Trong suốt quãng đời đi học của mình, dù được học với rất nhiều thầy cô, nhưng chúng ta chỉ nhớ những người thật sự truyền cảm hứng cho chúng ta. Những người thầy đáng nhớ đó có những phẩm chất gì? Tại sao học sinh học được những điều từ họ hơn những người khác? Theo một cuộc khảo sát hơn 5000 sinh viên đại học ở một số quốc gia, có bốn phẩm chất tạo nên sự khác biệt ở những người thầy đáng nhớ này. Đó là: kiến thức chuyên môn, khả năng truyền đạt hay giao tiếp, khả năng cập nhật kiến thức thích ứng với cuộc sống và sự quan tâm tới người học.
Trong cuộc khảo sát này, phần lớn sinh viên chia sẻ rằng phẩm chất số một của một người thầy đáng nhớ là hiểu biết thấu đáo về môn học.
Thầy cô giáo không chỉ cần có năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm, mà còn phải có sự nhìn nhận thấu đáo về môn học. Nếu người thầy chỉ có kiến thức chuyên môn thì không đủ để truyền cảm hứng cho sinh viên. Người thầy đáng nhớ hiểu lý do mình chọn giảng dạy môn học hay chuyên ngành đó và tại sao chuyên ngành đó là cần thiết cho xã hội. Những hiểu biết thấu đáo này sẽ đem lại nhiều hứng thú hơn cho lớp học và tạo động lực học tập cho sinh viên. Socrates, triết gia người Hy Lạp đã nói: “Giáo dục là khơi gợi niềm đam mê học tập chứ không phải là nhồi nhét kiến thức”. Không đơn thuần là người truyền thụ tri thức, thầy cô giáo còn là những người truyền lửa, mang đến cho sinh viên niềm say mê học hỏi bằng nhiệt huyết của chính mình. Khi sinh viên hỏi tại sao tôi chọn dạy ngôn ngữ lập trình, tôi nói: “Thầy muốn dạy cho tất cả các em viết nên những vần thơ đẹp bằng ngôn ngữ khoa học”. Tất cả sinh viên đều cười cho rằng tôi đói đùa. Nhưng sau khi kết thúc môn học, nhiều sinh viên chia sẻ với tôi rằng họ thích cách tôi so sánh ngôn ngữ máy tính với thơ ca, như vậy mà việc học cú pháp, cấu trúc và các ngôn ngữ lập trình trở nên thú vị hơn.
Chúng ta đã từng trải qua những giờ học khiến mình say mê, tâm đắc khi thầy cô giáo truyền đạt những điều họ thật sự tâm huyết. Điều này xảy ra khi lớp học có đồng thời hai yếu tố: kiến thức được truyền dạy thật sự thú vị, lôi cuốn và thầy cô giáo thăng hoa trên bục giảng như một nghệ sĩ tài năng. Có những buổi học truyền cảm hứng đến mức ngay cả những học sinh yếu hay học sinh cá biệt cũng bị cuốn hút bởi những ví dụ minh họa lý thú, sự hài hước cùng niềm say mê tri thức lan tỏa từ thầy cô. Trong khoảnh khắc đó, bầu năng lượng kỳ diệu này đã khơi lên ngọn lửa khát khao trí thức từ người học. Khi thầy và trò đều là những ngọn lửa thắp lên đồng thời, tất cả sẽ cùng hướng đến những viễn cảnh tươi sáng vượt ra ngoài phạm vi lớp học. Đây chính là những thầy cô giáo truyền cảm hứng mà chúng ta thường được nghe nói đến trong sách. Thật may mắn nếu mỗi chúng ta đã từng có một thầy giáo cô giáo như thế. Sự xuất hiện của họ tác động sâu sắc đến cuộc đời chúng ta. Và nếu chọn con đường dạy học, chúng ta cũng sẽ tiếp nối điều kỳ diệu đó - nhóm lên ngọn lửa học thuật và niềm say mê tri thức cao đẹp cho học sinh.
Phẩm chất thứ hai của người thầy đáng nhớ là khả năng truyền đạt tri thức.
Thầy cô giáo có thể là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, nhưng nếu thầy cô giáo không giỏi truyền đạt những hiểu biết của họ cho người khác thì điều gì sẽ xảy ra? Một người thầy có kỹ năng sư phạm có thể đảm nhận một môn học khó và giải thích nó theo cách đơn giản nhất để học sinh có thể hiểu được. Cũng với môn học đó, người thầy thiếu kinh nghiệm truyền đạt có thể làm cho một khái niệm thêm phức tạp và khó hiểu đối với người học. Trái với điều mọi người thường nghĩ rằng giao tiếp là trao đổi thông tin, giao tiếp đúng nghĩa là người nghe hiểu được những mong muốn của người nói đằng sau những thông tin được truyền đạt. Giao tiếp hiệu quả trong giảng dạy và truyền đạt một thông điệp như thế nào để thông điệp đó được người học tiếp nhận và hiểu đích xác như người thầy mong đợi. Giao tiếp hiệu quả không chỉ tùy thuộc vào cách dùng từ ngữ mà đòi hỏi cả một bộ kỹ năng bao gồm sự chú ý lắng nghe, thái độ bình tĩnh trong khi lắng nghe và khả năng nhận diện cảm xúc của đối phương khi đối thoại. Chẳng hạn, khi nhận được một câu hỏi khó, một số thầy cô giáo sẽ cho người học câu trả lời ngay, thay vì gợi ý để người học tự tìm ra câu trả lời. Người thầy đáng nhớ sẽ giải thích rõ các khái niệm, chia sẻ các kỹ thuật cần thiết để người học có thể tự mình tìm thấy câu trả lời. Thầy cô có kỹ năng giao tiếp tốt thường suy nghĩ thấu đáo về mọi điều mình sẽ nói ra. Họ luôn tự vấn bản thân để rút ra phương pháp nào hiệu quả nhất, phương pháp nào chưa hiệu quả và tự hoàn thiện kỹ năng giao tiếp của mình với học sinh.
Phẩm chất thứ ba của người thầy đáng nhớ thể hiện ở khả năng làm cho môn học mình giảng dạy luôn thích ứng với cuộc sống.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, họ sẽ luôn cập nhật giáo trình để những kiến thức và kỹ năng họ truyền đạt luôn đáp ứng thiết thực mục tiêu học tập của học sinh, sinh viên trong cuộc sống hiện đại. Khi thấy được lợi ích thiết thực của môn học, các em cũng sẽ hào hứng với việc học hơn. Với quan niệm không có bất cứ rào cản nào ngăn các môn học với đời sống, thầy cô giáo giỏi sẽ luôn giúp học sinh liên hệ kiến thức trong bài giảng với những gì đang diễn ra ngoài xã hội. Với trẻ mầm non hay học sinh tiểu học, người thầy đáng nhớ sẽ reo cho các em những hạt mầm của lòng tốt, sự tử tế, tính độ lượng và tư duy tích cực khi truyền dạy kiến thức, để các em biết rằng trở thành một công dân tốt và có trách nhiệm quan trọng hơn trở thành người học giỏi nhất lớp. Với các học sinh từ trung học trở lên, người thầy đáng nhớ sẽ luôn hướng học sinh đến việc phát triển tư duy phân tích, kỹ năng nhìn nhận và xử lý vấn đề theo những giá trị đúng đắn như sự chính trực, lương tri, công bằng xã hội. Tinh thần cống hiến và thói quen không ngừng mở mang trí thức là những điều nên song hành với các em suốt đời.
Người thầy đáng nhớ không khuyến khích học sinh hơn thua nhau mà hướng các em đến việc dùng mọi kỹ năng kiến thức đã học để tạo dựng một xã hội ngày mai tốt đẹp hơn. Chẳng hạn, trong hoàn cảnh môi trường toàn cầu đang kêu cứu vì ô nhiễm, người thầy đáng nhớ sẽ luôn nhắc học sinh rằng: Các em là thế hệ chữa lành, thế hệ xây dựng lại thế giới này tốt đẹp sau những sai lầm của thế hệ trước. Con người không phải là chủ nhân địa cầu mà chỉ là một phần trong hệ sinh thái địa cầu. Hãy giúp trái đất xanh trở lại trước khi quá muộn”.
Phẩm chất thứ tư làm nên sự khác biệt của người thầy đáng nhớ là sự quan tâm đối với học sinh.
Người thầy đáng nhớ luôn quan tâm sâu sắc đến tương lai của học sinh. Họ sẵn lòng dành thêm thời gian để giúp người học hiểu bài và đưa ra những hướng dẫn cần thiết. Người thầy đáng nhớ ở bậc đại học luôn trao cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng thiết thực trong nghề nghiệp và đồng thời khuyến khích tư duy phản biện, tôn trọng sự phát triển độc lập của sinh viên. Bên cạnh đó, người thầy còn truyền cảm hứng để sinh viên trở thành những công dân có trách nhiệm và hành xử công chính.Tri thức, khoa học bắt nguồn từ một tâm hồn tử tế và có trách nhiệm thì mới thực sự giúp ích cho cộng đồng.
Sự thật là thầy cô giáo có ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình trưởng thành của học sinh, sinh viên trong suốt những năm học. Những ảnh hưởng này vượt ra khỏi phạm vi bài giảng. Thầy cô giáo không chỉ truyền cảm hứng và tạo động lực cho học sinh mà còn làm thay đổi hành vi, đạo đức, cách ứng xử và cả tính cách của họ. Và đó chính là lý do tại sao học sinh luôn biết ơn những người thầy đáng nhớ trong suốt quãng đời của mình hết