Bàn về tình dục, lòng ghen tuông và xu hướng tính dục trong tác phẩm Rebecca của Daphne Du Maurier
Bàn về tình dục, lòng ghen tuông và xu hướng tính dục trong tác phẩm Rebecca của Daphne Du Maurier
Bao nhiêu phần trăm xu hướng tính dục của Du Maurier hiện hữu ở trong tác phẩm “Rebecca” của bà?
Daphne Du Maurier là một tác giả người Anh, nổi tiếng với tác phẩm Gothic “Rebecca”. Đây không chỉ là một cuốn tiểu thuyết kinh điển ăn khách, mà còn tiết lộ ít nhiều góc khuất bí ẩn trong đời sống riêng tư của nữ nhà văn này.

Bài viết dưới đây được thuật lại từ nghiên cứu của Olivia Laing - một nhà văn, nhà phê bình văn học, văn hóa hiện đại của nước Anh. Laing đã cho chúng ta thấy hoàn cảnh thúc đẩy Du Maurier đến việc sáng tác văn chương, có liên quan đến đời sống hôn nhân tan vỡ và đặc biệt đáng nói đến là xu hướng tính dục của bà. 

Tác giả Daphne Du Maurier

Tiểu thuyết Rebecca ra đời như thế nào?

Năm 1937, một người vợ trẻ của một quân nhân ngồi đánh máy tại một ngôi nhà thuê ở Alexandria, Ai Cập. Vì nhiều lý do mà người vợ không thấy mình hạnh phúc. Mặc dù xuất thân từ một gia đình kịch nghệ quảng giao, nhưng cô ấy lại sống ẩn dật và có cá tính nhút nhát. Xã hội khắc nghiệt đã đưa ra những yêu cầu quá đáng, cô kết hôn với người chỉ huy của Tiểu đoàn 2 Cận vệ Grenadier (lính phóng lựu) và điều ấy thật quá sức chịu đựng. Trời nóng cực kỳ và nó khiến cô mơ tưởng đến Anh Quốc một cách cay đắng, mặc dù không phải là đứa con gái nhỏ và đứa con mới sinh mà cô đã bỏ lại.

Người phụ nữ đó chính là Daphne Du Maurier.

Ở tuổi 30, bà đã xuất bản bốn cuốn tiểu thuyết và hai cuốn tiểu sử. Vậy mà 15.000 từ trong cuốn sách mới của bà đã bị xé nát trong sọt giấy vụn, một “câu chuyện rác rưởi”. Bà đã nghĩ ra tiêu đề nhưng nó không hề mang một chút gì dữ dội hay suy tàn như chính nội dung của câu chuyện, chỉ là dựa trên những tình tiết đã xây dựng: Hai người vợ, một người sống, một người chết. Và cái tên “Rebecca” đã ra đời.

Và thế là, từng chút một, cuốn tiểu thuyết đầy gian nan của Daphne du Maurier dần thành hình. Bà đã viết nó ở ngôi thứ nhất, dưới góc nhìn của một người kể chuyện là một cô gái trẻ không tên tuổi. Cô ta đã gặp gỡ Maxim de Winter – một quý ông bảnh bao nhưng lại đầy ưu tư - trong một dịp làm cộng tác viên lữ hành cho một quý bà sang trọng trong một khách sạn lớn tuyệt đẹp ở Monte Carlo. Cô ta – kiểu con gái hay lo lắng, nhưng lại biết quan sát tỉ mỉ. Mơ mộng và lãng mạn khủng khiếp. Một người với niềm mộng tưởng cùng nỗi sợ hãi và bất an dồn nén trong nhiều năm, bất ngờ biến tướng một cách mất kiểm soát khi cô ta đột nhiên trở thành một Quý cô của dinh thự Manderley đầy ám ảnh.

Ấn bản tiếng Việt của cuốn Rebecca

“Rebecca” là một cuốn sách rất lạ. Nó là một kiểu chính kịch bi ai, và không hề có một chút xung đột mạnh mẽ nào. Trong câu chuyện, ta có thể thấy hai con tàu bị chìm, một vụ giết người, một vụ hỏa hoạn, một bữa tiệc hóa trang và nhiều vụ phản bội kèn cựa vô cùng phức tạp, nhưng thật ngạc nhiên khi nhận ra rằng những bi kịch của nó không bao giờ thực sự xảy ra ở hiện thực. Quý bà Winter – người vợ kế- có thể không quá xuất sắc như cô vợ trước - một người đã khuất, nhưng cô ta lại là một trong những người đẹp trong giấc mộng của văn học Anh. Toàn bộ mạch truyện, từ cao đến thấp, đều chiều theo cơn mê tưởng và suy đoán tự do của người vợ kế. Từ đó, tạo hiệu ứng gây tò mò đến quái lạ khiến người đọc nhanh chóng bị cuốn theo.

Simone de Beauvoir đã từng có một câu nói rất nổi tiếng: “ Người ta không sinh ra là phụ nữ, mà là trở thành phụ nữ.” (Nguyên văn: “One is not born, but rather becomes, a woman.). Và dường như chẳng hề có một tác phẩm nào thể hiện ý nghĩa của câu nói này một cách đắt giá và trọn vẹn như “Rebecca”. Người kể chuyện mang phong thái trần trụi như một quả trứng lột, lời kể đích thị thuộc về một cô nữ sinh, với mái tóc lòa xòa và âm ỉ với những móng tay cắn dở, không hề cảm thấy thoải mái với người hầu hay có thể tự lực quản thúc một dinh thự to lớn như Manderley. Nhưng với nhân vật Rebecca thì lại khác hẳn, khi còn sống, cô ta chính là người đã điểm trang mọi ngóc ngách trong căn nhà, không có một chỗ nào là vụng về. Chính Rebecca là người đã tạo ra Manderley, biến ngôi dinh thự cổ xinh xắn này trở thành một nơi chốn tôn thờ tài nghệ và đức tính của nữ giới.

Tất nhiên, biểu tượng về vẻ đẹp và lòng tốt này hóa ra lại là một vỏ bọc kiên cố đến đáng sợ cho những ác tâm. Trong tiếng lóng của gia đình Du Maurier, một người có khả năng gợi dục là một “mối đe dọa”, và Rebecca là hợp nhất cả hai nghĩa của từ này. Cô ta là một con thú hoang, một con ác quỷ, một con rắn độc, "hung ác, đáng nguyền rủa, thối rữa từ đầu đến cuối". Cô ấy bị hủy hoại vì lối sống sa đọa của mình, cái mà tờ báo Daily Mail có thể gọi theo một cách hoa mỹ, lấp liếm đỡ xúc phạm hơn đó là dùng cụm từ “lối sống” để nói về sự kinh hoàng của nhân vật này. 

Đáng ngạc nhiên hơn cả, bằng cách nào đó mà người đọc đã bị thao túng để tin rằng, không có gì tuyệt vời hơn việc chứng kiến cảnh một người tồi tệ như Rebecca bị thủ tiêu, và chuyện cái chết của cô ta bị che giấu là vô cùng thiết thực, thậm chí còn có hơi hướng lãng mạn nữa. Đôi khi, việc bị người phụ nữ của mình cắm sừng đối với một người đàn ông còn đáng khinh bỉ và ghê gớm hơn việc làm mất mạng người phụ nữ ấy. Có thể nói, màn cao trào của tác phẩm này, tái diễn lại câu chuyện dân gian “Bluebeard” của Pháp - khi mà một tên sát nhân bỗng trở thành nạn nhân trong câu chuyện của chính họ, đột ngột trở nên thương cảm, mặc kệ tội ác in hằn màu đỏ trên tay mình.

Nhưng ai mới thực sự là người bị trừng phạt trong câu chuyện này, và vì điều gì? “Rebecca” có cấu trúc của một vòng lặp tai ương hệt như tác phẩm “Finnegans Wake” của nhà văn James Joyce. Nó khép lại với hình ảnh dinh thự Manderley tan chảy trong ngọn lửa, nhưng hai chương đầu tiên cũng đã là phần kết. Hai vợ chồng đã bị kết án xuống địa ngục xa xứ, sinh tồn ở một vùng đất có khí hậu nóng nực, không bóng người, không tên tuổi, lang thang như những tên tội phạm trong một khách sạn vô danh. Rõ ràng, họ tồn tại giống như những hồn ma giả trưởng ở một thế giới bên kia, và thú vui duy nhất của họ là ngồi đọc những bài báo tiếng Anh trích ra từ những tờ tạp chí cũ, nghiên cứu về cách câu cá bằng ruồi nhân tạo và cách chơi môn Cricket. Và người kể chuyện không tên đã tìm cách giành lấy thứ hạnh phúc và tự do phù phiếm, và những thứ hoàn hảo đó lại nằm ở một nơi chỉ có thể tiếp cận bằng những nước đi không rõ ràng của giấc mơ và ký ức, bị trục xuất khỏi Vườn địa đàng ảo tưởng mà họ không thực sự sở hữu ở giây phút ban đầu. 

Tác phẩm hư cấu và mối tương quan với hiện thực của tác giả.

Du Maurier không hề để mình bị ảo tưởng bởi nét ảm đạm từ những gì mà bà đã viết. “Nó hơi u ám một chút,” bà nói với nhà xuất bản của mình, và Victor Gollancz, đã  lo lắng nói thêm rằng “phần kết của Rebecca có hơi ngắn và nghiệt ngã”. Nhưng những dự đoán về mặt doanh thu của nữ tác giả là không chính xác. “Rebecca” là một cuốn sách bán chạy nhất; 80 năm trôi qua, nó vẫn phát hành khoảng 4.000 bản mỗi tháng.

Điều khiến bà thực sự giật mình, đó là mọi người ai cũng đều cho rằng: Rebecca là một cuốn tiểu thuyết thiên tình sử lãng mạn. Đối với Du Maurier, bà một mực cho rằng “Rebecca” bàn rất nhiều về lòng ghen tuông, thông qua nhân vật của nó và tất cả các mối quan hệ trong tác phẩm - bao gồm cả cuộc hôn nhân giữa De Winter và người vợ thứ hai nhút nhát của mình - tất cả đều tăm tối và gây ra sự hoang mang cùng cực. (“Tôi đang ra lệnh cho em kết hôn với tôi, đồ ngu ngốc”-Maxim de Winter.) Ý tưởng này xuất hiện từ sự ghen tị của chính bà ấy, về người phụ nữ mà chồng bà, Tommy “Boy” Browning, đã đính hôn trong một thời gian ngắn. Bà đã xem qua những bức thư tình của họ, và chữ “R” to thanh lịch mà tình địch Jan Ricardo ký tên đã khiến bà đau đớn nhận ra những thiếu sót của bản thân với tư cách là một người phụ nữ và một người vợ.

Du Maurier không chỉ nhút nhát, bà lại còn không thích nói với người hầu là họ phải làm gì. Mặc dù là một người phụ nữ rất xinh đẹp, Du Maurier chưa bao giờ muốn đóng khung mình trong chiếc “mặt nạ” của tính nữ. Bà không bao giờ muốn trở thành một người mẹ (ít nhất là không phải của những cô con gái) hay mặc váy, mặc dù việc trang điểm và tản bộ thong dong dưới mưa là một trong những thói quen ưa thích của bà. Du Maurier chẳng thấy tiếc khi mình trở nên “bận rộn”, bà thường xuyên mặc quần tây, xuất hiện một cách xuề xòa, thích đùa giỡn trên những chuyến tàu xuyên qua đại dương hoặc thường xuyên dành thời gian để tự chiêm nghiệm. 

Như cuốn tiểu sử được tiết lộ năm 1993 của Margaret Forster đã nói rõ, Du Maurier đã như vậy từ khi còn nhỏ, luôn mơ mộng về những khả năng ít ngờ tới, không bao giờ tin chắc rằng con người cũng như thời gian, hoàn toàn ổn định như những gì mà chúng ta nhìn thấy. Và cả bản thân nữ tác giả cũng vậy, bà luôn thích khám phá và chuyển mình. Từ khi còn rất nhỏ, bà đã bị gọi là "con lai giới”, bề ngoài là nữ nhưng là “với trái tim và tâm trí của một cậu bé".

Daphne Du Maurier ( bên trái ngoài cùng) và những người chị em của bà.

Khi còn nhỏ, điều này không gây ra vấn đề gì, đặc biệt là trong một gia đình có truyền thống về kịch nghệ và diễn xuất. Cô bé Du Maurier thường thích chọn mặc quần đùi và thắt cà vạt, dành phần lớn thời gian để giả vờ làm thần tượng của mình, Eric Avon, đội trưởng đánh Cricket tuyệt vời ở Rugby. Nhưng khi đến tuổi trưởng thành, “cậu bé” này bỗng dưng bị đem “nhốt trong một chiếc hộp". Nhưng đôi khi, hình tượng nam nhi đó vẫn được giải phóng khi bà ở một mình, mở nó ra “và để cho bóng ma, chẳng rõ là nam hay nữ, nhưng với một tinh thần khác lạ, bà nhảy múa vào buổi tối khi không có ai nhìn thấy”.

Và thứ cá tính nam nhân này đã bùng nổ và đưa  ra ánh sáng vào năm 1947, khi Du Maurier gặp và yêu Ellen Doubleday, người vợ của một tay chủ xuất bản người Mỹ của cô, đồng thời là người nhận bức thư trong đó có những tiết lộ thầm kín. Tình cảm của bà không được đáp lại, nhưng chúng đã mở đầu cho mối tình sau này với Gertrude Lawrence, một nữ diễn viên mà cha cô cũng từng dính líu về mặt tình ái.

Thiên hướng về tính dục của Du Maurier quả thật rất phức tạp để hiểu. Ý niệm về đặc từ “chuyển giới” vẫn chưa được sử dụng phổ biến ở thời điểm đó. Bà không nghĩ rằng ham muốn của riêng mình với phụ nữ đã khiến bà trở thành đồng tính nữ và chiến đấu chống lại "khuynh hướng người Venice thuần túy" của mình. (Tình dục khác giới được biết đến như một di truyền trong gia đình, thậm chí còn được gọi một cách khoa trương hơn, là “đi đến Cairo”.) Thực ra Du Maurier cảm thấy mình như một cậu bé, với tình cảm đong đầy của một nam nhân và bị mắc kẹt trong cơ thể của người con gái. Đồng thời - có lẽ thực dụng, có lẽ không - bà vẫn duy trì vẻ ngoài là một người phụ nữ, ra vẻ tận tụy và cam kết như bao người phụ nữ khác, quy phục với người chồng của mình.

Tác giả và nữ nhân tình Gertrude Lawrence

Du Maurier hoàn toàn không phải là nhà văn duy nhất bị xung khắc giữa hai bản ngã giới tính. Nhiều nhà phê bình đã nhận thấy một lưu ý tương tự ở Ernest Hemingway, người thường viết về tình dục như một khía cạnh mà ở đó, người ta có thể được luân chuyển và thay phiên bất kể thuộc giới tính nào, miễn họ thấy hạnh phúc. Virginia Woolf cũng vậy, từng trải nghiệm bản thân là người theo chủ nghĩa protean, “trượt băng” mềm mại giữa hai giới tính; Ví như “Orlando” một tác phẩm mà Virginia đã dùng để nói lên tình cảm của bà với người tình Vita Sackville-West ngoài đời thật của mình.

Bao nhiêu phần trăm xu hướng tính dục của Du Maurier hiện hữu ở trong tác phẩm “Rebecca” của bà?

Nhân vật chính đã nhiều lần tự nói về mình như là một androgyne (Lưỡng tính). Cô ta tự giới thiệu mình với Maxim là “một người bạn tâm giao, bạn đồng hành, kiểu như một thằng bạn”. Và thứ đáng nói đến, chính là niềm khao khát đến ám ảnh của cô ta dành cho Rebecca. Luôn tơ tưởng một cách mê đắm về cơ thể của người vợ trước: Về chiều cao cùng vóc dáng thon thả, cách cô ấy mặc chiếc áo khoác hờ hững trên vai, màu son môi, và mùi hương khó nắm bắt, tựa như hàng nghìn, hàng vạn những cánh hoa đỗ quyên bị nghiền nát.

Và cô ta không phải là người duy nhất bị ám ảnh bởi hình hài vắng bóng của Rebecca. Ngoài cô ta ra còn có quý bà Danvers, người có “cá tính Venice” hiện hữu hơn cả . Trong cảnh gợi dục nhất của cuốn tiểu thuyết, “Danny” - một cách gọi khác của Danvers- buộc cô gái phải mang đôi dép lê của Rebecca và vuốt ve chiếc váy ngủ của cô ấy, trong khi bà ta cứ liên tục thì thầm câu thần chú về mái tóc của Rebecca, đồ lót của cô ấy, cách quần áo của cô ấy bị xé ra khỏi cơ thể khi cô ấy chết đuối.

Một phân đoạn trong phim “Rebecca” (1940) 

Có thể nói, phong cách trang điểm và thần thái của bà Danvers đã tiên phong cho trào lưu Drag Queens sau này. Du Maurier đã lột tả chân thực hình ảnh của người đàn bà đồng tính ngay cả trước khi nữ diễn viên Judith Anderson thể hiện bà ta một cách kịch tính đến mức vượt quá ngưỡng trung bình trong tác phẩm điện ảnh của Hitchcock. Xin lưu ý bạn, Anderson đã từng một phen hốt hoảng khi bà được tiết lộ rằng Philip Larkin - một nhà thơ người Anh kinh điển - từng có thói quen khiến bản thân vui lên bằng cách nhìn vào gương và tuyên bố một cách đanh thép câu thoại trong một phân cảnh, khi bà Danvers đang tranh cãi với Người vợ kế của Maxim, cô ta muốn tống khứ hết đi những bức thư cũ của Rebecca và hét lên với bà Danvers rằng : “ Bây giờ thì ta chính là quý bà De Winter!”

Không có gì lạ khi một cuốn tiểu thuyết chứa các tình tiết tương đồng từ cuộc đời của chính tác giả viết ra nó. Thế nhưng, điều kỳ lạ là ở “Rebecca”, nó còn có khả năng mang tính tiên đoán, không chỉ chứa đựng những tình tiết trong quá khứ của Du Maurier mà là còn về tương lai của bà.

Đáng chú ý nhất là Manderley, "luôn bí mật và im lặng như mọi khi ... một viên ngọc quý trong lòng bàn tay". Manderley dựa trên Menabilly, một ngôi nhà bỏ hoang gần Fowey ở Cornwall, nơi đã mê hoặc Du Maurier khi bà còn là một cô gái. Giống như dinh thự Manderley ở địa đàng hư cấu, Menabilly khó nắm bắt một cách kỳ lạ. Sau khi trở về từ Ai Cập, bà đã thuê được nó từ người chủ sở hữu và dành cả quãng đời của mình sau này ở đó. Du Maurier yêu thương ngôi nhà đến phát sốt, gọi nó là “Mena của tôi”, mặc dù khi ấy trời đang lạnh cóng, căn nhà liên tục hỏng hóc, những phần cánh cũ liên tục vỡ ra. Thế nhưng Du Maurier chưa bao giờ thực sự sở hữu nó, và vào năm 1967, bà ấy đã bị trục xuất sau nhiều năm đấu tranh pháp lý. Mặc dù bà ấy vẫn có thể đi lại trong khuôn viên của nó, nhưng trên thực tế, Mena vốn đã biến mất như thể nó đã bị nuốt chửng trong ngọn lửa.

Du Maurier và gia đình của bà ở Cornwall

“Những gì là quá khứ cũng là tương lai,” bà từng chiêm nghiệm về cuộc đời mình như vậy. Vào năm 1957, cuộc hôn nhân đổ vỡ khi chồng bà bị phát hiện có hai cuộc tình cùng lúc, Du Maurier đã viết một bức thư dài trải lòng với một người bạn, trong đó bà đã đối chiếu về việc cuộc sống của chính mình đã vướng vào những mâu thuẫn, tranh chấp hệt như quyển tiểu thuyết nổi tiếng của bà. Du Maurier đã tự hỏi liệu có phải chồng bà đang xem bà giống như nhân vật Rebecca, và so sánh nơi viết lách của bà với ngôi nhà tranh trên bãi biển? Liệu chồng bà có nỡ bóp cò trong một cơn thịnh nộ mù quáng, giết chết bà và đem xác bà ra ngoài  Yggie, con thuyền yêu quý của họ?

Lúc đó bà đã rất căng thẳng, nhưng việc tưởng tượng đó lại phù hợp với cảm xúc của bà về sự kỳ quặc của thời gian, cách mà nó dịch chuyển song song nhau, đến nỗi quá khứ xa xôi đôi khi đến rất gần hoặc lặp lại theo những cách không thể giải thích được. Bà đã khám phá điều này trong cuốn tiểu thuyết về tính trượt dài của thời gian, từ cuốn sách đầu tay năm 1931, “The Loving Spirit” cho đến “The House on the Strand” (1969) - lấy bối cảnh ở thế kỷ 14, kể về một người đàn ông trẻ dùng một loại thuốc thử nghiệm cho phép anh ta theo dõi những sự kiện kỳ lạ diễn ra trong chính ngôi nhà của mình.

“The House on the Strand” giống như một cuốn sách mang phong cách rất Du Maurier theo đúng nghĩa của nó. Tiểu thuyết của bà là kho tàng lưu trữ cảm xúc, ký ức và tưởng tượng. Cách mà nó thể hiện thường rất cá nhân, nhưng đồng thời cũng có một chút gì đó san sẻ với đại chúng. Nếu bạn đã đọc qua “Rebecca”, chắc chắn bạn sẽ để mình lang thang ở Manderley trong tâm trí, đi qua đường hầm của những cây đỗ quyên đỏ tươi với hy vọng được nếm vị trà tươi, nhấp từng ngụm nhỏ bên đống lửa trong thư viện, đắm chìm vào tâm trạng của tình yêu và nỗi kinh hoàng.

Du Maurier có thể không phải là người trí thức nhất trong các nhà văn. Những gì bà ấy đã làm là tạo nên những cảnh quan vô cùng đẹp và cảm xúc mà người đọc có thể chìm đắm vào theo ý muốn, trong đó những khao khát thách thức và riêng biệt nhất được cho cơ hội để giải phóng . Có lẽ vì những rắc rối trong mối quan hệ của Du Maurier với vấn đề tính dục, bà ấy đã có thể tạo ra những thế giới mà trong đó, con người và các dinh thự, tất cả đều vô cùng bí ẩn và đa dạng, không hề giống như vẻ bề ngoài mà chúng mang lại ; những căn phòng ma ám đôi khi chứa đựng những linh hồn quái gở nhảy múa một cách tự do tuyệt đối. 

Điền Nguyên | Theo The Guardian

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 
 
 
Tags: