Chiêm nghiệm và Lãnh đạo: Kể cả sinh viên xuất sắc cũng chưa chắc đã là nhà lãnh đạo tài ba
Chiêm nghiệm và Lãnh đạo: Kể cả sinh viên xuất sắc cũng chưa chắc đã là nhà lãnh đạo tài ba
Bài giảng dưới đây được đưa vào giảng dạy tại các lớp sinh viên năm nhất tại Học viện Kĩ thuật quân sự Hoa Kỳ tại West Point vào tháng 10 năm 2009.

 

 

“Nếu bạn muốn người khác phục tùng, hãy học cách suy nghĩ đơn độc.”

– William Deresiewicz

 

Thoạt nhìn thì tiêu đề bài nói của tôi trông có vẻ mâu thuẫn.. Chiêm nghiệm thì có liên quan gì với lãnh đạo? Chiêm nghiệm bản thân gắn liền với hình ảnh ở một mình, và lãnh đạo thì luôn đi kèm với hình ảnh những người xung quanh bạn, nhất là những người đang được bạn dẫn dắt. Khi nghĩ về các nhà lãnh đạo trong lịch sử nước Mỹ, ta thường nghĩ về Washington – người đứng đầu một quân đội, hay Lincoln – tổng thống Mỹ, hoặc là Martin Luther King Jr. – người đi đầu phong trào, có biết bao người đi theo sau họ mong được dẫn đường chỉ lối. Và khi ta nghĩ về tính chiêm nghiệm, ta chỉ có thể nhớ đến Thoreau, một người đàn ông sống một mình trong rừng, viết nhật kí và hòa mình vào thiên nhiên tĩnh lặng.

Khả năng lãnh đạo là điều các em đến đây để học, đó là phẩm chất của tính cách và tâm trí, thứ mà sẽ giúp bạn có khả năng chỉ huy một trung đội, đại đội hoặc thậm chí cả một tiểu đoàn. Nếu xuất ngũ thì khi đó các em có thể cầm quyền một công ty, một tổ chức hay bộ phận của chính phủ. Và Chiêm nghiệm bản thân là điều mà ít nhất các em sẽ được học tại đây, đặc biệt là khi mới vào năm nhất. Em thậm chí không có sự riêng tư, không có cơ hội để chỉ đơn giản là được ở riêng một mình chứ đừng nói đến việc được “ở riêng với suy nghĩ của mình”. Và tôi xin thông báo với các em rằng : chiêm nghiệm bản thân là một trong những nhu cầu quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo thực sự, và bài giảng này sẽ cố gắng giải thích lý do tại sao như vậy. 

Chúng ta sẽ bắt đầu với việc tìm hiểu lãnh đạo thực sự có nghĩa là gì. Tôi đã dành ra 10 năm giảng dạy và nói chuyện về khả năng lãnh đạo tại một số trường như Yale, Harvard, Stanford, những trường giống như West Point. Tại đó họ cũng nhận thấy vai trò của mình là đào tạo các nhà lãnh đạo, liên tục khuyến khích các sinh viên hãy làm người tiên phong giữa các bạn bè trang lứa và trở thành nhà lãnh đạo xã hội tương lai. Thật vậy, khi chúng ta nhìn vào đội quân tinh nhuệ ở Mỹ, những người làm việc trong chính phủ, doanh nghiệp, các học giả, và những người nắm vai trò lớn khác như thượng nghị sĩ, thẩm phán, các CEO, hiệu trưởng các trường cao đẳng, ta thấy rằng phần đa những người đấy đều đến từ các nhánh trường của Ivy League , hoặc từ các học viện, đặc biệt là West Point.

Vì vậy, tôi bắt đầu tự hỏi về những điều tôi đã dạy ở Đại học Yale, lãnh đạo thực sự cần có những gì? Các sinh viên của tôi, cũng giống như các em luôn tràn đầy năng lượng, tài năng, thông minh và thường khá tham vọng. Nhưng, liệu những điều ấy đã là đủ để trở thành những nhà lãnh đạo? Hầu hết các sinh viên của tôi, dù trong đó có một số đứa tôi quý hay ngưỡng mộ đi chăng nữa thì tôi vẫn cảm thấy chúng vẫn chưa “chín” để trở thành lãnh đạo. Làm một người đứng đầu thì chỉ cần tài năng và thành công liệu đã đủ? Việc luôn đạt điểm A liệu có khiến bạn trở thành người lãnh đạo? Tôi không nghĩ như vậy. Các bác sĩ phẫu thuật tim giỏi, tiểu thuyết gia lớn hay các cầu thủ chặn ngắn trong bóng chày đều thể hiện rất tuyệt vời trong công việc của mình, nhưng điều đó không có nghĩa họ là những người lãnh đạo giỏi. Khả năng lãnh đạo và năng khiếu, thành tích và thậm chí là sự ưu tú vượt trội phải được tách riêng biệt với nhau, nếu không thì khả năng lãnh đạo chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

 

 

Hãy nhìn xem, mọi thứ đã thay đổi và trở nên căng thẳng hơn rất nhiều kể từ khi tôi đi học đại học vào những năm 80. Các em cần phải nỗ lực học hành nhiều hơn để có thể vào được những trường hàng đầu như Yale hay West Point, và và phải chuẩn bị từ rất sớm. Chúng ta chỉ bắt đầu nghĩ  đến việc vào đại học khi ở năm nhất, và  có thể tham gia vài hoạt động ngoại khóa. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác đối với các em. Đó là một chuỗi những thử thách gay go mà các em sẽ phải vượt qua, có lẽ nên bắt đầu từ năm nhất của trung họcvới bài vở, các bài kiểm tra, hoạt động ngoại khóa trong và ngoài trường, các khóa học, tư vấn tuyển sinh và cả gia sư. Tôi từng ngồi trên ghế ban tuyển sinh trường đại học Yale một vài năm trước đây. Điều đầu tiên các nhân viên tuyển sinh sẽ làm khi xét tuyển sinh viên trước ủy ban là đọc những lời “khoe khoang”– những hoạt động ngoại khóa của các thí sinh. Và có một điều được thấy rõ rằng, những em tham gia sáu hay bảy hoạt động khả năng cao nằm trong danh sách nguy hiểm vì những sinh viên được tiếp nhận vào trường ngoài điểm số cao chót vót có tận 10 hay 12 hoạt động liền.

Do đó, điều mà tôi thấy ở xung quanh mình là những đứa trẻ xuất sắc được huấn luyện để trở thành “ những người vượt qua thử thách” đẳng cấp thế giới. Bất kì mục tiêu nào bạn đưa ra cho những đứa trẻ đó, chúng đều đạt được. Bất kì bài kiểm tra nào bạn giao, chúng đều có thể vượt qua với điểm số cao vời vợi. Ai đó đã gọi những đứa trẻ đó là “những con cừu xuất sắc”. Tôi không nghi ngờ gì về việc chúng có thể tiếp tục vượt qua những thách thức khó nhằn, qua những bài đánh giá và tiến thẳng vào trường Kinh tế Harvard, trường Luật Michigan, trường Y Johns Hopkins, công ty Goldman Sachs hoặc công ty tư vấn McKinsey, hay bất cứ nơi nào. Cách tiếp cận này thực sự sẽ giúp chúng tiến xa trong cuộc sống, và sau này biết đâu chúng sẽ tham gia bữa tiệc họp lớp lần thứ 25 với vai trò là đối tác của White&Case, nhà vật lí học hoặc có khi là trợ lí thư kí trong Bộ Ngoại Giao.

Đây thực sự là điều mà những nơi như Yale thực sự hướng đến khi đề cập việc huấn luyện những nhà lãnh đạo. Giáo dục những người có thể tạo nên tên tuổi lớn trên thế giới, những người mà tạo được tít ấn tượng trên trang báo để đánh bóng tên tuổi của trường, những người có thể vượt qua những khó khăn của bất kì hệ thống phân cấp và vươn lên đỉnh cao.

Nhưng tôi nghĩ ý tưởng đó có gì đấy rất sai, thậm chí nguy hiểm. Để giải thích lí do tại sao, tôi muốn dành vài phút nói về cuốn tiểu thuyết có thể nhiều người đã đọc, cuốn Heart of Darness – một cuốn sách dày chưa đến 100 trang của Joseph Conrad. Còn nếu ai chưa đọc quyển đó thì có thể đã từng xem phim được chuyển thể từ nó, bộ phim Apocalypse Now. Nhân vật Marlow trong cuốn tiểu thuyết là thuyền trưởng Willard do Martin Sheen thủ vai. Kurtx trong truyện sẽ trở thành Đại tá Kurtz được diễn xuất bởi Marlon Brando. Nhưng cuốn tiểu thuyết này không phải về Việt Nam; đó là về chủ nghĩa thực dân tại Congo, Bỉ. Marlow không phải là sĩ quan quân đội mà là một thương nhân trên biển, thuyền trưởng của con tàu dân sự. Ông theo lệnh Hiến chương Hoàng gia Bỉ mà chạy con thuyền dọc suốt đất nước lên phía sâu thượng nguồn sông Congo để bắt tên quản lí ngông cuồng, ranh mãnh đang ẩn nấp trong rừng, giống như nhân vật Đại tá Kurtz trong bộ phim.

Bây giờ các em đều biết rằng cuốn tiểu thuyết này nói về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, quan hệ chủng tộc và phần tối nằm bên trong mỗi con người. Nhưng tại một thời điểm nào đó khi tôi dạy về cuốn tiểu thuyết này, tôi nhận thấy rằng nó cũng nói về chế độ quan liêu, hay nói cách khác là hệ thống phân cấp. Sau tất cả, công ty vẫn là công ty với những quy tắc, thủ tục và cấp bậc, với những người có quyền lực và cố gắng tranh giành nó, chẳng khác gì những chế độ quan liêu khác. Chế độ quan liêu hiện hữu ở trong công ty Luật lớn hay một bộ phận chính phủ, hay cũng ở trong trường đại học. Nó giống hệt chế độ phân cấp mà các em định tham gia vậy. Cụm từ “chế độ quan liêu” có xu hướng mang nghĩa tiêu cực, nhưng điều tôi đang nói không phải là một lời chỉ trích, chỉ đơn thuần là một lời mô tả, rằng, quân đội Mỹ là một bộ máy phân cấp và là một trong những bộ máy lớn nhất và nổi tiếng về chế độ quan liêu nhất thế giới.

Các em cần phải biết rằng khi các em nhận được nhiệm vụ là lúc ấy em đang tham gia bộ máy phân quyền, và dù có ở trong quân đội bao lâu đi chăng nữa thì các em cũng sẽ hoạt động trong bộ máy đó. Mặc dù khác với các lực lượng vũ trang trong những khía cạnh tổ chức xã hội thì điểm chung không thay đổi là sự tôn trọng. Do đó, các em hãy để ý cách bộ máy này vận hành, những hành vi hay tính cách nào sẽ được tuyên dương hay chê trách.

Vì vậy, trở lại với cuốn tiểu thuyết. Marlow tiến về phía thượng nguồn theo từng giai đoạn, giống như thuyền trưởng Willard xuất hiện trong phim. Đầu tiên, anh ta đến Trạm Ngoại còn Kurtz lại ở Trạm Nội, và ở giữa là trạm trung tâm, nơi mà Marlow dành nhiều thời gian nhất ở đấy và cũng là nơi chúng ta có cái nhìn rõ nhất về chế độ quan liêu qua những việc làm và những kiểu người thành công ở bộ máy đó. Dưới đây là phần mô tả của Marlow về người quản lí của Trạm trung tâm :

“ Hắn có màu da, các nét trên khuôn mặt, cách cư xử, giọng nói rất phổ biến như bao người thường và có dáng người tầm trung. Đôi mắt màu xanh bình thường, khá lạnh… Nếu có gì đó đáng chú ý khó giải thích thì đó nụ cười mỉm nửa thực nửa không khiến tôi không thể lý giải. Hắn là một thương nhân, chập chững bước vào nghề từ khi trẻ cho đến khi được làm việc trong các bộ phận. Hắn ta là người biết tuân thủ, nhưng lại không tạo cho đối phương cảm giác quý mến hay sợ hãi, cả sự tôn trọng cũng không. Hắn khiến người khác cảm thấy băn khoăn. Chính xác! Là băn khoăn. Không phải là sự ngờ vực hoàn toàn, chỉ là tạo cảm giác băn khoăn, mơ hồ. Bạn sẽ chẳng thể biết được năng lực của hắn như thế nào. Không phải là thiên tài trong việc tổ chức, nghĩ ra các sáng kiến hay thậm chí là sắp xếp… Không học vấn, không thông minh. Nhưng hắn ta lại đang ở vị trí đó – Tại sao? Xuất phát điểm của hắn là con số không và hiện tại hắn vẫn chỉ là thế. Nhưng hắn ta thực sự rất giỏi, giỏi trong việc không tiết lộ điều gì giúp hắn có được chỗ đứng như vậy. Bí mật đó vẫn luôn được cất giữ. Có lẽ sự thật là hắn ta chẳng có gì cả chăng. Những băn khoăn như vậy thực sự đã tạo ra một khoảng lặng suy nghĩ dài.”

Hãy để ý đến các tính từ: “rất phổ biến, thông thường, bình thường, thường thấy”. Không có gì đặc biệt về con người này. Khoảng lần thứ 10 tôi đọc đoạn văn đó, tôi nhận ra đó là sự miêu tả hoàn hảo về kiểu người dễ thành công trong môi trường quan liêu. Điều duy nhất khiến tôi nhận ra đó là lời mô tả ấy giống hệt chủ tịch bộ phận học thuật mà tôi từng làm việc cùng, người mà có khả năng cười một cách mơ hồ giống hệt loài cá mập, và điều đấy khiến đối phương cảm thấy băn khoăn như mình vừa làm điều gì đó sai, chỉ là người đấy sẽ không để bạn biết đó là gì. Giống như rất nhiều người khác mà các em sẽ gặp sau này khi thương thuyết, các em cuối cùng cũng sẽ dành hết tài năng của mình cho những nơi như quân đội, Microsoft, ngân hàng thế giới hay bất kì tổ chức nào khác. Trưởng khoa của tôi không giỏi tổ chức, nghĩ ra các sáng kiến hay thậm chí là sắp xếp, không học vấn cụ thể cũng không có trí tuệ, và không có đặc tính gì nổi trội. Cô ấy chỉ có một khả năng là giữ mọi chuyện cứ diễn ra như thường lệ, và cô ấy vẫn được nắm giữ vị trí hiện tại – Tại sao?

Đó thực sự là bí ẩn lớn về chế độ quan liêu. Tại sao những người giỏi nhất bị mắc kẹt ở giữa còn những người đang cầm quyền – nhà lãnh đạo lại trông rất tầm thường.

 

Bởi vì sự xuất sắc không phải là thứ giúp các em vượt qua các thử thách mà là khả năng ứng biến linh hoạt.

 

 Kính trọng những người trên mình, bỏ qua những kẻ ở dưới, làm hài lòng giáo viên và cấp trên, chọn một cố vấn giỏi và tận dụng hết khả năng của người đó; hay vượt qua thử thách, tích cực đi giao lưu kết bạn, và làm bất kì điều gì mà người khác muốn bạn làm vậy cho đến khi có vẻ như bạn chẳng có giá trị gì bên trong. Nhớ là không được chấp nhận rủi to một cách ngu ngốc như cố gắng thay đổi cách làm và thắc mắc tại sao lại làm như vậy. Tất cả những việc cần làm chỉ là giữ mọi chuyện đi đúng đường của nó thôi.

Tôi nói với các em điều này để cảnh báo trước một vài thứ, vì tôi đã hứa rằng các em sẽ gặp những kiểu người này và sẽ tìm thấy chính mình trong những môi trường mà tính phù hợp được đặt lên hàng đầu. Tôi nói điều này để các em có thể quyết định trở thành một nhà lãnh đạo hoàn toàn khác. Và tôi nói điều này vì một lí do khác nữa. Khi tôi nghĩ về chuyện này và đặt các mảnh ghép đó lại với nhau – những kiểu sinh viên mà tôi từng dạy, dạng lãnh đạo nào chúng được đào tạo, những kiểu người đứng đầu mà tôi thấy trong tổ chức của mình – tôi nhận ra rằng đây là vấn đề mang tính quốc gia. Chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng lãnh đạo ở đất nước này, ở mỗi một thể chế, chứ không riêng mình chính phủ. Nhìn vào những gì đã xảy ra với các công ty Mỹ trong những thập kỉ gần đây, khi những đầu sỏ kì cựu như General Motors hay TWA hay U.S. Steel dần tan rã; và hãy nhìn vào điều đã xảy ra ở phố Wall chỉ trong vài năm qua.

Cuối cùng là, tôi biết tôi đang chuẩn bị nói về điều khá nhạy cảm ở đây – hãy nhìn vào những điều đã xảy ra trong suốt bốn năm đầu của chiến tranh Iraq. Chúng ta bị mắc kẹt. Đó không phải là lỗi của hàng quân nhập ngũ, hạ sĩ quan hay các cán bộ cơ sở, mà là lỗi của kẻ lãnh đạo cấp cao, dù người đó ở trong quân đội hay chỉ là người thường, hoặc cả hai. Chúng ta đang không di chuyển gì cả, mà thậm chí còn chẳng hề đổi hướng.

Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lãnh đạo vì sức mạnh và sự giàu có thịnh vượng có được nhờ vào các thế hệ trước đó của các nhà lãnh đạo đã làm chúng ta tự mãn, và trong suốt thời gian dài, ta lại đào tạo những kẻ cầm quyền chỉ biết làm thế nào để giữ mọi chuyện đi theo tiến trình. Ai cũng có thể trả lời câu hỏi, nhưng chẳng biết làm thế nào để hỏi. Ai cũng biết hoàn thành mục tiêu, nhưng lại không biết làm thế nào để thiết lập chúng. Ai cũng nghĩ về làm thế nào để giải quyết mọi chuyện, nhưng liệu có chắc rằng những việc đấy nên được ưu tiên thực hiện. Điều mà chúng ta đang có hiện giờ là những nhà kỹ trị tài hoa nhất thế giới, những người được đào tạo chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể, và cũng là người không quan tâm bất cứ điều gì ngoài lĩnh vực của mình. Và điều chúng ta không có hiện giờ là những nhà lãnh đạo.

Những gì ta không có, nói cách khác, là những nhà tư tưởng. Những người biết chiêm nghiệm, tạo dựng một hướng đi mới: cho đất nước, cho một công ty hay một trường đại học, cho quân đội – có một cách làm mới, cách nhìn mới về mọi việc. Nói ngắn gọn hơn, là những người có tầm nhìn.

Bây giờ, có thể một số người sẽ nghĩ là: “Tuyệt, hãy nói điều này với mấy đứa ở Yale ấy, nói với West Point làm gì?” Hầu hết mọi người khi nghĩ về học viện này đều cho rằng đó là lựa chọn cuối khi muốn bàn về tư duy sáng tạo hay tạo dựng tính suy nghĩ độc lập. Cuối cùng thì đó vẫn là quân đội. Không phải ngẫu nhiên khi mà cụm từ regiment (quân sự)  là gốc rễ của cụm từ regimentation ( sự tổ chức thành từng đoàn). Chắc chắn rằng các em đến đây đều là những người biết tuân thủ, là những người chỉ biết đi theo lối sẵn có và chẳng quan tâm gì về việc thay đổi; cũng chẳng phải người biết nghĩ về những vấn đề thế giới, biết đào sâu những vấn đề lớn và đặt câu hỏi với chính quyền. Nếu các em đã là những người như thế thì giờ các em hẳn phải ở Amherst hay Pomona rồi, chứ không ở West Point để bị chỉ đạo phải làm việc gì và nghĩ gì.

Nhưng các em biết đấy, điều đó không hề đúng. Và tôi cũng biết điều đó; nếu không thì tôi đã chẳng được mời đến đây để nói chuyện với các em, và tôi thậm chí có khi sẽ bị thuyết phục bởi điều trên sau khi dành vài ngày ở đây cũng nên. Tôi sẽ nhắc lại điều mà Đại tá Scott Krawczyk - giám đốc khóa học của các em đã đề cập trong bài giảng năm ngoái tại lớp tiếng Anh 102:

“Ngay từ những ngày đầu của đất nước này, mô hình cán bộ được xây dựng trên mô hình của công dân và mô phỏng lí tưởng dân chủ là phải khác nhau. Hai thứ đấy đều phải mang tinh thần dân chủ được đánh dấu bởi tuyên ngôn độc lập, sự tự do trong hành động và bày tỏ sự bất đồng, và trách nhiệm quan trọng là không bao giờ cam chịu bạo ngược.”

Còn một điều quan trọng hơn nữa là, những ai để ý kĩ trong những vài năm trở lại đây đều hiểu rằng việc thay đổi bản chất chiến tranh đồng nghĩa với việc các cán bộ gồm cả cán bộ cơ sở được yêu cầu phải tư duy độc lập, sáng tạo và linh hoạt hơn bao giờ hết, phải áp dụng một loạt các kĩ năng trong một diễn biến đầy phức tạp này. Ví dụ như một số Thượng tá lại là người cầm quyền một số tỉnh vùng ở Iraq, hay thuyền trưởng lại là người điều hành một thị trấn hẻo lánh nào đó ở Afghanistan. Đó là những người mà biết làm những việc khác chứ không đơn thuần nghe lời tuân lệnh và thực hiện các công việc thường ngày.

Hãy nhìn vào người lính thành công, nổi tiếng và có lẽ là giỏi nhất trong thế hệ cùng lứa với ông ấy, Tướng David Petraeus. Ông ấy là một trong những người hiếm hoi đi lên từ bộ máy quan liêu một cách chính đáng. Ông ấy là một nhà tư tưởng, là một trí thức. Thậm chí là tạp chí Prospect đã gọi ông là Nhà trí thức công chúng của năm vào năm 2008. David Petraeus có bằng Tiến sĩ từ Đại học Princeton, nhưng việc gọi ông ấy là một nhà tư tưởng không phải là vì tấm bằng Tiến sĩ ấy, hay chuyện học ở Princeton, cũng chẳng phải vì ông ấy là giảng viên ở West Point. Tôi dám chắc rằng có rất nhiều người học vấn cao nhưng chẳng biết tư duy một chút nào cả.

Điều giúp ông ấy được gọi là nhà tư tưởng và cũng là nhà lãnh đạo chính là David có thể tự tư duy, suy nghĩ. Và vì ông ấy có thể, nên ông rất tự tin, can đảm tranh luận về ý tưởng của mình ngay cả khi những ý tưởng đó không được phổ biến cho lắm, và thậm chí là khi ông ấy không làm cấp trên hài lòng. Lòng dũng cảm : có một loại là dũng cảm trong tương tác hành động, cái mà các em đây ai cũng có, nhưng, còn một loại dũng cảm khác là can đảm đạo đức, đó là lòng can đảm dám đứng lên cho những điều mà mình tin tưởng.

Con đường sự nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng như một đường thẳng với David Petraeus. Khi ông chạy Mosul năm 2003 với vai trò chỉ huy của Airbone 101 và phát triển chiến lược mà sau này ông đưa vào cuốn “Hướng dẫn chống chiến tranh du kích” rồi sau đấy áp dụng xuyên suốt ở Iraq, ông đã khiến nhiều người tức giận. Ông ấy đã đi trước những nhà lãnh đạo ở Baghdad và Washington, và những nhà quan liêu không thích điều này chút nào. Chỉ với hai sao trong cấp bậc quân hàm của mình, David ngầm lên tiếng một cách mạnh mẽ rằng lãnh đạo đã sai về cách vận hành chiến tranh. Thật vậy, ban đầu ông ấy không được tán dương. Ông bị yêu cầu phụ trách huấn luyện đội quân Iraq, điều này được xem như là một đòn giáng mạnh vào sự nghiệp của mình. Nhưng ông vẫn nhất quyết gắn với công việc của mình, và cuối cùng ông được minh oan. Trớ trêu thay, một trong những yếu tố trọng điểm của chiến lược chống du kích của David Patraeus chính là các cán bộ cần phải tư duy linh hoạt, sáng tạo và độc lập.


Đó là nửa đầu bài giảng hôm nay: lãnh đạo thực thụ đồng nghĩa với việc có thể tự tư duy và hành động cho những gì mình tin tưởng. Những làm thế nào để học được cách làm điều đó? Làm thế nào để học cách tư duy? Hãy băt đầu với cách bạn không học tư duy. Một nghiên cứu của một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã được đưa ra một vài tháng trước để tìm hiểu cách sinh viên ngày nay đa nhiệm vụ hiệu quả như thế nào so với người lớn và cách thức họ thực hiện việc đấy. Tuy nhiên, câu trả lời không giống những gì họ mong đợi. Những thứ gọi là khả năng nhận thức cấp cao hay năng lực trí tuệ giúp con người làm nhiều việc đồng thời một cách hiệu quả thực ra không hề tồn tại. Và đây là kết quả nghiên cứu: khi con người làm nhiều việc một lúc, năng suất càng thấp, không chỉ năng lực trí tuệ kém đi mà cả chất lượng công việc nữa.

Điều khiến bài nghiên cứu này khác biệt đó là các nhà nghiên cứu đã không hề kiểm tra các chức năng nhận thức của người tham gia khi họ đang đa nhiệm. Các nhà khoa học chỉ chia nhóm đối tượng ra làm hai loại: những người thực hiện nhiều việc và những người làm ít việc cùng lúc hơn và sử dụng các bài đánh giá khác nhau để đo các loại khả năng nhận thức khi đa nhiệm. Họ phát hiện rằng trong mọi trường hợp, kết quả của những người phải thực hiện nhiều việc đều kém hơn. Họ không giỏi phân biệt những thông tin liên quan và không liên quan và thường bỏ qua những thông tin không liên quan đó. Nói cách khác, họ dễ bị phân tâm hơn. Họ thường kém ở khoản gọi là “sắp xếp tinh thần”, đó là việc giữ thông tin theo đúng nghĩa hoàn cảnh và nhanh chóng tiếp thu nó.  Não bộ họ thiếu tổ chức hơn và tồi tệ hơn cả là họ rất kém ở khoản khắc họa rõ nhất cụm từ “đa nhiệm”: linh hoạt chuyển đổi nhiệm vụ.

Nói ngắn gọn, đa nhiệm vụ không chỉ khiến ta không tư duy mà còn làm yếu đi khả năng đó. Tư duy nghĩa là tập trung vào một việc nào đó đủ lâu để phát triển ý tưởng về nó, chứ không phải học tập ý tưởng từ người khác hay học thuộc một dãy thông tin, mặc dù những điều này thỉnh thoảng khá có ích.

 

Hãy phát triển những ý tưởng của riêng các em. Tóm lại, hãy nghĩ về bản thân mình.

 

Tất nhiên các em sẽ chẳng thể nghĩ được gì khi cứ 20 giây một lần lại bị phân tán bởi tin nhắn Facebook hay Twitter, nghịch Ipod của mình hay xem thứ gì đấy trên Youtube.

Tôi phát hiện rằng những suy nghĩ đầu tiên của tôi không phải là cái tốt nhất. Những điều đầu tiên mà tôi nghĩ tới luôn là ý kiến của người khác, luôn là thứ mà tôi đã từng nghe đâu đấy, là những điều thông thường. Chỉ có cách tập trung hoàn toàn vào câu hỏi, kiên nhẫn, lắng nghe tiếng nói của tâm trí thì tôi mới có thể tạo được ý tưởng của riêng mình.  Việc để não bộ tự tạo mối liên kết thực sự khiến tôi ngạc nhiên về kết quả mà nó tạo ra. Và đôi khi, ý tưởng của tôi không phải lúc nào cũng tốt. Tôi cũng cần thời gian để suy nghĩ, để phạm sai lầm rồi nhận ra và sửa chữa chúng, để luôn giữ vững năng lượng tích cực và kiềm chế khao khát nhanh chóng báo cáo công việc hoàn thành và làm việc tiếp theo.

Có những sinh viên từng khoe với tôi về việc chúng viết nhanh các bài báo cáo như thế nào. Và tôi đã nói rằng tiểu thuyết gia vĩ đại người Đức Thomas Mann nói rằng nhà văn là người thấy việc viết khó khăn hơn so với những người thường. Những nhà văn giỏi luôn viết chậm hơn rất nhiều so với mọi người khác, và những người càng giỏi bao nhiêu thì khả năng viết chậm bấy nhiêu. James Joyce khi viết Ulysses – cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ở thế kỷ 20 đã viết với tốc độ khoảng một trăm từ một ngày – bằng một nửa độ dài cuốn Heart of Darkness – trong vòng bảy năm. T.S. Eliot, một trong những nhà thơ vĩ đại của đất nước ta đã viết khoảng 150 trang thơ trong suốt sự nghiệp 25 năm của ông ấy. Chắc là viết với tốc độ nửa trang trong một tháng. Do đó, đấy là một dạng khác của việc tư duy. Các em chỉ tư duy tốt nhất khi nghĩ chậm lại và tập trung hơn.

Và đây là lần thứ ba tôi nhắc đến từ “tập trung”. Các em có thể chỉ đơn giản nghĩ bài giảng của tôi là về sự tập trung hay chuyện chiêm nghiệm mình. Hãy nghĩ về việc từ đó thực sự có nghĩa là gì. Đó là việc hoàn toàn gắn kết bản thân vào một điểm chứ không để bị phân tán bởi đám mây dữ liệu điện tử và mạng xã hội. Dường như đối với tôi, Facebook, Twitter hay Youtube không hẳn là thứ mang tính thế hệ, TV, đài phát thanh hay báo chí, tất cả cuối cùng đều là một cái cớ được dựng lên để trốn chạy khỏi chính mình mà thôi, để tránh những câu hỏi khó khăn và rắc rối mà mọi người ném cho bạn. Liệu tôi có đang làm đúng chứ? Tôi có tin vào những điều từng được dạy khi là một đứa trẻ?  Những từ ngữ mà tôi luôn tuân theo – những từ như “nghĩa vụ, danh dự, quốc gia” thực sự có ý nghĩa gì?  Và tôi có hạnh phúc không?

Các em và những bạn ở học viên khác đều đang đứng ở vị trí đặc biệt trong số các sinh viên đại học. Các em không chỉ được biết rằng các em sẽ có việc ngay khi tốt nghiệp mà còn biết sếp của mình là người như thế nào. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi các em quyết định phục vụ cho quân đội? Nếu các em không biết mình là ai thì làm sao có thể biết được mình muốn làm gì với cuộc đời mình? Nếu các em không thể lắng nghe tiếng nói sâu thẳm của chính bản thân mình về điều em thực sự quan tâm, tin tưởng thì những điều đó sao có thể phát triển dưới áp lực của thứ gọi là kinh nghiệm? Mọi sinh viên đều thấy khổ sở khi phải trả lời những câu hỏi này và nếu em không cảm thấy như vậy, có chăng em chỉ đang trì hoãn tìm câu trả lời thôi.

Có lẽ một số em đang khổ sở với những câu hỏi đó. Không phải ai bắt đầu ở vị trí này cũng quyết định kết thúc ở vị trí này. Chuyện này không có gì đáng ngạc nhiên hay xấu hổ cả. Các em đều đang ở trong giai đoạn đào tạo yêu cầu cao nhất so với độ tuổi của mình và các em đang cống hiến cho công việc đầy tinh thần trách nhiệm với lưỡi hái tử thần luôn rình rập. Tính chặt chẽ và tổ chức quân sự là điều sẽ làm các em tự nhiên quên mất đi đam mê gì đã mang mình tới đây. Tôi thấy điều tương tự như này ở trường Yale. Không phải các sinh viên đều là những con robot mà ngược lại, chúng rất duy tâm và có lí tưởng. Nhưng chính sức nặng của trách nhiệm thực tế, chính những cái hố mà chúng phải vượt qua dần dần khiến những sinh viên đó quên đi lí tưởng của mình là gì.

Vì vậy, thực sự hoàn toàn tự nhiên khi các em có những nghi ngờ, câu hỏi hoặc thậm chí là những khó khăn. Câu hỏi đặt ra là, các em sẽ làm gì với chúng đây? Các em có kìm nén và lờ những điều đó đi và giả vờ như chúng không tồn tại? Hay các em sẽ trực tiếp dũng cảm đối mặt? Câu trả lời chỉ có thể được tìm thấy ở nơi không có sự phân tán hay áp lực, mà phải ở nơi tĩnh lặng.

 “Thực tại là của riêng mình, không phải của người khác”. Chiêm nghiệm bản thân chính là đang đi tìm con người thật của mình, tìm kiếm thực tại của riêng mình. Và đây chính là vấn đề của Facebook, Twitter và thậm chí là New York Times khi các em liên tục tiếp xúc với chúng, các em sẽ bị bội thực bởi hàng tá suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Các em đang nhấn chìm chính mình trong trí tuệ thông thường, trong thực tại của người khác. Các em đang tạo ra âm thanh chói tai mà khiến các em không thể nghe được tiếng nói sâu thẳm về bản thân hay bất kì thứ gì khác. Đó chính điều mà Emerson muốn truyền tải khi nói rằng: “Một khi anh ta đã dẫn dắt và lãnh đạo bộ tộc của mình, chắc chắc anh ta sẽ được bảo vệ bởi các linh hồn của những người khác từ những chuyến đi, từ việc sống, thở, đọc và viết trong những ý kiến hàng ngày hay cả cái đã nhuốm màu thời gian.” Hãy để ý rằng Emerson dùng cụm từ “lãnh đạo”. Lãnh đạo nghĩa là tìm ra một hướng đi mới, chứ không đơn giản đứng lên trước đám đông đang tiến về phía trước.

Vậy thì, tại sao đọc sách lại tốt hơn việc đọc các câu tweets hay các bài đăng trên tường Facebook? Thực ra thì đôi khi nó cũng không tốt lắm đâu. Thỉnh thoảng, các em cần đặt sách xuống, nếu là để suy nghĩ về cái em đang đọc, về điều em tư duy về thứ em đang đọc. Đọc một cuốn sách có hai ích lợi so với đọc một câu tweet. Đầu tiên, người viết nên quyển sách hẳn phải suy nghĩ rất nhiều về nó một cách cẩn thận, nó là kết quả của sự độc lập của người đó, sự cố gắng để tự mình tư duy.

Thứ hai, hầu hết các sách đều đã cũ. Thực chất đây không phải là một bất lợi, mà là điều giúp sách trở nên có giá trị. Chúng khác với trí tuệ thường thấy ở hiện tại đơn giản vì chúng không đến từ ngày nay. Ngay cả khi chỉ đơn thuần phản ánh cách tư duy ở thời của chúng, những quyển sách đó luôn khắc họa những điều khác lạ với cái mà các em thường nghe. Nhưng những cuốn sách kinh điển, cuốn mà các em tìm thấy trong chương trình học, những cuốn mà con người ngày nay vẫn tiếp tục đọc, không phản ánh trí tuệ ở thời đó. Chúng viết về những điều có năng lực vô tận để phá vỡ thói quen suy nghĩ của chúng ta. Những quyển sách ấy mang tính cách mạng cả trong thời nó và cả trong thời nay.

Vì vậy, chiêm nghiệm có thể hiểu là soi sét, hướng tâm vào bản thân, hoặc cũng có nghĩa là tập trung làm việc hay duy trì việc đọc. Tất cả những điều này đều giúp các em hiểu rõ mình hơn. Nhưng có một điều tôi muốn kết luận có vẻ phản trực với dạng độc lập này là: Tình bạn. Tất nhiên, tình bạn là sự đối lập với tính độc lập vì nó mang nghĩa là hoạt động cùng với những người khác. Nhưng, tôi muốn nói đến một loại tình bạn đặc biệt, một thứ tình cảm sâu sắc thật sự. Không nói chuyện qua skype ba người, và không nhắn tin với hai người bạn còn lại khi bạn đang ở trong phòng một người bạn khác cùng nghe nhạc và học bài. Đó là những gì Emerson hướng đến khi ông nói rằng:

 

“Tâm tưởng của bản thân khi ở cùng với bạn bè có thể được chuyển hóa thành dạng tình bạn hay dạng chiêm nghiệm vĩ đại hơn.”

 

Xem xét nội tâm giống như trò chuyện với bản thân, và một trong những cách hiệu quả nhất để trò chuyện với chính mình là nói chuyện với một người khác. Người nào đó mà các em tin tưởng và giúp em cởi mở lòng mình. Người nào đó khiến các em cảm thấy an toàn để chấp nhận những nghi vấn mà các em chưa từng nghĩ tới, đặt những câu hỏi mà các em chưa từng nghĩ sẽ được hỏi, và bình thản khi cảm xúc, suy nghĩ của mình bị cười nhạo hay phê bình.

Đấy được gọi là tư duy thành tiếng, khám phá thứ các em tin tưởng trong quá trình khớp nối nó. Nhưng việc này mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi kiên nhẫn và tính độc lập nghiêm túc, trong khi thế giới điện tử ngày nay đang từng ngày phá vỡ những điều này. Thay vì có một hay hai bạn thân mà ta có thể ngồi nói chuyện suốt ba tiếng liên tục thì giờ ta lại có 968 “người bạn” mà chẳng nói chuyện bao giờ; thay vào đó ta lại gửi những tin nhắn một dòng ngắn ngủn cho họ khoảng 100 lần một ngày. Đây không gọi là tình bạn, đây là biểu hiện phân tâm.

Tôi biết rằng muốn tránh khỏi những việc này thật khó khăn với các em. Ngay cả khi các em vứt điện thoại ra một bên, tháo máy tính ra thì tính khắc nghiệt của chương trình đào tạo này khó để tạo tính độc lập, dù tính độc lập đó ở dạng nào đi chăng nữa. Nhưng lí do hợp lí nhất để các em cố gắng là công việc của cái mà các em đang được huấn luyện sau này sẽ yêu cầu nhiều hơn thế.

Làm thế nào để có được sức mạnh và trí tuệ để thách thức với thứ trật tự lộn xộn và chính sách ương ngạnh như thế này? Các em sẽ làm điều gì đầu tiên khi các em phải viết một lá thư đến người mẹ của người lính đã hi sinh? Hay làm thế nào để tìm được những lời lẽ chân thành an ủi trong những con chữ như đã được lập trình thế này?

Đây thật sự là những vấn đề tiến thoái lưỡng nan ghê gớm, càng ngày càng nhiều người gặp phải những vấn đề này hơn, còn chưa kể đến khi họ 23 tuổi. Khoảng thời gian chuẩn bị hành trang cho mình là bây giờ, các em a. Và hãy chuẩn bị bằng cách hướng tư duy các vấn đề vào bản thân về đạo đức, tính sống còn, danh dự để có được năng lực tự tin giải quyết mọi vấn đề. Nếu cứ đợi chờ đến lúc mọi chuyện phát sinh mới tìm phương hướng giải quyết thì chẳng khác gì khi cuộc đọ súng bắt đầu mới đi tìm hiểu bắn súng như thế nào.

 

Các em cần phải chuẩn bị trước, cần phải biết mình là ai và điều mình tin tưởng là gì: không phải thứ quân đội tin tưởng, không phải điều bạn bè tin tưởng mà là điều bản thân em tin tưởng.

 

Và quan trọng là, làm sao các em biết được điều đó nếu không tự vấn bản thân? Tôi bắt đầu để ý rằng chiêm nghiệm và khả năng lãnh đạo có vẻ là hai điều mâu thuẫn, nhưng có vẻ như nó lại là bản chất ẩn sâu trong lãnh đạo. Vị trí của người đứng đầu có thể sẽ vô cùng đơn độc, vô cùng cô đơn. Nhưng dù các em có tham khảo bao nhiêu người đi chăng nữa thì các em vẫn sẽ là người đưa ra quyết định khó khăn cuối cùng. Và ở những thời điểm như thế, tất cả những gì các em có chính là bản thân các em.

 Trạm Đọc (Read Station)

Theo The American Scholar

Tags: