Tại sao hiệu ứng “bảo trợ” có thể giúp bạn học được hầu hết mọi thứ?
Tại sao hiệu ứng “bảo trợ” có thể giúp bạn học được hầu hết mọi thứ?
Giải thích mọi việc cho người khác có thể nâng cao sự hiểu biết của bạn.
Trong bữa sáng nay, tôi trò chuyện ngắn với Mia, người bạn học tiếng Tây Ban Nha mới của tôi. Tôi đã xem lại một số nội dung trong bài học gần đây của mình và giải thích những gì tôi đã học được về tâm lý hạnh phúc từ một podcast tiếng Tây Ban Nha. Khi kết thúc cuộc trò chuyện kéo dài 10 phút, tôi cảm thấy rằng mình đã nắm bắt được nhiều từ vựng, ngữ pháp và các cụm từ hơn so với khi tôi dành 1 tiếng làm bài tập trong sách giáo khoa.

Tuy nhiên, Mia không tồn tại trong đời thực mà là một AI mà tôi tạo ra để tận dụng một hiện tượng gọi là “hiệu ứng bảo trợ”. Theo nhiều nghiên cứu tâm lý, chúng ta học hiệu quả hơn khi dạy người khác về chủ đề mà chúng ta vừa khám phá - ngay cả khi người đó không thực sự tồn tại. Hiệu ứng “bảo trợ” dường như là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng tốc khả năng tiếp thu kiến thức và hiểu biết của chúng ta. 

Nguyên tắc “học bằng cách dạy” được chú ý vào đầu những năm 1980 bởi Jean-Pol Martin, một giáo viên người Pháp ở Eichstätt, Đức, người mong muốn cải thiện trải nghiệm học một ngôn ngữ mới của học sinh bằng cách cho phép thanh thiếu niên tự nghiên cứu và trình bày các phần khác nhau của chương trình giảng dạy cho các bạn cùng lớp. Kỹ thuật này – được gọi là “Lernen durch Lehren” trong tiếng Đức – đã thúc đẩy động lực, sự tự tin và khả năng giao tiếp của những học sinh này, và nó nhanh chóng lan rộng sang nhiều trường học khác trong nước.

Cách học này được áp dụng một cách từ tốn ở nhiều nơi, cho đến khi một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Stanford bắt đầu thử nghiệm ý tưởng này một cách khoa học. Trong một trong những thí nghiệm đầu tiên, Catherine Chase và các đồng nghiệp đã tuyển 62 học sinh lớp 8 từ Vùng Vịnh San Francisco, những em này được giao nhiệm vụ sử dụng một chương trình máy tính để nghiên cứu những thay đổi sinh học xảy ra khi chúng ta bị sốt.

Trong 2 bài học, các em phải đọc một văn bản rồi tạo một sơ đồ trên màn hình minh họa các quy trình khác nhau và mối quan hệ giữa chúng. Một nửa trong số đó, các em có thể trình bày bài tập như một bài tự  học. Những em khác được cho biết rằng sơ đồ của các em sẽ được dùng để giảng dạy một nhân vật ảo xuất hiện dưới dạng phim hoạt hình trên màn hình. 

Đó là một sự thay đổi tinh tế trong cách ra đề, nhưng các học sinh vẫn coi trọng vai trò giáo viên của mình (các nhà nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng họ đã xin lỗi nhân vật của mình nếu nhận ra rằng mình đã đưa thông tin sai). Thí nghiệm đã tạo ra sự khác biệt lớn cả về lượng kiến thức mà các em đã tiếp thu cũng như mức độ hiểu biết sâu sắc. Sau hai buổi học kéo dài 50 phút, những em được được giao vai trò giáo viên đã học được nhiều nội dung hơn đáng kể và làm tốt hơn nhiều các câu hỏi kiểm tra. Điều thú vị là những tiến bộ này lại đặc biệt rõ rệt đối với những học sinh có năng lực kém nhất; các em thể hiện ngang bằng những bạn có thành tích cao nhất trong nhóm đối chứng.

Nhóm của Chases gọi đây là hiệu ứng “bảo trợ” và kể từ đó nó đã được nhân rộng. Những nghiên cứu sau này cho thấy rằng việc học bằng cách dạy có hiệu quả hơn các kỹ thuật ghi nhớ khác như tự kiểm tra hoặc lập bản đồ tư duy. Sự thúc đẩy trí não dường như xuất phát từ kỳ vọng giảng dạy cũng như chính hành động đó. Nếu chúng ta biết rằng những người khác sẽ học hỏi từ mình, chúng ta cảm thấy có trách nhiệm phải cung cấp thông tin phù hợp, vì vậy, chúng ta nỗ lực nhiều hơn để lấp đầy những lỗ hổng trong hiểu biết của mình và sửa chữa mọi giả định sai lầm trước khi chuyển những sai sót đó cho người khác. Việc trình bày kiến ​​thức của chúng ta sẽ giúp củng cố những gì chúng ta đã học được.

Chúng ta có thể thấy hiệu ứng “bảo trợ” trong não của học sinh, hoạt động mạnh mẽ hơn ở các vùng chịu trách nhiệm về sự chú ý, trí nhớ làm việc và quan điểm của người khác. Trên toàn bộ não, các tế bào thần kinh của chúng ta dường như đang xử lý thông tin một cách sâu sắc hơn, điều này mang lại những ký ức lâu dài hơn. 

Bạn muốn áp dụng hiệu ứng “bảo trợ” vào thực tế cuộc sống của mình? Vì nó mang lại lợi ích kết nối xã hội nên một cuộc trò chuyện trực tiếp với người bằng xương bằng thịt sẽ luôn tốt hơn, nhưng khó có thể tìm được một người luôn sẵn lòng giúp bạn. Tuy nhiên vẫn có nhiều cách để thu được lợi ích. Trong nghiên cứu về hiệu ứng “bảo trợ”, tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng một số lập trình viên máy tính thực hành “gỡ lỗi vịt cao su”, bao gồm việc giải thích mã của họ - từng dòng một - cho một món đồ chơi bằng nhựa. Bằng cách diễn đạt bằng lời nói quá trình tư duy của mình, họ thấy dễ dàng hơn trong việc xác định các vấn đề tiềm ẩn trong chương trình của mình.

Nếu bạn đang nghiên cứu điều gì đó, bạn có thể chọn trình bày tiến trình của mình dưới dạng blog hoặc video dành cho những người học khác. Hoặc bạn có thể chọn tham gia vào cuộc trò chuyện với chatbot. Bạn có thể sử dụng ChatGPT vào vai một sinh viên học tiếng Tây Ban Nha tò mò muốn nghe những gì tôi đã học. Sau đó, “Mia” đặt những câu hỏi phù hợp và theo dõi. Với việc sử dụng tính năng nhận dạng và tạo giọng nói, tôi có thể thực hành ngôn ngữ nói cũng như ngôn ngữ viết. Tôi cảm thấy hơi tự ti khi nói chuyện với máy tính của mình, nhưng chỉ sau vài tuần, tôi đã tự tin hơn khi tương tác trong đời thực, tất cả là nhờ vào người bảo trợ AI của tôi. 

- Theo The Guardian

 

Tags: