Cái chết và Nghệ thuật
Cái chết và Nghệ thuật
Cái chết, nỗi ám ảnh đáng sợ nhất của loài người có phải là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật?

Trương Trần Trung Hiếu

 

Cái chết và tàn hoại luôn là nỗi ám ảnh triền miên từ buổi sơ khai của lịch sử loài người. Bắt đầu khi con người lần đầu tự ý thức, có lẽ là 50,000 năm trước ở loài Homo neandertal - một quá khứ xưa cổ hơn của con người chúng ta,, cái chết đã là một điều gì đó quan trọng. Rất có khả năng Homo neandertal biết quan tâm tới linh hồn, khi xác người được phủ hoa và vùi chôn trong những tư thế cẩn trọng. Trong lối tiễn đưa đã phô bày những xung động thẩm mỹ sơ khai, và ở mức độ nào đó ta có thể gọi là nghệ thuật. Từ đây có chuyến song hành: cái chết và nghệ thuật


Ít có ai chuẩn bị cho cái chết chu đáo và cuồng nhiệt như người Ai Cập. Một mắt xích quan trọng trong đời sống thượng lưu là chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến ra đi. Phần lớn tài sản được dùng để sửa soạn lăng tẩm, châu báu được đưa vào hầm mộ, những “cuốn sách của người chết” trên giấy papyrus đầy hình vẽ và hướng dẫn chi ly cách đến vùng đất các vị thần được kẹp theo xác ướp. Nhìn lên lăng mộ ta thấy sự vĩnh hằng. Tất cả được làm ra để trường tồn, “mọi thứ sợ thời gian, thời gian sợ kim tự tháp”.

 

Nefertiabet, con gái của pharaoh Khufu, được khắc họa trên bức phù điêu trong lăng mộ bà, thuộc quần thể kim tự tháp Giza. Nguồn: Werner Forman.

 

Hãy gặp gỡ pharaoh Menkaure và hoàng hậu Khamerenebty qua hiện thân nghệ thuật của họ. Bức tượng được chế tác trên khối đá diorite - một vật liệu rất bền. Toàn bộ thân người của cặp đôi dính vào trụ đá. Về mặt vật lý, hình khối dạng này sẽ khó bề đổ sụp. Gương mặt hướng về phía trước trong một tư thế cân bằng tĩnh tại. Không có chấm phá cá tính, tạo hình chỉ là những ước lệ gợi ý thanh thản, vui tươi, cặp đôi hướng mắt về một miền xa xăm trong niềm say sưa triền miên. Tất cả từ hình thức tới công năng đều hướng về một nhiệm vụ chung: vĩnh hằng.

 

Xa hơn về miền viễn Đông, gã khổng lồ mất ngủ vì ám ảnh điên loạn về cái chết. Tần Thủy Hoàng say mê tìm thuốc trường sinh để được trị vì đế chế bao la đến muôn đời. Các Pharaoh tạo ra nghệ thuật để tới vĩnh hằng và cái chết được xem là hiển nhiên, thì Tần Thủy Hoàng tìm kiếm vĩnh hằng ngay trong đời sống hiện tại. Nghệ thuật do ông bảo trợ chỉ là một kế hoạch sơ cua: lỡ may lò luyện đơn không thành và ông chết, vua Tần sẽ tiếp tục thống lĩnh một đế chế vĩ đại ở bờ kia. Đó là lý do đội quân đất sét ra đời. Hàng ngàn con người và động vật với biểu cảm riêng biệt, trang phục và vũ khí phản ánh phẩm vị, thậm chí tới những hoa văn trên đế giày cũng hết sức đa dạng. Kế hoạch B đồ sộ nhất thế giới.

Giữa 8,000 binh lính trong đội quân đất nung, mỗi bức tượng như chứa đựng câu chuyện riêng về từng con người với phục trang, tư thế và biểu cảm riêng biệt. Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Tây An. Nguồn: Peter Morgan.

 

Nghệ thuật Kito xoay quanh một cái chết vĩ đại, mà theo họ, sẽ mang lại cứu chuộc và hồi sinh. Cảnh đóng đinh Jesus Kitô được vẽ đi vẽ lại trong suốt hai ngàn năm lịch sử tôn giáo. Dưới nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, có khi đó là cái chết thần thánh và vô tư trong Trung cổ, hay quằn quại đau đớn của một con người xương thịt ở Phục hưng. Khoảng năm 1600-1601, Caravaggio vẽ cảnh đóng đinh thánh Peter - một trong mười hai Môn đồ của Jesus. Kỹ thuật đầy kịch tính và căng thẳng của phái Baroque đã lột tả cảnh bạo lực: cây thánh giá và người đàn ông đứng cắt nhau thành bố cục hình chữ thập nghiêng, kết cấu bức tranh như một cảnh diễn dồn dập, nhịp điệu hối hả và các nhân vật thật sự chuyển động. Cây thánh giá vừa được nhấc lên và sự tròng trành, mất thăng bằng của một khoảnh khắc thật được nhấn mạnh bằng bố cục phi đối xứng. Ánh sáng, chuyển động đưa người xem đến dự vào cảnh bạo lực điên cuồng này.

Như một cảnh diễn dưới ánh đèn sân khấu gay gắt, những nhân vật như lọt khỏi khung tranh và chuyển động trước mắt ta trong một xung đột điên cuồng. Crucifixion of Saint Peter, Caravaggio. Nguồn: Wikipedia. 

Trong phần lớn đời sống, chúng ta ít khi nghĩ về cái chết cho tới một lúc đứng trước sự ra đi, ta giật mình tự phản ánh: Memento mori - nhớ rằng ai rồi cũng chết. Câu châm ngôn Latin là chủ đề day dứt trong Vanitas, một loại tranh tĩnh vật chất đầy biểu tượng về cái chết. Nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm vĩnh hằng đã biến mất, cũng không thấy lời hứa cứu rỗi nào. Vanitas là một sự thật thì thầm mãi bên tai: cái chết không thể tránh khỏi. Sọ đầu, hoa quả tàn úa, khói xám, đồng hồ, nến tắt, cái chết thật phũ phàng.

Cây đàn, đồng hồ, quả cầu và ly thủy tinh ngụ ý cuộc sống mong manh lại trôi qua nhanh chóng. Đầu lâu là cảnh tỉnh rõ ràng nhất về cái chết. Một quả chanh lột vỏ rồi bị bỏ cho héo úa. Cái chết là một hiện thực buồn. Vanitas Still Life with Self-Portrait, Pieter Claesz, 1628. Nguồn: Wikipedia.

Thập niên 1990, nghệ sĩ Anh Damien Hirst khuấy lên tranh luận về cái gọi là nghệ thuật: ông cắt nhỏ xác các con vật rồi ngâm chúng vào dung dịch formaldehyde, những sắp đặt gợi nhắc cái chết và chia ly. Sẽ có người tán dương ý niệm nghệ thuật và triết học, hoặc thảng thốt lên rằng “cái này mà là nghệ thuật à?” Mỹ học đương đại là một hỗn độn. Dẫu sao, “Sự Bất lực Thân xác về Cái chết trong Tâm trí ai đó Đang sống” (The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living) là một chủ đề triết học đầy gợi cảm. Con cá mập hổ bị cắt ra làm ba mảnh trong một sắp đặt gợi nhắc sự chia ly. Liệu một con cá mập, dung dịch ướp xác và cái thùng có làm nên nghệ thuật?
The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living. Nguồn: damienhirst.com

Phản ứng căng thẳng của memento mori được làm dịu lại bởi cái nhìn lạc quan của mỹ thuâṭ Thực địa (Landart). Tác phẩm là môṭ phần của chu trình tự nhiên, được sinh ra, lưu lại và tan biến. Sử dụng những chất liêụ có sẵn trong một khu rừng, trên cánh đồng hay bờ đê, nghệ sĩ sáng tạo tại chỗ và chụp một bức ảnh, rồi bỏ tác phẩm lại với thiên nhiên để tiếp tục vòng đời của chúng. Sự lụi tàn là không thể tránh khỏi, nhưng hóa ra không có gì tiếc nuối, bởi tác phẩm từng có một đời sống đẹp và chẳng qua, nguồn năng lượng đẹp đó phân rã để rồi tái hợp lại mai sau. Trong nghệ thuâṭ đó, cái hữu hạn của đời sống chúng ta trở nên môṭ nét duyên dáng bất ngờ.

 

Tags: