Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch: Khi đàn ông sẻ chia và mang lại hạnh phúc cho nhau!
Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch: Khi đàn ông sẻ chia và mang lại hạnh phúc cho nhau!
Đàn ông thường được gắn với định nghĩa về sự mạnh mẽ, kiên cường và độc lập. Nhưng cũng giống như nữ giới đang vùng lên để lật bỏ những định kiến cố hữu và ấu trĩ, chính đàn ông cũng cần được trao cơ hội để vượt qua bóng đen của sự áp đặt. Phụ nữ được quyền mạnh mẽ, đàn ông cũng nên được phép yếu mềm…
“Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch” là câu chuyện của nhà văn Yuriko Mamiya về bốn chàng trai không đặc biệt thân thích, cũng chẳng phải bạn bè, ấy vậy mà lại cùng nhau đồng hành cùng nhau trên những chuyến đi. Qua mỗi chuyến đi, họ trở nên thân thiết hơn nhưng vẫn luôn cố gắng giữ một khoảng cách không can thiệp quá sâu vào sự riêng tư của những người bạn đồng hành, nhưng vẫn luôn sẵn sàng đưa tay giúp đỡ, an ủi lẫn nhau.

Và cả bốn chàng trai ấy, cũng giống như rất nhiều chàng trai khác, đều cố gắng chôn giấu trong lòng mình những tổn thương và bí mật.

Kết quả hình ảnh cho con trai đi phượt

Mashima – Tìm lại hơi ấm gia đình

Cuốn sách bắt đầu với chuyến đi tình cờ của Mashima – một anh chàng thật thà và thụ động – đến thăm mẹ mình ở đảo Sado. Chuyến đi không phải tình cờ trong một giây phút bốc đồng, nhưng những người bạn đồng hành lại hết sức tình cờ, họ chẳng hề quen biết tất cả mọi người trong hội từ trước mà chỉ tập hợp lại vì một sự “hiểu nhầm”. Cha mẹ Mashima đã chia tay nhau từ khi cậu còn là học sinh trung học và mẹ cậu đã bỏ cậu mà đi từ khi ấy, không một lần gặp gỡ. Tất cả kết nối giữa hai mẹ con chỉ là qua thư từ và những tấm bưu thiếp.

Hình ảnh có liên quan

Nhưng mẹ Mashima không thật sự là một người “phụ nữ”. Từ khi còn nhỏ bố cậu đã nói với cậu như thế này: “Mẹ mày sống cùng một ả đàn bà”. Cậu không bao giờ hiểu tại sao hai người lại phải tự dày vò mình trong bi kịch mang tên hôn nhân.

Gặp lại mẹ, thật ra chẳng có nút thắt nào được gỡ bỏ, mọi rối bời và suy tư vẫn còn nguyên đấy. Nhưng đằng sau đó là những quan tâm vụn vặt ấm áp của tình thân, vô tình nối lại những rạn vỡ giữa hai con người.

Shigeta – Có điều gì sao không nói cùng nhau?

Chuyến đi thứ 2 của bốn chàng trai là vì Shigeta – một nhà nghiên cứu thường thường bậc trung. Anh đã từng có một đời vợ và một cậu con trai nhỏ, lần này anh về quê nhà vợ để đưa con trai gần 3 tuổi của mình đi leo núi.

Shigeta và vợ anh – Hanae chia tay vì những áp lực từ phía gia đình nhà vợ và sự yếu ớt, phụ thuộc của Hanae. Cô không có ước mơ, không có hoài bão, chỉ có “mong muốn” duy nhất là được báo hiếu cha mẹ mình – những người thuộc tầng lớp trí thức nấp mình sau căn biệt phủ nguy nga. Và với thói chiếm hữu và ích kỉ của người lớn, cậu bé Yasu cũng vì thế mà thiếu thốn đi rất nhiều kỉ niệm tuổi thơ.

Hình ảnh có liên quan

 

Bất hạnh của Shigeta là ở chỗ anh, và có lẽ chăng là cả Hanae, những con người suốt ngày vùi đầu trong phòng thí nghiệm dần trở nên thiếu nhạy cảm với cuộc đời. Họ đều bỡ ngỡ trong tình yêu, bối rối trong mối quan hệ của chính mình. Thiếu vắng đi những chuyện trò thẳng thắn, dần dần mâu thuẫn càng lớn và sự chia ly là điều tất yếu.

Dưới góc nhìn của Shigeta, Hanae và gia đình cô hiện lên thật ấu trĩ và hợm hĩnh. Nhưng suy cho cùng, hôn nhân đâu phải là chuyện của một người?

Nakasugi – Cỗ máy thời gian không bao giờ tồn tại

Bạn gái và công việc là hai rắc rối lớn nhất cuộc đời Nakasugi. Một bên là cô bạn gái có thói kiểm soát và chiếm hữu thái quá, còn một bên là công việc nhân viên kinh doanh áp lực từ trên xuống lẫn từ dưới lên. Cho đến ngày anh vừa đi ra ga vừa check email trên điện thoại đến nỗi va cả vào người ta, anh mới nhận ra vừa có một người cũng vì bận rộn như thế mà hụt chân rơi xuống ray tàu mà chết. Trong phút chốc, đó thậm chí có thể là anh. Và những áp lực chất chồng từ mọi hướng đã khiến anh suy sụp.

Bằng sự giúp đỡ cuả bạn bè, anh đã tắt tất cả điện thoại, email, cắt đứt mọi liên lạc và lên đường đi du lịch cùng với ba người bạn của mình. Anh đến đồi cát ở Tottori – nơi anh và người bạn quá cố đã từng hẹn nhau đi mà chưa thể hoàn thành.

Kết quả hình ảnh cho đồi cát tottori

Đó là nuối tiếc nhất cuộc đời Nakasugi, khi anh đã từ chối giúp đỡ người con gái anh yêu, cũng là người bạn tốt nhất của mình và gián tiếp đẩy cô ấy đến cái chết. Một cô gái bị lạm dụng bởi chính người bố đáng kính, khi dám thổ lộ bí mật ấy với người bạn thân nhất thì chỉ nhận được một sự lạnh nhạt và thờ ơ đầy cố chấp của bọn con trai tuổi dậy thì.

Chuyến đi bất chấp này đã giúp anh gỡ rối tơ lòng và hiểu được rằng, cỗ máy thời gian không bao giờ tồn tại, nhưng với thời gian, mọi vết thương đều có thể được lấp đầy. Nakasugi cũng khám phá ra được bí mật của cô bán gái kì quặc hiện tại và dần tìm lại được cân bằng trong cuộc sống.

Saiki – Sống như một kẻ lập dị

Saiki cực kì đẹp trai, đầu óc thiên tài nhưng tính khí lại rất lạ đời: đầu óc anh như một cái máy, đơn giản, đơn nhiệm, không biết giao tiếp, không biết nói đùa và ít tiếp xúc với người khác. Saiki không ngại nói huỵch toẹt vào mặt người khác bất chấp có thể gây tổn thương cho họ, không thể nói dối và làm gì cũng có thời gian biểu rất rõ ràng. Mỗi khi lịch trình của anh bị đảo lộn là anh có thể hét toáng lên và cuống cuồng hoảng loạn.

Kết quả hình ảnh cho anh đào nhật bản

Với những chấn thương tâm lí từ bé khi bố cặp bồ, nhân tình gọi đến nhà khiêu khích, chị gái thì luôn quở trách và mẹ anh chỉ biết vùi mình trong căn nhà trắng toát để nhịn nhục mà chăm sóc anh, những tưởng Saiki sẽ chẳng thể có một cuộc sống bình thường.

Nhưng với sự giúp đỡ của bạn bè và sự xuất hiện của một người con gái đặc biệt, cuối cùng anh cũng dần thích nghi được với thế giới bên ngoài. Chuyện tình của Saiki đặc biệt thuần khiết và đáng yêu đến lạ.

******

“Bốn chàng trai cùng nhau đi du lịch” không xoáy sâu vào những bi kịch của con người, những góc khuất trong tâm lý hay biến thái trong nhân cách như các nhà văn Nhật khác vẫn thường làm. Yuriko Mamiya cũng không cố gắng chất chồng nhiều lớp nghĩa hay ẩn dụ sâu xa về kiếp người, kiếp đời hay những gì đao to búa lớn, tất cả chỉ là những câu văn ngắn, đơn giản, những câu chuyện gần gũi, quen thuộc và dung dị. Một cuộc sống Nhật đời thường hơn, rực rỡ hơn mà không hề thiếu đi những trăn trở và suy tư.

Phanh.

Trạm Đọc.

 

Tags: