Cảm xúc của con người vẫn đang ở thời kỳ đồ đá?
Cảm xúc của con người vẫn đang ở thời kỳ đồ đá?
Mình phải thừa nhận rằng ít nhất trong 2 năm trở lại đây mình mới có thể tìm và đọc một seri tác phẩm về tâm lý học sâu sắc và hấp dẫn như Trốn thoát tự do, Xã hội tỉnh táo và Nghệ thuật yêu của Erich Fromm.
Combo sách Yêu Tỉnh Táo
(4 lượt)
Hãy cẩn thận, khi bạn cầm một cuốn bất kỳ của Erich Fromm, bạn sẽ không thể ngừng việc đọc, tư duy và phản biện chính thực tại của mình. Bạn sẽ thấm thía lời nhắc của Erich Fromm rằng “Công nghệ đã đưa chúng ta tới không gian nhưng cảm xúc của con người vẫn đang ở thời kỳ đồ đá”. Mọi quan điểm, mọi luật lệ và mọi giá trị phổ quát trước đây bạn biết sẽ bị lung lay khi bạn đọc những tác phẩm của Erich Fromm. Nhưng bạn sẽ vẫn đọc vì bạn biết Fromm đã đúng về tâm lý và cảm xúc của chúng ta.
 
Mình phải thừa nhận rằng ít nhất trong 2 năm trở lại đây mình mới có thể tìm và đọc một seri tác phẩm về tâm lý học sâu sắc và hấp dẫn như Trốn thoát tự do, Xã hội tỉnh táo và Nghệ thuật yêu của Erich Fromm.
 
Những nghiên cứu và đúc rút của Erich Fromm dễ hiểu và chính xác hơn Freud cũng như chi tiết hơn Carl Jung, vốn là hai tiền bối mà Erich Fromm ngưỡng mộ và học hỏi. Tuy nhiên, giống như Carl Jung, cũng là một học trò của Freud thì Erich Fromm lại đưa ra lý thuyết và luận điểm phần lớn phản biện lại những nền tảng tâm lý học và phân tâm học của Freud.
 
Có một sự tình cờ rất thú vị là có một nhà tâm lý học hành vi khác ít hơn 34 tuổi nhưng sống cùng thời với mình và cũng rất nổi tiếng từng chịu ảnh hưởng từ Freud và Carl Jung là Mihaly Csikszentmihalyi – tác giả cuốn Flow và những cuốn sách khác đề cập tới trạng thái Dòng chảy – Flow là trải nghiệm tối ưu để đạt được sự hạnh phúc nội tại.
 
Nhưng khác với Csikszentmihalyi, Erich Fromm không chỉ tập trung vào trạng thái nội tại – là điều kiện tối ưu nhất để một người đạt được sự hạnh phúc địch thực. Fromm còn đi xa hơn thế, ông phân tích một cách kỹ lưỡng và chi tiết từ tôn giáo, xã hội và văn hoá từ xa xưa cho tới bây giờ đã ảnh hưởng đến tư duy và ý chí của con người như thế nào.
 
Với “Trốn thoát tự do”, Erich Fromm đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về việc con người đang trở nên bất lực như thế nào khi họ có được tự do họ muốn. Khi nhìn lại những gì đã diễn ra trong quá khứ và lịch sử, phần lớn con người luôn lệ thuộc và bị chi phối bởi một nhóm nhỏ có quyền lực. Đó có thể là một nhà nước phong kiến, đó có thể là một tôn giáo độc thần mà Châu Âu thời Trung Cổ đã được nếm trải sự phong tỏa và cùng cực của nó khi áp đặt lên xã hội và con người. Đó là thời điểm mà bạn không có quyền lựa chọn sống hay chết, Nhà vua và Nhà thờ sẽ quyết định điều đó thay cho bạn. Sự tự do không tồn tại. Tự do đồng nghĩa với cái chết. Con người chấp nhận ở trong vòng kiềm tỏa suốt hàng trăm năm.
 
Sau đó một thời đại mới đã xuất hiện, nó được khởi xướng và dẫn dắt bởi những người có tư duy phản biện, họ đòi hỏi quyền tự do hiểu về Chúa và Tự nhiên. Họ sử dụng tri thức và nghệ thuật nhằm tìm kiếm tự do trong tư tưởng và sau đó là tự do cho thể xác. Họ là những nhà nghệ sĩ, những nhà cải cách…
 
Nối tiếp thời Phục Hưng là thời đại Khai sáng – thời đại của Lý trí đã nuôi dưỡng và thúc đẩy chủ nghĩa Tư bản. Con người từ việc tự do trong tư tưởng, tự do trong lựa chọn và còn có quyền tự do quyết định số phận của chính mình. Có những người tự thân giàu đến mức họ tạo ra các công ty, các tập đoàn điều hành và chi phối hàng chục nghìn con người.
 
Chính trong thời điểm này, một lần nữa con người lại trốn thoát khỏi tự do của mình. Erich Fromm đã nhìn ra một sự thật bị che giấu trong thời đại công nghiệp hoá: Con người bị chi phối bởi những lựa chọn dễ dàng, không muốn ra quyết định và lựa chọn phụ thuộc vào người khác. Điều này không chỉ xuất hiện trong xã hội phương Tây, mà còn tái hiện ở trong bất cứ xã hội nào khi chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản.
 
Và để con người ý thức về sự tự do mà xuyên suốt lịch sử chính mình đã đấu tranh và giành lại nó từ những thế lực thần quyền và cường quyền thì Erich Fromm mạnh dạn đưa ra ý tưởng: Sự tiến bộ về văn hoá và phát triển về kinh tế chỉ có giá trị khi thúc đẩy tự do thực sự, tính cá nhân và sáng tạo của mỗi con người không chỉ trong các vấn đề riêng tư mà cả trong công việc vốn là thứ con người sẽ phải sống và tương tác mỗi ngày. Erich Fromm cảnh báo rằng không gian và môi trường như thế này rất ít. Chỉ hiếm hoi công ty và cá nhân mới hiểu và hành động theo những tiêu chí này.
 
Với “Xã hội tỉnh táo” thì Erich Fromm tiếp tục làm mở rộng vấn đề quyền Tự do và Lựa chọn sáng Tâm lý. Cụ thể ở đây là Tâm lý xã hội và đám đông.
 
Như “Trốn thoát tự do” đã chỉ ra phần nào, xã hội và văn hoá sẽ gặp nhiều vấn đề nặng nề về tâm lý ngay cả khi có nhiều của cải hơn, nhiều tiện ích hơn và nhàn nhã hơn. Đồng quan điểm với Erich Fromm có Mihaly Csikszentmihalyi cũng đưa ra kết luận tương tự. Trong thập kỷ 1990, khi nghiên cứu về trạng thái Flow – Dòng chảy, Csikszentmihalyi đã thu thập số liệu và chỉ ra rằng Người Mỹ có thu nhập gấp 3,4 lần 30 năm trước nhưng họ bất hạnh gấp đôi!
 
Vấn đề này Erich Fromm không chỉ dừng lại ở khái niệm hạnh phúc nội tại mà Csikszentmihalyi đã phân tích rất xuất sắc. Fromm đi đến cùng của vấn đề. Ông chỉ trích các xã hội đi theo chủ nghĩa tư bản đã thao túng tâm lý con người bằng công việc văn phòng, truyền thông và chủ nghĩa tiêu thụ. Fromm nhấn mạnh rằng bản chất của chủ nghĩa Tư bản trong thời đại của mình là tạo ra một xã hội tiêu thụ của cải và thời gian của chính mình bằng công việc nhàm chán cũng như truyền hình giải trí.
 
Mặt trái của xã hội tư bản giàu có và nhàn hạ là “Xã hội này có thể thúc đẩy sự phát triển của con người và đồng thời cũng cản trở sự phát triển đó”.
 
Ý của Fromm là khi có nhiều điều kiện để hưởng thụ và phụ thuộc thì con người sẽ đánh mất tự do lẫn sự tỉnh táo. Từ đây khởi sinh ra các chứng bệnh tâm lý và thần kinh. Con người nhàn hạ hơn, tận hưởng nhiều tích hơn nhưng bất lực với việc cải thiện bản thân và sử dụng thời gian sao cho hiệu quả.
 
Erich Fromm đề xuất một phương pháp triệt để mang đậm tính nhân văn và nghệ thuật: khuyến khích con người phát huy những tố chất nội tại của mình, công ty và xã hội phải tạo điều kiện và cung cấp cho con người các nguồn lực cần thiết, và quan trọng nhất là con người phải vì con người, phải đối xử với nhau như cách mình muốn được họ đối xử.
 
Và để tái tạo tâm lý con người sao cho phù hợp với sự tỉnh táo và sử dụng tự do một cách hiệu quả trong chủ nghĩa tư bản, hay nói đúng hơn là chủ nghĩa vật chất và tiêu thụ thì Erich Fromm nhấn mạnh tới giá trị của TÌNH YÊU. Với cuốn “Nghệ thuật yêu”, Fromm đã lý giải tâm lý và phân tích một cách xuất sắc về bản chất và mong muốn chảy bỏng nhất của con người.
 
Tình yêu theo quan điểm của Fromm là một thứ tình yêu trọn vẹn dành cho người này, cũng đồng nghĩa cũng phải trọn vẹn như thế với tình yêu. Khác với Freud, vốn luôn coi con người là sinh vật bị bản năng ép buộc và bị xã hội đồng hoá. Fromm phản bán ý tưởng này vô cùng máy móc và hạn hẹp. Ông nhận định rằng con người là một sinh vật xã hội và luôn sống trong các mối quan hệ.
 
Fromm phân tích bản chất con người cũng chứa đựng đầy nỗi lo âu, và xã hội đã giải quyết những vấn đề tâm lý này theo một cách không thể tệ hơn: cung cấp những phương tiện giải trí, tiêu thụ những món đồ giống nhau, làm những việc giống nhau và có những trải nghiệm như nhau. Fromm viết rằng đây là kiểu “tình yêu” NHẬN LẠI, và đã nếu chỉ con người chỉ biết nhận về những liều thuốc tạm thời giúp họ khuây khỏa trong ngắn hạn thì họ sẽ phải chịu đựng nỗi đau về tinh thần trong dài hạn.
 
Ngược lại với tình yêu chỉ biết nhận là tình yêu CHO ĐI. Cho đi ở đây là thời gian, sự quan tâm, sự thấu hiểu, niềm vui lẫn nỗi buồn. Đó chính là những biểu hiện từ tận bên trong của mỗi con người. Erich Fromm trích dẫn lời Chúa Jesus trong Kinh Thánh “Hãy yêu người khác như chính bản thân mình” để khẳng định quan điểm “Tình yêu con người dành cho bản thân không thể tách khỏi tình yêu dành cho người khác”.
 
Trong “Nghệ thuật yêu”, Fromm đã nâng nghệ thuật không chỉ là xúc cảm và tinh thần mà còn đúng với khái niệm nghệ thuật đồng thực và là một dạng thực hành. Fromm lập luận rằng khi tình yêu là nghệ thuật thì nó cũng hội tụ tính kỷ luật, sự tập trung, tính kiên nhẫn và cả sự tinh thông. Nghệ thuật là gì? Nghệ thuật là bạn biến một thứ hay một kỹ năng bạn làm mỗi ngày tốt hơn một chút và liên tục biến đổi, nâng cao kỹ năng của mình đến mức chạm tới xúc cảm của người khác trên mọi giác quan.
 
Tình yêu đối với Erich Fromm cũng phải như vậy, và thông qua “Nghệ thuật yêu” người đọc sẽ có cái nhìn tường tận, mạch lạc và thấu suốt từ Tình yêu cho tới Nghệ thuật rồi sau đó hoà hợp thành nghệ thuật yêu có sự logic đến thế nào. Yêu chính là nghệ thuật tối thượng nhất trong mọi loại hình nghệ thuật.
 
Thông qua “Trốn thoát tự do” bạn sẽ hiểu được tự do của chính mình nên được sử dụng đúng đắn chứ không phải là lệ thuộc hay buông thả.
 
Thông qua “Xã hội tỉnh táo” bạn sẽ tháo bỏ được những xiềng xích trong văn hoá, xã hội hay chính môi trường làm việc của mình để có cái nhìn thuất suốt hơn trong những lựa chọn và tương tác với con người.
 
Và thông qua “Nghệ thuật yêu” bạn học được cách yêu thương những người xung quanh cũng chính là yêu chính bản thân mình.
Cre: Đức Nhân
Tags: