5 cuốn sách xuất sắc tiên phong cho các thể loại văn học mới
5 cuốn sách xuất sắc tiên phong cho các thể loại văn học mới
Thể loại là một phạm trù nghệ thuật được đặc trưng bởi một tập hợp các quy ước. Ở đây chúng ta khám phá năm tác phẩm đi tiên phong trong các thể loại như kinh dị Gothic, khoa học viễn tưởng và huyền ảo thượng tầng.

1/ Lâu đài Otranto (Kinh dị Gothic)

 

“Lâu đài Otranto” (1764) của Horace Walpole kể về sự diệt vong của một dòng họ thời Trung cổ. Manfred, chúa tể của lâu đài danh giá, chuẩn bị gả con trai mình là Conrad, cho công chúa Isabella. Tuy nhiên, cái chết bi thảm của Conrad và lời tiên tri cổ xưa báo trước sự sụp đổ của lãnh chúa Otranto đã khiến lãnh chúa Manfred cố gắng ly dị vợ và kết hôn với chính cô gái trẻ Isabella, một quyết định sẽ mở ra một chuỗi sự kiện khủng khiếp.

Trong khi một số người cho rằng Otranto là câu chuyện giả tưởng có thật đầu tiên, nó thường được coi là tác phẩm đầu tiên của thể loại kinh dị Gothic. Cuốn tiểu thuyết đã thiết lập nhiều quy ước của thể loại này bằng sự kết hợp hình ảnh lâu đài đen tối với bí mật gia đình, nhân vật phản diện nham hiểu, thiếu nữ gặp nạn, hiện tượng siêu nhiên… Tất cả đều nhằm mục đích tạo nên bi kịch và sự chết chóc. 

Thể loại này dường như đã rất phổ biến vào cuối những năm 1700 đến giữa những năm 1800, đỉnh cao là những tác phẩm ấn tượng như Đồi gió hú của Emily và Charlotte Brontë và Jane Eyre (1847). Từ đó, nó mở rộng thành thể loại kinh dị tổng quát hơn, ảnh hưởng đến các tác phẩm như Dracula của Bram Stoker, các tác phẩm của Edgar Allan Poe. 

 

2/ Frankenstein (khoa học viễn tưởng)

 

“Frankenstein” của Mary Shelley (1818) là câu chuyện về Victor Frankenstein, một nhà khoa học lỗi lạc mất mẹ vì bệnh ban đỏ. Trong cơn đau buồn, anh ta nghiên cứu cách tìm lại sự sống cho người chết, nhưng sinh vật mà anh ta tạo nên rất kinh dị nên anh ta đã bỏ rơi nó và chạy trốn. 

Như với “Lâu đài Otranto”, quyết định này dẫn đến những bí mật chết người, một thiếu nữ gặp nạn, những hiện tượng siêu nhiên và cuối cùng là một kết cục bi thảm. Thay lâu đài tối tăm bằng phòng thí nghiệm lạnh lẽo và bạn sẽ có một cuốn tiểu thuyết Gothic thấm đẫm triết lý lãng mạn, và nó được đón nhận ngay sau khi ra mắt. 

Tuy nhiên, ngày nay nhiều người coi Frankenstein là tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên. Đó là bởi vì tính siêu nhiên trong tác phẩm của Shelley không được sinh ra từ các vị thần, ma thuật hay thuật giả kim. Nó được sinh động bởi khoa học - hoặc ít nhất là sự hiểu biết khoa học thời đó.

Ví dụ, trong một loạt thí nghiệm, Luigi Galvani đã phóng xung điện vào chân ếch chết để khiến chúng co giật. Anh ta thậm chí còn tổ chức các cuộc biểu tình trong đó anh ta xếp chân ếch trên dây kim loại để chúng “nhảy múa” trong các cơn bão điện (giống các nhà khoa học ngày xưa đã làm). Galvani gọi khám phá của mình là “điện động vật” và thậm chí còn ám chỉ rằng đó là một loại sinh lực.

Những thí nghiệm như của Galvani khiến Shelley đặt câu hỏi về giá trị của tiến bộ khoa học nếu không bị ràng buộc bởi đạo đức và trách nhiệm. Kể từ đó, đây là một chủ đề kinh điển. 

 

3/ Chúa tể những chiếc nhẫn (huyền ảo thượng tầng)

 

“Chúa tể những chiếc nhẫn” (1954-55) của Tolkien kể câu chuyện về cuộc xâm lược của Chúa tể bóng tối Sauron vào thế giới giả tưởng ở Trung địa. Đối mặt với một thế lực to lớn và tà ác như vậy, người dân Trung Địa cử một Đoàn gồm những người đàn ông, người lùn, tiên tộc và người hobbit thực hiện một nhiệm vụ hoành tráng nhằm tiêu diệt Chiếc nhẫn Chúa - khởi nguồn sức mạnh của Sauron.

Đối với nhiều người, “Chúa tể những chiếc nhẫn” là một câu chuyện giả tưởng tinh túy. Nhưng nó chắc chắn không phải là tác phẩm đầu tiên. Một số người coi “Phantastes” (1858) của George MacDonald - cuốn tiểu thuyết về một chàng trai trẻ được đưa đến một thế giới mộng mơ để tìm kiếm vẻ đẹp nữ tính lý tưởng mới là tác phẩm tiên phong trong thể loại này. Nhưng “Phantastes” là một câu chuyện giả tưởng hay cổ tích? Những người khác thì nói “The Faerie Queene” (1590) của Edmund Spencer, “Nghìn lẻ một đêm”, hoặc thậm chí là “The Odyssey” của Homer sẽ phù hợp hơn cho vị trí này. Nhưng chúng có phải là tác phẩm giả tưởng không, hay gần với thơ sử thi, truyện dân gian và thần thoại hơn?

Tóm lại, việc xác định một người tiên phong thực sự trong thể loại giả tưởng có lẽ là điều không thể. Nó phụ thuộc vào cách người ta xác định thể loại. Và vì thế, người ta chia thành nhiều thể loại phụ trong đó, và ở đây, “Chúa tể những chiếc nhẫn” đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong thể loại gọi là ‘huyền ảo thượng tầng’. 

 

4/ A Universal History of Infamy (Tuyển tập truyện ngắn Jorge Luis Borges) (chủ nghĩa hiện thực huyền diệu)

 

Không giống như những tác phẩm khác trong danh sách này, A Universal History of Infamy (1935) của Jorge Luis Borges không phải là một cuốn tiểu thuyết mà là một tuyển tập truyện ngắn. Mỗi câu chuyện đều là lời kể của một tên tội phạm ngoài đời thực, chẳng hạn như John Murrell, Billy the Kid và Kira Yoshinaka. Nhưng những câu chuyện của Borges không phải là thuật lại lịch sử, mà chúng mang tính siêu hư cấu, làm mờ đi ranh giới giữa hiện thực và hư cấu.

Chủ nghĩa hiện thực huyền diệu tồn tại trên ranh giới mờ ảo đó. Các tác phẩm thuộc thể loại này là những câu chuyện diễn ra trong thực tế trần tục của chúng ta nhưng thêm một chút kỳ ảo. Không giống như huyền ảo, nơi phép thuật được coi là phi thường, chủ nghĩa hiện thực huyền diệu rất thực tế. Một anh chàng nào đó có thể bay lên. Một cô gái nói chuyện được với động vật. Một điểm nào đó có thể đi tới khắp mọi nơi. Tất cả diễn ra như vậy đó!

Mặc dù thuật ngữ này ban đầu được sử dụng để mô tả phong cách hội họa theo chủ nghĩa biểu hiện của Đức vào những năm 1920, nhưng cuối cùng nó lại mô tả một xu hướng trong văn học Mỹ Latinh xuất hiện vào giữa thế kỷ 20. Khi phân tích xu hướng này, nhà phê bình văn học Angel Flores đã sử dụng từ “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” và gọi Borges là người tiên phong. 

Nếu Borges là người tạo ra thể loại này, thì những người kế thừa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của ông, chẳng hạn như Gabriel Garcia Marquez và Isabel Allende lại là những cái tên nổi bật hơn cả. Những tác giả người Mỹ gốc Tây Ban Nha này lần lượt đã ảnh hưởng đến Neil Gaiman, Salman Rushdie và Haruki Murakami.

 

5/ Neuromancer (Khoa học viễn tưởng công nghệ cao)

 

“Bầu trời phía trên bến cảng đã chuyển sang màu của một kênh tivi đã chết.” Dòng mở đầu trong cuốn “Neuromancer” (1984) của William Gibson - câu chuyện về một hacker được thuê để xâm nhập vào mạng công ty và giải phóng hai trí tuệ nhân tạo. Để làm được như vậy, anh ta sẽ phải tránh khỏi tầm mắt của các tập đoàn tham lam và lực lượng quân sự tư nhân; trợ giúp anh ta là một nhóm tội phạm.

Lời cảnh báo của Shelley về sự tiến bộ vô nhân đạo đã để lại dấu ấn trong thể loại khoa học viễn tưởng công nghệ cao. Có lẽ điểm đặc biệt nhất của cuốn tiểu thuyết là xã hội thời kỳ công nghệ hậu nhân bản - nơi internet không chỉ giới hạn ở màn hình mà truyền trực tiếp qua hệ thống thần kinh của con người. 

Một lần nữa, “Neuromancer” có thể không phải là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong thể loại khoa học viễn tưởng công nghệ cao. Trên thực tế, truyện ngắn Johnny Mnemonic (1981) của Gibson có lẽ là tác phẩm đầu tiên trong thể loại này, nhưng nó chỉ giống như một thử nghiệm. Chính cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông đã truyền cảm hứng cho thể loại này và truyền cảm hứng cho các tác phẩm như Snow Crash (1992) và Altered Carbon (2002). 

- Theo Big Think 

 

Tags: