Bàn về sự trả thù: Mong muốn được trả thù ăn sâu vào máu của chúng ta như thế nào?
Bàn về sự trả thù: Mong muốn được trả thù ăn sâu vào máu của chúng ta như thế nào?
Trong cuốn tiểu thuyết Bá tước Monte Cristo, nhân vật chính là Dantes vì bị oan mà phải vào tù. Về sau, ông đã vượt ngục thành công và tìm thấy gia tài mà người bạn tù để lại cho ông, cuộc đời ông thay đổi từ đó. Dưới cái tên giả là Bá tước Monte Cristo, ông đã sử dụng tài sản và trí thông minh của mình để đánh lừa và giật dây những kẻ đã phản bội mình, dùng những biện pháp khủng khiếp để trả thù.
Lẽ Phải Của Phi Lý Trí
(43 lượt)
Nhưng về sau, chứng kiến những mảnh vụn của cuộc đời phía sau sự trả thù, vị bá tước hiểu ra rằng khát vọng trả thù của ông đã đi quá xa.

Giả sử chúng ta có cơ hội, có lẽ phần lớn sẽ rất muốn được trả thù, mặc dù có thể rất ít người hành động một cách cực đoan như Dantes đã làm. Báo thù là một trong những bản năng sâu xa nhất của con người. Đi theo chiều dài lịch sử, hàng biển máu đã đổ và vô vàn sinh mạng đã mất đi để giải quyết các món nợ - thậm chí ngay cả khi nó chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.

NHƯNG HÃY THỬ tưởng tượng đến hoàn cảnh như sau: Bạn và tôi sống cách đây hai ngàn năm trên một vùng sa mạc, tôi có một con lừa rất đẹp và bạn muốn ăn trộm nó. Nếu bạn nghĩ rằng tôi là một người luôn hành động có lý trí, bạn có thể tự nhủ rằng: “Dan Ariely phải mất tới 10 ngày đào giếng cật lực để kiếm đủ tiền mua con lừa đẹp đẽ này. Nếu có một đêm nào đó mình đánh cắp nó và trốn đi một nơi thật xa, Dan chắc sẽ nghĩ rằng truy đuổi mình thật chẳng đáng. Anh ta thà coi nó như một vụ làm ăn thua lỗ và đi đào thêm giếng để kiếm tiền mua con lừa khác còn hơn.” Nhưng bạn biết không phải lúc nào tôi cũng có thể tỉnh táo như vậy và trên thực tế, tôi là kẻ đầu óc tăm tối, chỉ nung nấu mong muốn trả thù và sẽ đuổi theo bạn đến tận cùng, lấy lại không những con lừa của mình mà còn lấy toàn bộ đàn dê của bạn, chỉ để lại cho bạn một bãi chiến trường nhuốm máu - bạn có còn cố đi ăn trộm con lừa của tôi nữa không? Theo tôi đoán thì chắc là không rồi. Như vậy, từ góc độ này, có thể thấy rằng cho dù sự báo thù có thể gây ra những thiệt hại đến mức nào chăng nữa (và bất cứ ai từng trải qua một cuộc ly dị hay chia tay tồi tệ chắc sẽ hiểu điều tôi nói), có vẻ như là sự lo sợ bị trả thù - thậm chí là với những cái giá rất lớn - có thể đóng vai trò của một biện pháp cưỡng chế hữu hiệu hỗ trợ cho sự hợp tác cũng như trật tự trong xã hội. Mặc dù tôi không hề gợi ý rằng nên tôi áp dụng kiểu “máu trả máu”, tôi vẫn cho rằng nhìn chung thì việc đe dọa trả thù vẫn có tác dụng nhất định. 

Vậy cơ chế và động cơ thực sự bên trong cái hình thức cưỡng chế có từ thuở ban đầu của loài người này là gì? Trong hoàn cảnh nào thì con người muốn trả thù? Cái gì thúc đẩy chúng ta bỏ thời gian, tiền bạc, công sức và thậm chí chấp nhận cả rủi ro chỉ cốt để làm cho người khác phải đau đớn? 

 

Thú vui từ Sự trừng phạt

 

Để tiến hành nghiên cứu xem mong muốn trả thù ăn sâu trong bản chất người như thế nào, tôi xin mời bạn xem xét một nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Thụy Sĩ, đứng đầu là Ernst Fehr, người đã nghiên cứu về vấn đề trả thù thông qua một thí nghiệm kiểu trò chơi có tên là Trust Game (Trò chơi Niềm tin). Đây là quy tắc của trò chơi:

Bạn cùng với một người khác sẽ thành một cặp chơi. Các bạn sẽ được đưa vào hai phòng riêng biệt và bạn không biết được chính xác danh tính của người kia. Người tổ chức thí nghiệm đưa cho mỗi người 10 đô-la. Bạn sẽ dùng số tiền đó với hành động đầu tiên của mình. Bạn phải quyết định hoặc là gửi hết số tiền đó cho người bạn chơi hoặc giữ lại nó cho mình. Nếu bạn giữ lại nó, mỗi người sẽ giữ lại được 10 đô-la và trò chơi kết thúc. Tuy nhiên, nếu bạn đưa số tiền của mình cho người chơi kia, người tổ chức thí nghiệm sẽ nhân số tiền lên bốn lần - nhờ thế mà người chơi còn lại sẽ có 10 đô-la của họ cộng với 40 đô-la (bằng 10 đô-la x 4). Người chơi còn lại khi đó có thể lựa chọn: (a) giữ tất cả số tiền lại, có nghĩa là anh ta sẽ có 50 đô-la và bạn chẳng được gì; hoặc (b) gửi lại một nửa số tiền cho bạn, có nghĩa là khi đó bạn sẽ kết thúc trò chơi với 25 đô-la mỗi người. Vấn đề ở đây, dĩ nhiên, là liệu bạn có tin vào người kia hay không.

Bạn có gửi số tiền của mình cho người đó không - khi có nguy cơ là bạn sẽ mất hết số tiền đó? Và liệu người cùng chơi có hiểu được sự gửi gắm của bạn và chia số tiền có được cho bạn không? Dự đoán của kinh tế học lý trí thật đơn giản: chẳng có ai đi đưa lại cho người kia một nửa trong số 50 đô-la của họ, và bởi vì từ góc độ của kinh tế học thì hành vi không đưa lại này gần như là có thể tiên liệu được, cho nên ngay từ đầu cũng sẽ không ai đưa cho người kia 10 đô-la. Nhưng trong trường hợp này thì lý thuyết đơn giản này của kinh tế học lại không chính xác: thông tin tốt lành là mọi người hóa ra có niềm tin và biết đáp lại niềm tin của người khác hơn nhiều so với những gì kinh tế học lý trí lý giải. Rất nhiều người đã chuyển cho người kia 10 đô-la của họ, và người cùng chơi đã đáp lại bằng việc gửi lại cho họ 25 đô-la.

Đó là trò chơi niềm tin căn bản. Nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ còn thêm vào đó một bước rất thú vị: nếu người cùng chơi với bạn chọn cách giữ lại cho anh ta cả 50 đô-la, bạn có thể sử dụng tiền của chính mình để trừng phạt con người xấu bụng kia. Hễ bạn đưa cho người tổ chức thí nghiệm 1 đô-la bằng tiền túi của chính mình, người cùng chơi tham lam sẽ bị trừ đi 2 đô-la. Có nghĩa là nếu bạn quyết định bỏ ra 2 đô-la, người kia sẽ bị mất 4 đô-la, và nếu bạn quyết định bỏ ra cả 25 đô-la, người kia sẽ mất tất cả số 50 đô-la đã kiếm được. Nếu bạn tham gia vào trò chơi này và người kia phản bội niềm tin của bạn như vậy, liệu bạn có trả thù theo cái cách tốn kém này không? Bạn có hy sinh số tiền mình có để làm cho kẻ kia phải xót ruột không? Bạn sẽ bỏ ra số tiền bao nhiêu?

Thí nghiệm này cho thấy là trong số những người có cơ hội, rất nhiều người đã chọn cách trả thù, và họ trả thù khá nặng. Tuy vậy, phát hiện này vẫn chưa phải là phần thú vị nhất của nghiên cứu. Trong quá trình những người tham gia thí nghiệm suy nghĩ để quyết định, não họ được quét bởi một thiết bị có tên là máy chụp chức năng ba chiều (Positron Emission Tomography - PET). Bằng cách này, những người tổ chức thí nghiệm có thể quan sát hoạt động của não bộ trong quá trình suy nghĩ. Kết quả cho thấy có sự gia tăng hoạt động trên phần trung tâm của não trước. Đây cũng là phần của bộ não liên quan mật thiết đến sự tưởng thưởng của con người. Nói một cách khác, theo kết quả chụp của PET, có vẻ như là quyết định trừng phạt người khác rất liên quan đến cảm giác thỏa mãn. Hơn nữa, những người có hoạt động của trung tâm não trước ở mức cao thì cũng là người trừng phạt người khác ở mức độ nặng hơn.

Tất cả điều này cho thấy rằng trừng phạt những kẻ phản bội, ngay cả khi nó khiến chúng ta phải trả giá nhất định, có những căn nguyên về mặt sinh học. Và hành vi này trên thực tế là mang lại cảm giác hài lòng (hay ít nhất là chứng tỏ một phản ứng tương tự như sự hài lòng). 

SỰ THÔI THÚC trừng phạt cũng tồn tại trong giới động vật. Trong một thí nghiệm được tiến hành tại Viện Nhân chủng học tiến hóa ở Leipzig, Đức, Keith Jensen, Josep Call và Michael Tomasello dự kiến tìm hiểu xem liệu những con vượn có ý thức về sự công bằng không. Cách thức tiến hành thí nghiệm là cho hai con vượn vào hai chuồng bên cạnh nhau và đặt một cái bàn chất đống thức ăn trong tầm với của cả hai, ngay bên ngoài cái chuồng. Cái bàn được lắp bánh lăn và có dây buộc ở hai đầu. Những con vượn có thể tóm lấy cái bàn và kéo nó về gần hoặc xa phía chuồng của mình hơn. Cái dây được gắn vào phía gầm bàn. Nếu một con vượn kéo cái dây, cái bàn sẽ đổ ập xuống và thức ăn sẽ bị đổ tất xuống đất, rời khỏi tầm tay của chúng.

Khi các nhà nghiên cứu cho một con vượn vào cái chuồng và để trống cái chuồng còn lại, con vượn kéo cái bàn, ăn một cách thỏa mãn và không kéo cái dây. Tuy nhiên, mọi việc thay đổi khi con thứ hai được cho vào cái chuồng bên cạnh. Khi cả hai con vượn cùng ăn thức ăn thì mọi việc đều ổn cả; nhưng nếu có một con tình cờ kéo cái bàn về gần phía chuồng của mình và ra khỏi tầm với của con vượn kia, con vật bị chọc tức thường kéo cái “sợi dây báo thù” và làm đổ ụp cái bàn. Không chỉ có vậy, các nhà nghiên cứu còn cho biết rằng khi cái bàn lăn khỏi tầm tay con vượn, con vật bực bội nổi đóa lên, biến thành một kẻ đầy lông lá rít lên từng hồi.

Cách ứng xử gần giống nhau của con người và con vượn cho thấy rằng cả hai đều có những ý thức bản năng về công bằng và sự trả thù, cho dù phải trả giá, đóng vai trò sâu xa trong trật tự xã hội của cả người và vượn.

NHƯNG SỰ TRẢ THÙ còn có nhiều hơn là việc thuần túy thỏa mãn mong muốn được giành lại thứ của phía bên kia. Niềm tin và sự trả thù, thực ra chỉ là hai mặt ngược nhau của đồng xu. Như chúng ta thấy trong trò chơi niềm tin, mọi người nói chung sẵn lòng đặt niềm tin vào người khác, thậm chí ngay cả những người họ không quen biết và sẽ không bao giờ gặp lại (điều này theo quan điểm của kinh tế học pháp luật là niềm tin thái quá). Yếu tố căn bản này trong niềm tin cũng là lý do mà chúng ta cảm thấy rất bực bội khi khế ước xã hội, dựa trên nền tảng là niềm tin, bị vi phạm, và cũng là lý do mà trong những hoàn cảnh như vậy, chúng ta sẵn sàng dành thời gian và tiền bạc của chúng ta, và cả những rủi ro có thực nữa, để trừng phạt kẻ bội ước. Những xã đại hội có niềm tin có được những lợi ích lớn lao hơn rất nhiều so đi với những xã hội thiếu niềm tin, và chúng ta đã được sắp đặt một cách bản năng để cố gắng duy trì niềm tin trong xã hội ở mức cao.

- Trích: Lẽ phải của phi lý trí

Tags: