Sách kể về chuyến nghỉ "hè sớm" về thăm quê ngoại đã cho hai chị em Nam gặp Siêng- "thổ địa" nhỏ của vùng Thất Sơn. Theo bước chân Siêng, Nam được khám phá một thế giới mới thú vị. Nơi ấy có đồng ruộng bao la, có dòng kinh Vĩnh Tế mát lành, có vị cá nướng trui thơm lừng, có món khoai mì rẫy ngọt bùi... Còn biết bao nhiêu chuyện ly kỳ của vùng Bảy Núi xuất hiện trong cuốn sách này.
Chú bé Siêng ấy, gia cảnh mồ côi, tối ngủ nhờ chòi vịt, ngày chăn trâu kiếm từng bữa cơm. Nhưng Siêng vẫn cố bám trường bám lớp, theo đuổi lớp học bổ túc hàng đêm. Ngay cả khi số phận tiếp tục thử thách, Siêng làm mất trâu, bị đánh đập, bị chèn ép và cả bị bắt, chú bé vẫn cố gắng từng chút nhích về tương lai.
"Nó mơ trở thành một chuyên viên về nông nghiệp như chú Thành, anh Tân ở trạm thực vật huyện. Nó sẽ hướng dẫn bà con trồng loại lúa nào chống được rầy nâu, loại lúa nào trồng ngắn ngày, loại nào ngon cơm. Nó sẽ giới thiệu với mọi người về các loại máy gặt, đập, gieo hạt, tuốt lúa, đánh bóng gạo... Không còn ai phải vất vả khom lưng ngoài đồng dưới trời nắng, chân ngâm dưới sình mà sẽ ngồi trong buồng kín của chiếc xe chuyên dùng trên đồng ruộng."
Tròn 30 tuổi, cuốn sách "Chú bé Thất Sơn" truyền đi thông điệp chưa bao giờ cũ: đừng bao giờ ngừng ước mơ chỉ vì hoàn cảnh.
“Nông thôn, vùng đất mộc mạc buộc chặt gói trọn cuộc đời những chú bé khoai củ” nhưng chẳng thể buộc chặt những giấc mơ.
Siêng có cha mẹ là thầy cô giáo bị giặc Pôn Pốt giết, mồ côi. Nhưng với lòng quyết tâm học tập, đêm đêm Siêng vẫn đi đò qua sông học bổ túc văn hóa. Trong cảnh khốn cùng, Siêng phải tham gia vô đoàn người "đai" thuốc lá lậu qua biên giới và bị bắt. Được tha về, Siêng lấy vé số ra chợ bán nhưng rồi nó cũng không được yên thân....
Cậu bé Siêng ham học, không ngừng vươn lên để chạm đến ước mơ là tấm gương cho trẻ em dù ở lứa tuổi hay thuộc thời đại nào.
Những món ăn dân dã hay câu ca dao - dân ca xuất hiện nhiều trong "Chú bé Thất Sơn". Những tư liệu làng quê được tác giả Phạm Công Luận sử dụng nhuần nhuyễn, chân thực. Qua ngòi bút tác giả, người đọc theo bước chân 2 chị em Thảo, Nam và cậu bé Siêng, được đến khám phá vùng đồng quê miền Nam bạt ngàn, tươi đẹp.
Nguồn cảm hứng được tác giả Phạm Công Luận lấy từ những chất liệu thực: “Cách đây đúng 30 năm, tôi lần đầu đặt chân đến thị xã Châu Đốc và được nghe kể về một em bé bị đuối nước dưới dòng kinh xanh. Về TP.HCM, hình bóng những em bé lội bộ trên cánh đồng xanh khiến tôi không khỏi ngẫm nghĩ. Trong vòng một tháng sau chuyến đi, tôi ngồi vào bàn và viết cuốn truyện nhỏ "Chú bé Thất Sơn”, tác giả Phạm Công Luận chia sẻ.
"Không rành về vùng đất này, tôi phải đọc sách về Châu Đốc, vùng Thất Sơn và vẽ cả bản đồ có thị xã, ngôi trường, cánh đồng Vĩnh Ngươn, con kinh có các nhân vật qua lại trong truyện.
Sách được ra năm 1993, với một giải thưởng. Đây là cuốn sách hư cấu duy nhất tôi viết. Và chắc có những vụng về của cuốn sách đầu tay", Phạm Công Luận cho biết thêm.
Bên cạnh đó, truyện có cô bé Thảo với bài tập nghiên cứu và tìm hiểu về những câu ca dao – dân ca xưa, thể hiện niềm mong mỏi gìn giữ văn hóa của tác giả Phạm Công Luận.
Năm 2021, "Chú bé Thất Sơn" “tái ngộ” bạn đọc với 88 trang in màu cùng hình minh họa đặc sắc. Sách tặng kèm tấm postcard với ý nghĩa: gửi đi cho chính đứa trẻ trong bạn vài dòng động viên, đứa trẻ với những ước mơ bị vùi chôn do hoàn cảnh.
Cuốn sách "Chú bé Thất Sơn" của tác giả Phạm Công Luận hứa hẹn sẽ trở thành món quà tặng ý nghĩa dành cho các bé và cả quý phụ huynh trong dịp hè này.
Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô