6 lí do Internet không thể thay thế thư viện
6 lí do Internet không thể thay thế thư viện
Trước đây khuynh hướng sùng bái Internet đã khiến nhiều người cho rằng Internet có thể thay thế được cho thư viện truyền thống. Gần đây khi thư viện số trở nên thịnh hành khắp nơi, lại có quan điểm cho rằng Internet và Thư viện số là một

Quan niệm này hoàn toàn sai lầm, bởi vì Internet thiếu hẳn những đặc điểm quan trọng của việc sưu tầm, tổ chức và lưu giữ thông tin. Trong khi đó, thư viện số ngày càng được hoàn thiện về tổ chức và công nghệ, hơn nữa, công nghệ xây dựng Thư viện số về cơ bản được dựa trên nền tảng của thư viện truyền thống. Như vậy, thư viện số chỉ là sự hiện hình khác của thư viện truyền thống trong bối cảnh công nghệ thông tin. Do vậy, có thể khẳng định rằng, Internet không thể thay thế hoàn thiện cho một thư viện bởi các lý do dưới đây:

1. Internet không phải là kho tài nguyên vô tận

Có hơn 1 tỉ trang web không thể tiếp cận được so với 4.285.199.774 trang tồn tại trên Internet (theo thống kê của Google), những trang web đó vẫn không thể được hiển thị cho dù vẫn được trình bày trên kết quả khi thực hiện việc tìm kiếm. Hơn nữa, rất ít tài nguyên có giá trị được cung cấp miễn phí trên Internet. Số tạp chí được đưa lên Internet chỉ chiếm khoảng 8% và số lượng sách còn ít hơn rất nhiều. Và tất cả những tài nguyên đó đều bắt buộc độc giả chi trả một mức phí để sử dụng.

2. Tìm kiếm thông tin trên Internet như tìm kim đáy biển

Internet giống như một kho khổng lồ không được tổ chức, sắp xếp. Người ta không thể tìm kiếm tất cả các trang Web cho dù có sử dụng hàng loạt các bộ máy tìm kiếm lớn như Hotbot, Lycos, Dogpile, Infoseek,… Các website thường công bố rằng họ có thể tìm kiếm thấy tất cả mọi thứ nhưng thực tế kết quả không đáp ứng được như vậy. Hơn thế nữa, những kết quả do các bộ máy tìm kiếm đó mang lại, lại không được cập nhật thường xuyên theo định kỳ hàng ngày, hàng tuần đúng như quảng cáo. 

3. Nội dung không được kiểm soát

Những thông tin Internet là đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày nhưng ngoài những thông tin chính xác về khoa học, y tế, lịch sử,… trên Internet còn có rất nhiều những thông tin rác. Khi người trẻ không được khuyến cáo về những trang web không lành mạnh, họ sẽ học đòi theo những xu hướng, hành vi không lành mạnh, thậm chí là phạm phá. Hơn thế nữa, chưa có sự giám sát nào được thực hiện đối với việc đăng thông tin trên web. Trái lại, thư viện là nơi những ấn phẩm không có giá trị rất ít khi được thu thập.

4. Chi phí bản quyền Internet cao và ngăn cản việc chia sẻ tài nguyên

Từ những năm 1970, mỗi năm có khoảng 50.000 tài liệu khoa học được phát hành. Trong số 1,5 tỷ tài liệu đó chỉ vỏn vẹn khoảng 2.000 tài liệu được đưa lên Internet (chiếm 0,000133%). Người ta cũng sẽ tự hỏi 20.000 tài liệu được xuất bản trước năm 1920 đang có ở trên mạng bao gồm những gì? Do không có những quy định, giới hạn về luật bản quyền nên đôi khi một tư liệu khi được số hoá được nâng giá thành lên cao gấp hai hay ba lần so với giá của bản in. Hơn nữa, các nhà cung cấp thường chỉ cho phép 1 quyền truy cập vào tư liệu số, nếu như có người đang sử dụng tư liệu đó thì những người khác sẽ không thể truy cập được. 

5. Thông tin trên Internet mênh mông nhưng hời hợt

Khi tìm kiếm trên Internet, người ta cảm thấy choáng ngợp trước những kết quả được tìm thấy. Nhưng trong kết quả khổng lồ ấy có lẫn cả những địa chỉ không còn tồn tại (thường được thấy bằng câu thông báo: This location is temporary unavailable!). Những thông tin trên Internet ít khi nào lưu trữ được trên 15 năm. Bởi các nhà cung cấp dữ liệu thường xuyên thay thế những tư liệu mới đồng thời xoá bỏ những tư liệu cũ. Để truy cập vào những tư liệu cũ, độc giả lại phải trả thêm những khoản tiền lớn khác. Đối với sinh viên, việc nghiên cứu không thể chỉ dừng ở những tài liệu được xuất bản trong vòng 10 – 15 năm qua mà còn phải nghiên cứu những tài liệu được xuất bản trước đó nữa.

6. Sự tiện dụng của Internet

Trong một cuộc điều tra gần đây, hơn 80% những người mua sách điện tử cho rằng họ thích mua những cuốn sách được xuất bản ở dạng in truyền thống bằng phương thức giao dịch điện tử hơn là mua sách điện tử để rồi phải đọc chúng trên mạng Internet. Với lịch sử gần 1.000 năm in ấn phát hành, chúng ta cũng đã coi việc đọc sách là một hoạt động mang tính nhân bản. Điều này dường như sẽ không thay đổi trong hàng trăm năm sau nữa. Nếu như sự thay đổi có xảy ra thì đó cũng chỉ là sự thay đổi phương cách chuyển giao những tư liệu điện tử để đạt hiệu quả cao hơn. Người ta có thể mang sách đi theo bất kỳ nơi nào mà không cần phải quan tâm về các điều kiện khác để truy cập vào Internet như dung lượng pin, chất lượng wifi, 3G và tài khoản truy cập Internet.

Như vậy, tuy không thể phủ nhận tầm quan trọng của Internet nhưng nếu sử dụng Internet để thay thế cho thư viện và các dịch vụ của thư viện thì đó là một điều không thể. Thư viện là một biểu tượng của văn hóa, là nơi lưu trữ toàn bộ kiến thức và trí tuệ của dân tộc và nhân loại, trong khi đó, Internet chỉ là một công cụ để khai thác thư viện có hiệu quả hơn. Nếu chúng ta làm cho thư viện tụt hậu, chính chúng ta đã làm cho nền văn hóa và tiến bộ của nhân loại bị tổn hại, chính chúng ta đã ký vào bản khai tử cho những di sản văn hóa của chúng ta ngoài việc tạo những vết đen trong lịch sử tiến hóa. Không ai khác ngoài những cán bộ thư viện biết rõ chi phí để một thư viện đi vào hoạt động. Các cán bộ thư viện luôn tìm cách giảm thiểu chi phí nhưng vẫn đảm bảo các dịch vụ do thư viện cung cấp.

Nếu như nói Internet là một nhân tố làm cho thư viện bị lỗi thời và trở nên không cần thiết thì cũng chẳng khác gì cho rằng giày dép đã làm cho đôi chân trở nên thừa thãi.

Tags: