Văn học tuổi 20: 'Yagon- Những kẻ vô cảm': Đằng sau lớp mặt nạ, tôi là ai trong thế giới đảo điên này?
Văn học tuổi 20: 'Yagon- Những kẻ vô cảm': Đằng sau lớp mặt nạ, tôi là ai trong thế giới đảo điên này?
Dồn dập. Ly kỳ. Hấp dẫn. Lôi cuốn. Không thể rời mắt. Đó là những cảm nhận khi đọc Yagon - Những kẻ vô cảm; cuốn tiểu thuyết thể loại kỳ ảo fantasy thứ 2 của tác giả trẻ Phạm Bá Diệp, sau tác phẩm đầu tay “UREM – Người đang mơ” đạt giải khuyến khích văn học tuổi 20 lần 5.

 

 

Lối kể chuyện sinh động  đầy mê hoặc

 

 

Câu chuyện trong "YAGON - Những kẻ vô cảm" diễn ra trong bối cảnh hiện đại, dưới mắt nhìn của một cậu sinh viên tên Nguyên đang chuẩn bị đón tuổi 20. Nhiều sự kiện bất ngờ ập đến trong ngày sinh nhật đẩy chàng trai vào tình thế không có đường lui, trở thành Người Quan Sát của Tam Giới, mang trên mặt chiếc mặt nạ vô cảm với biệt danh Gương Thần. Trong thế giới đó, Nguyên cùng những người đồng chí đột ngột rơi vào một cuộc chiến tàn khốc giữa các thế lực trong cuộc đảo chính và lật đổ Tam Mẫu – tôn giáo linh thiêng giữ vị thế tuyệt đối hàng ngàn năm qua.

Một thế giới kỳ ảo, huyền hoặc, sống động, lạ lùng, bí ẩn và nhiều bất ngờ đã được tác giả kỳ công xây dựng với những góc nhìn táo bạo, cùng với đó là các màn rượt đuổi nghẹt thở, những pha hành động hấp dẫn như đang xem ciné. Độc giả sẽ không thể rời mắt khỏi trang sách nếu đã lỡ cùng tham gia vào cuộc chiến giữa các đại diện Tam Giới là Nhân Tộc, Sơn Tộc và Thủy Tộc, đối đầu với loài quỷ dữ bóng đêm huyền thoại là lũ Tàn Ảnh, Vô Diện, Diệm Khẩu, Tịch Quỷ, Tử Kỵ... Cài cắm trong đó, là những câu chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, chuỗi bí ẩn trong gia đình Nguyên, thế giới của Linh – thần hộ mệnh của Nguyên, nhân vật có sứ mệnh đặc biệt trong không gian ngôi trường Thiên Thanh của 40 năm trước.  Song song với đó, là những chiều không gian khác giữa thực tại và mộng tưởng, giữa con người bằng xương thịt và những linh hồn. Đặc biệt hơn nữa, còn có sự xuất hiện của những vị thần tối cổ - những nhân vật đã trở thành huyền thoại trong lịch sử dựng nước: Sơn Tinh, Thủy Tinh, mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân… ; hiện lên như những tượng đài của lòng tự tôn dân tộc nghìn năm sừng sững.

 

 

Lột bỏ lớp mặt nạ, tôi là ai, anh là ai, chúng ta là ai?

 

 

Tuyến nhân vật chính diện của truyện, như Nguyên, như Anak, như Gấu, như ông Bảy, như Ngọc…, tất cả bọn họ phải đeo lên chiếc mặt nạ vô cảm để thực hiện sứ mệnh của cuộc đời mình, trở thành Người Quan Sát đứng ra bảo vệ những quy tắc ứng xử và luật lệ cổ xưa của hội đồng Tam Giới. Mang trong người những năng lực đặc biệt có thể nhìn thấu mọi thứ của thế gian phức tạp, lại là đối tượng thèm khát vô biên của bọn Tàn Ảnh, chiếc mặt nạ trở thành thứ không thể thiếu để Người Quan Sát che giấu đi những cảm xúc yếu đuối, sự sợ hãi, gót chân Asin khiến họ nhanh chóng thua cuộc trước kẻ thù. Cũng vì những chiếc mặt nạ vô cảm này,  cuộc đời của Người Quan Sát trở thành bi kịch: đối diện với những sự thù ghét , nghi kỵ và mất niềm tin trong đội ngũ, phải chia sẻ thân xác với một linh hồn người khác, tự biến mình thành một thứ quái vật, tự đấu tranh để cố gắng sinh tồn, làm điều đúng đắn.

Nhưng, đáng sợ hơn những chiếc mặt nạ có hình thù kỳ quái hữu hình mà Nguyên và đồng đội sở hữu, đó chính là thứ mặt nạ vô hình mà các nhân vật đang mang. Theo nhịp truyện, những chiếc mặt nạ này được lột tả dần, những góc khuất vô hình của các nhân vật hiện ra, khiến tình thế câu chuyện biến chuyển, ly kì, khó đoán định. Mạch truyện ấy kéo dài đến tận trang cuối cùng của cuốn sách, để lại nhiều câu hỏi lửng lơ: Tôi là ai, anh là ai, chúng ta là ai, sau những trận chiến nơi tận cùng thế giới?

Và sau tất thảy những cuộc chiến sống còn ấy, những nỗi thất vọng vì phản bội, những sự hi sinh mất mát, tình yêu hiện ra rờ rỡ, ngọt ngào, sáng tươi và cảm động, là căn nguyên của mọi thay đổi lịch sử: Tình yêu của Thành và Bé Tư, tình yêu của Nguyên và cô Út… Một cách thật rõ ràng, họ, cho dù là Nhân Tộc, Thủy Tộc hay Sơn Tộc, đều không ngừng tranh đấu cho những gì mình yêu thương.

 

Tác giả:

Phạm Bá Diệp, sinh năm 1991

Sách đã xuất bản: “UREM – Người Đang Mơ” (2013) - Truyện dài kỳ ảo; “Học Viện Bóng Đá” (2014) – Truyện tranh về đội tuyển U19 Việt Nam (tác giả kịch bản).

“Tôi vẫn cho rằng mình không thể viết bất kỳ dòng sách nào khác ngoài fantasy, dĩ nhiên không phải vì ý nghĩ muốn xa rời thực tại, mà  bởi mong muốn được kể, được vẽ cho các độc giả về một câu chuyện thú vị với ít sự ràng buộc và gò bó nhất có thể.”

 

Trích đoạn tác phẩm:

“Không còn những cơn ớn lạnh lan tỏa trong chiếc Sonata, không còn bóng tối của trời khuya Cánh Trắng. Bao quanh Nguyên lúc này là một buổi chiều thu vàng, mặt trời đang xuống dần về cuối đường. 

Nguyên dập mạnh cửa xe, ngạc nhiên phát hiện mình vừa bước ra từ một chiếc con bọ đời cũ. Đúng hơn, cả con phố và cả trường Sơn Nữ Vương trước mắt cậu đều đang đắm mình trong màu quá khứ vài chục năm về trước. Nguyên bồi hồi nhìn quanh nhận ra một Cánh Trắng xưa cũ chỉ từng thấy trên phim ảnh, cậu chậm rãi bước về cánh cổng trường đang mở toang. Bỗng dưng Nguyên chợt nhận ra mình cũng không còn quá sợ hãi, trái lại, là cảm giác đượm buồn man mác thì đúng hơn. Từng chiếc lá bàng xoáy vòng, rơi rụng lả tả trên sân trường. Từ các sạp báo ngoài đường phố cho đến các phòng học thuộc ba dãy lầu hình chữ U, tuyệt nhiên không có dấu hiệu của bất kỳ người nào khác ngoài Nguyên. Dù vậy, Nguyên vẫn không cách nào xóa bỏ được cái ý nghĩ rờn rợn rằng một người nào đó đang âm thầm dõi mắt quan sát cậu.

Nguyên chậm rãi bước đến dãy phòng học chính giữa, những khung cửa đều mở toang, để lộ từng dãy bàn ghế không người. Cậu bước hẳn vào một lớp học, đưa mắt nhìn quanh hòng tìm kiếm một manh mối nào đó, trên tấm bảng đen vẫn còn hình vẽ sống động bằng phấn màu, cảnh chiếc thuyền lẻ loi trên nền biển mang cánh buồm đỏ thắm, nét vẽ rất có nghề. Trên những chiếc bàn học đôi bằng gỗ vẫn rải rác những tập vở mở ra, như thể cả lớp học chỉ mới tạm rời đi vội vã. Ý nghĩ đó khiến Nguyên cảm thấy hơi lạnh người. Một cơn gió nhẹ lướt ngang, cuốn theo đám lá thu trôi qua khung cửa sổ, tiếng xào xạc đó khiến Nguyên bất giác nhìn đăm đăm ra phía sân trường. Sau một hồi bần thần, Nguyên quyết định đi lên tầng hai của dãy lầu. 

- Rốt cuộc cô là ai?” 
... .... ....
(trích YAGON - Những kẻ vô cảm - Phạm Bá Diệp. Tácphẩm dự thi Văn học tuổi 20 lần 6 do Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ tổ chức)

Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: