Hãy chăm sóc mẹ
Shin Kyung Sook
Câu chuyện kể về hành trình đi tìm người mẹ đi lạc dưới dưới góc kể của lần lượt từng người con, người chồng, và qua đó ùa về những hồi ức, kỉ niệm về mẹ. Đó là người mẹ mà mỗi khi dắt tay đứa con như “bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao". Và ngay cả khi những người anh cả, anh hai, chị gái dần trưởng thành và đi làm, người mẹ vẫn chăm sóc, ở bên cạnh che chở, vẫn lặng lẽ đứng sau, tận tụy với một tấm lòng ấm áp và bao dung. Dường như, hình ảnh người mẹ trong câu chuyện này không chỉ là mẫu người phụ nữ Á Đông điển hình, mà ta còn thấy thấp thoáng đâu đây có hình hài mẹ mình trong từng hành động, cứ chỉ đấy.
Từng được đánh giá là một hiện tượng văn chương Hàn Quốc năm 2009 và gây tiếng vang lớn, tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ xoáy thẳng vào tâm trí người đọc, khiến ta phải tự vấn khi lần đầu gặp tựa đề này: “Đã bao lâu rồi mình chưa hỏi thăm, quan tâm mẹ?”
Những câu trích dẫn trong tác phẩm:
“Những lá thư của mẹ luôn ngập tràn cảm động: Mẹ xin lỗi vì không giúp được gì cho con. Khi cô viết nắn nót theo những lời của mẹ, nước mắt đã rơi lã chã trên bàn tay mẹ. Câu nói cuối cùng của mẹ luôn luôn là: Con hãy ăn uống đầy đủ con nhé! Mẹ.”
“Cô nhận ra mình có thói quen nghĩ về mẹ mỗi khi có những chuyện không hay xảy đến trong cuộc sống. Bởi vì cứ nghĩ đến mẹ là chừng như mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo, và một nguồn sức mạnh mới lại trào dâng trong cô.”
Mẹ, thơm một cái
Cửu Bả Đao
Có lẽ, đối với những ai đã từng đọc “Cô gái năm ấy chúng tôi cùng theo đuổi” hẳn sẽ yêu mến cái giọng văn gần gũi, có chút khùng và cà chớn. Đến với tác phẩm mà nhà văn viết dành tặng cho mẹ mình, ta lại bắt gặp chất giọng duyên đến lạ đó qua từng trang hồi kí không nút thắt, không cao trào nhưng người đọc vẫn thấy cuốn hút bởi những lời kể, lời chia sẻ của tác giả về người mẹ, về những kỉ niệm chân thật, giản dị như tình mẹ dành cho ba anh em.
Người mẹ hiện lên trên trang viết của Cửu Bả Đao là bà mẹ mạnh mẽ, giàu đức hi sinh và yêu thương gia đình hết mực, thậm chí còn tự nhận mình “chiều chồng quá nên chồng sinh hư”. Nhà bán hiệu thuốc, không khá giả mấy nhưng bà không ngần ngại mượn nợ để ba đứa con ăn học thành tài. Bà mạnh mẽ khi “quán triệt” cho thằng Út về quan niệm yêu thương. Bà kiên nhẫn đạp xe chở Đao về buổi trưa hồi học tiểu học vì sợ anh theo đám bạn hư hỏng.
“Mẹ, khi bị bệnh cũng chính là thời gian duy nhất mẹ được ngủ trọn giấc, là thời gian để mẹ được nghỉ ngơi, Mẹ, khi vắng đi khỏi vị trí thường ngày rồi, mới thấy không ai thay thế được.” Ngôn từ chẳng hề đao to búa lớn, nhưng suy nghĩ của tác giả cũng đủ khiến người đọc cảm động và mềm lòng, muốn được chạy đến bên mẹ, ôm mẹ và nói: “Mẹ, thơm một cái nào”
Những câu trích dẫn trong tác phẩm
“Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ.
Tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ.
Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.
Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình”
“Giờ thì tôi nhớ Mẹ thật, nhớ rất nhiều, đến nỗi muốn khóc và trở về nhà. Dù về nhà cũng sẽ chỉ chào Mẹ, ngồi vào mâm cơm và mỉm cười mà ăn. Không ôm ấp, không nũng nịu, chỉ đùa giỡn như những người bạn và hạnh phúc như những người thân. Tôi sẽ ngủ trưa trên nền nhà, bên cạnh Mẹ, gối đầu lên chân Mẹ trong khi Mẹ chăm chú xem tivi. Rồi Mẹ sẽ luồn tay vào tóc tôi mà than thở: “Lại ngắn hơn rồi”. Rồi sẽ nhờ tôi chở đi chợ, rồi sẽ nhờ tôi đi lựa quần áo, rồi sẽ nhờ tôi chở đi chơi và làm đẹp, rồi sẽ nhờ tôi làm việc này việc nọ… Tôi nhớ Mẹ!”
Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ
Gong Ji Yong
“Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ” đã làm rung động trái tim, chạm sâu tận đáy lòng người đọc bằng tình yêu thương đong đầy qua những bức thư - bức thư của tình mẫu tử thiêng liêng, của cả trái tim, của cả tâm hồn, của những lời tâm tình của người mẹ dành cho con.
Đều đặn vào mỗi thứ Ba, Uy Nyung, cô bé đang bâng khuâng trước bậc thềm thanh xuân lại nhận được một lá thư. Lá thư luôn mở đầu bằng “Uy Nyung à” và kết thúc bằng “Chúc con một ngày tốt lành”, được gửi từ mẹ cô, một nhà văn vẫn dằn vặt vì không thể đối thoại trực tiếp với con mình. Bằng con mắt quan sát tài tình và cuộc đời đầy trải nghiệm của một nhà văn, người mẹ đã khéo léo dùng những cuốn sách bà từng đọc như nhịp cầu để đến gần hơn với con gái mình. Lá thư gửi tới Uy Nyung không mang tính chất dạy dỗ hay ép buộc cô bằng những lời nói giáo điều khô khan, mà chỉ đơn thuần kể về những kỷ niệm cùng trải qua với con mình: từ lần lớn tiếng nhau chỉ vì trái quan điểm hay rủ rỉ trả lời từng câu hỏi cô bé đang vướng mắc trên con đường trưởng thành, những chủ đề xoay quanh chuyện tình yêu, cách đối nhân xử thế, cách hoàn thiện thế giới quan.
Nhà văn Gong Ji Young muốn gửi gắm một thông điệp rõ rệt tới những người trẻ về cuộc sống, không cường điệu, cũng không bi lụy nhưng phải tỉnh táo, và cũng là lời nhắn nhủ ấm áp tình mẫu tử: Dù con sống thể nào, mẹ cũng luôn ủng hộ.
Những câu trích dẫn trong tác phẩm
“Uy Nuyng, mẹ hi vọng con hãy dành những ngày tháng tuổi trẻ để suy nghĩ xem con sẽ trở thành người như thế nào, sống cuộc sống ra sao, rồi mới cân nhắc đến chuyện con sẽ là ai. Vì câu trả lời sẽ nằm trong quá trình đó thôi.”
“Mẹ hy vọng con không chỉ đang tồn tại, mà sống sao cho đúng là con ngày hôm nay. Mẹ hy vọng con sẽ thử suy nghĩ về những điều đương nhiên theo một cách không đương nhiên, hy vọng con sẽ không e ngại trước bất cứ điều gì, mà thoải mái dang rộng đôi cánh của mình ra. Mẹ hứa, dù con sống thế nào, mẹ vẫn luôn ủng hộ con.”
Mẹ ơi con sẽ lại về
Hong Yeong Nyeo - Hwang An Na
“Mẹ ơi con sẽ lại về” là một cuốn sách đặc biệt.
Đặc biệt, vì cuốn sách có hai mẹ con "đồng tác giả".
Đặc biệt, vì đây không phải tưởng tượng hư cấu mà toàn là chuyện thật, vì cả mẹ cả con đều không chủ định "sáng tác": một nửa cuốn sách, là nhật ký của mẹ, còn nửa kia, là blog của con.
Cuốn sách cực kỳ cảm động về tấm lòng của người mẹ, về nghị lực và sự vươn lên của một người phụ nữ Hàn Quốc, đại diện cho rất nhiều thế hệ những người bà, người mẹ Châu Á. Họ quật cường, mạnh mẽ, đầy đức hi sinh. Họ sống không chỉ cho mình, mà còn cho chồng, cho những đứa con. Cuộc đời của họ, có lẽ nếu viết thành sách, thì sẽ đều rất bi tráng và anh hùng. Cuốn sách khiến biết bao độc giả nhớ về người mẹ, thấy biết ơn vì đã được sinh ra và hiểu cho tấm lòng của mẹ và bao người làm mẹ khác.
Những câu trích dẫn trong tác phẩm
“Đừng bao giờ tỏ ra tài giỏi ở bất cứ đâu cũng như trước mặt bất kỳ ai. Phải luôn luôn sống khiêm nhường. Khi gặp cảnh khó khăn không được nản lòng mất hy vọng. Cũng đừng đánh mất sự vững vàng và niềm tin của chính mình. Phải như thế thì mới không bị người khác xem thường. Đặc biệt phải cẩn thận khi đã thành công. Những lúc như vậy càng phải biết nhìn lại những ngày khó khăn đã qua và nghĩ về những khổ nạn có thể đến bất cứ lúc nào sắp tới mà chú ý giữ mình hơn.”
“Cuộc đời như giọt sương trên nhánh cỏ. Như đống lá vàng rụng ngoài sân. Con cái có nhiều đi chăng nữa, trưởng thành rồi cũng sẽ tung cánh bay đi, để lại chiếc tổ trống không. Đứng giữa đồng hiu quạnh không người chào đón như đóa cúc dại nở đơn độc, như đám sậy lay khẽ trong gió thu nơi bờ sông.”
Trái tim đàn bà
Nguyễn Quỳnh Hương
Từ những trang đầu của cuốn sách, độc giả thấy thấp thoáng đâu đây bóng dáng người mẹ của mình trong mẩu chuyện về điệu hát ru thân thương và ngọt ngào, trong những tháng ngày mẹ chăm lo cho con khi ngày cá chép hóa rồng sắp đến, là những sớm khuya mẹ tần tảo vun vén cho gia đình nhỏ của mình…
Không cần lối diễn đạt cầu kì hoa mĩ, chính những gì càng gần gũi thân thuộc, càng giản dị thực lòng thì lại càng có sức công phá tâm hồn mạnh mẽ. Xét cho cùng, trên đời này, có còn điều gì có thể tự nhiên và thuần khiết hơn tấm lòng của mẹ dành cho con và tình yêu trong veo mà những đứa con trao tặng lại cho mẹ chúng. Chỉ bằng câu chữ, Trái Tim Đàn Bà đã thể hiện được xuất sắc thứ tình cảm xúc động ấy. Một cách xuất sắc.
Những câu trích dẫn trong tác phẩm:
“Mới đây tôi đi họp lớp cũ. Trong số bạn bè thành đạt ăn to nói lớn, lạc ra một người nhỏ nhẹ bảo rằng cô ấy ở nhà nội trợ. Mọi người ồ lên là ngày xưa học giỏi viết báo hay, sao bây giờ lại để đời mình an phận tầm thường thế? Cô ấy nói con gái nhỏ của cô ấy cần mẹ dắt đi công viên mỗi sáng, cần mẹ chơi đồ hàng cùng và kể chuyện cho mẹ nghe, cô ấy muốn hàng ngày nấu cơm chiều (thậm chí cả cơm trưa) đợi chồng về để cả nhà quây quần ấm áp...Không biết bạn bè trong bữa họp lớp nghĩ gì, tôi thì thấy đó là một lý do (và hy sinh) vĩ đại.”
“Mẹ có yêu mùi thối của con không?” Nó ngồi bô, tần ngần hỏi. Rồi nó nói thêm chắc chắn: “Mùi thối CỦA CON mẹ ạ! Nó trong bụng con, chứ không phải trong bụng khác!” Thóc bé bỏng ơi, mẹ thương cả nốt muỗi đốt, cả vết xước măng rô trên ngón tay bé xíu, cả bắp chân lấm lụi buổi chiều về, cả bê bết mồ hôi chua khét, cả vết đái dầm khai khai trong chăn, cả miếng nước loang buổi sáng trên cái gối nhỏ, cả những nức nở ban đêm khi mơ ngủ nữa chứ…”
Căn phòng khóa
Emma Donoghue
Mỗi khi một sinh linh bé nhỏ đến với cuộc sống, cả đại gia đình lúc nào cũng túc trực, chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất cho cả mẹ lẫn con để phát triển khỏe mạnh. Vậy, trong tiểu thuyết “Căn phòng khóa” của Emma Donoghue, người mẹ cần gì để nuôi Jack khi mà mọi thứ bị triệt tiêu tới tối thiểu: không gian chưa tới 10m2, khóa kín tới tận 8 lần cửa, không được ra ngoài, thức ăn hạn chế, người mẹ thường xuyên bị đánh đập, cưỡng hiếp? Câu trả lời: hẳn nhiên là Tình yêu, tình mẫu tử bất diệt.
Donoghue đã đóng góp thêm được một hình tượng người mẹ tuyệt vời trong văn chương. Một bà mẹ của hy sinh tuyệt đối, của lạc quan tin tưởng, của trí tưởng tượng phong phú, của hài hước và ấm áp, nuôi dưỡng tâm hồn của đứa bé 5 tuổi. Trong phòng Jack hoàn toàn hạnh phúc và sung sướng với thế giới cổ tích mà mẹ tạo ra: các đồ vật trở thành Người, ngôn ngữ và đồ vật không còn khoảng cách. Dù bị giam hãm trong phòng, nhưng mẹ vẫn luôn có cách để đánh bật được giới hạn của hoàn cảnh sống. Cuốn truyện này thực sự là một khúc ca về khát vọng sống, về khả năng tưởng tượng của con người và trên cả là tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
Những câu trích dẫn trong tác phẩm
“- Đúng vậy! – Bác sĩ Clay mỉm cười. – Thế cháu có biết cháu thuộc về ai không hả Jack?
Ông ta sai rồi, thật ra tôi thuộc về Mẹ.”
“Mẹ là mẹ của con. - Mẹ gần như gầm lên. – Thế nghĩa là thỉnh thoảng mẹ phải chọn lựa cho cả hai.”
Bạn có thể xem thêm bài viết về Căn phòng khóa trên Trạm Đọc
Trạm Đọc tổng hợp