5. Kể những câu chuyện hay

SẢN PHẨM KHÔNG BAO GIỜ TỰ LÊN TIẾNG

Công việc của bạn không tồn tại một cách biệt lập. Có thể bạn không nhận ra, nhưng bạn vốn đã và đang kể câu chuyện về công việc của mình. Mọi bức thư, mọi văn bản, mọi cuộc hội thoại, thậm chí mọi bình luận trên blog, mọi dòng cập nhật trên Twitter, mọi tấm ảnh, mọi video – chúng đều là các mảnh của một câu chuyện truyền thông mà bạn liên tục xây dựng. Nếu muốn chia sẻ về bản thân và công việc hiệu quả hơn, bạn cần trở thành một người kể chuyện tài tình. Bạn cần biết thế nào là một câu chuyện hay và làm sao để kể một câu chuyện như vậy.

CẤU TRÚC CÓ Ý NGHĨA QUYẾT ĐỊNH

Dù bạn đang kể một câu chuyện đã kết thúc hay vẫn còn dang dở, hãy luôn nghĩ đến khán giả của mình. Trò chuyện trực tiếp với họ bằng ngôn ngữ đơn giản. Tôn trọng thời gian của họ. Hãy nói ngắn gọn. Học cách nói chuyện và cách viết. Sử dụng chức năng sửa lỗi chính tả. Bạn sẽ không thể bảo đảm “tính chân thật” cho câu chuyện mà không rà soát hoặc sửa lỗi dấu câu. Điều đó chỉ làm tăng “tính khó hiểu” cho nó mà thôi. Mọi người thích những câu chuyện hay, nhưng chuyện hay thì không phải ai cũng kể được. Đó là một kỹ năng cần được mài giũa. Vì thế hãy đọc những câu chuyện tuyệt vời và sau đó tìm một câu chuyện cho chính mình. Càng kể lại nhiều, chuyện của bạn sẽ càng trở nên thú vị.

TỰ NÓI VỀ BẢN THÂN TRONG CÁC BỮA TIỆC

Kể một câu chuyện hay về bản thân không có nghĩa là bạn phải bịa ra một cuốn tiểu thuyết. Hãy bám vào thể loại người thật việc thật. Kể cho họ sự thật, với thái độ đường hoàng và tự trọng. Nếu là sinh viên, hãy cứ nói mình là sinh viên. Nếu làm công việc văn phòng, hãy nói bạn làm văn phòng. Nếu bạn có một công việc lai tạp hơi kỳ lạ, hãy nói đại loại như, “Tôi là một nhà văn biết vẽ. Nếu thất nghiệp thì cũng đừng ngại ngần nói điều đó, sau đó bày tỏ việc bạn đang tìm kiếm một công việc như thế nào. Nếu bạn đang làm việc nhưng cảm thấy không hài lòng với nó, hãy tự hỏi tại sao. Có thể bạn đang làmkhông đúng ngành, hoặc không làm việc mà lẽ ra bạn nên làm.