1/ “The Life You Can Save: Acting Now to End World Poverty” (tạm dịch: Những mảnh đời bạn có thể cứu giúp: Hành động ngay để chấm dứt nghèo đói trên thế giới) của Peter Singer
Peter Singer là một triết gia người Úc và ông nổi tiếng vì ủng hộ chủ nghĩa vị lợi và tập trung vào đạo đức ứng dụng. Quan điểm của ông về quyền động vật, lòng “vị tha hiệu quả” và những lời biện minh có thể mang tính vị lợi cho cái chết êm dịu đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, hai luồng ý kiến khen ngợi và chỉ trích quan điểm của ông ở mức độ ngang nhau.
Cuốn sách “The Life You Can Save: Acting Now to End World Poverty” năm 2009 của ông tập trung vào “đạo đức ứng dụng”. Nối tiếp dòng lý luận mà ông đã bắt đầu từ những năm 1970, ông lập luận rằng những người có đủ khả năng quyên góp cho các tổ chức từ thiện phải làm như vậy là một mệnh lệnh đạo đức, vì những nỗi đau họ góp phần làm giảm bớt sẽ vượt xa lợi ích của việc tiêu tiền vào những món đồ xa xỉ.
Một thử nghiệm được nêu trong cuốn sách đã làm sáng tỏ một trong những quan điểm chính của Singer. Thử nghiệm diễn ra như sau: Bạn đang đi dạo bên một cái ao thì nhận thấy một đứa trẻ còn rất nhỏ đang vùng vẫy trong nước và không thể thoát ra được. Nếu bạn không làm gì, cô bé ấy sẽ chết đuối. Việc lội xuống nước vẫn an toàn đối với bạn nhưng việc này sẽ làm hỏng mất đôi giày và bộ quần áo mới đắt tiền của bạn.
Bạn sẽ mạo hiểm xuống nước? Hầu như tất cả mọi người sẽ nói có. Quan điểm của Singer là bạn phải đối mặt với những lựa chọn tương tự mỗi ngày, nhưng hầu hết những người cần bạn giúp đỡ đều không ở gần bạn, họ có thể ở cách xa bạn hàng ngàn cây số. Từ góc độ đạo đức, khoảng cách đó có tạo ra sự khác biệt đáng kể không?
Mặc dù đã có nhiều cuộc tranh luận về giá trị của những lập luận của ông, nhưng không ai có thể nghi ngờ về ảnh hưởng của cuốn sách này. Singer đã thành lập “The Life You Can Save”, một tổ chức hoạt động với tiêu chí “vị tha hiệu quả”. Trong khi chủ nghĩa vị tha hiệu quả nhận về nhiều chỉ trích, nhưng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của cuốn sách đằng sau nó.
2/ “The Idea of Justice” (tạm dịch: Ý tưởng về công lý) của Amartya Sen
Amartya Sen là một nhà kinh tế học và triết gia người Ấn Độ được đánh giá cao nhờ công trình nghiên cứu về lý thuyết Năng lực, kinh tế học phúc lợi và nguyên nhân của nạn đói ở Bengali năm 1943. Ông đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1998. Công trình của ông đã ảnh hưởng đến những cách tiếp cận mới nhằm đo lường sự thành công và thất bại trong chính sách của chính phủ ngoài chỉ số GDP, bao gồm cả cách tiếp cận Năng lực.
Cuốn sách “The Idea of Justice” năm 2009 của ông đi sâu vào các câu hỏi về công lý, sự hoàn hảo và tiến bộ. Đặc biệt, ông xem xét lý thuyết về công lý do triết gia người Mỹ John Rawls đưa ra. Trong khi Tiến sĩ Sen bảo vệ nhiều ý tưởng cơ bản của Rawls, ông phản đối việc Rawls tập trung vào trạng thái công lý lý tưởng mà phải trả giá bằng khả năng đánh giá những trạng thái xã hội hiện tại có thể không hoàn hảo.
Bài học thực tế nhất là việc ông coi công lý như một khái niệm tiến bộ chứ không phải là một trạng thái hoàn thảo mà chúng ta có hoặc không có.
Khi cuốn sách ra đời, nó đã tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc. Cuốn sách này cung cấp một đánh giá tuyệt vời về các ý tưởng của ông về triết học, cách xác định hạnh phúc và những ý tưởng đằng sau kinh tế học của ông.
3/ “Less Than Nothing: Hegel and the Shadow of Dialectical Materialism” (Tạm dịch: Ít hơn cả hư vô: Hegel và cái bóng của chủ nghĩa duy vật biện chứng) của Slavoj Žižek
Slavoj Žižek là một triết gia người Slovenia làm việc trong lĩnh vực triết học lục địa. Ông đóng vai trò quan trọng đối với chủ nghĩa Hegel, chủ nghĩa Marx, phê bình phim và phân tâm học. Nhiều người coi ông là một “minh tinh” trong lĩnh vực triết học.
Žižek thường nói đùa về việc những cuốn sách khác của ông được viết như thế nào để ông có thể trì hoãn cuốn sách lớn nhất của mình về Hegel - một trong những nhà tư tưởng phức tạp nhất thời hiện đại.
Žižek trình bày một cái nhìn tổng quát về tư tưởng Hegel, cùng với đó là sự kết hợp đã được công nhận của ông về Marx, phân tâm học Lacanian và các tài liệu tham khảo về văn hóa đại chúng.
So với tác phẩm điển hình của Žižek, “Less Than Nothing” tương đối tập trung, mặc dù nó vẫn chứa đựng những câu chuyện cười. Nếu bạn chọn đọc cuốn sách này, hãy tạm gác lại những việc khác trong lịch trình hàng ngày của mình vì đây là cuốn sách khủng, dày hơn 1.000 trang.
4/ “Creating Capabilities” (tạm dịch: Tạo ra Khả năng) của Martha Nussbaum
Martha Nussbaum, một triết gia tại Đại học Chicago, đã có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực nữ quyền và triết học cổ đại. Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất của bà là ở việc phát triển Phương pháp tiếp cận năng lực để đánh giá phúc lợi con người. Quan điểm này đánh giá phúc lợi không phải bằng các thước đo kinh tế hay vật chất truyền thống mà bằng cách đặt câu hỏi: “Mỗi người có thể làm gì và trở thành gì?”
Khung này cung cấp sự hiểu biết sâu sắc hơn về hạnh phúc, tập trung vào các cơ hội và quyền tự do dành cho các cá nhân để phát huy tiềm năng của họ và nó đóng vai trò là nền tảng của Chỉ số Phát triển Con người, được Liên Hợp Quốc sử dụng để xác định mức độ hài lòng với cuộc sống của một quốc gia thay vì chỉ đơn thuần là quốc gia đó có bao nhiêu tiền.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2011 này, Tiến sĩ Nussbaum khám phá cách tiếp cận lý thuyết Năng lực của bà. Cuốn sách này có liên quan đến người cộng sự thường xuyên của bà, Tiến sĩ Sen, nhưng khác biệt ở những điểm quan trọng mà nó đi sâu phân tích. Mặc dù tất cả các nhà tư tưởng liên quan đến cách tiếp cận này đều đồng ý về sự cần thiết phải tập trung vào một số chức năng nhất định như một thước đo về phúc lợi, nhưng những chức năng đó nên là gì vẫn thường được tranh luận.
5/ “A Confucian Constitutional Order: How China’s Ancient Past Can Shape Its Political Future” (Tạm dịch: Trật tự hiến pháp Nho giáo: Quá khứ xa xưa của Trung Quốc có thể định hình tương lai chính trị của nó như thế nào) của Jiang Qing
Jiang Qing là một học giả Nho giáo Trung Quốc làm việc tại Học viện Dương Minh do ông thành lập. Là người chỉ trích ý tưởng xây dựng chính phủ dựa trên một quan điểm hợp pháp duy nhất, ông nhìn lại những triết lý có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc để tìm một hình thức quản trị mới có thể vượt qua những gì ông coi là hạn chế của cả mô hình tự do và độc tài hiện có.
Trong cuốn sách năm 2013 của mình, ông xem xét một mô hình quản trị dựa trên những lời phê bình của ông về cái thường được gọi là Nho giáo Mới. Về việc trường phái đó quá chịu ảnh hưởng của triết học phương Tây, ông đề xuất một chủ nghĩa hợp hiến Nho giáo dựa trên nhiều nguồn chính đáng - không chỉ chủ quyền nhân dân. Điều kỳ lạ là nó sẽ có nhiều nghị viện đại diện cho những nền tảng quyền lực khác nhau. Phần sau của cuốn sách bao gồm những phản hồi từ các nhà tư tưởng tự do và xã hội chủ nghĩa đương thời ở Trung Quốc.
Cuốn sách của Qing là một phần của sự hồi sinh mối quan tâm về những tác động của triết học Nho giáo đối với xã hội hiện đại. Mặc dù không đề cập đến các vấn đề chiến tranh văn hóa hiện đại ở Hoa Kỳ, nhưng việc xem xét trên nhiều góc độ có thể mang đến tính chính đáng về chính trị và văn hóa, đưa ra cách suy ngẫm thú vị về các vấn đề đương đại bị loại bỏ khỏi bối cảnh ban đầu của cuốn sách.
- Theo Big Think