Cuốn theo chiều gió - Kiệt tác văn học phản ánh hay sản phẩm văn hóa cổ xúy phân biệt chủng tộc?
Cuốn theo chiều gió - Kiệt tác văn học phản ánh hay sản phẩm văn hóa cổ xúy phân biệt chủng tộc?
Liệu "Cuốn Theo Chiều Gió" có thực sự đồng lòng với tư tưởng của chế độ nô lệ cũ hay tác phẩm chỉ đơn giản là muốn phơi bày ra tội ác sắc tộc, phân biệt giai cấp dưới lá cờ Confederate năm xưa?
Cuốn theo chiều gió
(95 lượt)
Gone With The Wind – (tiếng Việt : Cuốn Theo Chiều Gió) – là một tác phẩm văn học kinh điển của nữ tác giả Margaret Mitchell xuất bản năm 1936. Tác phẩm xoay quanh Scarlett O’Hara - tiểu thư của một tay chủ đồn điền khá giả - và những vật lộn, đấu tranh sinh tồn của cô trong thời Nội Chiến Mỹ, kéo theo sau đó là thời kỳ Tái Thiết - một giai đoạn khôi phục lại những hậu quả nặng nề của chiến tranh, miền Nam phải tái hòa nhập lại với Hợp chủng quốc.

Scarlett là một tiểu thư miền Nam, một phần nào đó như tên gọi của tác phẩm, nàng buộc phải chạy theo số phận cùng với những biến cố lịch sử, kéo theo mối tình phù phiếm với Ashley và Rhett Butler bí ẩn. Mọi vật cản và đổ vỡ đã thay đổi nàng từ một tiểu thư kiêu kỳ bé nhỏ, ưa phụ thuộc vào cha, trở thành một người phụ nữ độc lập, tháo vát và kiên cường sống sót qua gió bão của chiến tranh. 

Tuy khắc hoạ thành công mối tình lãng mạn thời Nội Chiến Mỹ, “Cuốn Theo Chiều Gió” vẫn gặp phải những xung đột liên quan đến lịch sử của riêng nó. Điển hình như những chỉ trích liên quan đến cách tác phẩm minh hoạ về văn hoá của những vùng đất thuộc Liên minh miền Nam thời đó - vốn là phe thua cuộc, bại trận dưới tay những thủ lĩnh phương Bắc, và hơn hết, nó gắn liền với chủ nghĩa da trắng cực đoan cũng như quá khứ sở hữu nô lệ là người da đen. Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện này lại trở thành một trong những tác phẩm văn học kinh điển, và bản phim điện ảnh của nó cũng không phải ngoại lệ.

 Liệu "Cuốn Theo Chiều Gió" có thực sự đồng lòng với tư tưởng của chế độ nô lệ cũ hay tác phẩm chỉ đơn giản là muốn phơi bày ra tội ác sắc tộc, phân biệt giai cấp dưới lá cờ Confederate năm xưa?

Tư liệu bộ phim Cuốn theo chiều gió

Những chỉ trích chung quanh tác phẩm.

‘Cuốn Theo Chiều Gió’ đã để lại rất nhiều giá trị lớn trong văn học kinh điển, phản ánh mọi mặt về giai đoạn lịch sử đen tối của nước Mỹ và ảnh hưởng chân thực của nó cho đến ngày nay. Điển hình như nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, quá khứ thu nạp nô lệ từ những người da đen đến từ Hiệp minh Miền Nam

Ngày nay, lá cờ của Quân đội Bắc Virginia - một trong những lực lượng trực thuộc Liên minh Miền Nam năm xưa- vẫn còn được trưng ra và bay phấp phới ở những vùng đất phía Nam của Hoa Kỳ. Không quá khó hiểu khi người ta vẫn dành một sự thương cảm nhẹ nhàng cho phe thua cuộc thời nội chiến. Bộ phim “Cuốn Theo Chiều Gió” được chuyển thể dựa trên tác phẩm của Mitchell đã thắng Tám giải thưởng lớn của Academy Awards, trong đó có giải Best Picture vào năm 1939, và vẫn nắm giữ box-office của thị trường khu vực Bắc Mỹ với 1,6 tỷ đô la lượng vé được bán ra cho đến ngày nay. Giống như tác phẩm, bộ phim tạo được sự đồng cảm cho phe miền Nam, chính điều này đã khiến cho Lou Lumenick của tờ New York Post đặt vấn đề:

Nếu như lá cờ của Liên bang miền Nam cuối cùng cũng đã bị ném vào viện triển lãm với biểu tượng của phân biệt chủng tộc, vậy thì bộ phim đáng mến đã tâng bốc hình ảnh của lá cờ đó thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Khán giả đón xem bộ phim Cuốn theo chiều gió

Phiên bản điện ảnh của bộ phim cũng đã từng bị lên án vì những hình ảnh, tình tiết, lời thoại mang tính phân biệt chủng tộc. Điều này phần nào được khai sáng trong cuốn biography của tác giả Jill Watt về Hattie McDaniel – nữ diễn viên da màu thủ vai cô hầu Mammy trong phim. Cuốn sách đã hé lộ một chút về giai đoạn làm phim, nhà sản xuất David O.Selznick đã thờ ơ với những lời khuyên buông bỏ sự phân biệt trong tác phẩm. Những người cố vấn cho ông, hầu hết họ là những người có chuyên môn trong xã hội học và đều là những người da màu.

Thế nhưng, lẫn tác phẩm văn học và phiên bản điện ảnh của nó đều có những giá trị nhất định, cho phép chúng ta nhìn vào góc nhìn của “The Lost Cause” ( Giáo phái chính nghĩa bị thất lạc) đến từ bên miền Nam thua cuộc, và sự ảnh hưởng của nó đến sự nổi loạn âm thầm trong các vùng đã từng đứng dưới lá cờ Confederate năm xưa. Tác phẩm đem lại nhiều lý thuyết mâu thuẫn như lá cờ, có một số muốn bác bỏ nó vì tội ác đến người da đen, tuy nhiên, một số người lại cho rằng đó là một di sản văn hóa. 

Có một số các tình tiết trong tác phẩm, như khoảnh khắc miêu tả sự thất vọng của người miền Nam khi vùng đất của họ bị chiếm lấy bởi những người ‘Yankee”, rồi một miền Nam mới được cất lên, càng khiến cho họ thêm căm hận và tủi hờn, Scarlett đã phải thích nghi với sự thay đổi đó, cô đã xuống tay bắn chết cả một tên lính phương Bắc,và hơn hết, mối tình của cô với Rhett Butler cũng rất lãng mạn - tất cả những sự kiện kể trên rất dễ khiến khán giả định hình rằng, câu chuyện đang khơi gợi sự thương cảm dành cho Hiệp minh miền Nam, và cổ súy cho ảnh hưởng của nó đến lịch sử cũng như xã hội Mỹ ngày nay.

Và cách Mitchell thể hiện về người da màu trong tác phẩm, thực tế, không hề gây tác động xấu đến hình ảnh của bà, một nữ tác giả người da trắng. Bà đã từng phản ứng khá gay gắt trước lời chỉ trích rằng:

Tôi sẽ không để bất cứ một nhóm người da đen hung dữ nào làm ảnh hưởng đến tình thương của mình dành cho những người thân yêu của tôi, những người da màu giống như họ.

Nhà sản xuất huyền thoại David O.Selznick cũng đã tiết lộ hài hước rằng:

Khi sản xuất bộ phim này, dĩ nhiên chúng tôi phải lường trước được rằng, nếu trái với lương tâm, thì chắc chắn sẽ có một anh bạn da màu bất mãn nào đó nhảy ra từ góc phòng và xử đẹp chúng tôi.

Có thể nói rằng, O.Selznick đã từ chối tiếp nhận ý kiến cố vấn trước đó, là vì ông, cũng giống như Mitchell, muốn lột tả chân thực về vùng đất Atlanta, Georgia thời đó.

Nếu thử soi kĩ ở một góc độ khác, tác phẩm thực ra lại phản ánh những ảnh hưởng xấu xí của văn hóa mà Hiệp minh miền Nam áp đặt lên những con người sống trong vùng : Sự thụ động trong việc tự chủ, do quá lệ thuộc vào chu cấp từ nô lệ là những người da đen, rập khuôn trong tư tưởng tôn giáo, chủ nghĩa da trắng phân biệt giai cấp. Tất cả những điều này được thể hiện qua hành trình của Scarlett, từ một tiểu thư miền Nam tìm mọi cách để sống sót trong chiến tranh, dần bứt ra khỏi những tư tưởng lệ thuộc ở Atlanta, Georgia - một trong những tiểu bang theo chính phủ miền Nam- vùng đất mà cô lớn lên.

Qua góc nhìn của Scarlett về cuộc sống và chiến tranh, ta có thể thấy miền Nam nước Mỹ thời đó là một vùng nặng tư tưởng tôn giáo, áp đặt lên cả đàn ông lẫn phụ nữ. Những người đàn ông si mê chiến trận, nhưng không có khả năng dự trù về sự thành bại, chỉ biết tin tưởng vào những chiến lược mà phe họ vạch ra. Khi Rhett Butler phân tích khả năng chiến thắng của miền Bắc, hầu như không một nhân vật người miền Nam nào tin vào những lí lẽ vô cùng thực tế đó, ngoại trừ Scarlett, khi nàng nghe anh ta lý giải những điểm yếu của phe miền Nam lúc cả hai ở tiệc nướng của gia đình Wilkes. Những người nô lệ da đen đã chực chờ cơ hội để nổi dậy cùng với "Yankees"( từ lóng chỉ người lính phương Bắc), và cầu mong họ giải phóng khỏi sự kìm kẹp của chính phủ miền Nam. 

Và đó cũng giải thích lý do tại sao mà những người bạn của cô – những người miền Nam- lại phủ nhận về sự sai trái, sùng tín mà phe này đã định hình họ, họ dường như không thể nhận ra được sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp, chủ nghĩa da trắng đang lên ngôi ở vùng đất lịch thiệp này. 

Trong suốt quá trình đấu tranh sinh tồn, Scarlett dần lột ra khỏi sự đóng khung mà miền Nam dành tặng cho mình, cho những người đàn ông sùng đạo, bị lý tưởng hóa đến mức điên rồ và những người phụ nữ nhợt nhạt đầy cam chịu. Cô sẵn sàng lao vào những thực thi cần thiết vì cái ăn, cái mặc, thay vì ngồi chờ người khác dâng tận miệng như những người miền Nam khác, bởi vốn dĩ họ đã quá quen với sự phục vụ của nô lệ. Qua đây Mitchell cho thấy tác phẩm không chỉ về nạn phân biệt chủng tộc, mà còn là giai cấp. Sự rời đi khỏi giàu sang, đi xa ra khỏi khuôn phép có thể khiến con người làm bất kì điều gì để đứng vững trong một giai đoạn khó khăn. 

 

“Khi Scarlett thả cái rổ nặng xuống khỏi cánh tay của mình, nàng cũng đã phần nào thả trôi tâm trí mình, cuộc đời mình. Không còn cách nào để quay đầu lại và nàng phải tiến bước về phía trước. Suốt năm mươi năm qua, nỗi cay đắng của những người phụ nữ trải dài khắp miền Nam, những người luôn nhìn về phía sau, về những quãng thời gian chết chóc, những người chồng đã mất vì chiến tranh, lục lọi mớ ký ức vô dụng đầy tổn thương và cũ kỹ, gánh theo đói nghèo với lòng kiêu hãnh cay đắng bởi họ mang theo đống hoài niệm đó. Nhưng với Scarlett, nàng không bao giờ để mình nhìn lại vào bất cứ một giây phút nào” - Margaret Mitchell, trích “Cuốn Theo Chiều Gió”.

 

Mọi biến cố xảy ra với Scarlett trong tác phẩm, ít nhiều đều liên quan đến sự tách ra khỏi nền văn minh cũ, đến với sự khắc nghiệt nhưng can tâm của một miền Nam mới ( The New South), bao gồm cả mối tình đó ; lòng chung thủy của nàng dành cho Ashley Phù Phiếm - người đàn ông tượng trưng cho sự lịch thiệp nhưng giả tạo của Liên minh miền Nam. Hay Rhett Butler - bí ẩn và mới mẻ, chàng như một cơn gió bão thổi mất đi những gì còn lại của miền Nam cũ, cuốn trôi Scarlett về theo với mình, từ từ đưa nàng đến với một thời kỳ mới sau chiến tranh. Ban đầu, Rhett khiến Scarlett quay cuồng, và có phần chán ghét, dè chừng và chóng mặt, nhưng đến gần cuối tác phẩm, nàng mới bắt đầu nhận ra được tình yêu hà khắc của cơn bão đó, nhận thấy được bộ mặt thật nhu nhược của Ashley và sự chiều chuộng, vỗ béo độc hại của miền Nam cũ. Cuối cùng, nàng quyết tâm vực dậy tinh thần của mình, cam kết sẽ bằng mọi cách tìm lại tình yêu đích thực. Là cơn bão tố đó : Rhett Butler.

Nói một cách khác, ngắn gọn hơn,Cuốn Theo Chiều Gió” không hề khiến cho người ta rủ lòng thương đến Liên minh miền Nam, mà là với những con người được dung dưỡng và lớn lên ở vùng đất đó.

Vậy “Cuốn Theo Chiều Gió” còn chừa lại gì cho phe Ly khai miền Nam?

Không gì cả - theo như tên gọi của tác phẩm thì là vậy. Xuyên suốt chiều dài của câu chuyện, chúng ta chứng kiến đống tàn dư của văn minh miền Nam cũ dần bị cuốn đi - thông qua sự bức phá của nhân vật Scarlett O’Hara - từ chế độ nô lệ khắc nghiệt với người da đen, cho đến tôn giáo cực đoan, phân biệt giai cấp hay sự nhu nhược và thiếu tự chủ của con người thuộc vùng đất này đều biến mất không chừa lại gì. Chỉ còn lại Scarlett, tính cách kiên cường của nàng, bất chấp sống sót trong một nền văn minh sau thời kỳ Tái thiết. Tác phẩm đã nhấn mạnh ý nghĩa đó trong chính cái tên của mình, việc “Cuốn Theo Chiều Gió” bị chỉ trích dĩ nhiên không khiến Margaret Michelle dễ chịu gì, nhưng dù sao, bà cũng đã rất thành công trong việc khắc họa  nền văn minh của phe Ly khai trong bối cảnh thời Nội chiến, khiến người ta phẫn nộ, giận dữ với những tội ác mà phe này đã để lại cho hiện thực nước Mỹ ngày nay. 

Và cũng chính sự giận dữ đó, đã đẩy người ta ra xa với quá khứ chiến tranh xa xôi, mang theo sự đồng lòng, quyết chí hướng về tương lai, thay vì ủ rũ và cay đắng nhìn về đống tàn dư đã bị cuốn đi. Vì suy cho cùng : Ngày mai luôn là một ngày mới

Điền Nguyên

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

5 bài học “thả thính” dành cho phái nữ của Scarlett Ohara

 
Tags: