Bắt đầu một mô hình kinh doanh mới luôn là một công việc nhiều thách thức, chẳng thể biết thành công hay thất bại. Công thức truyền thống trong hàng thập kỉ qua đó là: bạn lên một bản kế hoạch kinh doanh, giới thiệu nó cho các nhà đầu tư, tập hợp một team làm việc, cho ra mắt sản phẩm, cố gắng hết sức quảng cáo và phân phối thu lời. Và đôi lúc trong tiến trình này, bạn sẽ không thể tránh được những thất bại. Khởi nghiệp là một con đường đầy rẫy những chông gai: 75% các dự án khởi nghiệp đều thất bại.
Những năm gần đây, một đột phá quan trọng khiến cho hành trình khởi nghiệp bớt đi nhiều rủi ro: Lean Startup hay còn gọi là Khởi nghiệp tinh gọn - một phương pháp khởi nghiệp đề cao sự thử nghiệm nhiều hơn là một thiết kế quá kĩ càng, dựa trên phản hồi khách hàng thay vì trực giác, sửa đổi liên tục kế hoạch phát triển thay vì đi theo kế hoạch ban đầu. Dù phương pháp này mới được thực hành trong một số năm gần đây, một số khái niệm của nó như sản phẩm khả thi tối thiểu (minimum viable product ) và khả năng biến đổi linh hoạt ( pivoting) - đã bắt rễ trong giới khởi nghiệp, các trường kinh doanh cũng đang thừa nhận Khởi nghiệp tinh gọn và đưa nó vào trong chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, việc ứng dụng khởi nghiệp tinh gọn chưa thực sự trở thành một phương thức chính thống, và chúng ta vẫn chưa thể cảm nhận được đầy đủ tác động của nó. Và mặc dù được gọi tên là Khởi nghiệp tinh gọn, mô hình kinh doanh này về lâu dài thật ra có thể đem lại lợi ích khổng lồ không chỉ riêng gì cho giới khởi nghiệp mà còn cho những công ty lớn sẵn sàng tiếp nhận nó.
Bài viết này lược dịch từ một bài chia sẻ của Steve Blank, giới thiệu về sự ra đời và phát triển của Khởi nghiệp tinh gọn cũng như các cuốn sách giúp bạn hiểu sâu về phương pháp này.
Sự Dối Trá của Kế hoạch kinh doanh hoàn hảo
Theo như tư duy thông thường, điều đầu tiên bất cứ người sáng lập nào cũng làm là soạn bản kế hoạch kinh doanh - một văn bản tĩnh miêu tả tiềm năng kinh doanh, vấn đề cần giải quyết, và các giải pháp. Thông thường, quá trình soạn kế hoạch này bao gồm cả chu trình dài 5 năm dự báo về lợi tức, lợi nhuận và dòng tiền. Kế hoạch kinh doanh chủ yếu giống như một bài tập nghiên cứu, được viết độc lập trên bàn giấy, trước cả khi bắt đầu xây dựng sản phẩm. Giả định của phương pháp này là việc bạn có thể nắm bắt được hầu hết thông tin về các yếu tố của thị trường, trước khi huy động vốn và bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng của mình.
Một khi người khởi nghiệp cùng với bản kế hoạch kinh doanh (có vẻ là) thuyết phục của mình đạt được số vốn nhất định từ các nhà đầu tư, người này sẽ bắt đầu phát triển sản phẩm ở mức độ đơn giản thô sơ nhất. Những người thực hiện việc phát triển này sẽ đầu tư hàng nghìn nhân viên lao động theo giờ để sẵn sàng cho việc công bố sản phẩm, với rất ít hoặc thậm chí là không một phản hồi hay đánh giá nào từ khách hàng. Chỉ sau khi được xây dựng và giới thiệu, sản phẩm được các khách hàng góp ý - vào thời điểm nhân viên sales và marketing đang nỗ lực để bán sản phẩm. Và quá thường xuyên, sau vài tháng hoặc vài năm phát triển, người khởi nghiệp nhận thức mạnh mẽ được rằng khách hàng không cần hoặc không muốn hầu hết các đặc tính của sản phẩm.
Sau vài thập kỉ quan sát hàng nghìn dự án khởi nghiệp áp dụng phương pháp chuẩn này, giờ đây chúng ta đã học được ít nhất 3 điều:
1. Những bản kế hoạch kinh doanh hiếm khi sống sót trong lần đầu tiên giới thiệu với khách hàng. Như lời của một võ sĩ quyền anh - Mike Tyson - nói về những chiến thuật được chuẩn bị trước trận đấu: “Võ sĩ nào cũng có một kế hoạch về việc đánh như thế nào cho đến khi họ ăn một phát đấm vào mồm”.
2. Không một ai ngoại trừ những nhà đầu tư mạo hiểm và Liên Bang Xô viết cũ có yêu cầu kế hoạch 5 năm dự báo (láo) toàn những điều mơ hồ. Những bản kế hoạch này thường chỉ là sự hoang tưởng, và việc chúng ta tưởng tượng ra chúng hầu hết đều vô ích và tốn thời gian của chúng ta.
3. Dự án hay ý tưởng khởi nghiệp không phải là một phiên bản nhỏ hơn của các công ty lớn. Chúng không diễn biến theo một kế hoạch hoàn hảo. Những dự án có thể đi đến thành công cuối cùng, là những dự án đã nhanh chóng trải qua thất bại này tới thất bại khác, cả một quá trình thích ứng để phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng, được lặp đi lặp lại, và liên tục phát triển ý tưởng ban đầu nhờ vào việc học hỏi từ chính khách hàng của mình.
Phương pháp Khởi nghiệp tinh gọn có 3 nguyên tắc chính:
Đầu tiên, đừng vội bỏ ra mấy tháng trời để lên kế hoạch và nghiên cứu, người khởi nghiệp cần hiểu rằng tất cả những gì họ có vào ngày đầu tiên là một chuỗi những giả thuyết chưa được kiểm chứng - về cơ bản, những dự đoán tốt. Cho nên, thay vì viết một bản kế hoạch lộn xộn, hãy tổng hợp những giả thuyết của mình, cho vào một bộ khung gọi là Business Model Canvas ( BMC). Đây là một giản đồ biểu hiện một công ty đã tạo ra giá trị cho khách hàng và cho chính công ty đó như thế nào. ( Xem hình minh họa “ Phác thảo giả thuyết cho dự án của bạn”).
Thứ hai, những dự án khởi nghiệp “ tinh gọn” sử dụng cách tiếp cận đưa sản phẩm ra ngoài thị trường để nhận phản hồi, hay còn gọi là Customer Development, từ đó sẽ kiểm tra được tính đúng đắn của những giả định mình đặt ra. Họ ra ngoài và hỏi ý kiến những người sử dụng tiềm năng, những người đi mua hàng và đối tác để có được góp ý cho tất cả các thành tố trong mô hình kinh doanh, bao gồm đặc điểm sản phẩm, giá, các kênh phân phối, và các chiến lược khả thi để tiếp cận khách hàng. Điểm trọng tâm là phải nhanh nhẹn và tốc độ: đầu tư mạo hiểm cần nhanh chóng tạo được những sản phẩm khả thi tối thiểu và có được những phản hồi trực tiếp từ khách hàng ngay lập tức. Sau đó, sử dụng những phản hồi này để điều chỉnh các giả định,và sẽ lại bắt đầu chu kỳ làm việc với nhứng sửa đổi phù hợp về sản phẩm hoặc chiến lược
Thứ ba, Khởi nghiệp tinh gọn áp dụng Phát triển linh hoạt, phương pháp vốn có nguồn gốc từ ngành công nghiệp phần mềm (Agile Software development). Phương pháp này được thực hiện song song gắn liền với phương pháp Phát triển khách hàng ( Customer Development). Không giống như những chu kì phát triển sản phẩm dài hạn điển hình đoán trước những vấn đề của khách hàng và nhu cầu về sản phẩm, Phát triển linh hoạt ( Agile Development) loại bỏ sự phung phí thời gian và nguồn lực bằng cách phát triển sản phẩm nhiều lần và làm từng bước một. Đó là quá trình mà nhờ đó các dự án khởi nghiệp kiến tạo những sản phẩm khả thi tối thiểu để mang đi thử nghiệm.
Chế độ tàng hình ngày càng ít phổ biến
Phương pháp tinh gọn đã thay đổi ngôn ngữ những người làm khởi nghiệp sử dụng để mô tả công việc của họ. Trong thời kì quả bom dot - com (.com), những dự án khởi nghiệp thường vận hành ở “ chế độ tàng hình” ( để tránh đánh thức các đối thủ tiềm năng ), và chỉ để khách hàng nhìn thấy vật mẫu thử nghiệm đầu tiên khi đó là trong quá trình “ beta test”. Phương pháp của khởi nghiệp tinh gọn khiến cho những khái niệm này lỗi thời bởi vì nó đề cao sự phản hồi của khách hàng hơn là việc giữ khư khư bí mật sản phẩm và việc phản hồi liên tục đem lại kết quả tốt hơn là ra mắt sản phẩm theo đợt.
Năm 2004, tôi đã đầu tư vào dự án khởi nghiệp được sáng lập bởi Eric Ries và Will Harvey, và theo điều kiện đi kèm với khoản đầu tư , rằng họ sẽ chấp nhận học khóa học của tôi. Eric nhanh chóng nhận ra rằng mô hình Waterfall Development (bao gồm các giai đoạn xử lý nối tiếp nhau), một trong những mô hình truyền thống của các ngành công nghiệp công nghệ, một cách tiếp cận mang tính chất tuyến tính với việc phát triển sản phẩm, nên được thay thế bởi kĩ thuật phát triển linh hoạt lặp đi lặp lại. Anh ta cũng thấy được sự tương đồng giữa phương thức của những dự án khởi nghiệp mới nổi thành công và hệ thống sản xuất của Toyota, là thứ được biết đến với tên gọi “Sản xuất tinh gọn” (lean manufacturing). Eric đã gọi sự kết hợp của phương pháp Phát triển khách hàng và việc thực hành một cách tinh gọn (agile practices) là “ khởi nghiệp tinh gọn” (lean start- up).
Những công cụ này đã được phổ biến rộng rãi bởi một chuỗi những cuốn sách về khởi nghiệp. Vào năm 2003, tôi đã viết cuốn Bốn bước chinh phục đỉnh cao (The Four Steps to the Epiphany), lần đầu tiên chỉ ra rằng những dự án khởi nghiệp không phải là một phiên bản nhỏ hơn của các công ty lớn và phân tích lại quá trình phát triển khách hàng chi tiết hơn. Năm 2010, Alexander Osterwalder và Yves Pigneur đã đưa ra bộ khung tiêu chuẩn cho BMC ở cuốn Tạo lập mô hình kinh doanh (Business Model Generation). Năm 2011, Eric cho xuất bản cái nhìn tổng quan ở cuốn Khởi nghiệp tinh gọn (The Lean Startup). Và tiếp đến năm 2012, Bob Dorf và tôi đã tổng hợp được những kiến thức mà chúng tôi đã tích lũy được về công nghệ tinh gọn, từng bước từng bước trong cuốn sổ tay có tên Hướng dẫn cho người chủ sở hữu dự án khởi nghiệp (The Startup Owner’s Manual).
Phương pháp khởi nghiệp tinh gọn giờ đây đã được giảng dạy tại hơn 25 trường đại học và trở nên phổ biến ở những khóa học trực tuyến tại Udacity.com.
Các cuốn sách được giới thiệu trong bài giúp bạn nắm bắt về Khởi nghiệp tinh gọn:
Bốn bước chinh phục đỉnh cao - Steve Blank
Tạo lập mô hình kinh doanh - Alexander Osterwalder - Yves P
Khởi nghiệp tinh gọn - Eric Ries
The Startup Owner’s Manual - Chưa được dịch
Đinh Hà - Trạm Đọc (Read Station) lược dịch