Bạn không có quyền tin vào bất cứ điều gì mà bạn muốn tin
Bạn không có quyền tin vào bất cứ điều gì mà bạn muốn tin
Chúng ta có được quyền tin vào bất cứ điều gì mà ta muốn tin không? Thứ được coi là quyền này được coi là cứu cánh cho sự ngu ngốc bảo thủ cứng đầu, người bị dồn vào thế bí và cố gắng lập luận rằng: ‘Tôi tin là biến đổi khí hậu là một trò bịp và dù mọi người nói gì thì tôi vẫn có quyền tin vào điều đó!’. Nhưng có thứ quyền như thế không?

 

Chúng ta thừa nhận quyền được biết nhiều thứ. Tôi có quyền được biết điều kiện lao động, chẩn đoán của bác sĩ về tình trạng bệnh của tôi, điểm số mà tôi đạt được trên lớp, tên của người cáo buộc tôi và lí do vì sao tôi bị tố cáo, v.v. Nhưng niềm tin không phải là tri thức.


Niềm tin ,theo nghĩa đen, là những điều chúng ta cho rằng đúng. Đây thật sự là một điều phi lý, như nhà triết học phân tích G.E Moore nhận định rằng: ‘’Trời đang mưa, nhưng tôi không tin rằng là trời đang mưa’. Niềm tin được dựa trên sự thật, nhưng nó không thể thay thế cho sự thật. Niềm tin có thể sai, có thể không được bảo chứng bởi những bằng chứng hay suy đoán được bồi đắp bởi lý luận. Có thể chúng chỉ là những thứ mang giá trị tinh thần. Có thể kể tên một vài thứ tương tự như: chủ nghĩa phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc hay có ác cảm với những người đồng tính luyến ái. Niềm tin vào việc dạy dỗ con cái đúng cách là cần phải dùng vũ lực để trừng phạt và đập tan “ý chí phản kháng” của chúng. Niềm tin là người già nên bị loại bỏ theo lịch trình đều đặn, niềm tin rằng “thanh trừng sắc tộc’’ là một giải pháp chính trị,.v.v. Nếu ta thấy cảm thấy những điều trên là trái đạo đức, ta không chỉ lên án những hành động nảy sinh từ những niềm tin như thế, mà ta còn lên án cả những nội dung của niềm tin ấy, hành động tin vào nó và cả những người tin nó.

Nhiều người lại phán rằng “tin’’ là một hành động tự nguyện. Nhưng niềm tin thường là một trạng thái của tâm trí hay thái độ hơn là những hành động mang tính quyết định. Nhiều loại niềm tin, ví dụ như giá trị con người, thường không được chúng ta tự nguyện lựa chọn; chúng được ‘thừa hưởng’ từ cha mẹ hay nhận được từ người xung anh, vô tình được tiếp thu, hoặc được khắc sâu vào tâm trí bởi luật pháp và chính quyền, hay có thể đơn thuần là tin đồn. Vì vậy tôi cho rằng không chỉ việc cứ giữ khư khư một niềm tin sai lệch, mà cả duy trì vào những niềm tin như thế, từ chối việc không tin vào nó hoặc loại bỏ niềm tin cũng có thể mang tính tự nguyện và trái đạo đức.

Nếu niềm tin chứa đựng những điều bị phán xét là trái đạo đức, nó cũng thường bị cho là sai. Niềm tin về tư tưởng “một chủng người thấp kém và không đủ để coi là người” không chỉ là vô cùng sai trái, là mầm mống của nạn phân biệt chủng tộc mà còn là sự ngụy biện lệch lạc, những người không tin vào chúng cho là như thế. Những sai lệch và ngụy biện của một niềm tin là một điều kiện cần nhưng không phải là thiết yếu để khiến nó trở thành một thứ sai trái về mặt đạo đức. Đáng buồn là có những thứ thật độc ác và kinh khủng, nhưng không phải niềm tin của con người biến chúng thành như vậy. Những thứ xấu xa luôn hiện hữu trên thế gian này, nhưng chúng không tồn tại dựa vào niềm tin của bất cứ cá nhân nào trên đời.

 

“Anh là ai mà bắt tôi phải tin?” kẻ cứng đầu trả lời.

 

Đó là một thách thức sai lầm: nó cho rằng việc xác nhận niềm tin của một người là vấn đề quyền lực của một người nào đó. Nó phớt lờ vai trò của hiện thực. Niềm tin sở hữu một thứ mà các triết gia gọi là “hướng tương thích của tâm trí với thế giới’’. Niềm tin của chúng ta thường chủ tâm phản ánh thế giới thực và chính vì điều này mà nó có thể như cọng cỏ lung lay trước gió. Có những niềm tin vô trách nhiệm; chính xác hơn, có những niềm tin được hấp thu và giữ lại một cách vô trách nhiệm. Người ta có thể bỏ qua bằng chứng; chấp nhận chuyện ngồi lê đôi mách, tin đồn, hoặc lời khai từ các nguồn không rõ ràng; phớt lờ sự không thống nhất với niềm tin khác của một người; bấu víu vào những mơ mộng viển vông; hoặc thể hiện một sự thiên vị với các thuyết âm mưu.

Tôi không có ý định nhắc lại chủ nghĩa bằng chứng của nhà triết học toán thế kỷ 19 William K. Clifford, người đã tuyên bố: "Dù là ai, ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, tin vào những thứ không đủ bằng chứng là điều hoàn toàn sai trái." Clifford đã cố gắng để ngăn chặn niềm tin vô trách nhiệm, trong đó suy nghĩ mơ hồ, đức tin mù quáng hoặc tình cảm (chứ không phải là bằng chứng) được dùng để kích thích hoặc biện minh cho niềm tin. Trong bất kỳ xã hội phức tạp nào, người ta phải dựa vào lời khai của các nguồn đáng tin cậy, phán xét của chuyên gia và bằng chứng tốt nhất có thể thu thập được. Hơn thế nữa, nhà tâm lý học William James nói rằng một trong những niềm tin quan trọng nhất về thế giới quan và con người được hình thành có thể không nhờ vào đủ những bằng chứng. Trong những trường hợp trên ‘niềm tin’ của một người là cho phép chúng ta tin vào một điều thay thế mà thể hiện ra một cuộc sống tốt hơn.

Trong khi khám phá các trải nghiệm tôn giáo, James có thể nhắc nhở chúng ta rằng ‘quyền được tin’ có thể được thiết lập dựa trên một môi trường tôn giáo về sự khoan dung. Những tôn giáo đó tự xác định bằng niềm tin rằng các tín đồ có thể tham gia vào những đàn áp, tra tấn và vô số cuộc chiến với những kẻ ngoại đạo, và tất cả chỉ có thể dừng nếu họ nhận ra rằng chúng ta có một niềm tin chung. Ngay cả trong bối cảnh này, niềm tin không thể khoan dung cũng không thể dung thứ được. Quyền của con người chúng ta có giới hạn và mang đầy trách nhiệm.

Thật không may, nhiều người ngày nay dường như cho rằng họ có quyền tin tưởng, nhưng lại khó chịu với trách nhiệm mà nó mang lại. Sự bảo thủ cứng đầu và những tri thức sai trái thường được bảo vệ bởi lời nói chắc như đinh đóng cột: ‘Tôi có quyền được tin vào những thứ mình muốn’ không đạt được những yêu cầu của nhà tâm lý James. Hãy xem xét những người tin rằng vụ xả súng trường học và đưa người lên mặt trăng là không có thật và được chính phủ dựng lên; Barack Obama là người Hồi giáo; Trái Đất thì phẳng hay biến đổi khí hậu là trò bịp. Trong những người hợp này, quyền tin tưởng được coi là một quyền tiêu cực; nó nhằm mục đích chối bỏ những cuộc đối thoại, chống lại những thách thức; ngăn người khác khỏi những niềm tin của họ. Tâm trí bị đóng kín và không rộng mở để học tập. Họ có thể là những người tin thực sự, nhưng họ không phải là những người tin vào sự thực.

Niềm tin, cũng như ý chí, có vẻ như là một quyền tự do mang tính nền tảng của một người. Nhưng như Clifford đã nói: ‘Không niềm tin nào trong bất kì hoàn cảnh nào chỉ liên quan tới một mình anh ta.’’ Niềm tin định hình thái độ và động cơ, định hướng lựa chọn và hành động. Tin và biết được tạo dựng trong một cộng đồng có tính lây lan, và nó có cũng hiệu ứng nhất định. Có đạo đức trong việc tin tưởng, tiếp nhận, duy trì và từ bỏ niềm tin, và đạo đức đó được tạo ra để hạn chế quyền được tin của chúng ta. Nếu Nếu một số niềm tin là sai, hoặc trái đạo đức, hoặc vô trách nhiệm, thì niềm tin đó cũng nguy hiểm. Và với những niềm tin đó, chúng ta không có quyền được tin vào chúng.

Theo Aeon.co: You don’t have a right to believe whatever you want to

Tags: