Sách tuyệt vời như thế, sao phải đọc ganh đua?
Sách tuyệt vời như thế, sao phải đọc ganh đua?
Thế giới của người trưởng thành biến mọi thứ thành một môn thể thao cạnh tranh, và việc đọc cũng không ngoại lệ: nó bị bao vây với các mục tiêu, thứ bậc và phân loại. Chúng ta cảm thấy tội lỗi khi đọc sách tình cảm ẩm ương, đọc lướt một cuốn sách để thảo luận cùng nhóm đọc, và đọc những cuốn sách giành giải thưởng để cải thiện đầu óc.
Khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong thời thơ ấu của tôi là khi đọc những cuốn sách của E. Nesbit, C.S. Lewis và Joan Aiken. Rúc vào những góc khuất nơi không ai có thể tìm thấy, tôi đắm mình hoàn toàn vào thế giới màu nhiệm trong những câu chuyện, thậm chí còn tìm cách đến Narnia qua tủ quần áo của bà ngoại. Khi trưởng thành, tôi vẫn nhận thấy mình ham đọc, nhưng đôi khi tôi có cảm giác như thể mình đã lạc mất đứa trẻ ngày xưa. Tôi mua rất nhiều sách, nói về sách, đọc càng nhiều càng tốt, đôi khi thậm chí viết sách - nhưng tôi không còn chìm đắm trong một thế giới tưởng tượng thuần khiết vốn là nguồn cảm hứng của tôi trong một thời gian dài.
 

Có những lễ kỷ niệm như Ngày Sách thế giới để thúc đẩy trẻ em đọc sách và khơi gợi cho chúng ta tất cả những niềm vui của việc đọc một cuốn sách hay. Nhiều người quyết tâm đọc thêm. Nhưng trong thời đại này, lại có thêm áp lực cho việc đọc “đúng”. Thế giới của người trưởng thành biến mọi thứ thành một môn thể thao cạnh tranh, và việc đọc cũng không ngoại lệ: nó bị bao vây với các mục tiêu, thứ bậc và phân loại. Chúng ta cảm thấy tội lỗi khi đọc sách tình cảm ẩm ương, đọc lướt một cuốn sách để thảo luận cùng nhóm đọc, và đọc những cuốn sách giành giải thưởng để cải thiện đầu óc.

Điều này bắt nguồn từ hành trình không ngừng nghỉ của con người để cải thiện bản thân, rồi nhiều thể loại thách thức đọc được đưa ra, rồi người đọc cũng tự đặt ra các mục tiêu đọc sách cá nhân. Trên Good Reads, một số người có mục tiêu khiêm tốn, có những người khác nhắm tới 190 cuốn trong một năm, suy ra 15,8 cuốn sách mỗi tháng, 3,6 cuốn mỗi tuần hoặc hơn nửa cuốn sách mỗi ngày. Thật ấn tượng? Có thể, nhưng còn có những người khác đang đọc với tốc độ nhanh hơn. Một nhà báo gần đây đã tuyên bố bắt đầu cai nghiện mạng xã hội trong bảy ngày và đọc hàng tá cuốn sách trong thời gian đó. Điều này khác xa với những ngày thơ bé của tôi đọc Mr Tumnus.

 

Một niềm vui sâu sắc

 

 

Một câu hỏi đơn giản: tại sao chúng ta đọc? Chúng ta muốn tân hưởng cuốn sách, hay muốn nhồi sách vào bộ não của mình? Có phải chúng ta đang bị ám ảnh với việc gạch bớt một tiêu đề sách ra khỏi list cần đọc mà quên rằng việc đọc là một hoạt động thể chất và cảm xúc cũng như trí tuệ? Những lợi ích trực tiếp của việc đọc thường được chú ý nhiều hơn so với trải nghiệm đọc: các nhà quảng cáo có xu hướng nhấn mạnh giá trị thực dụng của sách, trong khi các kết quả nghiên cứu cho thấy sách làm cải thiện sự đồng cảm và thậm chí là tuổi thọ.
 

Trải nhiệm đọc rất quan trọng. Bạn có bao giờ đọc chậm thật chậm những trang cuối cùng của một cuốn sách vì miễn cưỡng rời khỏi thế giới văn học đó? Một công ty truyền thông ở nước Anh từng nhận định: “Sách không những đem lại lợi ích thiết thực đáng kể, mà đọc sách còn là một trong những niềm vui sâu sắc”. Trẻ em dường như nhận thức được điều này bằng trực giác và hòa mình vào thế giới ngôn ngữ, đến mức quên mất mọi điều xung quanh. Trẻ em là những độc giả trung thực và quan tâm đến những gì xảy ra trong một câu chuyện và nơi chốn chúng được chu du trong quyển sách hơn là liệu cuốn sách đó có chiến thắng giải thưởng nào không.

 

 

Đọc chậm

 

 

Kể cả người trưởng thành cũng có thể lấy lại niềm vui trẻ thơ khi đọc sách. Những gì bạn cần là đầu óc tập trung hoàn toàn vào câu chữ và sẵn sàng bỏ qua những thách thức và mục tiêu đầy căng thẳng. Khi tôi đang viết cuốn tiểu thuyết thứ hai, tôi sống ở Barcelona trong một năm, không có việc làm ban ngày. Trong suốt thời gian đó tôi chỉ đọc sáu cuốn sách, một trong số đó là The Secret Agent của Joseph Conrad. Trong một lần tu luyện viết lách gần đây, tôi đã dành hai giờ mỗi ngày để đọc The Crimson Petal và The White của Michel Faber. Tôi đã nhấn chìm bản thân vào những cuốn tiểu thuyết này, quên đi thế giới bên ngoài, và họ đã ở lại với tôi - những nhân vật sống động và nút thắt bất ngờ, trong khi những cuốn sách khác mà tôi đã đọc vội vã giữa những phiền nhiễu cuộc đời mờ dần trong tâm trí.
Không chỉ mình tôi thấy giá trị của việc đọc nhập vai và không cạnh tranh. Trong một bài báo gần đây của tờ Guardian, tác giả Sarah Waters thừa nhận mình cảm thấy lạc lõng khi thảo luận về văn học mới. Khi được hỏi về cuốn sách không làm cô thấy xấu hổ khi chưa đọc, cô ấy trả lời: “bất cứ thứ gì mọi người hiện đang bàn tán. Tôi là một người đọc chậm và tôi thường đọc những cuốn sách cũ như những cuốn sách mới, vì vậy tôi luôn thất bại một cách vô vọng khi phải bắt kịp với những tựa sách mới”.
 

Trên xã hội đã có làn sóng ủng hộ lối sống chậm và thay đổi văn hóa sống theo hướng làm chậm lại nhịp độ để trải nghiệm, khám phá và kết nối con người. Có lẽ đã đến lúc phổ biến điều này đến văn hóa đọc. Chỉ riêng ở Anh đã có khoảng 184.000 cuốn sách được xuất bản mỗi năm. Bạn sẽ không thể xử lý hết đống sách đó ngay cả khi bạn đọc 12 cuốn sách mỗi tuần. Thật vậy, cho dù chúng ta đọc nhanh đến đâu, kho tàng sách sẽ vẫn là ẩn số đối với chúng ta. Nếu có một kỹ năng hữu ích mà độc giả người lớn có thể học được từ trẻ em, thì đó là cách đọc chỉ hoàn toàn vì niềm vui.

 

Theo Theconversation

Thu Anh (biên dịch)

Tags: