Bàn cờ lớn: Vị thế đứng đầu và những đòi hỏi địa chiến lược đối với Hoa Kỳ
Bàn cờ lớn: Vị thế đứng đầu và những đòi hỏi địa chiến lược đối với Hoa Kỳ
Mặc dù có nhiều cuốn sách viết về địa chính trị nhưng ít cuốn sách sâu sắc hoặc gây tranh cãi như “Bàn cờ lớn” của Zbigniew Brzezinski. Trong cuốn sách này, Brzezinski đưa ra quan điểm của mình về quyền bá chủ toàn cầu của Hoa Kỳ. 
Bàn Cờ Lớn - Vị Thế Đứng Đầu Và Những Đòi Hỏi Địa Chiến Lược Đối Với Hoa Kỳ (Tái Bản Mới Nhất - Omega Plus)
(14 lượt)

Brzezinski lập luận rằng Hoa Kỳ phải duy trì vị thế siêu cường ưu việt thế giới bằng mọi giá, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc can thiệp quân sự vào các quốc gia khác hoặc hy sinh mạng sống của binh lính. 

Brzezinski chia các khu vực thế giới thành bốn loại khác nhau: “cốt lõi”, “ngoại vi”, “bán ngoại vi” và “cận biên”. Ông lập luận rằng các quốc gia cốt lõi (Mỹ, Châu Âu, Nga và Nhật Bản) là những quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế và quân sự để tác động đến các sự kiện trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia ngoại vi (phần còn lại của Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh) quá nghèo và yếu, trong khi các quốc gia bán ngoại vi (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, v.v.) hoặc chưa đủ mạnh để trở thành một người chơi chính hoặc không quan tâm đến các vấn đề toàn cầu.

Tiêu đề “Bàn cờ lớn” đề cập đến niềm tin của Brzezinski rằng Hoa Kỳ phải kiểm soát Á-Âu để duy trì ưu thế. Á-Âu là nơi cư trú của đại đa số dân số và tài nguyên của thế giới, nên ai kiểm soát được Á-Âu chắc chắn sẽ trở thành siêu cường của thế giới. Vì lý do này, Brzezinski lập luận rằng Hoa Kỳ phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn bất kỳ một quốc gia nào giành được quá nhiều quyền kiểm soát đối với Á-Âu.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1997 và kể từ đó đã được sửa đổi nhiều lần. Nó vẫn là một trong những công trình quan trọng nhất về địa chính trị cho đến nay.

Nội dung cuốn sách “Bàn cờ lớn” 

Trong hai chương đầu tiên, ông so sánh sự trỗi dậy hiện nay của Hoa Kỳ với sự trỗi dậy của các Đế quốc La Mã, Trung Quốc, Mông Cổ và Anh. Điểm khác biệt giữa những cường quốc này là ở chỗ: trong khi các đế quốc lịch sử duy trì quyền kiểm soát thông qua tổ chức quân sự vượt trội và văn hóa (người La Mã), bộ máy quan liêu hiệu quả và sức mạnh dân tộc (Trung Quốc), chiến thuật quân sự tiên tiến đi cùng chiến lược đồng hóa (Mông Cổ) và tổ chức quân sự vượt trội và quyết đoán về văn hóa (Anh), thì quyền bá chủ của Mỹ đạt được dựa trên sự năng động về kinh tế, sức mạnh quân sự vượt trội, duy trì lợi thế dẫn đầu về công nghệ và sự thống trị về văn hóa. Uy quyền tối cao của Mỹ cũng được duy trì bởi vì người Mỹ đã có thể xây dựng một loạt các thể chế quốc tế phản ánh những đặc điểm của chính hệ thống kinh tế và chính trị Hoa Kỳ.

Vì vậy, lập luận trọng tâm của cuốn sách là trong khi Hoa Kỳ thống trị phần lớn thế giới và có ảnh hưởng đáng kể đến ba khu vực ngoại vi của lục địa Á-Âu (Tây Âu, Tây Nam Á và Viễn Đông), thì từ trung tâm lục địa Á-Âu, một đối thủ tiềm năng có thể xuất hiện. Brzezinski lập luận rằng Hoa Kỳ phải xác định những quốc gia nào có thể có tiềm năng thay đổi cán cân quyền lực quốc tế và một khi đã xác định được thì cần xây dựng các chính sách chống lại hoặc hợp tác với những quốc gia này, nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ. 

Ông xác định một số “người chơi địa chiến lược” (Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc và ở mức độ thấp hơn là Nhật Bản) là đối thủ tiềm năng trong cuộc đua giành quyền quyền bá chủ Á-Âu. Ông cũng xác định một số “trục xoay địa chính trị” giữ vai trò quan trọng trong quá trình trỗi dậy của những đối thủ giành quyền bá chủ tiềm năng này. Ông cho rằng Ukraine, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran rất quan trọng đối với bất kỳ sự hồi sinh nào về sự thống trị của Nga ở Á-Âu, trong khi Hàn Quốc rất quan trọng đối với mục tiêu bá quyền của Trung Quốc hoặc Nhật Bản. 

Phần còn lại của cuốn sách bao gồm các chương đề cập đến từng khu vực chính của lục địa Á-Âu, bao gồm Tây âu (các nước thuộc hệ thống Liên Xô cũ, các nước vùng Baltic; Nga; Tây Nam Á gồm Trung Đông và các nước Xô viết cũ ở Trung Á); Viễn Đông (trong đó ông tập trung vào Trung Quốc và Nhật Bản). Trong mỗi nghiên cứu, Brzezinski đưa ra một đánh giá chi tiết về các xu hướng hiện tại đang diễn ra ở từng khu vực; sau đó là phân tích về  cách thức định hướng chính sách của Mỹ trong những khu vực này nhằm đảm bảo ảnh hưởng của Mỹ được duy trì. 

Ai có thể đọc cuốn sách “Bàn cờ lớn”?

“Bàn cờ lớn” giống một bài báo mở rộng về chính sách đối ngoại hơn là một văn bản nghiên cứu học thuật. Do đó, với độc giả đại chúng, cuốn sách này rất dễ tiếp cận. Cuốn sách cũng phù hợp để làm tài liệu tham khảo về chính sách đối ngoại. 

Lời khen tặng dành cho cuốn sách “Bàn cờ lớn”

“Công lao to lớn của cuốn sách này nằm ở sự phân tích về triển vọng mang tính chiến lược và các vấn đề nan giải về chính sách của một loạt các quốc gia ở khối lục địa Á-Âu, một sự nghiên cứu tổng thể đầy đủ được thực hiện một cách sáng suốt. Phân tích của Brzezinski về mối quan hệ tay ba giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ – cùng với các khuyến nghị chính sách xuất phát từ đó – là đặc biệt hữu ích.”

– David C. Hendrickson, Foreign Affairs

“Bàn cờ lớn là cuốn sách mà chúng tôi đã chờ đợi: một sự phơi bày thể hiện rõ ràng, cứng rắn, dứt khoát về lợi ích chiến lược của nước Mỹ trong thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.”

– Samuel Huntington, tác giả của “Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới”

“Bàn cờ lớn sẽ làm sửng sốt những bạn đọc còn rụt rè, làm điên đảo những độc giả thiếu sáng kiến, và truyền cảm hứng cho những ai suy nghĩ thấu đáo. Dành cho những người tin rằng Mỹ nên đứng ở vai trò lãnh đạo nhưng không chắc chắn có thể thực hiện điều đó bằng cách nào, cuốn sách cung cấp một tầm nhìn thực dụng và đầy tính thuyết phục. Đối với những người phụ trách quá trình hoạch định chính sách Mỹ, đây là một cuốn sổ tay hướng dẫn bắt buộc.”

– Trung Tướng William E. Odom, Giám đốc Nghiên cứu An ninh Quốc gia, Viện Hudson

Trạm Đọc tổng hợp

Tham khảo H-Tech PolUnearned Wisdom

 

Tags: