Khi nào thì một đứa trẻ hiểu về sự chết?
Khi nào thì một đứa trẻ hiểu về sự chết?

Cách đây vài tháng khi ông nội của chồng tôi qua đời, ông đã sống tới tận 93 tuổi. Khi chúng tôi đứng vây xung quanh nơi chôn cất ông, tôi không thể dừng nghĩ tới việc chết là một điều làm ta hoang mang và mất phương hướng tới mức nào. Chỉ cách đó có vài ngày thôi, đã tồn tại, đã có một người ở đó, một người đàn ông ấm áp, vẫn còn cười nói, vẫn còn thở. Và giờ thì thân xác ông đã được đóng trong một cái hộp bằng gỗ, được chôn xuống đất chỉ vài thước cách xa người vợ, người con đang khóc nức nở.

 

Đứa cháu 3 tuổi của tôi, vẫn được mẹ nó bế trên tay nhìn mọi người. “Nhà mình đang làm gì thế hả mẹ?”. Mẹ nó nói: “Tạm biệt Nội đi con”. “Bai bai Nội nha”. Emily vui vẻ nói. Mẹ con bé lại bật khóc. “Sao thế hả mẹ?”.

 

Đó là một trong những buổi sáng mang tới cho tôi khoảnh khắc cay đắng ngọt ngào, một lời nhắc nhở rằng ngay giữa sự chết, thì cuộc sống vẫn luôn tiếp tục. Tôi vẫn nghĩ rằng cả ngày hôm đó, Emily vẫn chơi đùa và leo trèo khắp nơi trong căn hộ đầy những người đang than khóc. Khi nào thì một đứa trẻ mới hiểu được sự chết? Và các nhà khoa học liệu có tìm được câu trả lời cho điều này?

 

Hóa ra là các nhà tâm lý học đã nghiên cứu về khái niệm chết trong tâm lý của trẻ em từ những năm 1930. Trong lần công bố đầu tiên vào năm 1934, các bác sĩ đã phỏng vấn những cậu bé sống trong Bệnh viện Tâm thần Bellevue ở New York. Một phần của cuộc phỏng vấn ghi lại những câu trả lời của các cậu bé sau khi một con búp bê rơi xuống sàn với một tiếng động lớn.

 

Một trong những nghiên cứu sớm nổi tiếng nhất được thực hiện bởi nhà tâm lý học người Hungary Maria Nagy. Bà đã phỏng vấn hơn 400 đứa trẻ sống ở Budapest sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, thời điểm mà có rất nhiều người chết. Bà đơn giản yêu cầu chúng trả lời, bằng từ ngữ hoặc bằng hình ảnh, “Chết là gì?”

 

Trong những năm 1950, chỉ có một nghiên cứu duy nhất, sau đó là tám nghiên cứu khác vào những năm 1960 và hai chục nghiên cứu vào những năm 1970. Hầu hết những nghiên cứu này đều dựa vào việc phỏng vấn trẻ em. Một số nghiên cứu thì hỏi trẻ em những câu hỏi mở, những nghiên cứu khác thì hỏi cụ thể hơn, những thứ như, Người chết có thể quay lại được nữa không? Cháu có nghĩ là có ai đó sẽ không chết không? Cháu có nghĩ rằng mình sẽ chết không?

 

Không quan trọng là bạn bao nhiêu tuổi, sự chết là một thứ không dễ để xác định. Nhưng vì mục đích nghiên cứu, các nhà khoa học xác định một đứa trẻ hiểu về sự chết bằng ba khía cạnh khác nhau của khái niệm này.

 

Đầu tiên là sự chết là không thể đảo ngược. Một khi cơ thể bạn đã chết, nó không thể sống lại được nữa. Trẻ con dưới 3 tuổi không hiểu được điều này; chúng nói về người chết như khi họ đi du lịch hay chỉ ngủ một giấc, và tin rằng những người chết có thể hồi sinh lại nhờ vào nước, thức ăn, thuốc men hay ma thuật.  Trẻ con bắt đầu tin vào sự chấm dứt của cái chết vào khoảng 4 tuổi. Trong một nghiên cứu khác, các nhà tâm lý học thấy rằng 10% trẻ ở tuổi lên ba hiểu rằng chết là không thể đảo ngược, trong đó có tới 58% trẻ em 4 tuổi nhận thức được điều này.

 

Hai khía cạnh khác của cái chết được nhận ra muộn hơn một chút, thường là giữa 5 tuổi và 7 tuổi. Một là, “sự bất hoạt”, đó là quan niệm cho rằng một cơ thể chết không thể làm được những điều mà người sống làm. Trước khi nhận ra điều này, bọn trẻ con sẽ trả lời những câu hỏi như Người chết có cảm thấy gì không? Hay Nếu như ai đó chết, người ta có còn ăn uống được không? Đi lại được không? Ngủ mơ được không?

 

Và khía cạnh cuối cùng của sự chết, đó chính là tính phổ quát. Tất cả những thứ đang sống đều sẽ chết, mỗi cây cỏ, mỗi con vật, mỗi con người. Một ngày nào đó một trong số chúng ta sẽ tiêu tan. Điều thú vị là bọn trẻ trước khi nhận ra điều này, đều tin rằng có một số người nào đó sẽ được bảo vệ khỏi chết, như thầy cô giáo, cha mẹ và chính bọn trẻ. Chẳng có nghi ngờ gì, hầu hết trẻ con sẽ nhận ra rằng một vài người sẽ chết trước khi chúng nhận ra rằng chính mình cũng sẽ chết. Và thậm chí bọn trẻ biết rằng một ngày nào đó mình sẽ chết cũng có xu hướng cho rằng cái chết chỉ xảy ra trong một tương lai xa xôi khi chúng già đi.

 

Tất cả những điều này đều là xu hướng chung. Một số trẻ em thì nhận thức được sớm hơn những trẻ khác. Và một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sự kiện gây sang chấn tổn thương tâm lý — như cha mẹ qua đời — có thể giúp trẻ em nhận thức được sự chết sớm hơn.

 

Nghiên cứu này đã giúp tôi hiểu được phản ứng của đứa cháu trong đám tang. Nhưng thật khó để đơn giản hóa cái chết giống như việc nhận thức được những thứ khác. Tôi hơn đứa cháu mình tới 26 tuổi và vẫn còn chưa chạm đến việc hiểu được sự chết. Tôi ngờ rằng có bao giờ mình sẽ có thể làm được điều đó

Theo National Geographic.

Tags: