Văn học tuổi 20: “Cửa sổ phía đông” – Có những ký ức không thể nào xóa trắng
Văn học tuổi 20: “Cửa sổ phía đông” – Có những ký ức không thể nào xóa trắng
Lấy ý tưởng từ trạng thái Déjà vu hiện vẫn đang còn là ẩn số với khoa học,“Cửa sổ phía đông” là tác phẩm về đề tài hậu chiến được viết đầy rung cảm và mới mẻ thông qua một số yếu tố giả tưởng xen lẫn chất ly kỳ hấp dẫn, cùng những trang viết nên thơ đầy nữ tính đến từ tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa.

 

 

Déjà vuvà cuộc phiêu lưu rùng rợn với hồn ma

 

 

“Déjà vu là ảo giác cảm thấy quen thuộc như đã từng thấy, từng trải qua trong trí nhớ tại một môi trường, khung cảnh mới, chưa từng biết trước đó hoặc không nhớ rõ lúc nào.” Hiểu một cách đơn giản trong đời thường, Déjà vu là việc cảm thấy một đối tượng nào đó rất đỗi quen thuộc, tới từng chi tiết mặc dù rõ ràng là đang tiếp xúc với đối tượng đó lần đầu tiên.

Đó là những gì Phan, nhân vật chính của câu chuyện đang gặp phải. Phan tham gia vào một đợt trị liệu tinh thần cho một khách hàng, cùng với Ali, người yêu của cô, cũng là chuyên gia chính của đợt điều trị. Nhiệm vụ chính của chuyến đi đến thành phố P, một thành phố ven biển miền Nam nhiều nắng, gió, động cát và những bầy cừu, là Phan và Ali phải xóa đi ký ức về con gái cho một chủ trang trại cừu giàu có. Những tưởng không có gì quá khó khăn với các chuyên gia như Phan và Ali khi công việc này đã khá quen thuộc, với sự hỗ trợ của kỹ thuật tối tân và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, với nhiều ca thành công mỹ mãn. Tuy nhiên, kể từ khi cánh cổng trang trại hé mở và bước vào căn phòng có cửa sổ ở phía Đông, trong suốt thời gian một tuần ở đó để tiến hành đợt trị liệu, Phan gần như mắc kẹt đầy bất an trong trạng thái Déjà Vu của chính mình. Cùng với quyển nhật ký của cô con gái đã mất, những ký ức bộc phát trong quá trình trị liệu của người khách có vẻ ngoài lạnh lùng cộc cằn, những cơn ngất đột ngột không rõ nguyên do, căn nhà ven biển cạnh khu bảo tồn thiên nhiên với hoa sao tím, màu sơn tường, mảng rèm rửa ngỡ như thật quen thuộc… khiến Phan rơi vào những ảo giác ám ảnh và những cơn mộng mị đầy sợ hãi và hoang mang… Phan hành động theo sự thôi thúc của bản năng hay do hồn ma sai khiến, dần dần khám phá ra được những góc khuất trong các mối quan hệ mờ ám giữa các nhân vật, xâu chuỗi lại và tìm ra lời giải cho riêng mình.

 

Vết thương chiến tranh vẫn hằn sâu như mới hôm qua

 

 

Ly kỳ, lôi cuốn, pha chút rùng rợn, những trang viết của “Cửa sổ phía đông” dẫn dắt người đọc vào một thế giới sống động của ảo giác cùng những bí ẩn chưa có lời giải đáp, và cả những nỗi đau dai dẳng hằn sâu sau những trang văn.Câu chuyện của Phan và nỗ lực xóa trắng vùng ký ức cho người khách đã khơi lại vết thương của chiến tranh Việt Nam, đất nước vẫn còn đó những nỗi đau hậu chiến tươi nguyên ám ảnh lên các nhân vật dù cuộc chiến đã chấm dứt hơn 40 năm. Bên trong những file hồ sơ dưới cái tên Sách Trắng của Jack là những mảnh đời bất hạnh vì tội ác chiến tranh, những em bé nhiễm dioxin không rõ hình hài, và bom mìn vẫn còn đầy rẫy trên các cánh đồng, đủ sức cuốn phăng đi đôi tay, bàn chân lành lặn của những đứa trẻ. Nỗi ám ảnh thời hậu chiến còn thể hiện đầy ám ảnh qua hình ảnh người cô của cô gái trẻ, em gái của ông chủ trang trại mất tích khi đi về phía biển, nơi mà khi đó ngày nào cũng dạt vào xác người đã bỏ xứ đi tìm chân trời mới, được biển cả trả thân xác không lành lặn về với cố hương.

Phan cuối cùng nhận ra rằng, thứ mà người khách muốn xóa không phải là ký ức về cô con gái mà ông vẫn hằng thương yêu mà chính là ký ức về người em gái, hay ký ức về chiến tranh tàn khốc tưởng như đã vĩnh viễn rời xa nhưng vẫn đang ám ảnh những người đang sống, đẩy cuôc đời họ vào bi kịch.

 

 

Nơi đó ở phía Đông, ô cửa sổ đã mở

 

 

Bằng một giọng kể chuyện hấp dẫn, thế giới của Phan và cô gái đã mất trong trang sách hiện ra đầy bí ẩn, cuốn người đọc vào một cuộc phiêu lưu đầy bất an và chuẩn bị tinh thần cho một cái kết không có hậu. Những tưởng những mảng đen của ký ức, những hồn ma dữ tợn luôn chực chờ để nhảy xổ ra, xô nhân vật vào vùng sâu tăm tối. Nhưng không, cửa sổ phía Đông đã mở. Nơi đó, nơi Phan cảm thấy thoải mái nhất, tỉnh táo nhất nhờ luồng gió biển trong lành và ánh nắng sáng tươi xua đi những ám ảnh đen tối, chính là nơi đón nhận những thứ tình cảm ngọt ngào. Tình yêu của người cha đối với cô con gái duy nhất bị ngăn trở bởi bản tính cố chấp, cộng với những khác biệt thế hệ khiến họ như nước với lửa, ngày càng cách xa nhau; Tình cảm của Jack và cô gái anh yêu, đủ sâu nặng để khiến anh đi đến những quyết định hệ trọng; Tình anh em đậm sâu của người cha đối với cô em gái… Những tình yêu mang tính cứu rỗi, hiện lên cảm động, tội nghiệp và đáng thương xót.

Cuối cùng thì, liệu có phải lãng quên luôn là liều thuốc chữa thương tốt nhất? Các nhân vật đã tìm được câu trả lời cho riêng mình, bằng một kết thúc có hậu nhiều bất ngờ không thể đoán trước.

 

Thông tin tác giả:

Nguyễn Thị Kim Hòa
Sinh năm 1984

Hiện sống và làm việc tại Phan Rang, Ninh Thuận
Tác phẩm tiêu biểu: Đỉnh khói (2015), Sa mạc và những vệt nhớ (2016), Con chim phụng cuối cùng (2017)

  

Trích đoạn tác phẩm:

“Phan quẫy vùng. Phan toan nhợn ói khạc nhổ thì nhận ra không phải con chó mà là một người đàn ông đang hôn mình.

Môi anh ta ấm. Hơi thở cũng ấm. Nụ hôn nóng hổi quấn Phan bạo liệt như sóng. Người Phan căng cứng. Rồi vỡ vụn. Tan dần. Phan muốn nhìn mặt người đàn ông. Nhưng gương mặt của anh ta cứ mờ ảo như quấn trong tấm khăn lụa đầy sương. Một giọt nước thấm khỏi mảnh khăn, rơi trúng má Phan lạnh ngắt. Phan biết người đàn ông vừa khóc. Xót xa, thương cảm, Phan ôm anh ta vào lòng.

Sóng lại cuộn. Sóng dịu dàng, mơn man hơn lúc đầu. Nhưng vẫn cuốn phăng Phan đi trong đê mê, thăm thẳm. Bất ngờ, tấm khăn sương tuột xuống, phơi ra một gương mặt. Trong chuếnh choáng say sóng vì nụ hôn, trí nhớ Phan vẫn kịp chớp lấy các đường nét.

Mắt. Môi. Góc cằm xương. Làn da nhợt nhạt. Bàng hoàng trong cơn quen thuộc, Phan nhận ra mình tỉnh giấc mơ.”

Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.

Tags: