5 việc cần làm để thích ứng với môi trường đại học: Trước lạ sau quen!
5 việc cần làm để thích ứng với môi trường đại học: Trước lạ sau quen!
Đừng nói bạn đỗ vào một trường đại học xa nhà tít tắp, cho dù bạn đậu trúng trường đại học nằm ngay trong khu phố mình sống thì thực tế môi trường đại học lúc này vẫn là nơi bạn phải làm quen để thích nghi.

Nhưng ông cha ta từ xưa đã dạy chuyện gì tất cũng “trước lạ sau quen”, bởi vậy các bạn tân sinh viên thân mến! Đừng sợ hãi! Đừng rụt rè! Thử thực hiện những việc sau đây, nó sẽ giúp bạn hòa mình vào môi trường đại học một cách thoải mái. 

 

Thích nghi với môi trường đại học

 

Bạn không chủ động làm quen và thích nghi với môi trường mới thì môi trường ấy cũng chẳng tự thích nghi được với bạn. Và bạn sẽ rơi vào bi kịch “người ở nhờ xa lạ”. 

Vậy làm thế nào để thích nghi? 

Sớm nhất có thể, thậm chí trước khi cả nhập trường, bạn hãy tìm kiếm thông tin về trường đại học bạn sẽ theo học, tất cả các thông tin chính thống ngoài lề qua các kênh thông tin mà bạn có thể tiếp cận. Từ lịch sử, kiến trúc ngôi trường, khoa ngành trong trường, giảng viên, sinh viên khóa trên rồi đến đường ngang ngõ tắt trong trường, quán ăn quán nghỉ, hoặc bất cứ điều gì gây hứng thú cho bạn trong ngôi trường này… Ngày nhập học, bạn có thể dành chút thời gian để mục sở thị những điều đã “nghe ngóng” được từ trước đó. Quá trình “đối chiếu” những điều “tai nghe” với sự việc “mắt thấy” sẽ cho bạn cảm giác thú vị và những kiến giải bất ngờ, đồng thời cũng là một cách xâm nhập môi trường vui vẻ, nhẹ nhàng. 

Ngoài ra, để bớt bỡ ngỡ, các bạn hãy tìm xem và ghi nhớ sơ đồ trường, nhớ vị trí và đường đi tới các địa điểm sẽ phải thường xuyên lui tới: giảng đường mình học, văn phòng khoa, phòng công tác sinh viên, phòng truyền thông, thư viện, sân thể dục, ký túc xá…

 

Ổn định nơi ở

 

Thông thường, tân sinh viên đại học thường có mấy lựa chọn về chỗ ở như sau: Vẫn ở nhà cùng bố mẹ. Ở nhà người quen. Ở ký túc xá. Ở nhà trọ. Lưu ý chung cho chỗ ở của tân sinh viên nhằm thuận lợi nhất cho cuộc sống và học hành gồm các điểm sau: khoảng cách từ nơi ở tới trường; thực trạng giao thông từ nơi ở tới trường và các điểm bạn thường xuyên có hoạt động; an ninh khu vực nơi ở; điều kiện sinh hoạt… 

99-viec-can-lam-truoc-khi-tot-nghiep-dai-hoc

[...] Trường hợp các bạn ở ký túc xá. Câu chuyện khoảng cách, phương tiện và an ninh có lẽ phần nào tương đối ổn thỏa nhưng điểm mấu chốt là điều kiện sinh hoạt và kỹ năng “chung sống hòa bình”, bởi lẽ một phòng ở từ 6-8 người mà mỗi người một tính cách, một tập tính sinh hoạt thì quả thật không dễ gì để hòa hợp. Trong hoàn cảnh này, đầu tiên, các bạn cần họp nhau lại thống nhất và đưa ra những nguyên tắc sinh hoạt chung cho cả phòng nhằm đảm bảo hài hòa tối đa quyền lợi của các thành viên như: quy tắc sử dụng điện nước, không gian sinh hoạt chung, giờ giấc sinh hoạt… Sau đó dựa trên tính cách của bản thân và thói quen sinh hoạt của các thành viên khác, bạn cần phải điều chỉnh hoặc thương lượng một số thói quen của mình và của những người còn lại nhằm mang lại sự thoải mái khi sống chung cho tất cả mọi người. 

Nếu phải thuê nhà trọ có thể gặp rất nhiều khó khăn, do đó bạn cần dựa vào hoàn cảnh thực tế của mình để quyết định xem khoảng cách, giao thông, an ninh, điều kiện sinh hoạt, hay giá thuê, ở chung hay ở riêng… mới là điều kiện tiên quyết bạn chọn thuê chỗ trọ. Nhưng dù có dựa trên tiêu chí trọng tâm nào đi chăng nữa thì chúng tôi khuyên bạn không nhượng bộ vô điều kiện trong các vấn đề về an ninh và điều kiện sinh hoạt. Một môi trường an ninh không đảm bảo sẽ khiến bạn gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, một chỗ trọ điện nước chập chờn, môi trường sống ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của bạn. Vì vậy, hãy tinh tường và kỹ càng một chút khi thuê nơi trọ. Có thể nên nhờ người quen tìm giúp, hoặc tìm hiểu thông tin kỹ càng qua những người đang ở trọ tại chính khu nhà trọ đó, nghiên cứu kỹ các điều khoản thuê ở của hợp đồng, hoặc ở chung cùng một số bạn khác để góp tiền thuê được nơi ở tiện nghi hơn… 

 

Cân bằng tài chính

 

Có lẽ sinh viên sẽ có ngàn lẻ một lý do để mắc nợ nần. Đặc biệt với tân sinh viên nguy cơ túng quẫn càng cao hơn nữa, phần lớn do bạn chưa quen làm chủ chi tiêu và sẽ gặp phải nhiều sự cố bất ngờ vì đang ở giai đoạn làm quen môi trường sống. Vậy hóa giải nỗi lo nợ nần này thế nào? Ông cha ta có dạy “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Dưới đây là một số tips dành cho bạn:

#Đầu tiên, bạn cần có kế hoạch chi tiêu khoa học. Hãy liệt kê ra những khoản chi tiêu cố định cơ bản nhất như: tiền ăn, tiền ở, tiền đi lại, tiền mua sắm, tiền học thêm, một khoản tiền dự phòng cố định cho những trường hợp đột xuất như đau ốm, đồ đạc hỏng hóc... Sau đó cân đối với số tiền bạn “chắc chắn có” từ nguồn bố mẹ “tài trợ” hằng tháng xem thừa thiếu thế nào. Dôi dư thì tiếp tục lên kế hoạch tiết kiệm, thiếu hụt thì lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu hoặc làm thêm tăng thu nhập. Số tiền được “tài trợ mà “vừa khéo” thì bạn hãy tỉnh táo duy trì “an ninh tài chính” cho bản thân.

#Khi đã có được một kế hoạch chi tiêu khoa học, chi tiết hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng rồi thì bạn phải kiên quyết tuân thủ kế hoạch tài chính  đã đặt ra để đảm bảo “an toàn tài chính”. Tuyệt đối không tùy hứng mà “vung tay quá trán”, đừng tưởng những món đồ nho nhỏ bạn mua vì thích, những bữa ăn đắt đỏ mà bạn nổi hứng vì thèm... sẽ nằm trong khả năng chi trả của bạn mãi. Ngoài ra cần nhớ, bạn vừa bước sang cuộc sống sinh viên, còn rất nhiều nhu cầu sẽ phát sinh mà gia đình bạn bè có thể ở xa nên không thể hỗ trợ bạn kịp thời được. Bất cứ hành động tài chính nào của bạn từ mua đồ, đi chơi, cho bạn vay... cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng đều phải dựa trên tình hình thực tế và thực dụng mà quyết định. 

#Giữ tiền cũng là câu chuyện bạn cần chú ý. Bạn có thể để tiền trong thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, gửi người thân... nhưng tốt nhất bạn chỉ nên cầm theo ít tiền mặt và khi mang theo tiền mặt, thẻ ngân hàng tài sản khác thì cũng vẫn phải chú ý giữ an toàn cho túi tiền và đồ đạc của bạn, đề phòng kẻ gian lấy mất.

#Dành tiền nếu bạn có thể, ví dụ dành tiền được tặng khi nhập học, dành tiền chênh lệch khi mua sắm thông minh, từng món dành dụm nhỏ đến lúc nào đấy sẽ giúp bạn có được tự do tài chính.

#Ghi chép lại những khoản chi tiêu hằng tháng cũng là thao tác quản lý tài chính cơ bản giúp bạn có cái nhìn chính xác hơn về chi dùng của mình. Nó giúp bạn rút ra mức độ bạn được chi tiêu tự do hằng  ngày, từ đó thiết lập hành lang an toàn chi tiêu cho bản thân.

 

Kết giao bạn mới

 

Không thể kết nối được với bạn bè mới. Không cảm thấy gắn như nhiều trong số tân sinh viên tôi quen biết đều phải trải qua cơn “sốc phản vệ” tình cảm như vậy. Các em không quen được việc bạn mới sẽ có thể hoàn toàn phớt lờ mình, không thân thiện hay thậm chí chẳng đáp lại câu hỏi của mình. Có em thậm chí còn stress vì cảm giác không thể hòa nhập cùng tập thể lớp đại học.

Thực trạng thường thấy là các bạn tân sinh viên rất hay bị “ngợp” khi bắt đầu tiếp xúc với những người bạn mới đến từ nhiều miền tổ quốc thậm chí là từ một đất nước khác. Những người bạn ấy có thể hoàn toàn khác biệt bạn về hoàn cảnh, tính cách, 

hành xử... Nhưng dù khác biệt đến thế nào thì sự thật không thể thay đổi là các bạn vẫn cùng lớp, cùng khoa, cùng khóa, cùng trường... và chắc chắn không thể và không nên coi nhau là những người “không liên quan”.

[…] Một số “bỏ nhỏ” để kết bạn mới cho các bạn tân sinh viên như sau: Hãy chủ động trò chuyện, giao lưu cùng các bạn mới, từ những câu chuyện “giao lưu” có thể bạn sẽ tìm được người hợp cạ với bạn nhất, hãy nắm bắt cơ hội và có cho mình một nhóm bạn thân, từ nhóm nòng cốt đó bạn sẽ dễ dàng có thêm nhiều bạn bè hơn. Tất nhiên quá trình này không thể sớm chiều cho kết quả ngay. Bạn đừng vội nản lòng, đừng vội bỏ cuộc ngay khi bắt gặp một biểu hiện “không thiện chí” của đối phương, bởi vì có thể đối phương cũng đang “bối rối” như bạn vì một sự “từ chối mơ hồ” nào đó ở nơi khác mà thôi. Tuổi trẻ hay ở chỗ tất cả các bạn dù có e dè, khép kín đến đâu vẫn cởi mở đủ để mở lòng kết bạn giao lưu vì thế nếu chưa bắt chuyện thành công thì bạn đừng vội nản nhé, có thể một tình bạn sẽ nảy nở vào câu chuyện lần sau. Hãy lên cho mình một chiến lược kết bạn mới và bồi đắp những tình bạn đẹp trong thời đại học.

 

Giữ liên lạc với bạn cũ 

 

Tôi thường thấy người ta xếp bạn bè nối khố, nhất là bạn bè thời cấp ba là một trong những nhóm bạn bè bền vững nhất. Và có lẽ cảnh thường thấy là các bạn tân sinh viên tuy đã có trường mới, bạn mới nhưng vẫn còn “đắm đuối” với bạn bè cấp ba. Nhưng chúng tôi vẫn viết mục này mục đích không ngoài nhắc nhở các bạn hãy duy trì độ quan tâm tới nhau để tình bạn này bền vững. Có thể thời gian đầu còn lạ trường lạ lớp chưa quen bạn mới, các bạn sẽ tìm về tâm sự với những người bạn cũ của mình, chúng tôi khuyến khích điều đó, bởi các bạn có thể đang có những vấn đề chung, hoặc giả cách giải quyết của bạn hay bạn bè cũ sẽ bổ khuyết cho nhau và giúp các bạn có sức mạnh tinh thần, sức mạnh tập thể để hòa nhập cùng cộng đồng mới. Sau đó khi các bạn có bạn mới, các bạn có thể thưa dần

liên lạc với bạn cũ, chúng tôi vẫn cho rằng điều đó không đáng trách vì nó khá đương nhiên, ai rồi cũng khác, ai rồi cũng “mới”. Điều chúng tôi muốn nhắc đến là việc duy trì sợi dây liên lạc với bạn cũ, nó là điều nên và tốt. Các bạn có thể lập nhóm cựu học sinh lớp X, trường Y, khóa Z, bầu ra người “giữ nhịp để quy tụ họp lớp, liên lạc lâu dài. Những mối quan hệ bạn bè cấp ba không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho bạn mà còn là những cầu nối cuộc sống cộng đồng cho bạn bây giờ và sau này nữa.

Trên đây là 5 điều Trạm Đọc và cuốn sách "99 việc cần làm trước khi tốt nghiệp đại học" muốn gửi gắm tới các bạn tân sinh viên nói riêng và các bạn sinh viên nói chung. Còn 94 điều mà sinh viên cần làm là gì? Bạn hãy tìm hiểu trong cuốn sách này nhé!

Tags: