6 cuốn sách của nhà báo Thomas Friedman mà bạn không muốn bỏ lỡ nếu thích đề tài đối ngoại
6 cuốn sách của nhà báo Thomas Friedman mà bạn không muốn bỏ lỡ nếu thích đề tài đối ngoại
Thomas Friedman là chủ 1 chuyên mục xuất hiện trên báo The New York Times 2 lần 1 tuần. Ông đã 3 lần đoạt giải Pulitzer, 2 lần cho mảng Phóng sự quốc tế "International Reporting" (1983,1988) và 1 lần cho mảng Bình luận "Commentary"(2002). Nếu bạn là một người thích đọc những cuốn sách về đề tài đối ngoại bao gồm thương mại toàn cầu, Trung Đông và các vấn đề môi trường thì có thể bạn sẽ không muốn bỏ lỡ những cuốn sách của Thomas Friedman sau đây đâu!

 

1/ Từ Beirut đến Jerusalem (1989)

 

 

 

Từ Beirut đến Jerusalem là một trong những cuốn sách kích thích tư duy nhất từng được viết về Trung Đông, nó vẫn rất quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về khu vực phức tạp và đầy biến động này trên thế giới. 

Thomas L. Friedman đã giành được hai giải Pulitzer – một cho tác phẩm đưa tin về Beirut và một cho tác phẩm đưa tin về Jerusalem, hai thành phố trung tâm của cuộc xung đột Ả Rập-Israel. Không phóng viên nào có thể đưa tin về hai thành phố này nhiều hơn và sâu hơn Friedman, cũng không ai có thể tranh luận sôi nổi hơn ông. 

Trong Từ Beirut đến Jerusalem, Friedman cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về những xung đột chính trị và cá nhân. Là phóng viên của UPI và The New York Times, ông làm việc ở Beirut từ năm 1979 đến năm 1984, và ở Lebanon từ năm 1984 đến năm 1989. Ông mô tả những thành phố một cách sống động và mãnh liệt, đôi khi kinh hoàng, lúc lại kỳ diệu trong khi ông chuẩn bị gì cho việc ấy cả. 

Thông qua những giai thoại, lịch sử, phân tích và tự kiểm chứng, Friedman làm cho hành trình của mình từ Beirut đến Jerusalem trở nên sống động, và đặt những quan điểm vào dòng chảy xã hội, có cái nhìn sâu sắc mà không ai có thể bắt chước được. Đây là những điều cần thiết để hiểu  tâm lý và chính trị của Trung Đông cũng như để hiểu tương lai của khu vực độc đáo này.

 

2/ Chiếc Lexus và cây Ô liu (1999)

 

Chiếc Lexus và cây Ô liu được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1999. Trong đó, Friedman lập luận rằng toàn cầu hóa là một hệ thống chứ không phải là một xu hướng hay mốt nhất thời. Ông tin rằng hiểu được điều này sẽ giúp các quốc gia và cá nhân tồn tại trong thế giới ngày nay.

Tựa đề cuốn sách đề cập đến hai biểu tượng của toàn cầu hóa. Chiếc Lexus tượng trưng cho sự thịnh vượng đến từ việc thích ứng với toàn cầu hóa, còn Cây Ô liu tượng trưng cho ý thức ổn định về bản sắc và sự thuộc về trước những thay đổi nhanh chóng về kinh tế, chính trị và văn hóa.

Friedman chia cuốn sách thành bốn phần chính. 

  • Phần đầu tiên mô tả quá trình toàn cầu hóa xuất hiện và thay đổi thế giới như thế nào. Nó cũng đối lập với hệ thống Chiến tranh Lạnh trước đó.
  • Phần thứ hai thảo luận về cách các quốc gia nên chọn sự thịnh vượng trong hệ thống mới này, cũng như điều gì sẽ xảy ra nếu họ không chọn sự thịnh vượng
  • Phần thứ ba xem xét các phản ứng dữ dội chống lại toàn cầu hóa, chẳng hạn như khủng bố và suy thoái môi trường.
  • Phần thứ tư lập luận rằng Mỹ có trách nhiệm đảm bảo sự ổn định trong hệ thống phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu mới này.

 

3/  Longitudes and Attitudes (Tạm dịch: Kinh độ và Thái độ) (2002)

 

Cuốn sách tổng hợp nhật ký và những bài báo ông đăng trên tờ The New York Times từ tháng 12 năm 2000 đến tháng 7 năm 2002. Ngoài việc thảo luận về các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9, Friedman còn suy ngẫm về Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, xung đột Israel-Palestine và toàn cầu hóa.

Longitudes and Attitudes bắt đầu bằng đoạn mở đầu có tựa đề "Siêu câu chuyện", trong đó Friedman xem xét các sự kiện dẫn đến vụ tấn công ngày 11 tháng 9. Ông xác định những năm 1980 là thời điểm bắt đầu chuỗi phản ứng dây chuyền vì từ toàn cầu hóa. Friedman định nghĩa toàn cầu hóa là “sự hội nhập không thể tránh khỏi của thị trường, hệ thống giao thông và hệ thống truyền thông ở một mức độ chưa từng thấy ​​trước đây”. Trái ngược với trật tự thế giới trong Chiến tranh Lạnh được xác định bằng sự chia rẽ, trật tự thế giới mới là hội nhập. Điều này đã dẫn đến sự suy yếu quyền lực của các quốc gia, mang lại cho các cá nhân, như những kẻ khủng bố đằng sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9, nhiều quyền lực hơn bao giờ hết. Ông viết rằng các cuộc chiến tranh hiện đại diễn ra không phải giữa các siêu cường và các siêu cường khác, mà giữa các siêu cường và các nhóm nhỏ gồm những cá nhân giận dữ do những người như Osama Bin Laden lãnh đạo.

 

4/ Thế giới phẳng (2005)

 

Vì những tiến bộ công nghệ và những thay đổi trong bối cảnh chính trị, thế giới trong thế kỷ 21 hiện đực kết nối nhiều hơn bao giờ hết, và chưa bao giờ mà nhiều người có thể truy cập vào cùng một thông tin và tiếp nhận cơ hội nhiều đến vậy. Nói cách khác, thế giới đang trở nên phẳng. Vì lý do này, Thế giới phẳng của Thomas Friedman lập luận rằng các cá nhân, công ty và quốc gia phải thích ứng nhanh chóng với nền kinh tế toàn cầu mới nếu không sẽ có nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Friedman đã viết rất nhiều cho tờ The New York Times về các vấn đề đối ngoại và toàn cầu hóa. Với Thế giới phẳng, xuất bản năm 2005, Friedman đã đi vòng quanh thế giới, phỏng vấn các giám đốc điều hành doanh nghiệp, doanh nhân và chính trị gia về những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trên thế giới và sự bất ổn mà những thay đổi đó mang lại.

Trong cuốn sách này, người đọc sẽ khám phá cuộc thảo luận của Friedman về những nguyên nhân hàng đầu của toàn cầu hóa hiện đại, và cách chúng hội tụ vào đầu thế kỷ 21 để thay đổi hầu như mọi khía cạnh của xã hội. 

Theo Friedman, dù có những nguy cơ tiềm ẩn, nhưng hơn thế, xu thế này mang lại lợi ích cho thế giới và nhân loại. Sau đó, ông đưa ra lời khuyên về cách các chính phủ và cá nhân có thể điều hướng tốt nhất trước những thách thức của toàn cầu hóa.

 

5/ Nóng, Phẳng, Chật (2009)

 

Thế giới phẳng, sách bán chạy nhất - một hiện tượng của Thomas Friedman, đã giúp hàng triệu người đọc có thể nhìn thế giới bằng một con mắt khác.

Trong cuốn sách Nóng, Phẳng, Chật, Friedman đưa ra một cách nhìn mới, rất khiêu khích về hai trong số những thách thức lớn nhất mà hiện nay nước Mỹ đang đối mặt: đó là khủng hoảng môi trường toàn cầu về việc Mỹ đánh mất trọng tâm và mục tiêu quốc gia một cách đáng ngạc nhiên kể từ sau sự kiện 11/9. 

Cuốn sách mô tả một cách đột phá vị thế hiện nay của nước Mỹ và cho thấy giải pháp của hai vấn đề này có quan hệ với nhau như thế nào: làm thế nào để phục hồi thế giới đồng thời lại vừa tái sinh nước Mỹ.

Với những chương sách hấp dẫn, sinh động, tác giả trình bày rõ ràng cuộc cách mạng xanh mà nước Mỹ cần không giống như bất cứ một cuộc cách mạng nào khác từng diễn ra trên thế giới. Đó sẽ là một dự án đổi mới lớn nhất trong lịch sử, sẽ rất khó khăn và nó sẽ thay đổi mọi thứ, từ nhiên liệu cho ô tô cho đến hóa đơn tiền điện nhà bạn. Nhưng những gì thu được sẽ không chỉ là không khí sạch. Cuộc cách mạng này sẽ tạo cảm hứng cho nước Mỹ huy động cả trí tuệ, sức sáng tạo, lòng dũng cảm và mối quan tâm để mang lại lợi ích chung cho mọi người dân Mỹ - nguồn nhân lực lớn nhất của đất nước này.

Nóng, Phẳng, Chật là một tác phẩm điển hình của Thomas L.Friedman: can đảm, sắc sảo, hiện đại và đầy ắp những nhận thức đáng ngạc nhiên về sự thách thức và hứa hẹn của tương lai.

 

6/ Cảm ơn vì đến trễ (2016)

 

Trong tác phẩm tham vọng nhất của mình cho đến nay, Thomas L. Friedman cho thấy rằng chúng ta đã bước vào một thời đại tăng tốc chóng mặt – và giải thích cách sống trong thời đại đó.

Luận đề của Friedman là: để hiểu được thế kỷ 21, bạn cần phải hiểu 3 lực lượng lớn nhất của hành tinh này - Định luật Moore (công nghệ), Thị trường (toàn cầu hóa), và Thiên nhiên (biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học) - đang tăng tốc cùng lúc, làm thay đổi nơi làm việc, chính trị, địa chính trị, đạo đức và cộng đồng. Một sự giải phóng năng lượng phi thường đang tái định hình mọi thứ: từ cách chúng ta gọi taxi đến số mệnh của các quốc gia, và đến những mối quan hệ thân thiết nhất của chúng ta. Nó đang tạo ra những cơ hội to lớn và mới mẻ cho các cá nhân và những nhóm nhỏ để cứu - hoặc cũng có thể là phá hủy - thế giới.

Cảm ơn vì đến trễ là một tác phẩm về lịch sử đương đại, đóng vai trò như một hướng dẫn thực hành cho việc suy nghĩ về kỷ nguyên của những sự tăng tốc này. Nó cũng là một lập luận cho việc “đến trễ” - tạm dừng để nhận thức sâu sắc kỷ nguyên lịch sử tuyệt vời mà chúng ta đang trải qua, và cũng để suy ngẫm về những khả năng cũng như nguy cơ của nó. Friedman chỉ ra cho chúng ta cách để mỗi cá nhân có thể neo lại trong mắt bão, và cách các cộng đồng có thể tạo ra “nền tảng niềm tin” để làm điều tương tự với các nhóm dân số ngày càng đa dạng và được số hóa của họ.

Được viết bằng ngòi bút đầy sức sống, trí tuệ và sự lạc quan đặc trưng “kiểu Friedman”, và cùng với sự tiếp cận trực tiếp với rất nhiều người đi đầu trong những sự thay đổi mà ông miêu tả, Cảm ơn vì đến trễ là tác phẩm tham vọng nhất của Friedman - một chỉ dẫn thiết yếu của hiện tại và tương lai.

- Trạm Đọc tổng hợp

 

Tags: