đúng tiết hạnh? Trách móc, lăng nhục họ ư? Mọi chuyện đã trôi xa như dải lục bình của mùa nước cũ nào có thể khéo lại. Phải chăng tha thứ là cách tốt nhất? Đôi khi nhẹ lòng buông bỏ đồng nghĩa với việc ta đã tái sinh cho một kiếp người.

 

 

Người họa sĩ tinh tế khắc họa những tâm hồn đau khổ

 

 

Nhậu với Khmer Đỏ là một câu chuyện người đọc vừa xót xa, vừa không khỏi bàng hoàng. Kí ức về tội ác của Pol Pot vẫn còn là nỗi ám ảnh lớn trong lòng tác giả cùng nhiều người dân ở An Giang.

 

Không dễ dàng để người ta vượt qua nỗi đau quá lớn ấy. Phải chăng, hờn giận và căm thù là cách để người sống cảm thấy nguôi ngoai? Thế nên, có người đã hy sinh để kẻ khác cứ mặc sức mà oán giận.

Một người đàn ông tự nhận là Khmer Đỏ nhưng trong gia đình có tới 9 người bị giết trong trận thảm sát tàn bạo. Giải thích thì có được gì, nó đâu thể làm người chết sống lại. Nhưng sự im lặng có thể khiến người sống bớt đau buồn, như thế không phải tốt hơn sao?

Mỗi con người, mỗi số phận trong Cửa sổ hình tia chớp đều mang một trái tim rỉ máu, đầy những vết thương. Võ Diệu Thanh đã cho người đọc thấy và cảm nhận một cách trọn vẹn, cụ thể nổi đau của họ bằng những trang viết tinh tế và rất có hồn. Câu văn của chị sinh động mà linh hoạt, lúc cần thì mềm mại như nước, như thoát cái lại sắc ngọt như dao.

Nhà văn Võ Diệu Thanh

Nỗi đau của một cựu binh trong thời bình, sự tủi nhục của người đàn bà đã một lần lầm lỡ, nỗi chua xót của đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi… những cung bậc cảm xúc ấy đã được Võ Diệu Thanh lột tả một cách chân thực, tinh tế, nhưng không hề khiến người đọc bị lẫn lộn hay cảm thấy trùng lặp một màu.

Chị chẳng cần dùng nhắc tới nỗi buồn nhưng vẫn làm người đọc cảm thấy lòng nguội đi đầy chua xót. Chúng ta chỉ biết trách móc, oán hờn trước những sai trái mà đâu mấy ai đủ bình tĩnh để tìm hiểu nguồn cơn của những lỗi lầm ấy. Sau những nỗi đau, hãy đủ an nhiên để buông bỏ và tha thứ.

Không chỉ mạnh về thể hiện tâm trạng, Võ Diệu Thanh còn khiến người đọc ngạc nhiên khi miêu tả cảnh sắc của miền Tây. Đâu cần đến cái mênh mang, dài rộng của con sông mùa nước nổi, người ta mới nhận ra một vùng đồng bằng trù phú. Từng luống rau, từng ngọn cỏ trong văn Võ Diệu Thanh cũng hiện lên cái hồn hậu của người miền Tây.

Mảnh đất An Giang cùng miền Tây sông nước là đã trở thành “địa hạt” văn chương của Võ Diệu Thanh. Với Cửa sổ hình tia chớp, chúng ta được thấy một bức tranh phong cảnh mới về miền Tây. Đó là bức tranh tinh tế được thể hiện bởi một cây viết có nghề và luôn đề cao chủ nghĩa nhân văn.

Theo Zing News

Thụy Oanh

Tags: