Các nền tảng xuất bản truyện tranh
Các nền tảng xuất bản truyện tranh
Với lượng độc giả Gen Z đông đảo, các nền tảng truyện tranh được đầu tư mạnh, phát triển nội dung phong phú.

Zestworld, một nền tảng truyện tranh dựa trên đăng ký của người dùng, vừa thông báo họ đã huy động được 9,37 triệu USD. Lượng vốn này được sử dụng để tạo ra một nền tảng xuất bản và phát hành cho những người sáng tạo truyện tranh kỳ cựu.

Hình ảnh từ The Awakened, một truyện tranh với nhân vật siêu anh hùng, sẽ được xuất bản trên Zestworld. Ảnh: Publishersweekly

 Tham vọng phá vỡ thế độc quyền của Marvel và DC

Được công bố lần đầu tiên vào tháng 11/2021, Zestworld có kế hoạch phát hành các tác phẩm gốc được tạo ra bởi những nhà sáng tạo truyện tranh nổi tiếng. Nền tảng Zestworld cung cấp cho biên kịch, họa sĩ truyện tranh nhiều dịch vụ hỗ trợ: Quản lý kinh doanh, cộng đồng trực tuyến, xuất bản kỹ thuật số, sự kiện ảo, quản lý bản quyền, hướng dẫn phát hành NFT.

Với nền tảng đó, người sáng tạo truyện tranh không chỉ là tác giả, họ sẽ tham gia với tư cách là người làm xuất bản, quản lý kinh doanh và chủ tịch câu lạc bộ người hâm mộ của chính mình.

 

Nền tảng mới của Zestworld hứa hẹn cung cấp cho người sáng tạo khoản thù lao đáng kể, cơ hội xuất bản truyện tranh gốc thông qua đăng ký nhận bản tin, chuyển thể tác phẩm sang định dạng mới, đồng thời giữ toàn bộ quyền sở hữu của tác giả.

Hiện, một số tác giả truyện tranh nổi tiếng đã tham gia nền tảng này. Trong số các truyện tranh mà Zestworld mới công bố có The Awakened về một siêu anh hùng bí ẩn; Boom Pow! Có nhân vật bất tử được đánh thức trong thế giới hiện đại; và ARC Athena, câu chuyện về một đội siêu anh hùng...

Từ nội dung tới tham vọng của Zestworld cho thấy dự án mới phá vỡ mô hình xuất bản truyện tranh mà Marvel và DC đã định hình. Với Marvel và DC, các nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm dài kỳ thuộc sở hữu của công ty (chẳng hạn Siêu nhân và Người nhện). Các tác giả như họa sĩ, biên kịch là những người tạo ra các nhân vật nổi tiếng đó thông qua hợp đồng với công ty.

Zestworld tham gia Substack, một nền tảng xuất bản kỹ thuật số cung cấp bản tin, nội dung cho người trả phí. Giống Zestworld, Substack từng công bố đội ngũ những tác giả tạo truyện tranh trên nền tảng của mình, trong số đó có James Tynion IV, Khary Randolph, Joanne Starer…

Trên Publishers Weekly, Chris Gilberti - Giám đốc điều hành và người sáng lập Zestworld - nói trong những năm gần đây, ngành công nghiệp truyện tranh phát triển vượt bậc, tạo ra những cú hit toàn cầu với quy mô chưa từng có trong lịch sử công nghiệp giải trí.

Chris Gilberti cho rằng cần trang bị cho cộng đồng tác giả truyện tranh một nền tảng chuyên dụng, phù hợp để tác giả được hưởng lợi nhiều hơn từ những gì họ sáng tạo ra.

 

Phim Itaewon Class chuyển thể từ webtoon đình đám tại Hàn Quốc. Ảnh: NF.

 

Nền tảng xuất bản truyện tranh ngày càng lớn mạnh

Zestworld là một trong những nền tảng được đầu tư phát triển mạnh trong thời gian qua, cho thấy xu thế mới của công nghiệp truyện tranh thời kỹ thuật số.

Đứng đầu thị trường là Webtoon - ứng dụng được phát triển bởi công ty Line, Hàn Quốc. Tới năm 2020, Webtoon đã có hơn 60 triệu người dùng hàng tháng và có hơn 100 tỷ lượt xem trên toàn thế giới.

Webtoon tiên phong tạo ra mô hình xuất bản manhwa (truyện tranh theo cách gọi của Hàn Quốc) cho các thiết bị di động. Nhiều tác phẩm trên nền tảng này có lượng xem lớn; đơn cử truyện Lore Olympus có gần 300 triệu lượt đọc kể từ khi ra mắt, True Beauty đạt hơn 200 triệu lượt đọc, 30 tác phẩm best-seller của Webtoon đã đạt 2,4 tỷ lượt đọc trên toàn thế giới (số liệu năm 2019). Từ truyện tranh trên nền tảng kỹ thuật số, một số tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyền hình ăn khách.

Năm 2021, công ty công nghệ Naver (chủ sở hữu Webtoon) đã hoàn tất việc mua lại Wattpad. Điều này giúp Naver gia tăng lượng người sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh nội dung. Hai thương hiệu Wattpad và Webtoon sẽ có lượng người sử dụng hàng tháng vượt quá 166 triệu.

Wattpad khi hoạt động độc lập có khoảng 90 triệu người dùng hàng tháng, hầu hết trong số họ thuộc thế hệ Z. Trong số đó, có 5 triệu người dùng là tác giả, nhà văn; còn lại là 85 triệu độc giả. Đây là lượng độc giả lớn cho bất cứ doanh nghiệp nào đang kinh doanh trong ngành công nghiệp nội dung.

Tapas - một trong những nền tảng truyện tranh lớn - đã tăng dần lượng độc giả của mình, có bước nhảy vọt năm 2019, với khoảng 2,2 triệu lượt người dùng hàng tháng, doanh thu tăng gần 250%.

Năm 2020, công ty này tuyên bố đạt 100 triệu lượt đọc trả phí; tổng chi phí mà công ty này thanh toán cho người sáng tạo trên nền tảng của mình đạt 14 triệu USD. Dù không công khai dữ liệu tài chính của mình, song doanh thu Tapas tăng gấp 5 lần từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2020.

Hiện, có khá nhiều họa sĩ truyện tranh Việt Nam đăng tải song song phiên bản tiếng Anh tác phẩm của họ lên Tapas, bên cạnh phiên bản tiếng Việt tại nền tảng trong nước. Ngoài việc nhận bản thảo truyện tranh từ các tác giả độc lập, Tapas cũng có studio riêng để tự phát triển nội dung thuộc sở hữu của họ.

Năm 2020, tập đoàn Kakao (Hàn Quốc) đã mua lại 21,68% quyền sở hữu Tapas, cho đến tháng 5/2021 thì quyết định thâu tóm hoàn toàn nền tảng xuất bản giàu tiềm năng này.

 

Theo Zing News

Tags: