Cảm hứng nữ quyền trong thơ Xuân Quỳnh
Cảm hứng nữ quyền trong thơ Xuân Quỳnh
Cá tính cứng cỏi, mạnh mẽ, trái tim độ lượng vị tha và một thẩm mỹ cổ điển nhưng luôn cởi mở, hướng tới sự khai phóng, đã kết tinh trong thơ Xuân Quỳnh dòng cảm hứng nữ quyền tự nhiên, vừa gần gũi với những tiêu chí nữ quyền đương đại đồng thời mang vẻ đẹp riêng tư sâu sắc.

Là nữ thi sĩ, thật tự nhiên, Xuân Quỳnh có một quan niệm riêng về giá trị cũng như hạnh phúc của người nữ, trong cái nhìn tổng quan của chị về những giá trị sống, giá trị thơ ca, cũng như cuộc đời. Không vờ như không biết tới vị thế phụ nữ của mình để hướng tới một cảm quan chung chung về con người, một tinh thần nhân loại quan liêu, Xuân Quỳnh thông qua những vui buồn day dứt của một người phụ nữ Việt Nam để khắc họa sâu xa hơn những giá trị mà chị cho là tinh tuý của con người.

 Người phụ nữ như Xuân Quỳnh viết thơ tình, không chỉ để giãi bày cảm xúc yêu đương. Tình yêu cũng là lĩnh vực để chị suy tư, day dứt, kiếm tìm những giá trị của bản thân và thông qua đó hướng tới giá trị của cuộc đời cũng như sự sống. Tình yêu với giới nữ được chọn làm nơi biểu lộ chữ tín và cái đẹp lý tưởng hoá. 

Nhà thơ Xuân Quỳnh

Cũng trong tình yêu, trong đời sống hôn nhân, Xuân Quỳnh ý thức rõ ràng về sự thua thiệt của giới nữ mà những định chế, sự thành kiến của xã hội mang lại:

"… Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi

Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hằng ngày

Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây

Gạo, bánh, củi, dầu chia thế nào cho đủ

Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa

Những quả cà mớ tép rau dưa…" (Thơ vui về phái yếu)

Chị hiểu rõ sự “ưu việt” của người nam, như một thế mạnh có sẵn do được ưu ái, cũng như vị trí khiêm nhường của giới nữ, là do đức hy sinh, lòng độ lượng mà thực ra là của kẻ mạnh:

"… Ta yêu người con trai không phải vì mình

Mà họ yêu ta vì họ yêu chính họ

Được yêu hai lần họ cao lên một bậc

Ta không được yêu cảm thấy thấp dần đi

Vì chính ta cũng chẳng yêu ta…

Chúng ta cam lòng với việc tần tảo nuôi con việc đồng ruộng hậu phương là việc phụ

Con trai cho rằng ra mặt trận, làm thơ là việc chính của đời kia…"

Chị không giấu giếm bản chất si mê, dám khổ lụy vì tình yêu:

"Không sĩ diện đâu nhưng nếu tôi yêu được một người

Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm

Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng…"  (Thơ viết cho mình và những người con gái khác)

Xuân Quỳnh cần tới tình yêu và sự nâng đỡ của người yêu, người bạn đời trong hành trình dài của tồn tại và thi ca:

"… Đường tít tắp không gian sâu như bể

Anh chờ em cho em vịn bàn tay"

Hai câu thơ tuy chưa thật nhuần nhị về ngôn ngữ, nhưng lại đằm sâu một niềm tin cậy thiết tha cảm động.

Chị cũng cảm thấy mình cô đơn, nhỏ bé, yếu đuối, như bất kỳ sinh linh nào, kể cả người nam. Và điều Xuân Quỳnh mong mỏi ở đây là sự tương trợ, chia sẻ, yêu thương giữa hai cá thể độc lập, cùng tự tôn và kiêu hãnh với giá trị riêng chứ không phải sự gia ân hay ban phát:

"Trong tay anh tay của em đây

Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ… " (Bàn tay em)

"… Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu về đâu…" (Thuyền và biển)

 

Câu thơ Xuân Quỳnh rạng rỡ ấm áp khi nói tới niềm vui chung sống lứa đôi:

"… Nhưng lúc này anh ở bên em

Niềm vui sướng trong ta là có thật

Như chiếc áo trên tường như trang sách

Như chùm hoa nở cánh trước hiên nhà… " (Nói cùng anh)

Chị sẵn lòng đặt người nam ở vị trí cao hơn, vì đó là người chị ngưỡng mộ về tài năng, và đó cũng là cách ứng xử đẹp vốn dĩ của tình yêu:

"… Nồi cơm sôi trên ngọn lửa bếp đèn

 Anh đã trở về trời xanh của riêng em " (Bầu trời đã trở về)

Là nhà thơ, Xuân Quỳnh hiểu được ý nghĩa lấn át, gần như tuyệt đối, của thế giới tâm tưởng đối với người viết:

"… Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có

Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa… " (Hoa cúc xanh)

Chị hiểu sự gắn bó của hai tâm hồn trong tình yêu là gắn bó của những giá trị chung mà cả hai phía cùng vun đắp, là sẻ chia rung động, âu lo, sẻ chia lý tưởng:

"Ôi trời xanh xin trả cho vô tận

Trời không xanh trong đáy mắt em xanh

Và trong em chẳng thể còn anh

Nếu ngày mai em không làm thơ nữa…"  (Nếu ngày mai em không làm thơ nữa)

Tình yêu gắn liền với che chở và vị tha đã đem lại cho Xuân Quỳnh cuộc sống hạnh phúc bên tình yêu lớn của đời chị, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Còn hơn thế, chị đã đón nhận Lưu Quang Vũ giữa thời điểm “tan nát, kinh hoàng”, đem lại cho con người phiêu bạt “luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ những ngọn lửa không có thật” một cuộc sống thăng bằng, ấm áp, tin cậy, góp phần quan trọng để Lưu Quang Vũ tiếp tục là nhà thơ cũng như bộc lộ tài năng sáng chói trên sân khấu kịch sau này. 

Bản tính chất phác, nồng hậu và hơi giản đơn khiến cho chị thường có xu hướng tìm đến cái ổn định, một niềm tin chắc chắn vào “lẽ phải” của sự hy sinh, vị tha trong tình yêu cũng như cuộc đời.

 Ảnh sự kiện "Đêm thơ, nhạc, kịch “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại” nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất"
 

 

"…Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại

Kìa bao người yêu mới

Đi qua cùng heo may… " (Thơ tình cuối mùa thu)

 

"Bao ngày tháng đi qua trên mái tóc

Chỉ em là đã khác với em xưa

Nhưng màu hoa đâu dễ quên nguôi

Thành phố ngợp ngày nao chiều gió dậy

Gương mặt ấy lời yêu thuở ấy

Màu hoa vàng vẫn cháy trong em…" (Hoa cúc)

 

"Mùa của tôi, mùa hạ đã đi chưa

Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết

Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển

Quả ngọt ngào vẫn thắm thiết màu hoa…" (Mùa hạ)

Nhưng cũng chính ứng xử đẹp, sự tín nghĩa và lòng hy sinh vô điều kiện cho tình yêu ở Xuân Quỳnh từ phương diện nào đó làm cho tình yêu trở thành sự giam cầm và nỗi thất vọng. Nếu Xuân Quỳnh tin chắc vào ý nghĩa trường cửu, vô biên của tình yêu, nếu quả đúng “lòng tốt để duy trì sự sống” thì điều này lại không hẳn đóng vai trò quyết định trong say mê luyến ái. Chị không giấu giếm những đổ vỡ:

"Mắt anh nâu một vùng đất phù sa

Vùng đất của nơi nào trong trí nhớ

 Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ

Giữa vô cùng hoang vắng giữa cô đơn…

Mấy năm rồi thơ em buồn hơn

Áo em rộng lòng em tan nát… "   (Không đề II, Viết cho Vũ)


Mất mát trong tình yêu thực ra là điều Xuân Quỳnh đã lường tới và băn khoăn từ trước:

Anh, nghìn nỗi lo âu

 Anh, dòng thơ nổi gió Mà em người đời thường

 Biết là anh có ở… (Anh)

Nhưng nó hiện ra như một sự thật không bất ngờ mà đượm buồn:

"Mái tôn dột sao mà mưa mãi

Anh ra đi

Phố vắng

Đầu trần

Chẳng có gì để em nói về em

Em chỉ thấy em là người có lỗi"

Đổ vỡ trong tình yêu của Xuân Quỳnh phần nào nói lên “thất bại” cục diện trong tư tưởng nữ quyền của chị. Nếu lòng tốt có thể đồng nghĩa với lẽ phải và chân lý, thì chân lý này dường như phải dừng bước trước cái bí ẩn trớ trêu của luyến ái. Quan niệm rốt ráo của nhà thơ về tình yêu, như một giá trị chân thiện của đời sống, chỉ đúng một nửa:

“Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng

 Lòng tốt để duy trì sự sống

 Cho con người thực sự người hơn”.

 

Tình yêu trong bản chất sâu xa của nó là nhân tính, cao thượng và vị tha, nhưng cũng bao hàm cả khía cạnh vị kỷ. Khi mỗi người đều tự nguyện hy sinh và cũng đồng thời được thoả mãn cao nhất cá nhân mình.

 


Ngoài đời thực, Xuân Quỳnh là người đàn bà đẹp và được yêu, nhưng ít khi chị thể hiện lòng tự tôn về điều này trong thơ. Lòng kiêu hãnh ấy chỉ bộc lộ gián tiếp thông qua tâm trạng đắm đuối, dốc lòng của chị khi đến với luyến ái: chị đã được yêu, luôn mong muốn và hoàn toàn xứng đáng để được yêu đáp trả lại cũng nồng nàn như vậy. 

Một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng nữ quyền trên thế giới những năm 1960 là xoá bỏ những định kiến đối với giới nữ về mặt tính dục và tình dục, trả lại vị thế chủ động của người nữ trong những lĩnh vực đó. Mặc dù thơ Xuân Quỳnh còn chưa chính thức động chạm tới lĩnh vực cảm xúc nhục thể trong tình yêu nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận bàng bạc, lan toả trong những lời thơ say đắm si mê của chị sức mạnh, ẩn ức mãnh liệt của nhục thể. Nó hoàn toàn có thể có chung nguồn gốc với năng lượng của tính nữ mạnh mẽ tràn đầy trong con người nhà thơ.

***
Thơ Xuân Quỳnh không phải không có những mặc cảm:

Anh đừng hỏi tên hoa làm chi nữa

Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi

Không phải hoa được ở cùng người

 Được chăm sóc trong mảnh vườn sạch cỏ…

… Những hoa này lại nở cho triền núi

Lại nở cho vẻ đẹp của rừng chung

Nên ít ai để ý sắc từng bông

Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ

Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ…     (Hoa dại núi Hoàng Liên)

… Không tìm đâu một chỗ nương nhờ

Mỏng manh thế chịu làm sao nổi

Chuồn chuồn ơi báo làm chi bão tới?

 Trời bão lên rồi mày ở đâu?   (Chuồn chuồn báo bão)

Dù có những tương đồng để liên tưởng tới thân phận người nữ, nhưng những ẩn dụ này trong thơ Xuân Quỳnh không hẳn để ám chỉ ý thức về sự lạc loài, bạc mệnh mang phẩm chất giới nữ. Nó có thể là ám ảnh về nỗi cay đắng và bị phụ bạc nói chung của phận người, sự đổ vỡ của cảm thức tin yêu, nồng hậu trước logic thực dụng tàn nhẫn của đời sống, sự vỡ lẽ một ảo tưởng bền lâu.

Nếu thơ Xuân Quỳnh đậm đà, chan chứa ý nghĩa trữ tình, tự tình theo cảm thức cổ điển, dù có lối biểu đạt thông minh và hóm hỉnh nhưng chưa thực nhiều giá trị suy tưởng, thì chính trong những bài thơ mang dư vị cay đắng này, người đọc nhận thấy tinh thần phê phán sắc sảo của chị. Dù Xuân Quỳnh phê phán chưa mãnh liệt bằng yêu thương.

Dấn thân quyết liệt để kiếm tìm giá trị của đời sống, của tình yêu, cũng là giá trị cá nhân khi khám phá những “chân lý” rộng lớn hơn tồn tại của một con người đơn lẻ, Xuân Quỳnh đã luôn trung thực với những gì riêng chị nhận thức và tin theo. Dù có đổ vỡ, đắng cay, nhưng Xuân Quỳnh chưa bao giờ chùn bước hay nao núng tâm thế trực diện và tự mình lãnh nhận, chứng nghiệm tất thảy sóng gió, truân chuyên, nghịch lý của cuộc đời. Có thể có những điều chị chưa kịp hay chưa đủ vốn liếng để lý giải trọn vẹn. Nhưng năng lực nhận thức một cách độc lập, bản năng mãnh liệt cuốn phăng mọi giáo điều định kiến, sự cả tin và trả giá cho lòng tin cũng như phương cách sống riêng mình, lòng tự tin vào tính nữ, cũng là tự tin vào bản thân, tất thảy bộc lộ con người trong tâm thế chủ động, khai phóng và đích thực tự do, bất kể mọi khuôn mẫu, thành công hay thất bại, bất kể cả những quan niệm được định hình về “nữ quyền”.

Người nữ lớn lao và bình quyền, trước hết là người nữ sống trọn vẹn thiên tính và phẩm giá của mình, trung thực với khát vọng, ham muốn hay bản tính tự nhiên mà không mấy bận tâm đến các hình mẫu, khuôn thước từ bên ngoài. Cho dù đó có là những tiêu chí về “nữ quyền” hay sự “được ưu đãi ngang bằng với nam giới” đi chăng nữa. Bởi vì mọi tiêu chí đều là tương đối và nhất thời, chỉ có con người là thật sự tự do và lớn lao mà thôi.

 

Theo Tia sáng