Bạn chọn tha thứ hay chọn ôm đau đớn?
Bạn chọn tha thứ hay chọn ôm đau đớn?
Chúng ta cứ sống lại những khoảnh khắc tồi tệ nhất thay vì buông bỏ, chúng ta cứ cạy mãi lớp vảy ở những vết thương tâm lý và không cho chúng phục hồi, từ chối để nỗi đau tan đi. Chúng ta sẽ không chịu ngừng nghỉ cho tới khi nào chắc chắn rằng đã làm cho một ai đó khác cảm thấy tồi tệ y như họ vừa làm đối với chúng ta. Dù có phải chịu đựng cả một đời thì tôi cũng nhất định phải làm cho anh thấy rằng anh đã có lỗi với tôi như thế nào!
Lần cuối cùng mà bạn tự làm đau minh về thể chất là khi nào? Bạn đã làm gì để ngừng nỗi đau đó lại? Và bạn chờ đợi bao lâu thì mới làm cái việc ngừng cơn đau đó? Khi đang chịu đau đớn về thể chất, chúng ta thường cực kỳ chủ động trong việc tìm cách làm cho cơn đau tan biến ngay lập tức, bởi bạn biết đấy, nó đau mà. Thậm chí, dù phải chịu thêm đau đớn như bôi thuốc sát trùng rất xót vào vết thương hở, hoặc nghiến răng chịu từng mũi kim khâu miệng vết thương, thì chúng ta vẫn làm những việc đó ngay lập tức, bởi chúng ta rất tập trung vào mục tiêu sau cùng: hết đau. 

Tuy nhiên, đối với những nỗi đau về tâm lý thì xem ra chúng ta lại rất kiên nhẫn để thử xem mình có thể chịu đựng được tới đâu, đắm chìm trong những cảm giác tội lỗi, tủi hổ, oán hận và chán ghét bản thân, đôi khi là suốt cả cuộc đời. Chúng ta kéo dài sự khổ đau của mình bằng cách bám lấy những cảm giác, suy nghĩ và hành động tiêu cực như là nói xấu thông gia, mơ tưởng về chuyện tụt quần lão sếp ngu dốt trước mặt tất cả đồng nghiệp, đổ hết những sai trái và lỗi lầm cho người khác, và hậm hực mãi trong tâm trí với những lý do vì sao kẻ thù của chúng ta là sai trái còn chúng ta thì đúng đắn. 

Chúng ta cứ sống lại những khoảnh khắc tồi tệ nhất thay vì buông bỏ, chúng ta cứ cạy mãi lớp vảy ở những vết thương tâm lý và không cho chúng phục hồi, từ chối để nỗi đau tan đi. Chúng ta sẽ không chịu ngừng nghỉ cho tới khi nào chắc chắn rằng đã làm cho một ai đó khác cảm thấy tồi tệ y như họ vừa làm đối với chúng ta. Dù có phải chịu đựng cả một đời thì tôi cũng nhất định phải làm cho anh thấy rằng anh đã có lỗi với tôi như thế nào! Chúng ta cứ bám lấy những nỗi oán hận, để cho chúng xâm chiếm trong não của chúng ta, làm phí thời gian của chúng ta, khiến cho chúng ta luôn đau khổ và tức giận, rồi sinh bệnh tật, ốm đau về thể chất và thậm chí đôi khi còn làm chúng ta phải chết bởi... à, vì sao nhỉ?

Mang theo bên mình những cảm giác tội lỗi, tủi hổ, oán hận và chán ngán bản thân chính là Cơn mê muội dài đang điều khiển bạn, đang đòi được thể hiện và trở thành đúng đắn. Mặt khác thì phần con người tốt đẹp và cao quý hơn của bạn chẳng buồn đếm xỉa tới những gì người khác nghĩ hay làm, vì nó còn mải mê phải lòng với chính bản thân bạn, và đó là tất cả những gì quan trọng. Chuyện gì xảy trong quá khứ cũng đã xảy ra rồi. Cử níu giữ lấy chúng cũng không thể nào thay đổi được sự thật đó, việc đó sẽ chỉ làm cho những cảm giác tiêu cực trong quá khứ sống mãi, giữ bạn làm tù binh của nỗi đau và hạ thấp tần số dao động của bạn. 

Thời điểm mà bạn quyết định tha thứ và để cho những cảm giác tiêu cực tan biến đi, thì bạn đã đặt chân lên con đường dẫn tới tự do.

Tha thứ là việc để quan tâm, chăm sóc tới bạn, chứ không phải tới người mà bạn cần tha thứ. Nó là việc đặt mong muốn được thoải mái lên trên mong muốn được làm kẻ đúng. Nó là việc nhận lấy trách nhiệm về sự hạnh phúc của bạn, chứ không phải là vờ như trách nhiệm đó nằm trong tay người khác. Nó là việc làm chủ sức mạnh của bạn bằng cách tống khứ đi những phiền muộn, giận dữ và oán trách. Ôm thù hận trong lòng cũng giống như là tự uống thuốc độc rồi mong chờ kẻ thù sẽ chết vậy.

Nếu bạn gặp phải vấn đề với một người mà bạn quan tâm, hãy giải thích cảm nhận của bạn mà không quở trách, và dù kết quả có ra sao thì hãy cứ tha thứ cho người đó. Việc giải thích đó có thể sẽ đưa hai người lại gần với nhau hơn, hoặc bạn sẽ nhận ra mình không muốn giao du nhiều với người đó, hoặc là hoàn toàn không tiếp xúc nữa. Nhưng dù thế nào, nếu muốn được tự do thì bạn phải buông bỏ.

Nếu bạn cảm thấy bị tổn thương hoặc oán hận một kẻ khốn nạn, hãy giải phóng cho bản thân bằng cách buông bỏ việc đó, thay vì canh cánh mãi trong lòng hoặc trả thù bằng những việc như gửi một thùng rác rưởi cho hắn qua đường bưu điện. Bạn quan tâm tới việc người đó dở tệ, xấu xa hay sai trái thế nào để làm gì? Đừng lấy cớ rằng bởi bạn mong hắn trở thành con người tốt hơn, thực ra bạn chẳng hề mong chuyện đó. Bạn chỉ muốn trả đũa, muốn được xin lỗi hoặc được công nhận là mình đúng đắn. Hãy vượt qua những mong muốn đó, để chúng tan biến. Bạn càng ấp ủ mãi cái nguyện vọng được minh oan trong lòng, thì chúng càng bám lấy tâm trí của bạn, khiến cuộc đời của bạn bốc mùi thêm. Đừng trở thành nạn nhân của tư tưởng sai lệch rằng khi tha thứ cho ai đó thì bạn giải phóng cho kẻ đó. 

Bởi khi tha thứ cho, bạn đã giải phóng cho chính mình.

Tha thứ không phải là đối xử tốt với người khác, mà với chính bản thân mình.

Thôi được rồi, giờ chúng ta đã hiểu bản chất ấy. Vậy làm thể nào để thực sự buông bỏ những thứ như vậy? Làm thế nào để tha thứ cho kẻ đó?

 

1/ TÌM KIẾM LÒNG TRẮC ẨN

 

Tìm kiếm lòng trắc ẩn đối với bản thân hay với ai đó vừa làm một việc cực kỳ tệ hại cũng giống như rút một viên đạn ra khỏi vết thương trên cánh tay bạn vậy: Ban đầu bạn sẽ gào thét và giãy giụa, nhưng về lâu dài thì đó là cách duy nhất để bắt đầu quá trình hồi phục.

Một trong những mẹo hay nhất để làm việc này là hãy tưởng tượng rằng người mà bạn đang oán hận là một đứa trẻ. Hãy nghĩ rằng hắn chỉ đang hành động do sợ hãi, chỉ đang cố gắng hết sức để bảo vệ bản thân và đối phó với những khó khăn của hắn theo cách duy nhất mà hắn biết. Người ta hành xử tệ hại là do họ đang đau khổ, thiếu hiểu biết hoặc cả hai. Việc hiểu được chuyện đó, và tưởng tượng kẻ bạn đang muốn chặt đầu kia là một đứa trẻ với cặp mắt ngây thơ của một chú chó con sẽ giúp bạn tìm được lòng trắc ẩn đối

với hắn, vốn là chìa khóa của sự tha thứ. Tương tự như vậy đối với tất cả những thứ hay những điều về bản thân mà bạn cảm thấy cần được tha thứ. Bạn cũng chỉ là một chú thỏ con bé bỏng đang cố gắng lo toan cho tất cả mọi chuyện mà thôi. Hãy tìm kiếm một lòng trắc ẩn dành cho bản thân khốn khổ, tội nghiệp, và buông bỏ tất cả những điều tồi tệ.

 

2/ ĐƯA CON NGƯỜI KIA RA KHỎI TÌNH HUỐNG

 

Hãy tưởng tượng rằng bạn có hai cô nhân viên không tới cơ quan làm việc trong cùng một ngày, khiến bạn phải một mình loay hoay với cả núi công việc. Một trong hai cô không

chịu đi làm vì chưa tỉnh rượu từ đêm hôm trước, còn cô kia thì vừa nghe tin người mẹ yêu dấu đột ngột qua đời, và phải lập tức ra sân bay để về nhà chịu tang, không kịp gọi điện xin phép bạn trong lúc tâm trạng rối bời. 

Cả hai cùng dẫn tới một kết quả y hệt nhau - bạn bị bỏ mặc và phải xử lý công việc một mình - nhưng có hai cách phản ứng hoàn toàn khác nhau. Điều đó có nghĩa là... bạn có thể

lựa chọn! Một lựa chọn là quát tháo, phẫn nộ, có thể khiến bạn căng thẳng tới nỗi tăng huyết áp và phình mạch máu, còn lựa chọn kia là mở rộng tấm lòng và tỏ ra thông cảm.

Một cách làm khác là tưởng tượng rằng bạn đang thư giãn trên chiếc du thuyền mới cứng, bỗng một chiếc thuyền khác đâm sầm vào thuyền của bạn, tạo ra một vết xước lớn.  Nếu không có ai trên chiếc thuyền kia thì chẳng có ai để bạn giận dữ, và bạn phản ứng với tình huống này một cách bình tĩnh hơn nhiều. Nhưng nếu có một kẻ ngốc nghếch nào đó lái chiếc thuyền đó và đâm vào bạn vì đang mải đọc tin nhắn điện thoại, thì bạn sẽ nổi cơn thịnh nộ và chửi người đó bằng những từ ngữ xấu xa nhất. Lại là cùng một tình huống - thuyền của bạn bị một vết xước - và hai cách phản ứng khác hẳn nhau,

Khi có ai đó làm điều gì tồi tệ đối với bạn, hay đưa người đó ra khỏi tình huống ấy, để bạn có thể mở rộng lòng mình và có được những cách phản ứng (và cả cuộc đời) dễ chịu hơn. Đằng nào thì quan trọng nhất vẫn không phải là người khác, mà là bạn. Nếu chẳng có ai để trút giận thì bạn sẽ khó mà tức giận được. Thay vào đó, việc đưa người khác ra ngoài giúp bạn rảnh rang tìm hiểu về cái tai nạn hay chuyện tệ hại kia. Tại sao nó lại xảy ra? Tôi có liên quan thế nào tới chuyện này? Tôi đã làm gì để thu hút một chuyện như vậy chăng? Tôi có thể học được gì từ chuyện này? Làm sao để tôi có thể tìm được lòng trắc ẩn đối với tất cả những người liên quan? Khi bạn vẫn còn chìm đắm trong nỗi oán hận thì các bài học không thể tới được với con người đang gào thét đòi trả thù trong bạn. Hãy sử dụng những tình cảnh khốn khổ và khó chịu để làm cơ hội học hỏi và phát triển, chứ không phải để đau đớn.

 

3/ QUYẾT ĐỊNH RẰNG HẠNH PHÚC QUAN TRỌNG HƠN PHẦN THẮNG

 

Đôi khi con đường tới sự tự do nằm ở chỗ quyết định rằng bạn thà được thoải mái và hạnh phúc còn hơn là chiếm được phần đúng. Đúng là cô bạn ngu ngốc của bạn phải trả tiền vé phạt khi mượn xe của bạn và bị phạt, hoặc đứa em họ đúng là không nên cạo lông chú chó nhà bạn khi đang trông nhà giúp, nhưng nếu họ không hiểu được những điều như vậy thì thay vì tiếp tục cằn nhằn về chuyện đó trong nhiều ngày, chẳng phải buông bỏ chúng đi sẽ dễ chịu hơn rất nhiều sao? Việc chứng minh là mình đúng có xứng đáng để mang mãi theo bên mình những cảm giác tồi tệ đó không?

Hãy tự hỏi mình rằng: “Tôi phải làm gì hay không làm gì, nghĩ gì hay không nghĩ gì để được hạnh phúc và thoải mái ngay lúc này?” Và nếu câu trả lời là “Cứ để tên khốn kia nghĩ rằng hắn đúng đi” thì hãy làm theo như vậy.

 

4/ XEM XÉT MỘT CHUYỆN TỪ MỌI GÓC ĐỘ 

 

Cần phải ghi nhớ rằng tất cả mọi người đều đang sống với những ảo tưởng do chính họ tạo ra, và rằng bạn còn biết được những hành động của họ là xuất phát từ lý do nào, vậy nên có những việc bạn cho rằng không chấp nhận được, thì trong ảo tưởng của người khác, họ lại thấy việc đó là bình thường, còn cách xử sự của bạn mới là không chấp nhận được. Hãy nhìn sự việc từ một góc độ khác, nới lỏng sự cương quyết rằng không làm theo cách của tôi thì là đồ bỏ, và bạn sẽ thấy những oán hận tan biến đi nhanh tới mức không ngờ.

Ví dụ, bạn gửi tin nhắn cho người bạn thân khoe về buổi tiệc nhỏ mà bạn định tổ chức tối nay, và mời cô ấy tới tham dự. Cô ấy nhắn tin trả lời rằng không thể tới được vì hôm nay là sinh nhật của cô ấy. Bạn lại nhắn tiếp một tin nhắn xin lỗi cùng với biểu tượng mặt buồn. Sau đó, bạn không nhận được tin nhắn trả lời nữa. Thế là bạn lại nhắn “Chúc mừng sinh nhật!” Bạn vẫn không được trả lời, nên bắt đầu hơi cuống lên. Bạn đi từ chỗ áy náy vì đã làm cô ấy buồn lòng, rồi chuyển sang tự hỏi không hiểu kiểu người lớn gì mà còn thấy ngày sinh nhật quan trọng như vậy, rồi lại chuyển sang lo nghĩ xem nên tiêu bao nhiêu tiền vào một món quà sinh nhật để khỏi thấy áy náy nữa. Trong khi đó, thực ra cô bạn kia đang nhắn tin thì chẳng may làm rơi điện thoại xuống bồn cầu, nên không thể trả lời tin nhắn được nữa.

Bằng cách tìm hiểu kỹ các lựa chọn phản ứng (chứ không phải là làm nô lệ cho những phản ứng của bạn đối với người khác), bạn nhận được tới hai lợi thế, đó là không những có được cơ hội để tha thứ cho họ dễ dàng hơn (bởi bạn nhận ra bạn mới quan trọng chứ không phải là họ), mà còn có thể được khai sáng để nhận ra vài đặc điểm chẳng hay họ của chính mình, để có thể học hỏi và phát triển từ đó (tôi sẽ còn nói thêm về chuyện này trong Chương 21: Triệu triệu chiếc gương).

Trong cuốn sách tuyệt vời Yêu mọi thứ tồn tại: Bốn câu hỏi có thể thay đổi cuộc đời bạn (thực sự tuyệt vời đấy, bạn nên tìm đọc đi), Byron Katie đã nói: “Chúng ta không bị ràng buộc bởi con người hay bởi thứ gì, mà chúng ta bị ràng buộc bởi quan niệm mà vào thời điểm hiện tại chúng ta cho rằng đúng.” Ví dụ trong tình huống trên, thay vì bị ràng buộc bởi ý nghĩ rằng người bạn kia chẳng trả lời tin nhắn nữa vì họ đang giận, bạn chỉ cần tự hỏi bản thân rằng “Tại sao mình lại phải hoảng lên vì một điều mà mình còn chưa chứng minh được là thật?” hoặc “Mình sẽ cảm thấy thế nào nếu như cô ấy không phải đang giận dỗi?" Có thể chỉ một câu hỏi đó sẽ dẫn bạn tới hạnh phúc trong bất cứ trường hợp khốn khó nào. 

 

5/ TRÚT GIẬN TOÀN TẬP

 

Hãy đi đâu đó một mình, tránh xa mọi người khác và đánh đập, trút cơn thịnh nộ vào một cái gối, cái đệm hay vật gì đó mềm mại, vô tri giác, không đánh lại bạn và không làm nắm đấm của bạn bị đau. Hãy gào thét về chuyện con người kia là một con lợn xấu xa như thế nào, gào hết cỡ cho tới khi bạn mệt lử hoặc cho tới khi có ai đó nghe thấy và báo cảnh sát. Hãy tống khứ hoàn toàn những thứ đó ra khỏi tâm trí bạn, rồi để cho chúng ra đi.

 

6/ NHỚ RẰNG BẠN CHẲNG NHỚ NỔI ĐÂU

 

Hãy thử nghĩ về một ai đó đã từng làm bạn giận điên người vào khoảng ba năm về trước. Bạn có nhớ ra được một ai như vậy không? Nếu có thì giờ đây bạn có thể tức giận như khi đó không? Dù chuyện gì hay dù ai đó đang làm bạn sôi máu ở thời điểm hiện tại thì chúng cũng sẽ chỉ là những ký ức nhạt nhòa trong một tương lai không xa (đương nhiên tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chúng). Vậy tại sao cứ phải làm to chuyện ra trong khi chỉ đôi ngày sau là bạn đã quên đi hết rồi? Hãy nhìn nhận những chuyện bực mình như là phù du trong tương lai, bắt đầu tha thứ và quên đi ngay lập tức.

Trong chuyện tha thứ thì những việc mà bạn thực sự phải làm cũng chẳng khó. Nó giống như nghỉ hút thuốc lá vậy - thực ra những việc bạn phải làm còn ít hơn là khi bạn hút thuốc. Bạn không cần tới cửa hàng để mua thuốc lá, không phải xé vỏ bao thuốc, không phải châm lửa, không phải gạt tàn, v.v... Tất cả những gì bạn cần làm là dừng lại. Tất cả công việc cần thực hiện là bỏ đi sự ràng buộc của bạn đối với thuốc lá. 

Chuyện tha thứ cũng tương tự như vậy. Tất cả những gì bạn cần làm là bỏ đi mối ràng buộc với sự việc, con người đó hay quan điểm đó.

 

7/ HÃY QUÊN NÓ ĐI 

 

Một khi bạn đã quyết định tha thứ cho ai đó, hãy xóa sạch hoàn toàn chuyện đó. Chúng ta thường hay tạo ra những đánh giá và nhận định về người khác, sau đó bất kể họ làm gì, chúng ta vẫn chỉ nhìn họ qua lăng kính của những đánh giá đó. Đôi khi việc đó có nghĩa là chúng ta luôn chờ đợi họ sẽ làm chúng ta tức giận lần nữa. Và thế có nghĩa là chúng ta vẫn đang trong tình trạng chưa thực sự tha thứ: giả vờ như mình ổn, nhưng thực ra vẫn còn đang mang theo một nỗi oán hận chưa nguôi. Hãy bỏ đi mọi sự trông đợi, giải phóng cho tất cả mọi người, đối xử với mọi người như họ chưa bao giờ có “tiền án tiền sự gì, dù họ đã làm gì trong quá khứ thì vẫn cứ hy vọng họ sẽ tỏa sáng trong tương lai, và bạn có thể sẽ bất ngờ. Bạn càng tập trung vào thứ gì thì sẽ càng tạo ra nhiều thứ đó, và nếu bạn cứ chờ đợi người khác sẽ làm bạn giận thì họ sẽ làm như vậy thật. Hãy tập trung vào những điểm tốt ở họ và ủng hộ những hành động đúng đắn của họ, nếu bạn muốn tạo ra thêm những thứ như vậy.

 

8/ YÊU BẢN THÂN MÌNH

 

Vì bạn xứng đáng.

- Trích dẫn từ cuốn sách: Sống bình thường mà không tầm thường 

Tags: