“Kitchen” – Banana Yoshimoto: Nơi Tái Sinh Những Yêu Thương Và Hạnh Phúc
“Kitchen” – Banana Yoshimoto: Nơi Tái Sinh Những Yêu Thương Và Hạnh Phúc
“Kitchen”, không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở Việt Nam, là nơi giữ lửa trong gia đình, là nơi mà gia đình quây quần bên nhau để có những bữa cơm vui vẻ, gắn kết tình thân. Vì vậy, đó chính là không gian mà con người ta cảm thấy hạnh phúc – ít nhất ra là đối với Mikage – cô cảm thấy thật sự ngọt ngào khi ở trong căn bếp nhỏ của gia đình để nấu những bữa ăn ngon cho người mình thương, là nơi để khuất lấp đi sự mệt mỏi khi quay về với hiện thực khốc liệt.

“Kitchen” cũng là nơi gắn kết tình cảm giữa Yuichi và Mikage. Không biết tự khi nào, Yuichi ăn món gì cũng thấy ngon khi có Mikage bên cạnh hay khi Mikage ăn món Katsudon mà cô nghĩ rằng không có tô thứ hai như thế trên cõi đời này thì mặc cho đã là nửa đêm, cô cũng đã vượt đoạn đường rất xa, rất lạnh chỉ để đưa cho Yuichi thưởng thức chung món Katsudon tuyệt vời mà cô vừa mới ăn. Từ những san sẻ khi gặp khó khăn, khi cô độc đó mà họ đã dần cảm nhận là họ cần nhau, là niềm hy vọng, điểm bấu víu để họ sống tiếp. Hơn hết, đây không chỉ đơn thuần là tình yêu mà vượt hơn trên đó là một chữ THƯƠNG. Họ cần nhau và sống vì nhau.

Cuốn sách này, đối với những độc giả cùng cảnh ngộ với những nhân vật trong truyện, ắt hẳn sẽ có cái nhìn sâu hơn, cảm xúc sẽ dạt dào hơn khi ngẫm về những giá trị của gia đình, của cuộc đời. Dẫu biết rằng chuyện “sinh, lão, bệnh, tử” đã là vòng xoay của tạo hóa, thế nhưng, khi nghĩ đến việc sẽ không còn gặp người thân yêu nhất của mình trên đời nữa, ắt hẳn trong lòng ai cũng sẽ sóng sánh, cuộn trào, khó chịu đến lạc lõng.Kitchen sẽ giúp cho bạn đọc thêm trân quý giá trị của gia đình – nơi luôn có những người hết mình yêu thương nhau, sống vì nhau mà không tính toán thiệt hơn, là nơi ấm áp, thoải mái mà bản thân ai cũng luôn muốn trở về sau bao khắc nghiệt của cuộc đời.

Nỗi đau đè nặng trên đôi vai của một cô gái trẻ

“Kitchen” là câu chuyện được kể theo lời kể của nhân vật Mikage. Cô là một cô gái yêu bếp, yêu nấu ăn, luôn cảm thấy hạnh phúc và sự ấm áp từ căn bếp. Từ khi người bà của cô mất thì cô trở thành một người mồ côi đúng nghĩa. Nỗi đau đó đã gần như vét trọn sức sống ít ỏi còn sót lại của cô gái trẻ. Hệ thống cảm xúc của cô dường như không còn hoạt động được nữa, cô không thể khóc mặc dù trong lòng cô đang nặng trĩu những tổn thương về sự ra đi của bố mẹ, của ông cô và giờ là bà của cô – người thân cuối cùng. Cô thấy lạnh lẽo, cô độc, sợ hãi ngay chính trong căn nhà của mình – nơi mà giờ đây trở nên quá rộng lớn đối với cô.

Trong gian nhà chan chứa nhiều kỉ niệm nhưng giờ đây là những ám ảnh đang lấn dần trong tâm trí của Mikage thì Mikage chỉ thấy bếp chính là nơi cô cảm thấy yên bình, dễ chịu nhất. Nó bằng một cách nào đó giúp cô đỡ trống trải và có thể ngủ ngon hơn. Vì vậy, cô thu nhỏ thế giới của mình lại, co ro trong căn bếp cho đến khi Yuichi – một chàng trai tốt bụng xuất hiện, từng bước dìu cô ra cuộc sống muôn màu.

Tìm kiếm cuộc sống mới ở gia đình kì lạ

Tanabe Yuichi – một chàng trai rất quý bà của Mikage, đã mời cô về nhà ở chung khi biết được hoàn cảnh của cô. Yuichi là một người ít nói nhưng có trái tim ấm áp. Hiện cậu đang sống cùng với mẹ (là người đàn ông chuyển giới) tên là Eriko. Nhân vật Eriko đã được tác giả khéo léo khi tạo dựng và lồng ghép vào trong tác phẩm. Eriko là hình tượng cuả bờ vai vững chãi, yêu thương của tình phụ tử. Người cha này đã quyết định chuyển giới, sẵn sàng vì điều này mà chấp nhận sự phản đối, kịch liệt từ gia đình, họ hàng, chấp nhận cả việc ông bị chối bỏ khỏi gia tộc và bị nhiều người soi mói, chỉ trích. Ông chỉ vì không muốn tiến thêm bước nữa để giữ trọn vẹn tình yêu với người vợ đã mất, vì để có thể chăm sóc tốt cho cậu con trai của mình, để cho Yuichi thấy rằng anh không bị thiếu thốn tình cảm của mẹ. Ở đằng sau vẻ ngoài mảnh mai, xinh đẹp ấy, khó có ai ngờ được đó là một người đàn ông. Eriko cứ sống như thế, vừa đảm nhiệm vai trò của một người cha, vừa đảm nhiệm vai trò của một người mẹ. Đây thật sự là một sự hy sinh lớn lao mà không phải ai cũng làm được. Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ qua hạnh phúc riêng tư để tận tâm chăm sóc con cái. Chính vì thế, Eriko luôn là một niềm tự hào của Yuichi, là nguồn sống của Yuichi.

Mikage cảm thấy phấn chấn hơn khi ở cùng gia đình Yuichi, ít ra, cô thấy bản thân cô không hề cô độc. Cô nhận được sự yêu thương, quan tâm từ Eriko và Yuichi, cô nghe thấy những âm thanh sinh hoạt hàng ngày, cảm nhận được hơi ấm trong gia đình Tanabe chứ không phải sự yên lặng đến đáng sợ của gian nhà cũ luôn chực chờ nuốt trọn lấy tâm hồn bé nhỏ của cô. Cô cứ sống tạm bợ như thế cho đến khi cô biết được sự tồn tại của cô trong căn nhà này đã đem lại một số rắc rối cho Yuichi. Thế nên, cô quyết định ra đi mặc dù cô chưa có một định hướng nào rõ ràng cho tương lai. Cô đã mạnh mẽ để sống tiếp và đối diện sự thật một mình.

Đồng cảnh ngộ mới thật sự thấu hiểu cho nhau?

Khi biết tin cái chết tàn khốc của Eriko, trái tim của Mikage như vừa có thêm một vết hằn rất sâu ở trong tim. Yuichi đã đau khổ, dằn vặt, mệt mỏi đến nhường nào khi thấu hiểu được cảm giác mất đi tất cả cuộc sống của mình. Thật sự mà nói, khi Yuichi ở bên Mikage, biết được hoàn cảnh của cô, nhưng có ai có thể tường tận được những suy nghĩ, những cảm xúc của người trong cuộc, người đang cô đơn, người mới vừa vấp phải cú sốc lớn từ việc mất đi người thân, gia đình của mình. Rồi khi phải đối diện trước cái chết của Eriko, Yuichi mới đau đớn, cô độc tới nhường nào, mới thấu hiểu được tâm trạng của Mikage.

Càng đồng cảm với những gì Mikage đã trải qua, Yuichi càng không đủ can đảm để nói cho cô biết điều này. Cho đến khi sự dằn vặt, nỗi thống khổ vượt quá sự chịu đựng của chàng trai trẻ thì anh mới đủ can đảm để gọi cho cô, tìm kiếm một người bên cạnh, hiểu và có thể san sẻ với anh cảm giác này. Cô không an ủi anh bằng những lời lẽ sáo rỗng, cô chỉ đến ngồi bên cạnh, lắng nghe nỗi niềm của anh, nấu cho anh bữa cơm gia đình. Chỉ hành động đơn giản vậy thôi nhưng đó là tất cả sự chân thành của Mikage, là những gì Yuichi cần trong lúc này.

Hạnh phúc dung dị từ hai tâm hồn có quá nhiều tổn thương

Tác giả đã khéo léo đẩy cao trào của câu chuyện lên cao qua cái chết đầy thương tâm của Eriko và đây cũng là cái cớ để Yuichi và Mikage nhận ra được tình cảm dành cho nhau. Trong suốt tác phẩm, Banana Yoshimoto không hề dùng bất kì từ “yêu” nào khi đề cập về mối quan hệ giữa hai người. Có thể tác giả mong muốn cho bạn đọc thấy những cảm xúc đã đưa họ đến gần nhau. Phải chăng, do họ có hoàn cảnh tương đồng nhau – cô độc, lạnh lẽo và cần ai đó thật sự thấu hiểu mình. Ở đây, không phải là sự thương hại mà là cần một ai đó cho họ cảm thấy cuộc sống còn tươi đẹp, ấm áp, cần một ai đó níu giữ họ lại với cuộc đời mà không phải tìm đến cái chết nữa.

Với nội dung nhẹ nhàng, đơn giản nhưng đằng sau đó ẩn chứa biết bao tình cảm sâu sắc, tác phẩm “Kitchen” của tác giả Banana Yoshimoto đã mang lại cho bạn đọc những cung bậc cảm xúc mới về cuộc sống của những con người đang cô độc và chới với giữa cuộc đời này. Họ luôn tỏ ra mạnh mẽ, bình thản, tự tạo ra cho bản thân một vỏ bọc hạnh phúc theo cách riêng của họ; mặc dù, trong lòng luôn đau đáu về sự ra đi của người thân, về cuộc sống đơn độc trong căn nhà rộng lớn không còn những thành viên trong gia đình. 

Nguồn: reviewsach.net

Tags: