Cá voi ở biển Đề Gi và vấn đề “cứu biển”
Cá voi ở biển Đề Gi và vấn đề “cứu biển”
Bầy cá voi trở về vùng biển Đề Gi, vốn là một cảng cá nhỏ thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã làm cho nơi này trở thành tâm điểm chú ý đặc biệt của Việt Nam với hình ảnh bầy cá voi “neo đậu” để săn mồi, tạo ra những hình ảnh tuyệt đẹp. 

Đây là một tín hiệu đáng mừng cho môi trường biển Việt Nam bởi các nhà khoa học nhận định rằng đây là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường biển sạch, trong lành và trù phú. 

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại vấn đề “cứu biển” ở các địa phương khác. Và không còn cuốn sách nào thích hợp hơn cuốn “Du ký xanh - Hành trình cứu biển” của tác giả Lekima Hùng để giúp chúng ta có những cái nhìn chân thực nhất về vấn đề này. 

Tác giả đã thực hiện hai cuộc hành trình dọc theo mọi ngóc ngách đường bờ biển Việt Nam, từ Bắc vào Nam bằng xe máy với “vũ khí” là máy ảnh và những công cụ để chụp ảnh. Nhưng những thứ anh chụp không phải là cảnh đẹp, mà anh chụp… toàn rác là rác.  

du-ky-xanh-han-trinh-cuu-bien

Bãi biển tìm cát khó hơn tìm… rác

“Ba giờ chiều hôm ấy tôi đến Tuy Phong, Bình Thuận. Trước mắt tôi hiện ra một bãi biển dài cả cây số ngập ngụa trong rác, chủ yếu là túi ni-lông, nhựa, quần áo, rác thải sinh hoạt… Tôi phóng tầm mắt ra xa, không thấy gì khác ngoài rác. Tôi cảm thấy nghẹt thở, chưa bao giờ tôi thấy một bãi biển nhiều rác như thế này. Phải một lúc tôi mới trấn tĩnh lại và lấy máy ra chụp. Tôi dựng xe, bước đi trên bãi biển, thật may là tôi đang đi một đôi giày cao cổ bởi ngay bước đầu tiên, chân tôi đã lút trong rác. Quả thật, bạn chỉ có thể chịu đựng được được, nếu như không nhìn xuống chân và mũi bị… điếc. Đó là sự nhớp nháp của rác thải các loại lâu ngày rỉ nước ra, và mùi của chúng mới thật kinh khủng làm sao. Dù đã cẩn thận đeo khẩu trang, tôi vẫn cố gắng ngắn mình không nôn ọe. Chưa hết, tai tôi còn bị tấn công bởi tiếng vo ve như một bản hòa tấu không dứt của lũ ruồi, nhặng, thứ âm thanh mà tới mãi sau này khi đã về nhà, tôi vẫn còn ám ảnh. Thú thật, điều duy nhất mà tôi muốn làm lúc ngày là nhanh nhanh thoát khỏi đây. Tay cầm chặt máy ảnh, tôi đưa lên ngắm và nín thở, thật tập trung chụp và chụp. 

Đúng là, lần đầu tiên trong đời tôi thấy một bãi biển mà không hề có cát, nói đúng hơn không thể tìm thấy cát. Chỉ có rác!”

du-ky-xanh-hanh-trinh-cuu-bien
Nhiếp ảnh gia "chụp rác" Lekima Hùng trên hành trình của mình

Gửi gì cho em ở cuối sông Hồng?

“Rời Nam Định, tôi đến với hạ nguồn sông Hồng. Vừa đến nơi, mùi rác đã xộc lên.

  • Sao ở đây nhiều mùi rác thế em ơi?
  • Rác từ thượng nguồn theo dòng chảy về anh ạ. Nhiều rác lắm. Anh đi theo em - H., bạn thanh niên tôi tình cờ gặp trên đường trả lời tôi như vậy.
  1. dẫn tôi đi sâu vào sát với đê đoạn cuối sông Hồng. Dòng nước ngầu đỏ nhưng không phải màu đỏ của phù sa mà là ngầu đỏ của những váng dầu loang loáng. Trên mặt nước rác nổi lềnh phềnh. Bà con quanh khu vực nói, tới mùa lũ, rác từ thượng nguồn đổ về rất nhiều gây ô nhiễm khắp nơi. Tôi đã nghe kể về việc rác theo dòng chảy của con sông đổ về phía hạ nguồn nhưng chưa bao giờ chứng kiến cho đến hôm nay. Đây là lần đầu tiên tôi đến được hạ nguồn của dòng sông huyền thoại và tiếc là cũng giống như con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh, giống như Nha Trang, như Cần Giờ, như Hòn Phụ Tử… 

Mặt nước đỏ ngầu phù sa như khóc, nước mắt chảy dềnh ra kẹt vào mớ hỗn độn đủ thể loại, từ túi ni-lông tới rau cỏ cá mắm…”

du-ky-xanh-hanh-trinh-cuu-bien
Thực trạng tại nhiều tại nhiều bãi biển từ Bắc vào Nam trên hành trình của tác giả

Đến với thực tế để thay đổi

Như lời giới thiệu của nhà báo, nhà lữ hành, tác giả du ký Trương Anh Ngọc: “Lekima Hùng đi và chụp. Thực ra anh không phải nhà văn, cũng không phải một nhà lữ hành. Do đó, cuốn sách được viết một cách chân thực nhất, không lãng mạn mà giản dị, nhưng rất sinh động. Anh là một nhiếp ảnh gia và với chủ đề thực hiện, anh là một người cầm máy rất khác với nhiều người chụp ảnh chỉ thường chú ý đến các yếu tố đơn thuần về thẩm mỹ và hay ngợi ca cái đẹp tôi đã quen. Lekima Hùng chụp rác thải nhiều, và anh còn có biệt danh là “Hùng rác”. Chụp về môi trường không chỉ là một thể loại mang tính “xanh”, đó còn là một tuyên ngôn của nhiều người có lương tri và trái tim trên thế giới.” 

Cuốn sách này chỉ đơn giản là ghi lại một phần những gì đáng chú ý nhất trong những hành trình đi chụp của tác giả trong những năm năm qua. Nó không chỉ là phản ánh, mà còn thúc đẩy hành động cho cả cộng đồng. 

Chúng ta cũng đã và đang được chứng kiến những hành động “cứu biển” trong những năm gần đây. Nổi bật nhất phải kể đến “Thử thách dọn rác” - trào lưu ý nghĩa nhất từng được lan truyền trên các trang mạng xã hội vì những giá trị thiết thực mà nó mang lại.  

Trên thực tế, ý tưởng kêu gọi cư dân mạng cùng nhau dọn rác đã từng được xuất hiện từ năm 2015 bởi công ty sản xuất thiết bị Utility, Comfort and Originality (Mỹ). Tại Việt Nam, rất nhiều các bạn trẻ, từ cá nhân tới tổ chức, đã tham gia hưởng ứng trào lưu này, không chỉ dọn rác ở các bãi biển, mà ở tất cả những nơi các bạn trẻ có thể tiếp cận được. 

“Câu chuyện tôi kể không hấp dẫn, thú vị nhưng tôi tin đó là một câu chuyện có ích. Tôi chỉ là một cá nhân với khả năng giới hạn. Nhưng tôi tin một hành động thiết thực sẽ lan ra thành nhiều hành động lớn lao hơn…” - Lekima Hùng

- Trạm Đọc - 

Tags: