“Hiệu ứng IKEA”: Tại sao ta lại tự hào vì sự sáng tạo và những thứ do chính mình làm ra?
“Hiệu ứng IKEA”: Tại sao ta lại tự hào vì sự sáng tạo và những thứ do chính mình làm ra?
Có lẽ bạn đã không còn xa lạ gì với thương hiệu nội thất lắp ráp đến từ Thụy Điển. Khi mua những sản phẩm của IKEA, bạn sẽ phải tự lắp ráp chúng theo hướng dẫn và sau khi lắp ráp xong, bạn cảm thấy thật tự hào. Cảm giác đó chính là “hiệu ứng IKEA”. Vậy tại sao bạn lại cảm thấy như vậy? Những công ty muốn thu hút khách hàng cần vận dụng “hiệu ứng IKEA” như thế nào? 
Lẽ Phải Của Phi Lý Trí
(45 lượt)

Tác giả Dan Ariely đã giải thích “hiệu ứng IKEA” trong cuốn sách “Lẽ phải của phi lý trí”. Và đoạn trích dưới đây từ cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hiệu ứng này.

Mỗi khi tôi bước vào một cửa hàng IKEA, tối lại nghĩ ra vô số ý tưởng trang trí tổ ấm của mình. Cửa hàng đồ nội thất tự lắp giá rẻ rộng lớn này giống như một cái lâu đài đồ chơi khổng lồ dành cho người lớn. Tôi bước qua các phòng trưng bày đầy các loại đồ đạc khác nhau và tưởng tượng cái bàn kiểu cách, hay đèn bàn, hay tủ sách trông sẽ thế nào nếu được đặt vào ngôi nhà của mình. Tôi thích ngắm nghía chiếc bàn trang điểm hào nhoáng không mấy đắt tiền ở khu trưng bày nội thất phòng ngủ và xem xét các đồ vật và bát đĩa trong các gian nhà bếp sáng bóng đầy các tủ bếp tự lắp. Tôi chỉ muốn mua đầy một xe tải các đồ nội thất tự lắp này và để khắp nhà mình từ chiếc bình đựng nước bình dân đầy màu sắc đến cái bàn viết gắn vào chiếc tủ cao lừng lững.

Không phải lúc nào tôi cũng chạy theo những thôi thúc từ các món hàng IKEA, nhưng hễ khi nào có nhu cầu là tôi lại đến đó. Vào một lần như thế, tôi mua một món đồ Thụy Sĩ cực kỳ hiện đại để cất giữ những món đồ chơi vương vãi khắp nhà. Đó là một loại tủ có ngăn kéo tự lắp ghép dùng để đựng đồ chơi. Tôi mang nó về nhà, mở hộp ra, đọc bản hướng dẫn và ráp các thanh tủ vào với nhau. (Phải nói rõ là tôi không thực sự tài năng lắm trong việc lắp ráp đồ đạc, nhưng tôi vẫn thấy thích thú khi làm công việc này - có lẽ là dư âm của việc thích chơi Lego khi còn thơ ấu.)

Không may là các miếng ghép không được đánh dấu rõ ràng như tôi tưởng và bản hướng dẫn thì sơ sài, đặc biệt là ở những bước quan trọng. Giống như nhiều thí nghiệm tôi đã tiến hành trong đời, quá trình lắp ghép thật quái quỷ lại theo đúng định luật của Murphy: mỗi lần tôi phải đoán xem một mảnh gỗ hay cái ốc vặn được đặt vào đâu là thế nào tôi cũng đoán sai. Thỉnh thoảng, sai lầm được phát hiện ngay. Có lúc tôi không hề nhận ra mình đã lắp sai đến ba hay bốn công đoạn, có nghĩa là tôi lại phải tháo ra làm lại.

Dù sao thì các trò lắp ghép vẫn luôn hấp dẫn tôi, thế nên tôi vẫn  kiên nhẫn nghiên cứu cách lắp ghép món đồ IKEA của mình như thể đang chơi một trò ghép hình cỡ lớn. Tuy nhiên, vặn ra vặn vào mãi cùng một con ốc cũng khiến cho người ta khó mà giữ được lâu tâm trạng này, và cả quy trình đã ngốn mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Cuối cùng thì tôi cũng thấy mình đứng bên cái tủ đồ chơi đã hoàn thành. Tôi nhặt đồ chơi của bọn trẻ và cẩn thận xếp chúng vào. Tôi cảm thấy rất tự hào về công trình của mình và trong suốt cả mấy tuần sau đó, tôi không thể không nở một nụ cười mãn nguyện mỗi khi đi ngang qua nó. Khách quan mà nói, tôi chắc chắn rằng đây không phải là món đồ có chất lượng tuyệt nhất mà tôi có thể chi trả. Tôi cũng chẳng thiết kế, đo đạc, cũng chẳng cưa gỗ hay đóng dù chỉ một chiếc đinh. Nhưng hình như chính việc mất hàng giờ đồng hồ vật lộn với cái tủ đã khiến tôi trở nên gần gũi với nó hơn. Tôi cảm thấy gắn bó với nó hơn bất kỳ đồ vật nào trong nhà. Và tôi tưởng tượng rằng nó cũng yêu tôi hơn những đồ vật còn lại trong nhà.

 

Lấy ra từ lò nướng

 

Niềm tự hào vì sự sáng tạo và những thứ do chính mình làm ra luôn chảy trong huyết quản của mỗi con người. Khi chúng ta nấu một bữa ăn từ rất nhiều nguyên vật liệu hay làm một cái giá sách, chúng ta vẫn mỉm cười và tự nhủ rằng “Những gì ta vừa làm thật đáng đồng tiền bát gạo!” Câu hỏi ở đây là: vì sao có những trường hợp chúng ta tìm cách làm chủ và có những trường hợp khác thì không? Những gì sẽ khiến ta hoàn toàn thỏa mãn với cảm giác tự hào vì chính ta đã làm ra nó?

 

Ở cấp độ thấp, sáng tạo có thể là món mì ống ăn liền hay pho-mát, những thứ mà cá nhân tôi cho rằng chẳng có tính nghệ thuật gì lắm. Để làm ra chúng, người ta chẳng cần một kỹ năng độc đáo nào, cũng như chẳng cần lao tâm khổ tứ gì: nhặt một gói mì ở cửa hàng, trả tiền, về nhà, mở nó ra, đun nước, nấu và để mì cho ráo nước, trộn nó với bơ, sữa và túi nước gia vị màu cam, rồi chén. Chỉ như vậy thì thật khó có thể gọi là tự hào khi làm ra được nó. Còn ở cấp độ cao, có những bữa ăn làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau, chẳng hạn như món canh mì gà, món ớt chuông nhồi hay món bánh táo ngon lành bà nấu. Trong những trường hợp (hiếm hoi) đó, chúng ta rõ ràng là cảm thấy được sự sở hữu và niềm kiêu hãnh đối với sáng tạo của mình.

Thế còn những món ăn nằm giữa hai mức độ đó thì sao? Sẽ thế nào nếu chúng ta trộn được một bình nước xốt pasta mua sẵn với một ít rau thơm hái ngoài vườn và vài miếng pho-mát Parmigiano-Reggiano cắt lát đẹp mắt? Sẽ thế nào nếu chúng ta thêm vào đó một ít hạt tiêu rang? Và có gì khác nhau không giữa hạt tiêu được mua ở cửa hàng với hạt tiêu trồng ở vườn nhà? Nói một cách ngắn gọn, chúng ta cần phải bỏ ra bao nhiêu công sức để có thể nhìn ngắm một cách kiêu hãnh các thành quả của chúng ta?

[...]

THEO TÔI NGHĨ, người hiểu hơn ai hết sự cân bằng tinh tế giữa mong muốn có được niềm tự hào của người làm chủ với ước ao không phải mất quá nhiều thời gian trong nhà bếp chính là Sandra Lee, người nổi tiếng với cuốn sách “Semi-Homemade” (Tạm dịch: Tự-làm-một-nửa). Thực ra, Lee còn làm thủ tục để cấp bằng sáng chế cho công thức chỉ ra điểm gặp nhau giữa hai yếu tố này, đó là “Triết lý 70/30 Semi-Homemade®”. Theo Lee thì việc một đầu bếp phải nấu nướng quá nhiều sẽ cảm thấy rất vui sướng khi tiết kiệm được thời gian làm bếp bằng việc sử dụng những thứ đã được chế biến sẵn tới 70% (ví dụ như hỗn hợp bột bánh ngọt trộn sẵn, tỏi băm sẵn, một hũ nước tương cà chua kiểu Ý) và 30% dành cho việc “sáng tạo của người đầu bếp” (với một ít mật ong, vani cho thêm vào bánh ngọt hay thêm một ít húng quế vào nước xốt). Người phụ nữ này đã tạo ra một sự kết hợp những thứ làm sẵn với mong muốn tạo dấu ấn của mình trong món ăn ở đúng mức độ cần thiết, trước sự hào hứng của các bà nội trợ và sự thất vọng của các đầu bếp chuyên nghiệp. 

[...]

Về bản chất thì Sandra Lee đã hoàn thiện lý thuyết quả trứng, chứng minh rằng những người hưởng ứng công thức của mình có thể tạo ra được món ăn có dấu ấn riêng của họ chỉ với một cố gắng nho nhỏ. Các chương trình truyền hình, tạp chí và hàng loạt cuốn sách nấu ăn của bà là bằng chứng cho thấy một muỗng cảm giác làm chủ là nguyên liệu tất yếu trong món ăn tâm lý có tên là nấu nướng.

Niềm tự hào làm chủ tất nhiên không phải chỉ gắn với phụ nữ hay việc bếp núc. Local Motors, một công ty có tính nhân văn còn đưa lý thuyết quả trứng đi xa hơn. Công ty này cho phép bạn thiết kế và sau đó tự mình lắp chiếc ô tô cho chính mình trong thời gian khoảng bốn ngày. Bạn có thể chọn một trong các thiết kế cơ bản và sau đó điều chỉnh sản phẩm cuối cùng theo sở thích của mình, có lưu ý đến yếu tố khu vực và thời tiết. Tất nhiên tự bạn không thực hiện được; một nhóm kỹ thuật viên và chuyên gia sẽ giúp bạn. Ý tưởng thông minh của Local Motors chính là để cho khách hàng trải nghiệm quá trình ra đời của chiếc ô tô của chính mình và qua đó tạo ra một mối liên hệ sâu sắc với thứ mà họ cảm thấy nó gần gũi và quý giá. (Liệu có bao nhiêu người coi chiếc xe ô tô như “đứa con của mình”?) Đó thật sự là một chiến lược đầy sáng tạo; công sức và thời gian bạn bỏ ra để lắp chiếc ô tô của mình tạo ra tình cảm đối với nó giống như tình cảm đối với đứa con yêu quý của bạn.

Tất nhiên, đôi khi những thứ mà ta cảm thấy quý giá sẽ biến mối dây liên hệ thoải mái giữa ta và nó sang mối quan hệ cực kỳ bền chặt, giống như là trường hợp chiếc nhẫn quý của Gollum trong bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn của J. R. R. Tolkien. Cho dù đó là chiếc nhẫn có phép lạ, hay một chiếc ô tô được lắp rất dễ thương, hay một tấm thảm mới, chúng đều có thể là vật báu đối với một số người nhất định. (Nếu bạn khó chịu khi bị lệ thuộc quá nhiều bởi tình yêu với một thứ đồ vật như vậy, hãy nhắc lại theo tôi: “Đó chỉ là [rồi điền vào chỗ trống tên của nó: cái ô tô, cái thảm, cuốn sách, cái hộp...] thôi mà.”) Nhìn chung, tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay để tránh bị ảnh hưởng từ những thứ quý giá mà ta có, chuyển từ cảm giác thoải mái sang cảm giác hoàn toàn bị ràng buộc.

[...]

 

Dấu ấn cá nhân, Lao động và Tình yêu

 

Ở giai đoạn sơ khởi của ngành công nghiệp ô tô, Henry Ford nói một cách ẩn dụ rằng khách hàng nào cũng có thể có được một chiếc Model T sơn bất kỳ màu nào họ muốn khi nó màu đen. Sản xuất ô tô chỉ cho ra có một màu sẽ tiết kiệm được chi phí và vì vậy, sẽ có thêm nhiều người đủ tiền để mua. Với sự phát triển của công nghệ chế tạo, Ford có thể sản xuất ra những nhãn hiệu và kiểu dáng khác nhau mà không phải bỏ thêm quá nhiều kinh phí.

Tới ngày hôm nay, bạn có thể tìm được hàng triệu những sản phẩm hợp với ý thích của bạn. Chẳng hạn, bạn không thể đi dọc theo Đại lộ số 5 ở New York mà không bị choáng ngợp bởi những đôi giày khác thường và tuyệt đẹp được trưng bày trên kệ của các gian hàng. Nhưng khi ngày càng có nhiều công ty mời khách hàng tham gia thiết kế sản phẩm thì những kiểu dáng này cũng biến đổi liên tục. Nhờ sự phát triển của công nghệ Internet và tự động hóa, các nhà sản xuất đang để cho các khách hàng tạo ra những sản phẩm phù hợp với phong cách của mỗi người. 

Hãy xem trang web Converse.com, ở đó bạn có thể thiết kế được những đôi giày tiện lợi cho bản thân. Sau khi bạn đã nhấn vào kiểu giày bạn thích (loại phổ thông hoặc thiết kế chọn lọc hạng thấp, hạng cao, hạng siêu đẳng) và chất liệu (vải, da, da Thụy Điển), bạn sẽ tha hồ sử dụng hàng loạt các màu sắc đã được đánh số. Bạn nhấn vào một bảng màu và hoa văn, chỉ vào một bộ phận của giày (phần trong giày, má đệm cao su, dây giày) và trang trí từng bộ phận theo ý thích của bạn. Bằng cách cho bạn được thiết kế đôi giày của mình cho phù hợp với sở thích, Converse không chỉ bán cho bạn một sản phẩm bạn thích mà còn mang lại một sản phẩm mà bạn cho là độc nhất vô nhị.

Ngày càng có nhiều công ty áp dụng mô hình cá nhân hóa sản phẩm. Bạn có thể tự thiết kế tủ bếp của nhà bạn, lắp chiếc ô tô Local Motors của chính mình, tạo ra đôi giày mình đi, và nhiều những thứ khác nữa. Nếu bạn đi theo lý lẽ ca tụng những thứ được đặt làm riêng cho từng cá nhân, có lẽ bạn sẽ cho rằng việc chọn hình thức sử dụng các website để cá nhân hóa là một ý tưởng sáng suốt - nó có thể nhanh chóng dựng lên hình ảnh đôi giày lý tưởng đối với bạn và sau đó được chuyển đến cho bạn với công sức mà bạn bỏ ra ở mức thấp nhất. Và vì nghe nó có vẻ dễ dàng như vậy, nếu bạn sử dụng quy trình thiết kế riêng cho cá nhân rất hiệu quả này, bạn có thể sẽ đánh mất cơ hội tận dụng hiệu ứng IKEA mà ở đó, nhờ phải bỏ ra sức lực cũng như tư duy, chúng ta sẽ nảy sinh tình cảm nhiều hơn với những thứ chúng ta tạo ra.

Điều này liệu có phải có nghĩa là các công ty lúc nào cũng nên yêu cầu khách hàng của họ phải thiết kế và bỏ công ra cho tất cả các sản phẩm? Tất nhiên là không. Có một mối quan hệ mang tính đánh đổi khá tế nhị giữa sự chẳng mất gì và sự phải đầu tư. Cứ yêu cầu mọi người phải bỏ công quá nhiều, bạn sẽ khiến họ bỏ đi; yêu cầu mọi người bỏ ra quá ít công sức, bạn không cho họ cơ hội để cá nhân hóa, tạo ra đặc trưng và sự gắn kết. Tất cả phụ thuộc vào tầm quan trọng của nhiệm vụ và vào sự đầu tư của mỗi cá nhân trong từng loại sản phẩm. Với tôi, sử dụng các màu đã được đánh số để tô màu cho đôi giày hay lắp cái tủ đựng đồ chơi thiết kế kiểu lắp ráp là một sự cân bằng vừa phải; nếu đòi hỏi thêm một chút thì có thể niềm say mê với hiệu ứng IKEA của tôi sẽ giảm, nhưng nếu phải thêm một chút công sức nữa chắc tôi cũng bỏ cuộc. Khi các công ty bắt đầu hiểu được lợi ích thực sự của việc cá nhân hóa, họ có thể bắt đầu sản xuất ra sản phẩm cho phép khách hàng thể hiện chính mình, và sau đó sẽ đem lại giá trị cao hơn cũng như niềm vui lớn hơn.

- Trích từ cuốn sách "Lẽ phải của phi lý trí"

Tags: