8 cuốn sách giúp bạn hiểu về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học
8 cuốn sách giúp bạn hiểu về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu thể loại này, những đặc điểm chính và các tác giả nổi bật, từ Gabriel Garcia Marquez đến Haruki Murakami.

 

Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là gì?

 

Thể loại văn học hiện thực huyền ảo mang đến những yếu tố kỳ ảo cho các thế giới và cấu trúc xã hội hiện thực, đóng vai trò như một phép ẩn dụ và một phương tiện để nhấn mạnh sự phi lý. 

Trong cuốn sách “Ordinary Enchantments”, Giáo sư Văn học Anh Wendy B. Faris gợi ý năm đặc điểm làm nền tảng cho thể loại này: một yếu tố kỳ ảo không thể giải thích được bằng quy luật tự nhiên; bối cảnh thế giới thực; người đọc bị kẹt giữa những ý tưởng khác nhau về hiện thực và sự kiện; các cõi xung đột gần như hợp nhất; và việc miêu tả thời gian vừa là lịch sử vừa là cái vĩnh cửu, do đó làm xào trộn sự hiểu biết của chúng ta về thời gian, không gian và bản chất. 

 

Ai đặt ra thuật ngữ "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo"?

 

Năm 1925, nhà phê bình nghệ thuật người Đức Franz Roh đã sử dụng cụm từ ‘Magischer Realismus’ để mô tả một phong cách nghệ thuật mới khắc họa bản chất kỳ diệu của một thế giới lẽ ra là ‘thực’.

Thuật ngữ "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” bắt đầu đi vào giới văn học vào khoảng thời gian đó nhờ nhà văn theo trường phái Vị lai người Ý Massimo Bontempelli, người lần lượt ảnh hưởng đến các nhà văn bao gồm Arturo Uslar Pietri và Alejo Carpentier. Thể loại này sau đó đã được các tác giả Mỹ Latinh khác tiếp nhận và phát triển – đặc biệt là Gabriel Garcia Marquez. Nhờ việc chuyển ngữ sang tiếng Anh rất tốt, các tác phẩm của họ nhanh chóng được tung ra thị trường, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đã bùng nổ trở thành hiện tượng toàn cầu, và được gọi là El Boom.

 

Tại sao chủ nghĩa hiện thực huyền ảo lại trở nên phổ biến đến vậy?

 

Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cực kỳ hấp dẫn và cực kỳ thú vị khi đọc. Sự kết hợp thú vị giữa giả tưởng và thực tế cho phép tác giả thể hiện theo cách không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được bằng các hình thức diễn tả truyền thống. Tác phẩm của Gabriel Garcia Marquez đã thu hút trí tưởng tượng của độc giả trong thập niên 60 và 70, trong khi các tác phẩm chuyển thể của Hollywood đã giới thiệu ông với khán giả mới trong Thế kỷ 21.

Vào đầu những năm 2000, một thế hệ tác giả mới hơn đã tách mình ra khỏi thể loại này, tuyên bố rằng nó quá hào nhoáng để có thể nghiêm túc. Nhưng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo vẫn tiếp tục chứng tỏ sức hút với độc giả cũng như nhà văn. Dưới đây là những lựa chọn hay nhất nếu bạn muốn tìm hiểu thể loại hiện thực huyền ảo. 

 

8 cuốn sách thể loại hiện thực huyền ảo hay nhất

 

1/ “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Marquez (1967)

Các khía cạnh hiện thực kỳ ảo, trong cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của Gabriel Garcia Marquez, kể về dòng dõi của một gia đình trong một cộng đồng rừng biệt lập, được thể hiện rõ nhất ở cảnh một nhân vật bay lên thiên đường trong khi gấp ga trải giường. 

Việc đọc nó giống như cố gắng phân tích một bức tranh theo phong cách “Mắt thần”. Vào cùng một thời điểm, mọi thứ đều có thật nhưng lại rất kỳ lạ. 

Marquez được truyền cảm hứng rất nhiều từ bà của ông, một người Công giáo sùng đạo, người đã kể những câu chuyện xa vời với niềm tin rằng chúng có thật - và biết đâu đấy, chúng có thật thì sao?

 

2/ “The Lost Steps” (tạm dịch: Những bước chân lạc lối) của Alejo Carpentier (1953)

Nhà văn Pháp-Nga-Cuba Alejo Carpentier ưa thích cách mô tả hiện thực kỳ ảo cho cuốn tiểu thuyết “The Kingdom of this World” (tạm dịch: Vương quốc của thế giới” năm năm 1949 của ông, cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng lớn đến Garcia Marquez. “The Lost Steps” xuất bản bốn năm sau đó cũng có những đặc điểm tương tự trong tác phẩm của Garcia Marquez: một vùng đất dường như tồn tại bên ngoài lịch sử và thời gian, nơi một người đàn ông bất mãn từ chối hiện tại, một cuộc hành trình và câu chuyện đi vào trọng tâm của thân phận con người.

 

3/  “Ngôi nhà của những hồn ma” của Isabel Allende (1982)

Giống như nhiều nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, Isabel Allende là một nhà báo có máu chính trị theo đúng nghĩa đen. Chú của bà là cựu tổng thống Chile Salvador Allende, người bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1973. “Ngôi nhà của những linh hồn”, cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà, là một câu chuyện gia đình trải dài, từ chuyện tình lãng mạn sâu sắc đến cuộc cách mạng bạo lực. Trung tâm của câu chuyện là Clara del Valle, người có khả năng điều khiển từ xa và khả năng thấu thị đã giúp rất nhiều người nhưng cuối cùng không thể bảo vệ họ khỏi các thế lực lớn hơn.

 

4/ “Like Water For Chocolate” (tạm dịch: Nước và Sô-cô-la) của Laura Esquivel (1989)

Cuốn tiểu thuyết này là một câu chuyện tuyệt đẹp, kỳ diệu về câu chuyện Cô bé Lọ Lem của tác giả và chính trị gia người Mexico Laura Esquivel. Là con gái út trong gia đình nhưng theo truyền thống gia đình, Tita bị cấm kết hôn. Thay vào đó, cô phải chăm sóc mẹ mình cho đến khi bà qua đời. Nấu ăn là việc duy nhất giúp cô thoát khỏi hiện thực đó. Cô dồn tất cả những khát khao của mình vào những những công thức nấu ăn tuyệt vời của mình, nhưng điều này lại phản tác dụng khi cô phải lòng người hàng xóm của mình, Pedro, người bị quyến rũ bởi tài nấu nướng của cô nhưng lại kết hôn với em gái cô.

 

5/ “Những đứa con của nửa đêm” của Salman Rushdie 

Trong cuốn tiểu thuyết này và tác phẩm “The Satanic Verses” (tạm dịch: Những vần thơ của Satan) sau này, Salman Rushdie sử dụng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo để vừa nhấn mạnh thế giới đã trở nên lố bịch như thế nào vừa khám phá Ấn Độ thời hậu thuộc địa. Như Rushdie đã viết vào năm 1985, “Điều đầu tiên bạn chú ý về Ấn Độ là họ tin vào Thần, rằng thần thánh là một phần của cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn sử dụng chủ nghĩa hiện thực - một cách sử dụng ngôn ngữ của phương Tây, để mô tả một xã hội như vậy, thì bạn đang ngầm chỉ trích nó.” Đối với Rushdie, các nguyên lý của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cho phép Thần tồn tại và chân thực như thế giới vật chất mà chúng ta đang sống.

 

6/ “Yêu dấu” của Toni Morrison (1987)

Khi Sethe, một phụ nữ từng là nô lệ, mất đi đứa con của mình, cô chỉ có đủ khả năng để khắc dòng chữ "Yêu dấu" trên bia mộ. Nhiều năm sau, hồn ma Yêu dấu ấy ám ảnh ngôi nhà của gia đình, ngày càng lớn dần để thể hiện những ký ức chung về cộng đồng Da đen và tổ tiên của họ, khiến họ nhớ lại những ký ức bị giấu đi trước đây và kể những câu chuyện và lịch sử của chính họ – thay vì những câu chuyện do chủ nô truyền lại cho họ.

 

7/ “Chocolat” của Joanne Harris (1999)

Joanne Harris đã mang một phép thuật rất thực tế vào căn bếp của nhân vật chính Vianne Rocher, một thợ làm sôcôla và là người mới đến ngôi làng Lansquenet cổ kính của Pháp, để nhấn mạnh giá trị của lòng khoan dung đối với kiểu suy nghĩ thuần túy gây ra chứng cuồng loạn xã hội. 

Vianne có khả năng độc nhất là có thể đoán được mong muốn của những người dân làng của cô. Món quà này của cô ấy, tuy phi thường nhưng chỉ nhằm mục đích nhấn mạnh những phẩm chất nhân văn, hơn  là lòng tốt và sự hiểu biết, điều này là sự bí ẩn đối với vị linh mục độc đoán của làng. 

 

8/ “Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami (2002)

Với nhân vật có cùng tên với Franz Kafka, một trong những người đi trước có ảnh hưởng lớn của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, bạn có thể nghĩ mình biết điều gì sẽ xảy ra trong “Kafka bên bờ biển”. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết được dệt nên từ những thực tế xen kẽ, một người đàn ông có thể nói chuyện với mèo, cá từ trên trời rơi xuống và khu rừng nơi con người dường như không bao giờ già đi, và những điều bất ngờ luôn chực chờ xảy ra. Có thể cuốn sách này vừa đen tối nhưng cũng vừa đẹp đẽ, câu trả lời sẽ tùy theo cảm nhận của từng độc giả. 

 

- Trạm Đọc

- Theo Penguin

 

Tags: