“Thế Chiến Thứ Hai”: Cuộc Chiến Để Kết Thúc Mọi Cuộc Chiến?
“Thế Chiến Thứ Hai”: Cuộc Chiến Để Kết Thúc Mọi Cuộc Chiến?
Năm 1914, khi nhà văn người Anh Herbert George Wells vội vã gọi Thế chiến thứ Nhất là “Cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến”, ít ai ngờ rằng một cuộc chiến tranh thậm chí còn khốc liệt và tàn bạo hơn đang đứng chờ nhân loại ở đoạn đường phía trước - Thế chiến thứ Hai.
Thế chiến thứ hai
(3 lượt)

Có lẽ sẽ không có ai dám tự tin một lần nữa tuyên bố Thế Chiến Hai là “Cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến”, dù trong suốt 77 năm qua, đây là cuộc chiến tranh toàn cầu cuối cùng mà con người đã châm ngòi và hứng chịu hậu quả của nó. Bởi những dư âm, đau thương, mất mát và nỗi ám ảnh của Thế Chiến Hai vẫn vang bóng bao trùm lên nhân loại. 

Dẫu vậy, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai này đã đi sâu vào văn hóa đại chúng, trở thành một chủ đề bất tận được khai thác trong điện ảnh, văn học cũng như những công trình lịch sử nỗ lực đưa ra cái nhìn khách quan nhất về những gì diễn ra trong cuộc chiến. Chỉ cần một cuộc chiến như Trận Normandy hay Trân Châu Cảng cũng đủ làm tốn giấy mực của biết bao nhà báo và sử gia, và để tìm thấy một cuốn sách lịch sử trọn vẹn và đáng tin cậy về toàn bộ Thế chiến dường như là điều không thể. Tuy nhiên, cuốn sách “Thế Chiến Thứ Hai” của sử gia trứ danh Antony Beevor do Omega+ phát hành mới đây nhất định phải nằm trên kệ sách của bất kỳ ai muốn có một cái nhìn toàn cảnh lẫn chi tiết về toàn bộ cuộc chiến này.

Chủ đề trọng tâm của cuốn sách đã được thể hiện ở chính tiêu đề của nó: Thế chiến thứ Hai. Antony Beevor sẽ đưa độc giả lên chuyến tàu đi qua mọi ngóc ngách của cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử nhân loại, bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 năm 1939 - khi Đức Quốc Xã xâm lược Ba Lan - cho đến thời điểm kết thúc cuộc chiến - ngày 14 tháng 8 năm 1945, sau khi Mỹ thả bom nguyên tử trên đất Nhật Bản.

Antony Beevor - tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về chủ đề chiến tranh

“Thế Chiến Thứ Hai” không phải là bản báo cáo lịch sử khô khan theo trình tự thời gian. Cuộc xung đột quân sự này được Antony Beevor khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau bao gồm: quân sự và chiến thuật quân sự, ngoại giao, góc nhìn của tướng lĩnh và cả những con người bình thường.

Rằng việc “Thế Chiến Thứ Hai” là một công trình đồ sộ dài hơn 1200 trang được chia thành 50 chương có thể khiến nhiều người ngần ngại. 1200 trang có thể là quá dài so với một cuốn sách; song, ngần ấy trang vẫn là quá ngắn và quá súc tích so với một cuốn sách viết về cuộc chiến lớn nhất lịch sử này. Để có thể gói gọn toàn bộ Thế chiến Hai trong một cuốn sách dường như là ước mơ của rất nhiều nhà sử học từ trước đến nay. Một mặt, bản thân của cuộc chiến là một sự phức tạp; mặt khác, nó cũng đòi hỏi tài năng văn chương xuất chúng và tư duy khôn ngoan của một nhà sử học để có thể hoàn thành được nhiệm vụ cao cả này. Và nhân vật được cho là đã thực hiện được điều đó chính là nhà sử học quân sự người Anh hàng đầu hiện nay - Antony Beevor.

Tên tuổi của Antony Beevor đã được ghi lại qua hàng loạt các tác phẩm về đề tài chiến tranh như: Stalingrad – Trận Chiến Định Mệnh, Berlin:Sự sụp đổ năm 1945, The Battle for Spain: The Spanish Civil War 1936-39 (Trận chiến cho Tây Ban Nha: Cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939) 

 

Vậy, đâu là điều đặc biệt của “Thế Chiến Thứ Hai” khiến cuốn sách nghìn trang này đáng đọc? 

 

Thứ nhất, chúng ta phải kể đến văn phong sinh động, giàu chất tự sự thường thấy của Antony Beevor. Kể lại chuyện sử là cả một loại hình nghệ thuật: Viết như thế nào để lịch sử không đơn thuần là một chuỗi sự kiện nối tiếp nhau theo trình tự thời gian gây nhàm chán, mà còn diễn giải được động lực đằng sau, ý nghĩa và vai trò lịch sử của mỗi sự kiện ấy trong bức tranh toàn cảnh? Viết như thế nào để thu hút sự chú ý của độc giả? Cả hai câu hỏi đều được Antony Beevor trả lời và minh họa trong cuốn sách về thế chiến thứ hai của mình. Tài năng kể chuyện sử của ông từ “Stalingrad: Trận Chiến Định Mệnh” vẫn được sử dụng triệt để trong “Thế Chiến Thứ Hai”.

Thứ hai, cách tác giả thẳng thắn phơi bày những tội ác chiến tranh qua những mô tả và tường thuật chi tiết là một điểm sáng quan trọng của cuốn sách. Con người thường thích nhìn nhận chiến tranh qua lăng kính giữa quốc gia với quốc gia, giữa phe phái hay liên minh, giữa chiến thắng và thất bại - vì đằng sau đó vẫn ẩn chứa lòng ngưỡng mộ cho thứ gọi là “sức mạnh” và “vinh quang”. Tất nhiên, Antony Beevor vẫn viết về thế chiến ở góc nhìn vĩ mô được ưa chuộng ấy. Song, những khắc họa chân thực về tội ác, đau thương và mất mát ở góc độ mỗi cá nhân cũng là một phần quan trọng của cuốn sách. Trong đó có thể kể đến nạn ăn thịt người, hiếp dâm, cướp bóc, tra tấn, vô số những cuộc tàn sát và đặc biệt là nạn Diệt chủng của Đức Quốc xã. 

Lưu ý rằng, trong “Thế Chiến Thứ Hai”, Antony Beevor không đơn thuần liệt kê những hành động tàn nhẫn đó một cách chớp nhoáng, mà miêu tả chúng một cách trực diện và chân thật nhất. Điều đó có thể khiến độc giả cảm thấy nổi da gà, khó chịu, ghê tởm và sợ hãi. Tuy nhiên, đó mới chính là hiện thực của chiến tranh. Xuyên suốt cuốn sách, có những câu chuyện người đọc sẽ khó lòng quên vì mức độ man rợ của nó. Đó có thể là hình ảnh một người phụ nữ Berlin trong mái tóc và chiếc đầm bốc cháy thảm thiết chạy trên con đường nhựa đang chảy ra vì lửa nóng. Đó có thể là câu chuyện ám ảnh về những người lính Nhật sắp chết đói không còn cách để nào khác để sinh tồn ngoài việc ăn thịt đồng loại của mình - xác chết của kẻ thù, những người dân bản địa hay lính Úc và Mỹ mà họ “săn” được. Những điều “kinh dị” mà nhiều sử gia muốn né tránh, với Antony Beevor, ông không ngần ngại khắc họa chúng để vạch trần tội ác chiến tranh.

the-chien-thu-2-review

Thứ ba, Antony Beevor đã làm được một điều mà ít sử gia nào khác đã làm được khi viết về Thế chiến thứ hai: khám phá ra mắt xích quan trọng từ những sự kiện nhỏ thường bị phớt lờ. Ví dụ, tác giả đã đề cập đến Chiến tranh Trung - Nhật (1937 - 1945) và đánh giá đó là nguồn cơn của tấn bi kịch Thế chiến. Bên cạnh đó, Antony Beevor cũng cho rằng chiến thắng của Xô-Viết trước Nhật Bản trên biên giới Mông Cổ - Mãn Châu đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược quân sự và làm chất xúc tác cho nhiều sự kiện mang tính cốt lõi về sau.

Thứ tư, “Thế Chiến Thứ Hai” có một góc nhìn vô cùng đa dạng, sinh động và chân thực nhờ vào những tư liệu chiến tranh mà tác giả thu thập được từ thư viết tay, cuộc gọi thoại, nhật ký và phỏng vấn của những “nhân chứng lịch sử”. Cuộc chiến này được tham gia và gây ra hậu quả lên vô vàn những con người bình dị, “vô hình”. Antony Beevor mở đầu cuộc chiến bằng lá thư tạm biệt của Georgy Zhukov - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Xô-Viết - gửi đến vợ mình và kết thúc cuốn sách bằng một câu chuyện với cái kết chưa ai kể: một người phụ nữ Đức vô danh đã rơi vào lưới tình và có thai với một tù nhân chiến tranh người Pháp trong khi chồng cô đang chiến đấu chống lại kẻ thù ở tiền tuyến. Những câu chuyện, mô tả trực tiếp ít được biết đến của những nhân vật nằm trong vòng xoáy chiến tranh không chỉ khiến cuốn sách gần gũi, dễ đọc hơn mà còn cung cấp cho độc giả một lăng kính mới về cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt này. Hơn hết, những câu chuyện ấy sẽ khiến chúng ta không ngừng đặt câu hỏi về số phận của những nạn nhân chiến tranh, về điều gì đã xảy ra và có thể sẽ xảy ra, và về bản chất của chính cuộc chiến này.

Nhà văn vĩ đại người Mỹ Ernest Hemingway từng nhận định rằng: “Đừng bao giờ nghĩ rằng chiến tranh, dù cần thiết hay chính nghĩa đến mấy, thì không phải là một tội ác”. Mỗi sự kiện, mỗi cuộc chiến trong Thế chiến thứ hai, dù nhỏ hay lớn, đều có vai trò và ý nghĩa của nó. Sau khi tổng kết toàn cuộc Thế chiến thứ hai, Antony Beevor cũng muốn gửi gắm những bài học, hay nói đúng hơn, ông muốn chúng ta phải suy ngẫm, trăn trở và đặt câu hỏi về cuộc chiến này nói riêng, và bản chất của chiến tranh nói chung.

Sau Thế chiến Hai, chúng ta đã nghe đủ nhiều về những nước bại trận và thắng trận, về những thành phố bị tàn phá vì bom đạn trong chiến tranh, hay rằng nước Đức phải hồi sinh từ vụn nát như thế nào. Chúng ta có thể cũng đã biết về con số 70 - 80 triệu nạn nhân thiệt mạng từ khắp 30 nước trên thế giới, hơn một nửa trong số đó là dân thường. Tuy nhiên, với những sự thật vĩ mô trên bề nổi, đó là chưa đủ để “hiểu” được bản chất đau thương của chiến tranh, bởi chiến tranh kinh khủng ở chỗ nó hủy hoại cuộc sống và tương lai ở cấp độ của mỗi cá nhân, ở từng tế bào của xã hội.

Hay như một lời ca ngợi dành cho cuốn sách “Thế Chiến Thứ Hai”, tờ báo nổi tiếng The New York Times đã viết rằng: “Trước đây vẫn còn chỗ cho cuốn sách đồ sộ nào đó về Thế Chiến hai. Nhưng giờ đây, khi Beevor đã thực hiện điều đó, kệ sách đã đầy. Cuốn sách của ông chính là một chương sử toàn diện và không gì có thể sánh bằng. Đây là Thế chiến thứ Hai trong mắt Tolstoy - một cuộc chiến vĩ mô và vi mô.

Thế chiến thứ hai chưa phải là “Cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến”, vì chiến tranh, dù không diễn ra ở quy mô toàn cầu, vẫn hiện diện mỗi ngày song song với sự tồn tại của loài người. Dẫu vậy, Thế chiến thứ Hai đã đủ đau thương để con người có thể nhận thức được rằng mọi nỗ lực để gìn giữ hòa bình và ngăn chặn một cuộc Thế chiến nữa là điều xứng đáng.