Bảy quy luật kì bí trong tình yêu
Bảy quy luật kì bí trong tình yêu
Những quy luật gì quyết định việc chúng ta yêu hay không yêu người nào đó?

1. Quy luật của tâm trí (Principle of Mentalism)


Thế giới xung quanh ta không tốt, cũng không xấu, mà nó phản ánh suy nghĩ của chính chúng ta. Vì thế, chúng ta rất hay rơi vào “bẫy” do chính mình tạo ra, hay bị mang định kiến về một người nào đó.


Khi yêu quý ai đó chúng ta thường có xu hướng “tô hồng”, hay chỉ nhìn thấy những mặt tốt của họ, mà quên mất rằng đó chỉ là Họ-trong-mối-quan-hệ-với-bạn mà thôi. Để nhìn nhận khách quan hơn, một người cần được đặt trong cả mối quan hệ với những người khác: như gia đình, bè bạn,…Cách một người giúp đỡ bố mẹ mình, chia sẻ khó khăn với anh chị em, hay những người mà anh ấy đặt mối quan hệ,…cũng có thể nói lên được rất nhiều điều.

 


2. Quy luật của vận động (Principle of Vibration)


Thế giới xung quanh ta luôn vận động và biến đổi không ngừng, dẫu cho bạn không muốn cũng như không hề nhìn thấy những thay đổi tinh vi ấy. Con người là một phần của tự nhiên cho nên cũng hề không ngoại lệ. Bạn từng buồn vì một người nào đó đã không còn như trước? Hay hai người từng rất yêu nhau, nhưng kết cục lại phải chia xa. Đừng vội trách người kia nhé, vì biết đâu chính bạn cũng đang thay đổi từng ngày, với những nhu cầu mới, hoàn cảnh mới, khiến hai tâm hồn không còn đồng điệu được với nhau.

 

3. Quy luật nhân-quả (Principle of Cause and Effect)


Chuyện gi cũng đều có nguyên nhân của nó. Và ngược lại, mỗi nguyên nhân, mỗi hành động của chúng ta bây giờ đều có thể dẫn tới những hệ quả khác nhau.


Theo luật này, không có gì gọi là “bất ngờ” hay “may mắn” cả. Đó chỉ là những định nghĩa, khi người ta không thể lý giải nổi, cũng như không tìm được nguyên nhân sâu xa của nó mà thôi.


Vậy nên, đừng bất ngờ khi người bạn biết “sau một đêm” bỗng hoàn toàn thay đổi. Có chăng anh ấy/hay cô ấy trở thành một con người khác lạ? Không đâu, lý do duy nhất là bạn đã không hiểu rõ về con người họ mà thôi.

 


4. Quy luật hai mặt đối lập (Principle of Polarity)


Chuyện gì cũng có hai mặt. Và trong mỗi người luôn tồn tại cả mặt tốt và mặt xấu.


Nhiều lúc chúng ta rơi vào những tình thế khó xử, những tranh cãi không đi đến hồi kết. Bạn hãy nhớ không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, chỉ có thể nhìn vào những mặt tốt của sự việc/con người để thấy cuộc đời đáng sống, và đáng yêu hơn vậy thôi.


5. Quy luật của nhịp điệu (Principle of Rhythm)


Nhắc đến nhịp điệu, mọi người thường nghĩ đến những giai điệu trầm bổng, du dương đầy mê hoặc. Nhưng thực ra, nhịp điệu vẫn luôn tồn tại trong thiên nhiên lẫn đời sống con người: từ thời gian với nhịp điệu bốn mùa Xuân, Hạ Thu, Đông…; loài người với nhịp sống, nhịp sinh học; đến lịch sử, các quốc gia cũng có từng thời kì thăng trầm…


Vì vậy, tình cảm giữa người với người cũng không phải là ngoại lệ. Tình cảm dù có “sóng yên biển lặng” đến mấy, cũng có lúc phải chịu thử thách, hay thậm chí là bão táp, phong ba. Nhưng những thử thách của tình yêu luôn tặng cho chúng ta những phần thưởng xứng đáng: Trải qua càng nhiều khó khăn, người ta càng biết trân quý và cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao. So với khi tình cảm êm đềm, bình lặng, ta cũng sẽ cảm nhận được hạnh phúc nhưng chắc chắn sẽ ở một mức độ thấp hơn.

 

 

6. Quy luật tương ứng (Principle of Correspondence)


Người ta thường cho rằng, bạn gái của một người đàn ông hấp dẫn, giàu có cũng sẽ là một người xứng đôi với anh ấy?


Thế nhưng, có bao nhiêu cặp đôi bền lâu được với suy nghĩ như vậy? Trong tình yêu, dù là ai, chúng ta vẫn luôn mong muốn tìm được người có thể cảm nhận được con người của mình chứ không phải những thứ hào nhoáng bên ngoài. Một người dù có hấp dẫn và hào nhoáng đến mấy, cũng chỉ muốn tìm được những người thực sự quan tâm đến mình mà không để những thứ vật chất kia làm cho mặc cảm. Có lẽ, điều ngăn cản một “tình yêu cổ tích” ngoài đời thực chỉ là sự tự ti cùng những định kiến của chúng ta mà thôi.

 

7. Quy luật về Giới (Principle of Gender)

 


Trong mỗi chúng ta đều có phần nam tính và nữ tính, tùy thuộc vào điều kiện thể chất, hoàn cảnh hay tâm lý,…mà phần trội hơn, phần ít hơn mà thôi.


Vì thế, việc một chàng trai khóc chẳng hề làm mất đi sự nam tính của anh ấy. Hay chẳng có gì ngăn cản một cô gái làm mọi thứ, chì vì “Là con gái…” cả. Chúng ta vẫn luôn phấn đấu để có thể dung hòa được cả phần nam tính và nữ tính trong bản thân mình, hai phần tượng trưng cho lý trí và cảm xúc- mà dù thiếu đi phần quan trọng nào cũng đều trở nên không ổn.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Biscuit

Tham khảo: The Kybalion - The Three InitiatesBookhunterclub

 

 

Tags: