Theo The Guardian, đây là ấn bản tiểu thuyết cổ điển Gothic “đặc biệt hiếm” của nữ tác giả Mary Shelley. Ấn bản này nằm trong số 500 bản in đầu tiên, được in vào năm 1818 ở London (Anh), khuyết danh tác giả. Tên của Mary Shelley được xuất hiện trong lần tái bản thứ nhất tại Pháp năm 1823.
Đây cũng là bản in đầu tiên được bán đấu giá từ năm 1985. Đến nay, mức giá cao nhất được trả là 856.000 bảng Anh (tương đương 1,17 triệu USD) và được xác lập kỷ lục thế giới là mức giá cao nhất cho tác phẩm của một phụ nữ.
Christie's - nhà đấu giá của Anh - cho biết phiên đấu giá có những người tham gia đấu giá từ nhiều nơi trên thế giới. Trước đó, kỷ lục này thuộc về ấn bản in lần đầu tiên của Jane Austen's - Emma - từ năm 1816, được bán vào năm 2008 với giá 150.000 bảng Anh (tương đương 250.000 USD).
Đại diện nhà đấu giá Christie's nói: “Ấn bản đầu tiên của Frankenstein rất hiếm. Bản in trong lần đấu giá này hiện được bảo quản ở tình trạng tốt, là mong muốn của nhiều nhà sưu tập”.
Mary Shelley là con gái của triết gia William Godwin và nhà nữ quyền Mary Wollstonecraft nổi tiếng. Bà đã nảy ra ý tưởng về Frankenstein vào mùa hè năm 1816, khi ở bên cạnh hồ Geneva với Percy Shelley (chồng bà) và người bạn Lord Byron. Cả nhóm đọc bản dịch một cuốn truyện ma bằng tiếng Pháp, sau đó Lord Byron đã thách thức Mary Shelley viết tác phẩm truyện ma của riêng mình.
Trong lời tựa cho ấn bản năm 1831 của cuốn tiểu thuyết Frankenstein, Mary Shelley viết rằng bà đã “rất bận rộn để nghĩ ra một câu chuyện cạnh tranh với những người đã khiến bà phấn khích với nhiệm vụ này. Đó là nhiệm vụ mang nỗi sợ hãi đầy bí ẩn, làm trỗi dậy sự kinh hoàng, ly kỳ. Nó sẽ khiến người đọc phải khiếp sợ tròn mắt, đông máu và tim đập loạn nhịp”.
Frankenstein là tiểu thuyết giả tưởng, có sự tổng hòa từ nhiều tính chất như hư cấu, khoa học viễn tưởng, kinh dị và lãng mạn. Mary Shelley bắt đầu viết ấn phẩm này khi mới 18 tuổi và sách được phát hành khi bà 20 tuổi. Frankenstein còn được biết đến với tên gọi The Modern Prometheus.
Tác phẩm kể về cách Victor Frankenstein tạo ra một sinh vật từ các bộ phận cơ thể và đưa nó vào cuộc sống.
Ban đầu, cuốn tiểu thuyết này đã bị nhà xuất bản từ chối. Sau đó, tác phẩm nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong khi Walter Scott (tiểu thuyết gia, thi hào lỗi lạc người Scotland) ấn tượng bởi “tài năng thiên phú” và “sức mạnh lạ thường của trí tưởng tượng” trong Mary Shelley, The Quarterly Review (tạp chí tại Anh) lại đặt câu hỏi: “Liệu có phải cái đầu hay trái tim của tác giả là điều bệnh hoạn nhất?”.
Ngày nay, Frankenstein được xem là một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên trên thế giới, tác phẩm kinh dị mang tính phát minh và triết học, giải quyết những câu hỏi về ý nghĩa của việc trở thành con người. Frankenstein cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm chuyển thể.
Theo Zing News