Tôi hy vọng đã giúp bạn nhận ra rằng người có tầm ảnh hưởng không nhất thiết phải là người hướng ngoại. Bạn vẫn có thể thành công bằng cách chấp nhận và sống đúng với bản chất hướng nội của mình. Nhưng trước tiên, chúng ta cần hiểu khái niệm “người hướng nội”. Ngày nay, cụm từ này được sử dụng rộng rãi nhưng rất ít người thật sự hiểu ý nghĩa của nó.
Hãy bắt đầu bằng một câu hỏi cơ bản: Khi cần nạp lại năng lượng, bạn có xu hướng muốn ở một mình nơi yên tĩnh không? Nếu câu trả lời là có, rất có thể bạn là người hướng nội.
Nói chính xác hơn, “hướng nội” và “hướng ngoại” là hai thuật ngữ chỉ đặc điểm tính cách của con người và cũng nói lên nguồn kích thích và phát sinh năng lượng của mỗi người. Trong khi người hướng ngoại nạp năng lượng thông qua sự tương tác với người khác và tham gia vào các sự kiện bên ngoài thì người hướng nội tìm thấy năng lượng từ bên trong. Chúng ta cũng cần phân biệt tính hướng nội với tính nhút nhát. Tính nhút nhát được hình thành từ nỗi sợ hoặc lo lắng nảy sinh trong môi trường xã hội, còn “hướng nội” đơn giản mô tả nguồn năng lượng (từ bên trong).
Xu hướng cơ bản tìm nguồn năng lượng từ bên trong này được thể hiện qua những đặc điểm tính cách của người hướng nội mà tôi quan sát được sau đây. Hãy thử xem bạn có những đặc điểm này không nhé:
Thoải mái khi ở một mình
Người hướng nội có nhu cầu và thích dành thời gian để ở một mình. Ở nơi làm việc, họ thích những không gian yên tĩnh, riêng tư hơn và thích thực hiện các dự án độc lập (làm một mình) hoặc theo nhóm nhỏ.
Nghĩ trước, nói sau
Người hướng nội luôn suy nghĩ trước khi nói. Thậm chí trong những cuộc trò chuyện thông thường, họ cũng cẩn thận cân nhắc lời của người khác và dừng lại để suy ngẫm trước khi trả lời. Họ biết cách tận dụng sức mạnh của những khoảng dừng.
Kiềm chế cảm xúc bên trong
Người hướng nội hiếm khi bộc lộ hay hành động theo cảm xúc. Họ có thể khó đoán và vì vậy, cảm xúc của họ thường bị người khác hiểu sai.
Chú trọng chiều sâu
Người hướng nội chú trọng chiều sâu hơn chiều rộng. Họ thích đào sâu vào một vấn đề hay một ý tưởng trước khi chuyển sang vấn đề hay ý tưởng mới. Họ thường bị cuốn hút bởi những cuộc trò chuyện có chiều sâu thay vì những câu tán gẫu hời hợt. Họ biết khi nào cần thấu hiểu người khác và khi nào không cần dành quá nhiều năng lượng cho việc đó.
Thích viết hơn nói
Người hướng nội thường thích viết hơn nói. Trong công việc, họ chọn cách giao tiếp qua e-mail thay vì điện thoại và thích viết báo cáo hơn trình bày ý tưởng.
Hành xử kín đáo
Người hướng nội thường trầm tĩnh và dè dặt. Họ nói chuyện nhẹ nhàng và chậm rãi. Họ không có nhu cầu trở thành trung tâm chú ý. Thay vì vậy, họ thích sống ngoài “tầm ngắm” của mọi người. Thậm chí trong những cuộc trò chuyện sôi nổi, họ cũng thường giữ phong thái điềm tĩnh, đứng ngoài quan sát.
Giữ kín chuyện riêng
Người hướng nội ghét trở thành “cuốn sách mở”. Họ giữ kín các vấn đề cá nhân, chỉ chia sẻ thông tin một cách chọn lọc với một số ít người. Mặc dù vậy, họ cũng chỉ chia sẻ sau khi đã hiểu rõ những người này và cảm thấy thoải mái khi ở cạnh họ. Trong công việc, họ cũng thận trọng như thế và giữ kín những ý tưởng cũng như các mối quan hệ của mình.
Những đặc điểm tính cách này không tốt và cũng chẳng xấu, chỉ đơn thuần là những nét tính cách đặc trưng của người hướng nội. Không may là trong xã hội ngày nay, các phẩm chất đó thường bị hiểu sai, bị đánh giá thấp và xem thường. Nhưng trớ trêu thay, đây lại chính là những phẩm chất thường góp phần tạo nên những người hướng nội thành công nhất, ngay cả trong một thế giới mà cho đến nay mọi người vẫn tin rằng phải khoa trương ầm ĩ mới có thể làm nên điều khác biệt.
Có thể bạn quan tâm: Những trở ngại người hướng nội cần vượt qua: Đừng cố bắt chước người hướng ngoại