Chú thích:
Thomas Steams Eliot: nhà thơ, nhà viết kịch đoạt giải Nobel văn học năm 1948
In over your head (thành ngữ): lâm vào tình huống khó xử, hoàn cảnh khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn để giải quyết vấn đề. Câu nói trên mang tính ẩn dụ.
Bằng câu thơ ngắn gọn trên, T.S Eliot đã cố gắng gửi gắm một thông điệp với bạn đọc của ông: thông điệp về thế giới bên ngoài "vòng tròn an toàn". Chỉ khi nào bạn can đảm bước qua được vùng an toàn của mình, vượt qua được giới hạn của mình thì lúc ấy cơ hội thành công, hạnh phúc mới "gõ cửa" với bạn.
Não bộ được kích hoạt khi chúng ta lâm vào những tình cảnh khó chịu và thiếu thoải mái. Trái với tưởng tượng của nhiều người, chính những lúc ấy, chúng ta dám hành động và năng suất làm việc lại tăng lên một cách đáng kể. Nếu thích được thoải mái trong vòng tròn an toàn mà mình tự tạo ra, bạn sẽ trở nên thụ động và biếng lười. Nhưng vượt quá xa so với giới hạn sẽ làm tinh thần sụp đổ bởi những áp lực và nỗi sợ liên tiếp đè xuống.
Bước ra khỏi vòng tròn an toàn là điều thiết yếu nếu bạn muốn hoàn thiện bản thân, nhưng thực sự không cần làm những điều "kinh khủng" như đặt vé đi Nepal hay leo đỉnh Everest. Chỉ đơn giản là tự tạo cho những thử thách và cố hết sức để vượt qua những giới hạn mà thôi. Và xin gợi ý một số thử thách mà bạn có thể tự đặt cho bản thân ở danh sách dưới đây.
Dậy sớm hơn thường lệ là một phương pháp tốt và đơn giản giúp bạn bước ra khỏi vùng an toàn. Nên cố gắng dậy để làm một số hoạt động khác, như tập thể dục, vệ sinh cá nhân, trước khi chuẩn bị đi làm. Thực hiện được điều này, bạn cũng có thêm thời gian để tập trung chuẩn bị về mặt tinh thần cho một ngày dài phía trước hơn là cứ chạy xô từ hoạt động này sang hoạt động khác một cách vô thức. Bạn cũng có thể tận hưởng một bữa sáng ngon lành và nạp đầy năng lượng cho một ngày mới.
Không có gì có thể diễn tả được nỗi vui sướng khi bạn hoàn thành một mục tiêu mà bạn nghĩ là vượt xa khả năng của mình. Có thể là chạy đua trong một cuộc thi marathon hoặc là thuyết trình trước đám đông với chỉ một tờ note vạch ra những ý chính. Những thành tích này thật đáng những nỗ lực mà bạn đã bỏ ra, những nỗi sợ mà bạn phải chịu đựng, bởi một khi đã đạt được, nó sẽ khiến bạn trở thành một người bất khả chiến bại, một người luôn luôn tự tin ở khả năng của bản thân.
Thật dễ dàng để mắc kẹt trong vùng an toàn khi bạn đang vô cùng bận rộn và không thể có đủ thời gian để xem xét và đánh giá về những công việc mình đã và đang làm. Lúc này, thiền định là một phương pháp khá tốt mà bạn có thể áp dụng để tránh những tình huống xấu trên xảy ra. Hơn thế, theo Sara Lazar - chuyên gia thần kinh học tại Havard - việc ngồi thiền tạo ra một số ảnh hưởng tích cực cho não bộ, trong đó bao gồm khả năng tự kiểm soát, tập trung, giải quyết vấn đề, sự linh hoạt,... Đáng chú ý là những thay đổi này đều mang tính lâu dài.
Hoàn toàn tập trung vào một công việc, hay một dự án là một sự mạo hiểm lớn: bạn có nguy cơ thất bại ở một thứ mà bạn đã dồn hết tâm huyết vào. Điều này quả thực không hề dễ chịu chút nào. Nhưng, làm nhiều việc cùng một thời điểm là cách để giảm thiểu năng suất và hiệu quả nhanh nhất. Một nghiên cứu tại Stanford đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin một lúc sẽ khó để tập trung và ghi nhớ dữ kiện hơn là những người chỉ hoàn thành duy nhất một công việc. Đồng thời, cơ hội độc nhất vô nhị để phát triển bản thân sẽ vụt mất khi bạn cố gắng trải dài những hoạt động của mình.
Chẳng phải thật tuyệt sao khi người ta tham gia các hoạt động tình nguyện chỉ vì muốn đóng góp gì đó cho cộng đồng và xã hội. Nhưng thời gian thì khan hiếm và chúng ta luôn dành sự ưu tiên cho nhiều thứ khác. Nói thì dễ nhưng để bắt tay vào làm lại là cả một quá trình. Có nhiều người lên ý tưởng cho việc tham gia tình nguyện nhưng họ lại dành cả ngày cho những thú vui an nhàn khác. Tình nguyện là một trải nghiệm tuyệt vời giúp bạn tự tin hơn và mở rộng mạng lưới quan hệ của mình. Bạn đã từng gặp ai mà không thay đổi theo hướng tích cực đi sau khi tham gia tình nguyện chưa? Tôi đoán là không.
Nỗi sợ nói trước đám đông của một số người thậm chí còn lớn hơn nỗi sợ về cái chết. Trên thực tế, 74% người Mỹ mắc chứng sợ nói trước đám đông. Đúng thế, đó là một thử thách lớn. Và nếu bạn chiến thắng được bản thân, đó sẽ là một điểm cộng lớn cho sự nghiệp. Một khi đã quen, bạn sẽ nhận thấy chẳng có gì khác biệt giữa một hội thảo gồm năm người hay một hội trường gồm năm nghìn người. Điểm mấu chốt là hãy luyện tập hàng ngày.
Trừ khi bạn là một người hướng ngoại chính hiệu, hay một chính trị gia, nói chuyện với ai đó không hề quen biết đều làm chúng ta cảm thấy không an toàn. Nhưng dù sao, hãy cứ thử đi. Tâm trạng bạn sẽ tốt hơn nhiều nhờ những cuộc nói chuyện hoặc xã giao với những người xung quanh. Đó là chưa kể đến những lợi ích khác như mở rộng mạng lưới quan hệ, tiếp cận với những ý tưởng mới và tăng cường sự tự tin vào bản thân.
Ồ, dĩ nhiên, bạn sẽ cảm thấy thật tuyệt vời khi trút bỏ gánh nặng bấy lâu của mình lên một người nào đó và nói chuyện thẳng thắn về những điều mà bạn đang thực sự nghĩ. Nhưng liệu cảm xúc vui sướng đó có kéo dài lâu không? Bản tính con người thì luôn muốn chứng tỏ mình đúng, mặc dù điều đó ít khi có hiệu quả. Bạn càng cố chấp với quan điểm của mình bao nhiêu thì những mối quan hệ mà của bạn lại càng mỏng manh bấy nhiêu. Khi hiểu và biết kiểm soát những cảm xúc, bạn sẽ biết khi nào nên tranh cãi và thẳng thắn, khi nào nên mềm mỏng và khéo léo.
Một nghiên cứu ở đại học California đã chỉ ra rằng, bạn càng lưỡng lự khi phải từ chối thì nguy cơ bị căng thẳng, kiệt sức và trầm cảm đối với bạn càng cao. Nói "không" quả thực là một thử thách khá lớn với nhiều người nhưng cũng là một vũ khí lợi hại nếu biết sử dụng đúng cách. Từ chối một cơ hội mới, những mối quan hệ mới cũng là cách để biết trân trọng hơn những gì bạn đang có. Khi biết từ chối những gì không cần thiết, bạn giải phóng chính mình khỏi sự gượng gạo khi phải đồng ý những gì mình không thích và đồng thời tập trung thời gian và năng lượng vào những điều thực sự quan trọng đối với bạn.
Phát triển bản thân chẳng phải là điều dễ dàng. Thay đổi không xảy đến trong một sớm một chiều. Theo đuổi những điều mình đam mê chắc chắn là một công việc khó khăn, chưa kể đến hàng tá nỗ lực bền bỉ mà bạn phải bỏ ra. Và khi mọi thứ trở nên khó khăn, một sức mạnh thần bí sẽ xúi giục chúng ta nghỉ ngơi, trì hoãn và ngưng trệ công việc sang ngày mai, cái ngày mai mà sẽ chẳng bao giờ đến. Nếu bạn đã từng bắt gặp mình như vậy, bạn thực chất đang tự tìm cách biện minh cho sự chán ghét với công việc, hay ảo tưởng thành công sẽ đến mà không cần sự cố gắng và nỗ lực tự thân.
Thùy Dương - Trạm Đọc (Read Station)
Theo Entrepreneur