CHERRY VŨ - Nếu bạn yêu con đủ...
CHERRY VŨ - Nếu bạn yêu con đủ...
Nếu bạn muốn một phép màu để con bạn tiến bộ thì đó chính là BẠN. Hãy thay đổi chính bạn để con bạn thay đổi. Nếu bạn vẫn muốn làm theo cách dễ: Đánh đập, chửi mắng, trừng phạt mỗi khi con mắc lỗi hoặc không theo ý mình sẽ chẳng ai có thể giúp được bạn. Chỉ có bạn mới có thể tự giúp mình. Hãy cởi mở, hãy tin rằng có những cách làm cha mẹ tốt hơn và học. Tôi tin rằng bạn yêu con đủ để vì con mà thay đổi chính mình.
Mỗi ngày Cherry nhận được rất nhiều tin nhắn, email của các ông bố bà mẹ hỏi về làm thế nào để sửa đổi những đứa con của mình: Từ việc con nói bậy cho đến lười nhác, luộm thuộm, từ việc ăn cắp tiền đến chơi game, rồi yêu đương, lười học, dùng smartphone… 

Tôi rất xin lỗi các bạn vì tôi không thể trả lời hết email hay tin nhắn của tất cả mọi người. Hãy thứ lỗi vì ngoài việc rất bận ra tôi không phải chuyên gia làm việc trong lĩnh vực gia đình và con cái. Hơn nữa những vấn đề các bạn hỏi hầu hết đã được thảo luận trong group "Đồng hành cùng con tuổi dậy thì", nếu bạn chịu khó đọc và học hỏi bạn đã có thể tự tìm ra câu trả lời. 

Có nhiều người đã đọc những bài viết trong group và đã thay đổi bản thân để làm cha mẹ tốt hơn. Họ học cách kiềm chế cảm xúc, học cách làm bạn với con, tôn trọng con hơn. Họ dùng ngôn ngữ khác đi, nói nhỏ nhẹ hơn, ngọt ngào hơn. Họ tìm cách kết nối với con mình bằng trái tim, thấu hiểu con hơn thay vì điều khiển chúng làm theo ý mình… và con họ đã dần dần trở lên tốt hơn. 

Nếu bạn muốn một phép màu để con bạn tiến bộ thì đó chính là BẠN. Hãy thay đổi chính bạn để con bạn thay đổi. Nếu bạn vẫn muốn làm theo cách dễ: Đánh đập, chửi mắng, trừng phạt mỗi khi con mắc lỗi hoặc không theo ý mình sẽ chẳng ai có thể giúp được bạn. 

Chỉ có bạn mới có thể tự giúp mình. Hãy cởi mở, hãy tin rằng có những cách làm cha mẹ tốt hơn và học.  Tôi tin rằng bạn yêu con đủ để vì con mà thay đổi chính mình. 

Bonus các bạn một bài viết trong cuốn sách CON MÌNH CHẲNG LẼ LẠI “VỨT”

--

Chúng tôi không phải là bậc cha mẹ hoàn hảo, chúng tôi cũng có những sai lầm và hối tiếc. Có nhiều việc chúng tôi đã có thể làm tốt hơn. Nhưng đây là những gì mà chúng tôi đã học được từ những kinh nghiệm và quan sát của bản thân và từ rất nhiều bộ óc thông thái khác:

Là cha mẹ, bạn có 7 năm đầu tiên để định hình nhân cách và sức mạnh tính cách của một đứa trẻ. Hãy làm điều đó bằng thật nhiều sự hỗ trợ tích cực cùng những cơ hội để thành công, từng bước giúp con xây dựng lòng dũng cảm và thái độ dám chấp nhận mạo hiểm. Đừng giúp con an toàn, đừng tỏ ra lo lắng, sợ hãi, cũng đừng bao giờ trừng phạt khi con gặp thất bại hay tai nạn. Hãy cố gắng không nổi giận, không bao giờ sử dụng bạo lực dù là bằng thể chất hay lời nói.

Sau đó, các thầy cô giáo sẽ có 7 năm để xây dựng tính cách cho con trên nền tảng đó.

7 năm tiếp theo, bọn trẻ đã là chính mình và bạn bè đồng lứa sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất đến chúng.

Trong 7 năm thứ tư, cuối cùng chúng cũng thôi không còn coi mình là cái rốn của vũ trụ nữa, chúng sẽ học hỏi từ xã hội, từ văn hóa cộng đồng và từ những thất bại của chính mình.

Vậy là, một khi bọn trẻ đến trường, bạn đã xong bổn phận định hình tính cách cho chúng, vai trò của bạn lúc này chuyển sang bảo vệ con khỏi nguy hiểm và cho phép con phát triển theo cách riêng của chúng. 

Khi con 14 tuổi, bạn cần phải trở thành một người bạn thân trong gia đình, không phải là người chỉ huy. Bạn không có quyền kiểm soát con nhiều hơn bất kỳ người nào khác, việc bạn cố gắng làm như vậy sẽ chỉ phá hủy tình yêu của chúng hoặc khiến chúng trở nên xa cách mà thôi.

Mục tiêu là đến khi con 20 tuổi, bạn vẫn là bạn của con và cả hai có sự tôn trọng lẫn nhau, để ít nhất con bạn còn chịu lắng nghe ý kiến của bạn.

Để giúp bạn trên hành trình này, điều cần thiết là bạn phải duy trì sự khách quan và hiểu con trong bối cảnh của những người quanh chúng. Hãy đánh giá chúng so với các bạn bè đồng lứa (chứ không phải một hoặc hai đứa trẻ “ngôi sao” nào đó). 

Đừng đánh giá con bằng những ước mơ mà bạn đã không đạt được hay bằng hình ảnh một đứa trẻ lý tưởng mà bạn muốn trưng ra để gây ấn tượng với bạn bè. Hãy đo lường con bằng những giá trị của bản thân chúng và xem liệu chúng có trung thành với niềm tin của chính mình hay không, bởi vì bạn chỉ có thể nhìn nhận con dựa trên chuẩn mực của chính chúng chứ không phải của bạn.

Hãy loại bỏ lo lắng. Bạn cần hiểu rằng những đứa trẻ bước ra từ những ngôi nhà hạnh phúc và lành mạnh đều sẽ trưởng thành. Bạn cần có lòng can đảm và niềm tin vào con. Càng tách con ra khỏi môi trường hạnh phúc và lành mạnh, bạn càng làm giảm các cơ hội của con trong cuộc sống. Bạo lực bằng lời nói hoặc thể xác từ cha mẹ không giúp ích gì cho sự hình thành nhân cách tốt ở con mà sẽ chỉ đầu độc chúng.

Hãy luôn yêu con và để con biết rằng bạn lúc nào cũng ở đó vì chúng. Tin tưởng chúng ngay cả khi bạn thấy hồ nghi. Chấp nhận những sai lầm, bản thân bạn cũng từng mắc sai lầm đó thôi. Dù chuyện gì xảy ra, hãy cho con thấy rằng lợi ích của chúng mới là mối quan tâm đầu tiên của bạn. Con càng tin tưởng chia sẻ với bạn, bạn sẽ càng biết rõ con mình có đang ổn hay không.

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cha mẹ là NGƯỜI LÀM VƯỜN không phải là THỢ MỘC

Con mình chẳng lẽ lại “vứt” – Không có một đứa trẻ nào là sự thất bại của tạo hóa

Tags: