Cuốn sách gồm những tạp bút viết về một Sài Gòn xưa qua những mảnh hồi ức sống động của tác giả Lê Văn Nghĩa. Qua góc nhìn của ông, thành phố luôn độc và lạ trong sự hoài cổ, đầy ắp câu chuyện, ngồn ngộn tình tiết và dữ liệu thuở xưa.
Trong những yếu tố mang lại thành công của đường sách hôm nay, chúng ta không thể không nhắc đến chuyện mê đọc sách của người TP.HCM
Khi nhắc chuyện “ngày xưa”, ai chẳng biết những học trò, sinh viên, người mê sách thường tìm đến con đường Lê Lợi ngày trước là nơi tập trung những nhà sách lớn mà không ai có thể quên tên như Khai Trí (Fahasa ngày nay), Thanh Tuân, Phúc Thành, Vân Hữu, Nguyễn Trung, Vĩnh Bảo... chuyên bán những sách mới ra lò.
Hầu như muốn tìm sách mới, sách hay, người đọc phải ra tận đến khu “đầu não” này. Và những người thời đó ai chẳng biết muốn tìm sách cũ, giá rẻ không nơi nào khác hơn là khu chợ sách cũ - đối diện với nhà sách Khai Trí ở ngã tư Lê Lợi và Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) - nằm sau bờ tường sau lưng bộ Công Chánh (Sở Giao thông Công chánh ngày nay) và chấm dứt ở con đường Pasteur. Một đoạn vỉa hè ngắn ngủn luôn rộn rịp khách bán mua.
Hàng ngày, và rộn rịp nhất là ngày thứ bảy chủ nhật, khách nhàn du là những viên công, tư chức, những vị giáo sư khả kính, những cô cậu sinh viên, những viên sĩ quan Thủ Đức về phép tìm sách để lên quân trường đọc giải trí. Cũng không thể không kể đến những thành phần trẻ đánh giày, dân hai ngón đang trà trộn vào dòng người chen chúc để kiếm ăn.
Ngoài khu Lê Lợi, Sài Gòn còn có những khu bán sách nổi tiếng như Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng 8) bên cạnh rạp Nam Quang, Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu)...
Theo tư liệu, ngang thời gian có hiệp định Genève, các khu bán sách được gọi là cũ tập trung ở đường Cao Thắng rồi tiến lên khu vực chợ Cũ, bày bán từng đống hỗn tạp tại lề đường Tôn Thất Đạm thông ra đường Nguyễn Huệ.
Cũng trong thời gian này, các quầy sách cũ còn xuất hiện trên lề đường Phạm Ngũ Lão khoảng trông sang bến ô tô buýt, kéo dài xuống tận ngã tư Ký Con.
Sau này, nhờ sự tiếp tay của một số dân bán sách cũ kiểu hàng rong, các gian hàng dần dần ào ạt tràn về đường Lê Lợi, giới hạn từ bót cảnh sát Lê Văn Ken (gần Nhà thương Sài Gòn) đến đường Pasteur.
Từ vài gian hàng nhỏ, thị trường sách báo cũ đã bành trướng mạnh mẽ, lấn ra lề đường cản trở lưu thông nên nhiều khi cảnh sát đã đến giải tán vỉa hè triệt để. Song những gian hàng sách chỉ tản mát khi có bóng dáng cảnh sát và rồi họ lại “come back to vỉa hè” xưa khi cảnh sát rút đi như chơi cút bắt.
Rất kiên nhẫn đối phó với cảnh sát nên một thời gian sau, khu bán sách này được Tòa Đô Chánh đã chấp thuận cho tồn tại, có đóng thuế đất hàng năm vài nghìn và vài chục bạc thuế chỗ ngồi hàng ngày.
Khu sách Lê Lợi đã vô sổ bộ từ ngày ấy. “Hỡi ai dạo bước đường Lê Lợi. Có thấy người ta đua bán ‘sôn’. Tha thiết làm sao quyển sách xinh. Bao nhiêu duyên dáng, bấy nhiêu tình. Đây những lời hay, đây ý đẹp.
Đây trời khoa học rộng bao la. Đây lời mô phạm đang khuyên nhủ. Cạnh những lời thơ dệt gấm hoa...” (Thế Nhân - Bách Khoa - số 97).
Sau năm 1975, khu sách này tự động giải tán và một số chủ quầy trở thành những người bán sách dạo ở đầu Lê Lợi gần thư viện Abraham Lincoln (khu Rex bây giờ).
Tội nghiệp trong thành phần bán sách lại có thêm một số nhà văn, nhà thơ chuyển nghề. Nhà văn Võ Chân Cửu kể ông và nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan ôm hai thùng sách đứng bán tại đây.
Tất nhiên cũng có thêm một số nhà văn nhà thơ khác nữa, họ mang sách Sài Gòn in để bán cho các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu từ Hà Nội vào.
Sau một thời gian những người bán sách được tập trung vào khu đường sách Đặng Thị Nhu. So với khu sách cũ Lê Lợi thì khu Đặng Thị Nhu có vẻ bề thế hơn, là một con đường sách nổi tiếng mà dân mê sách, các nhà văn, nhà văn hóa Hà Nội, Sài Gòn không thể không biết.
Chỉ là một con đường nhỏ, dài chừng 200m nối liền hai đường Ký Con và Calmette là những sạp chứa đầy sách, đối diện nhau qua một lối đi bộ.
Hàng ngày, con đường này tấp nập những người mua và bán sách. Sau một thời gian, theo nhịp độ phát triển kinh tế, khu chợ sách lộ thiên này biến mất.
Khu vực trung tâm Sài Gòn bây giờ chỉ còn lại hai nhà sách Fahasa, một ở đường Lê Lợi - phát triển từ nhà sách Khai Trí và một ở đường Nguyễn Huệ. Nhà sách Xuân Thu biến mất, nhường phần đất đắc địa cho Trung tâm thương mại Vincom.
Các tiệm sách và đường sách đã bị “đuổi” về con đường nhỏ như Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tôn, Trần Hưng Đạo... Một vài hiệu sách nhỏ sống rải rác ở khu Nguyễn Thị Minh Khai do các ông chủ tư nhân quản lý.
Tại sao một thành phố lớn đã từng có những khu phố sách, đường sách lại không có một con đường sách, đó là một trăn trở trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ:
“Tại sao ở một thành phố văn hóa lại không có một con đường sách dành riêng cho các nhà xuất bản bán sách cũ tồn đọng với giá cực rẻ và giới thiệu sách mới ra lò...” (Đường sách nào cho TP.HCM - báo Tuổi Trẻ ngày 14/12/2014).
Mừng sao, chỉ hơn một năm sau, ngày 9/1/2016, đường sách Nguyễn Văn Bình đã ra đời với một ban quản lý chính thống.
Đường sách Nguyễn Văn Bình, một phần tiếp nối được truyền thống của một thành phố, từng có những con đường sách, nhưng đường sách Nguyễn Văn Bình đẹp hơn, tốt hơn, lành mạnh và văn hóa hơn vì được những người yêu sách quản lý và điều hành, muốn phát triển việc đọc sách chứ không vì tiền bạc.
Nếu chỉ nghĩ đến tiền, đến lợi nhuận chắc chắn sẽ không có con đường sách Nguyễn Văn Bình như ngày nay!
Zingnews