Sáu giai đoạn của hành vi đạo đức
Sáu giai đoạn của hành vi đạo đức
Rất khó để xác định “tốt” có nghĩa là gì, nhưng nội dung bài viết sẽ chỉ ra con người tốt vì cái gì.
Ta đều đã từng gặp những người hành động chỉ dựa trên lợi ích của họ, những người cư xử tốt vì sợ bị nói ra nói vào, hoặc những người nghĩ rằng đạo đức và luật pháp là tương đồng. Mặc khác, lại có một số người có chiếc la bàn đạo đức luôn hướng về một phía, tức là họ cứ duy trì cách hành xử trong bất cứ trường hợp nào ngay cả khi nó không thích hợp hoặc gây ra sự khó chịu.

Đây không phải nhiệm vụ xác định xem ai là người vô đạo đức. Đạo đức gần như thuộc về chủ quan và phụ thuộc nhiều vào bối cảnh. Mặc dù vậy, các nhà tâm lý học vẫn cố đi tìm thứ quyết định hành vi đạo đức trong nhiều thập kỷ. Một trong những người đầu tiên mong muốn giải đáp là nhà tâm lý học Lawrence Kohlberg.

Kohlberg phát triển nghiên cứu về 6 giai đoạn của đạo đức. Các giai đoạn này sẽ được phân loại ra thành các cấp độ đạo đức tiền quy ước, quy ước và hậu quy ước. Khi con người già đi, họ có lẽ sẽ vượt qua, hoặc không vượt qua được các giai đoạn, nhưng kết quả của mó là tạo nên một hệ thống đạo đức đa dạng.

 

Đạo đức tiền quy ước

 

Giai đoạn 1: Tránh sự trừng phạt

Mọi người trong giai đoạn đầu hành động dựa trên suy nghĩ việc họ làm sẽ gây ra rắc rối lớn đến thế nào. Ví dụ, ăn cắp xe sẽ bị bắt và phạt tù, vì thế không nên ăn cắp xe. Kiểu suy nghĩ này không liên quan đến điều xã hội nghĩ về hành động ăn cắp, càng không liên quan đến khái niệm “đúng sai” trong triết học. Bị phạt thì rất tồi tệ, thế nên đừng để bị phạt.

Người trong giai đoạn này không hiểu được hành động của họ có tác động thế nào với người khác, hoặc vì sao phải để ý đến người khác trước khi hành động. Họ tôn trọng chính quyền đến mức chính quyền được phép trừng phạt họ. Kết quả, họ có thể nhìn thấy người khác bị trừng phạt và cho rằng người ta phải làm gì đó nên mới “xứng đáng” bị như thế.

Về cơ bản thì đây là giai đoạn đạo đức của trẻ nhỏ. Trong khi phần lớn mọi người sẽ trưởng thành và tiến tới các giai đoạn đạo đức sau này, thì một số người lại mắc kẹt ở đây hoặc không biết cách chuyển sang giai đoạn tiếp theo thế nào. (Tức là cứ có hình phạt cho hành động thì họ sẽ không làm, còn nếu không có thì họ sẽ làm.)

Giai đoạn 2: Nó có ích lợi gì không?

Nhìn sâu hơn vào giai đoạn thứ hai thì mọi người có quan điểm và nhu cầu khác nhau, thế nhưng cách hiểu này cũng không bao hàm được nhiều điều. Đối với người ở giai đoạn đạo đức thứ hai, lợi ích của người khác chỉ tồn tại khi có thể tận dụng để phục vụ cho lợi ích của riêng mình. Từ miêu tả tốt nhất cách tư duy này chính là “giao dịch”. Một người hành xử “tốt đẹp” là vì điều đó giúp mang lại những phần thưởng.

Cũng giống giai đoạn một, giai đoạn đạo đức này vẫn nằm ở trẻ nhỏ, thế nhưng bạn cũng có thể tìm thấy những người lớn bị mắc kẹt ở giai đoạn này, và họ thường làm công việc liên quan đến chính trị.

 

Đạo đức quy ước

 

Giai đoạn 3: Xã hội quyết định đúng sai

Lúc này, mọi người bắt đầu hành xử như người lớn. Quan điểm của người khác được coi trọng hơn, và đạo đức được định nghĩa là sự đồng thuận của cả xã hội về những điều đúng và sai.

Bởi vì người trong giai đoạn này hiểu về đạo đức như việc nên làm do có sự công nhận của người khác, vậy nên họ sẽ biến mình thành một người tốt đẹp trong mắt của người khác. Thỉnh thoảng giai đoạn này được gọi là giai đoạn “bé ngoan” cũng bởi vì thế.

Tuy vậy, ở giai đoạn này, suy nghĩ vẫn là điều quan trọng nhất. Người ở giai đoạn ba hiểu rõ rằng, để người khác thấy những việc tốt đẹp thì bản thân họ sẽ được lợi. Điều này được minh họa bởi “quy tắc vàng”: đối xử với người khác như đối xử với chính bản thân mình.

Giai đoạn 4: Duy trì xã hội

Ở giai đoạn trước, mọi người làm việc tốt để nhận về phản ứng tích cực và được đối xử tốt lại. Giai đoạn này lại đại diện cho một bước phát triển nhảy vọt. Thay vì nhìn mọi thứ theo cách bình thường, những người ở giai đoạn bốn nhận ra tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật và các tiêu chuẩn xã hội để xã hội có thể tiếp tục vận hành.

Động lực chính của nó là duy trì xã hội. Nếu có một người vi phạm pháp luật và tất cả mọi người làm theo thì đến cuối cùng, hệ thống xã hội sẽ bị phá hủy. Ở một mức độ nào đó thì hành xử ở giai đoạn này vẫn tập trung vào lợi ích của bản thân, nhưng đã phần nào thừa nhận hành vi của người khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mình.

Ở đây, đạo đức xuất phát từ xã hội mà ta đang sống. Duy trì xã hội và hành xử đạo đức là một. Theo Kohlberg, hầu hết mọi người sẽ dừng lại ở giai đoạn này.

 

Đạo đức hậu quy ước

 

Giai đoạn 5: Hợp pháp quy ước xã hội

Các giai đoạn trước thường coi hành vi đạo đức bắt nguồn từ một cơ quan ban hành các điều luật. Nhưng ở đây, mọi người nhận ra luật không nhất thiết phải tương đương với đạo đức.

Người đạt đến giai đoạn năm hiểu rằng luật về cơ bản là những quy ước xã hội, các thỏa thuận chung giữa cá nhân và nhà nước để hướng dẫn các hành vi, chứ không phải các quy tắc cứng nhắc, tuyệt đối đối với hành vi đạo đức.

Đặc điểm chính của giai đoạn này là họ hiểu rõ luật pháp không nên lúc nào cũng phải hoạt động nhất nhất như thế mà nên linh hoạt sao cho hầu hết mọi người có thể hành động hướng tới lợi ích chung của toàn xã hội.

Điều này tương tự như tư duy của giai đoạn bốn rằng luật pháp cần phải được tuân theo để duy trì xã hội. Điểm khác biệt là những người ở giai đoạn năm thừa nhận rằng những con người nắm giữ các giá trị và ý kiến khác nhau có thể không hoàn toàn hòa hợp với một nhóm xã hội nhất định. Người ở giai đoạn bốn có thể coi những người có tư tưởng khác là mối đe dọa với xã hội của mình, trong khi đó người ở giai đoạn năm hiểu rằng luật lệ phải dựa trên thực tế là có những con người có giá trị khác biệt hẳn so với phần còn lại. Về mặt lý thuyết, nền dân chủ hiện đại hình thành dựa trên dạng suy nghĩ đạo đức này.

Giai đoạn 6: Nguyên tắc phổ quát

Thật bất ngờ, luật pháp không còn là vấn đề lớn đối với người ở giai đoạn phát triển đạo đức này nữa. Một người đạt được đến giai đoạn này đã phát triển đạo đức toàn diện được xây dựng trên nguyên tắc của công lý, quyền, sự công bằng và bình đẳng. Người ở giai đoạn sáu sẽ không còn lo lắng về luật pháp nữa mà hành vi của họ tự động điều chỉnh phù hợp với luật lệ đã ban hành. Đối với những điều luật bất công, đạo đức của họ không cho phép họ tuân theo.

Đối với số lượng rất ít những người đạt đến giai đoạn này, hành vi của họ luôn dựa trên sự đúng đắn, không dựa trên lợi ích của bản thân; đó phải là điều hợp pháp, tránh được những sự trừng phạt và là điều khiến họ quan tâm nhất.

 

Một vài sự phản đối

 

Mặc dù tư tưởng này thú vị, thế nhưng sáu giai đoạn phát triển đạo đức của Kohlberg lại không hoàn hảo. Kohlberg đã phân loại mọi người bằng cách đặt ra những tình huống khó xử về mặt đạo đức và phỏng vấn những người tham gia về phương án giải quyết của họ. Điều này có nghĩa là nghiên cứu của Kohlberg được mô tả dựa trên điều mà mọi người nghĩ rằng nên làm thay vì được tiên đoán dựa trên điều mà mọi người đã làm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đạo đức không thể dựa vào lý luận mà phải dựa trên trực giác và bản năng. Khi đối phó với một tình huống khó khăn thật sự, người được coi là ở giai đoạn thứ sáu thực sự đã phản ứng phù hợp với giai đoạn một.

Nghiên cứu này cũng tập trung vào công lý để loại trừ các phẩm chất đạo đức khác. Có nhiều giai đoạn đề cập đến luật pháp trong khi thực tế có nhiều trường hợp, hành vi đạo đức lại không liên quan gì tới luật pháp. Nó cũng không được chứng minh rằng sẽ hoạt động nhất quán trong mọi nền văn hóa, hơn nữa những người tham gia đều là đàn ông. Kohlberg nói rằng phụ nữ bị mắc kẹt ở giai đoạn thứ ba, vậy nên các nhà nghiên cứu khác kể từ đó đã lập luận rằng nghiên cứu của Kohlberg chỉ tập trung vào mặt đạo đức ở nam giới.

Bỏ qua những chỉ trích này, ta nên đánh giá trung thực về những nội dung của nghiên cứu và suy nghĩ về một con người đã tìm hiểu một khía cạnh đạo đức mà hầu hết mọi người đã bỏ qua. Phần lớn mọi người đều cố gắng tốt nhất có thể, nhưng lại không chú ý đến khái niệm “tốt” ở đây nghĩa là gì. Tôi nghĩ rằng bản thân mình không đơn độc khi nghĩ rằng thế giới nên sử dụng đến tư duy phản tỉnh.

 

Theo Bigthink
Kim

Tags: