Trong bộ phim đình đám Ma trận, Neo đã phải chọn giữa viên thuốc xanh - đưa anh trở lại với cuộc sống quen thuộc trong ma trận - và viên thuốc đỏ - đưa anh đến với một thực tại anh chưa hề biết, nhưng là sự thật. Tiểu thuyết Căn phòng khoá của Emma Donoghue cũng đặt nhân vật chính Jack vào một hoàn cảnh tương tự, phải chọn giữa việc ở lại Căn phòng mà cậu đã coi là cả thế giới và việc thoát ra Bên ngoài để sống cuộc sống thực sự mà cậu chưa từng biết. Có điều, Jack chẳng phải là siêu điệp viên hay người được chọn, mà chỉ là một cậu bé 5 tuổi sống cùng mẹ trong một Căn phòng biệt lập với thế giới xung quanh.
Đọc rồi mới thấy, lớn lên trong một Căn phòng kín hoá ra cũng không phải một điều không thể chịu nổi. Mặt tích cực của việc bị bắt cóc tống giam là không phải lo đến những vấn đề ô nhiễm, mầm bệnh, bị người lạ dụ dỗ lợi dụng…, và Jack còn luôn luôn được ở với mẹ. Đó là cuộc sống bình thường của Jack, vỏn vẹn trong một thế giới chừng 10 mét vuông, trong khi thế giới rộng lớn hoàn toàn xa lạ với cậu. Duy trì cái “bình thường” ấy, dù có phải chấp nhận vài chuyện khó chịu như phải đi ngủ trong Tủ áo, hay phải nhấc hết đồ đạc lên mới có thể chạy nhảy, vẫn đơn giản hơn nhiều nuốt viên thuốc đỏ và bắt đầu một sự thay đổi. Loài người giống loài mèo ở điểm này: không thoải mái với những thay đổi trong môi trường sống.
Và đây là cách Jack nhìn cuộc sống quanh mình: Mọi thứ trong Căn phòng đều là thật, còn mọi thứ trong Ti-vi đều là giả. Căn phòng chỉ 10 mét vuông nhưng là cả một thế giới phong phú với những đồ vật quen thuộc mà Jack coi như bạn mình. Nào là chị Tủ áo, chị Giường, anh Cửa, bà Bàn ăn, cô Bếp lò, chị Thảm… Đừng cho là Jack không phân biệt nổi, cậu bé biết rất rõ đâu là vật sống (cô Cây, chị Nhện, bé Chuột nhắt), đâu là người (Jack và Mẹ), và “những người ở trong Ti-vi thì chỉ là màu sắc.” Nhưng những thứ không tồn tại trong Căn phòng mà Jack chỉ được thấy qua Ti-vi thì với cậu chúng không thể là thật. Chỉ có hai trạng thái: là thật, hoặc ở trong Ti-vi. “Thỏ ở trong Ti-vi, nhưng cà rốt lại là thật.”
Câu chuyện được kể qua giọng của Jack, và bởi vậy, người đọc không ngay lập tức có được bức tranh toàn cảnh về hoàn cảnh của hai mẹ con. Nhưng những điều không ổn cứ dồn dập xuất hiện, một cậu bé 5 tuổi vẫn còn ti mẹ, một cậu bé không thể ra ngoài trời để chơi với tuyết, một danh sách đầy ắp những thứ phải xin - mà chỉ có thể xin vào ngày Chủ nhật, và một kẻ bí hiểm chỉ đến vào ban đêm…
Người đọc nhận ra những điểm bất ổn bởi chúng vẽ ra những lằn ranh giới hạn mà cuộc sống thông thường của họ không có, nhưng Jack chưa từng biết một cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống trong Căn phòng. Căn phòng là đủ với cậu, quen thuộc và dễ chịu. Jack thậm chí còn không đồng ý khi mẹ cậu đề nghị kê lại đồ đạc trong phòng: Cậu không muốn một sự thay đổi nào hết. Với một đứa trẻ 5 tuổi chỉ cần hơi ấm thân quen, có lý gì để Jack chọn viên thuốc đỏ?
Câu chuyện của Căn phòng khoá nghe ly kỳ như một chuyện điệp viên, nhưng vụ án có thực của gia đình Fritzl mà Emma Donoghue đã lấy làm nguồn cảm hứng sáng tác cuốn sách này thậm chí còn nhiều phần khó tin hơn thế. Một người cha giam giữ con gái mình dưới tầng hầm sau 8 lần cửa khoá trong suốt 24 năm, đánh đập và hãm hiếp cô, biến cô thành bà mẹ của 7 đứa con - có điểm nào trong câu chuyện này không bi thảm tới mức điên rồ? Nhưng Donoghue đã nhìn thấy trong thảm kịch này một câu chuyện khác, cảm động nhưng vẫn đủ lạc quan: một khúc ca của tình mẹ con.
Bởi Jack chọn viên thuốc đỏ là vì Mẹ. Mẹ Jack đã từng có một cuộc sống bên ngoài Căn phòng và giờ đã sẵn sàng để giành lại tất cả, nhưng phải có sự giúp đỡ của Jack. Điều này không hề đơn giản, đến Jack, một cậu bé tinh thông mọi phương pháp trốn thoát dùng trong phim hoạt hình, cũng tự biết, “Con không thể giải cứu được, con chỉ mới năm tuổi thôi.” Chưa kể rằng ý kiến của một đứa bé 5 tuổi thay đổi xoành xoạch chỉ trong vài giờ. Nhưng mẹ của Jack đã quyết tâm cho cậu thấy những điều cậu đã bỏ lỡ trong 5 năm đầu đời. Mẹ gần như đã nhét viên thuốc đỏ xuống họng Jack, để cậu biết đến một thế giới tốt đẹp hơn.
Trước khi được đưa cho hai viên thuốc thì Neo chỉ đi trên một con đường thẳng tắp là tiếp tục làm nô lệ của ma trận, nhưng nô lệ thì không phải chịu gánh nặng của tự do lựa chọn. Lựa chọn nhìn thấy một sự thật không (chắc) dễ chịu không phải một việc đơn giản. Đâu phải ai sống trong ma trận cũng dám chọn viên thuốc đỏ. Và nếu bạn nghĩ lựa chọn giải thích toàn bộ sự thật cho đứa con 5 tuổi và đẩy con mình vào một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm để giải cứu cả hai mẹ con có chút nào dễ dàng hơn thì bạn đã nhầm. Che chắn cho con trong một thế giới chỉ rộng 10 mét vuông dễ hơn thay đổi rất nhiều. Lựa chọn khó khăn của người mẹ chỉ buộc phải đến sau những ngày bị trừng phạt đau đớn trong căn phòng bị cắt điện và nguồn cung thực phẩm, chứng kiến con mình suy kiệt từng giờ.
Khi quyết định đào thoát, người mẹ đã mạo hiểm đem tất cả những gì hai mẹ con có ra đánh cược. Có chắc rằng một cuộc đào thoát thành công sẽ đem lại cho Jack và Mẹ một cuộc sống tốt đẹp hơn? Hay Jack sẽ vất vả để thích nghi với một thế giới quá rộng lớn, quá đông đúc, và luôn luôn cảm thấy mình lạc lõng, còn Mẹ sẽ mãi không vượt qua chấn thương tâm lý? Chẳng thể nào biết chắc, nhưng mẹ của Jack vẫn phải chọn lựa cho cả hai.
Thay đổi cần rất nhiều can đảm, nhất là khi bước từ bên trong một bí mật ra ngoài một thế giới không giữ nổi bí mật. Giữa những kẻ ồn ào xoi mói, Mẹ có thể sẽ nhận ra rằng thế giới này không sẵn lòng cho hai mẹ con yên ổn để dựng xây một cuộc sống bình thường. Giữa quá nhiều người xa lạ, Jack có thể sẽ chẳng thấy thế giới này giống một tổ ấm như Căn phòng chỉ có Jack và Mẹ. Thay đổi cần can đảm, bởi sống với thay đổi chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.
Can đảm để thay đổi của cậu bé Jack đến từ đâu nếu không phải từ tình mẹ bao la, và Mẹ lấy đâu ra can đảm để sống trong cảnh giam cầm và trong một thế giới chưa đủ tinh tế bao dung nếu không nhờ bé Jack? Câu chuyện của Jack và Mẹ là một câu chuyện siêu anh hùng khác biệt, khi lòng can đảm và mọi năng lực siêu phàm đều đến từ tình mẫu tử.
Thanh Huệ - Trạm Đọc