Yoga và con đường tận cùng của sự giác ngộ: Câu chuyện về Nghiệp quả báo ứng
Yoga và con đường tận cùng của sự giác ngộ: Câu chuyện về Nghiệp quả báo ứng
Trích Dẫn Phần 3: Nghiệp quả báo ứng, Cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh

Angie hỏi thêm

– Nếu thế thì Yoga cổ xưa dạy thế nào?

Kris trả lời:

– Theo truyền thống được viết trong kinh Veda thì có ba môn phái Yoga hay ba con đường là Karma Yoga (con đường hành động), Jhana Yoga (con đường minh triết) và Bhakti Yoga (con đường sùng tín). Khởi đầu là ba con đường khác nhau nhưng cuối cùng chúng hợp làm một vì tất cả chỉ là những phương tiện mà thôi. Phương tiện có thể khác nhau nhưng mục đích vẫn là một, hay trở về hợp nhất với Thượng Đế.

Theo quan niệm của Ấn giáo thì mọi vật đều tìm về Thượng Đế. Từ ngàn xưa, trong mọi hoàn cảnh, dù dưới tên gọi này hay tên gọi khác, từ hình tướng này hay hình tướng khác, dù vô tình hay hữu ý, vạn vật đều tìm về nguồn sống thiêng liêng mà chúng phát xuất ra. Chúng ta có thể thấy biển cả tìm về nguồn qua những làn sóng trập trùng. Ngọn gió tìm về nguồn khi nó thổi qua mặt đất. Cũng như thế, cây cối trong rừng trổ mầm đơm hoa và các sinh vật lần mò từng bước một. Con người cũng thế, họ trở về qua nhiều hình thức, có khi thanh cao đẹp đẽ nhưng cũng có khi điên cuồng sai lạc.  

Khoa học ngày nay gọi sự tìm kiếm này là tiến hóa, hay là sự chuyển hóa để trở nên tốt hơn, rồi tiến đến chỗ tuyệt hảo. Tại sao như thế? Vì tất cả mọi vật đều phát xuất từ một nguồn gốc thiêng liêng tuyệt hảo và phải trở về với nguồn gốc đó – vạn vật đồng nhất thể. Ấn giáo và một số tôn giáo gọi cái nguồn gốc này bằng danh từ “Thượng Đế”. Phật giáo gọi là “Phật tánh”, và khoa học gọi là “năng lượng uyên nguyên” (primal energy).

Theo quan niệm của khoa học, năng lượng này có trong tất cả mọi vật. Từ giọt nước trong đại dương đến các loại kim thạch, từ thảo mộc đến loài cầm thú hay con người. Nó nằm ở bên trong, ẩn dưới một bức màn hư ảo của yếu tố vô minh bên ngoài nên sự tìm kiếm đúng đắn là quay vào bên trong chứ không phải hướng ra bên ngoài. Sự sai lầm của con người là họ thường đi tìm ở bên ngoài, do đó họ lạc lõng và mất phương hướng. Lúc đầu, con người đi tìm một cách vô ý thức hướng về sự sung sướng, thỏa mãn tham vọng cá nhân, do đó họ sẽ học bài học về sự đau khổ. Sau khi học được bài học này, cuộc tìm kiếm sẽ trở nên có ý thức hơn, họ biết nhận định rõ mục đích của họ và sử dụng kinh nghiệm học hỏi được để tiến về mục đích.

Có nhiều cách giải thích về con đường này tùy theo phong tục, tập quán, và điều kiện địa dư, theo đó sinh ra nhiều tôn giáo khác nhau. Nếu biết cởi bỏ các thành kiến hay các giáo điều chật hẹp của tôn giáo, ta có thể thấy tất cả mọi vật đều tìm về nguồn sống thiêng liêng này.

Angie lên tiếng:

– Tôi không hiểu rõ, xin ông nói thêm về truyền thống Yoga theo quan niệm của Ấn giáo.

Kris trả lời:

– Nếu quan sát, bà sẽ thấy con người dù sống ở nơi nào cũng đều đang đi trên con đường để trở về với nguồn gốc thiêng liêng đó. Con đường này kéo dài qua nhiều kiếp sống gọi là luân hồi. Người ta chết đi và đầu thai trong kiếp sống khác. Trong mỗi kiếp, họ phải học một số bài học để trở nên tốt đẹp hơn. Có người học được ngay, có người không học được, do đó phải học đi học lại nhiều lần. Đây là một hành trình gian nan kéo dài qua rất nhiều kiếp sống vì có rất nhiều ảo ảnh gây ra bởi khí lực vô minh gọi là g

Khí lực đầu tiên là sự bất động (tamas), nó thúc giục con người không làm gì cả. Bà có thể thấy nhiều người lười biếng, thẫn thờ không muốn làm gì. Lúc nào họ cũng trầm mình trong trạng thái bất động, âm u, hay trong sự ngu tối, mịt mờ. Họ sống một cách thụ động, không mục đích, không ý thức mà chỉ biết ăn hay ngủ và chỉ muốn yên thân trong hoàn cảnh đó. Đây là những người có mức tiến hóa rất thấp hay đi rất chậm nên phải mất thời gian rất lâu để học hỏi. Cũng có những người đã đi xa nhưng quay ngược lại vì chịu ảnh hưởng bởi các dược chất như rượu hay ma túy vì bản thân họ ham muốn sự bất động. Họ chưa biết hưởng những niềm vui trí thức hay ước vọng tâm linh, do đó họ còn phải trải qua một thời gian rất lâu trong nhiều kiếp nữa để học hỏi.

Karma Yoga cổ thúc giục mọi người hoạt động thay vì bất động. Trên con đường này, con người sẽ gặp rất nhiều ham muốn hay dục vọng dù đó là những thú vui vật chất, xấu xa, để thúc giục con người hoạt động qua một khí lực khác ngược lại với sự bất động.

Khí lực này là sự hoạt động (rajas), nó tạo ra những ham muốn, dục vọng để thúc đẩy con người hành động. Qua lòng ham muốn, con người lại hoạt động quá độ trong mọi chiều hướng. Lòng tham tạo ra những khí lực dồi dào, hung hăng khiến họ lao vào những hoạt động để thỏa mãn sự đòi hỏi. Những người này sẽ đi tìm những thứ bên ngoài, họ thu thập, vơ vét, gom góp tích trữ cho thật nhiều vì nghĩ rằng họ sẽ sung sướng với những vật chất đó. Thật ra đó chỉ là lòng ham muốn, ích kỷ, chịu ảnh hưởng bởi khí lực vô minh rajas mà thôi.

Trong giai đoạn này, yếu tố quan trọng nhất để họ phải học là sự đau khổ. Tất cả những người tham lam, ích kỷ đều phải trải qua bài học về sự đau khổ. Do đó mới có một quy luật gọi là Nhân quả. Mọi hành động gây ra đều có phản ứng ngược lại, gây nhân nào sẽ gặp quả nấy. Hiện nay đa số nhân loại đang đi trên con đường này vì họ chưa tìm được niềm hạnh phúc thật sự bên trong nên phải tìm vui qua sự sở hữu, chiếm đoạt tài sản vật chất bên ngoài. Bởi thế nên có sự bóc lột và chiến tranh. Qua các biến cố này, con người mới biết đến sự đau khổ nhưng để học được bài học này, họ còn phải trải qua rất nhiều kiếp vì đây là một bài học rất khó học trọn vẹn.

Angie hỏi:

– Nhưng ai đã đặt ra luật lệ này? Các yếu tố này xuất phát từ đâu?

Kris trả lời:

– Không ai đặt ra luật lệ này cả vì đó là những quy luật của vũ trụ. Nó hiện hữu và chi phối vạn vật trong vũ trụ. Nếu bà hỏi ai đã làm trái đất này quay chung quanh một quỹ đạo hay ai đã làm cho mặt trời chiếu sáng thì không ai có thể trả lời được vì đó là luật vũ trụ. Vì không thể giải thích nên một số người đã tạo ra tên gọi “Thượng Đế” ám chỉ một cá nhân nào đó ngồi trên cao tạo ra luật pháp. Thật ra “Thượng Đế” chỉ là một danh từ để nói về các quy luật của vũ trụ mà thôi.

Hiện nay, trên khắp thế giới, mọi người đều lao mình vào sự chiếm hữu. Họ làm việc không ngừng để nhắm vào mục đích là thu thập được thật nhiều của cải, tài sản vật chất vì họ nghĩ càng nhiều càng tốt. Từ đó sinh ra đủ thứ tệ nạn xã hội như sự bóc lột, đàn áp, đè nén, áp bức, rồi dẫn đến sự chênh lệch tài sản giữa người giàu và người nghèo.

Nếu nhìn kỹ, dù thành công hay thất bại, dù giàu có hay nghèo hèn, xã hội nào cũng đều có rất đông người mắc bệnh thần kinh như lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, chán nản v.v… Nếu để ý kỹ, bà sẽ thấy càng ngày số người mắc bệnh nan y càng nhiều. Số người chết vì đau tim, đột quỵ nhiều hơn bao giờ hết. Số người mắc các bệnh như ung thư cũng gia tăng nhiều hơn những năm trước. Đối diện với cái chết, họ bàng hoàng, đau khổ và lúc đó mới ý thức rằng tiền bạc, của cải, danh vọng không thể giúp họ sống mãi và khi chết họ cũng không thể mang theo. Đó là bài học mà họ phải học nếu họ có thể học được ở kiếp này. Thật ra sự theo đuổi dục lạc vật chất này không bao giờ chấm dứt và không bao giờ được thỏa mãn. Con người có thể hoạt động trọn đời để được giàu sang nhưng vẫn không thỏa mãn. Đã có lại muốn có nhiều hơn vì lòng tham không bao giờ ngưng. Kinh Veda nói rõ: “Đó chính là lấy dầu để dập tắt lửa”.

Trải qua nhiều kiếp sống, nhiều đau khổ, con người mới nhận thức rằng lúc nào họ cũng bất mãn, buồn phiền, đau khổ. Có nhiều thì lại lo mất đi, không có thì lại muốn được nhiều. Càng thu thập nhiều bao nhiêu, sự lo lắng, buồn phiền càng nảy sinh bấy nhiêu cho đến lúc họ thấy mệt mỏi, chán chê, cay đắng và hiểu được rằng không bao giờ họ có thể thỏa mãn với của cải vật chất.

Khi biết như thế, một số người từ bỏ tất cả để tìm về đời sống tịch mịch qua sự tu tập, mong có thể thoát khỏi nỗi khổ đau. Nhưng không phải xa lánh mọi sự mà con người có thể bỏ được lòng tham vì sự ham muốn sẽ đuổi theo họ đến tận rừng sâu, núi thẳm. Hình ảnh các ham muốn sẽ ám ảnh họ trong mọi lúc. Thể xác, tinh thần của họ vẫn bị ám ảnh bởi ham muốn, bởi tình dục xác thân, bởi ao ước điên cuồng vì dục vọng không phải dễ dàng xóa bỏ. Gốc rễ của nó đã bám sâu trong bản chất con người rồi.

Bà có thể thấy những tu sĩ bên ngoài rất thánh thiện nhưng bên trong con người của họ là cả một bãi chiến trường. Bà có thể thấy rất nhiều tu sĩ Ấn Độ tu khổ hạnh, ép xác để kiểm soát thân thể nhằm mục đích thoát khỏi áp lực của dục vọng nhưng người ta không thể trở về nguồn gốc thiêng liêng qua sự ép buộc thân thể như thế được.

Angie lên tiếng:

– Vậy thì làm sao họ có thể thay đổi? Tôi nghĩ phải là người can đảm mới có thể từ bỏ vật chất hay đời sống xã hội để rút vào ẩn tu tìm sự an lạc trong rừng sâu núi thẳm.

Kris bật cười:

– Con đường Karma Yoga dạy cho con người hoạt động chứ không ngồi im hay tránh né. Không phải từ bỏ đời sống thành thị để vào rừng sâu hay từ bỏ tài sản vật chất để đổi lấy sự an lạc tinh thần. Bà có thể thấy nhiều tu sĩ không màng tài sản vật chất nhưng lại muốn được người đời xưng tụng đề cao. Do đó, họ chỉ đổi thứ này lấy thứ khác, nghĩa là vẫn còn ham muốn. Hiện nay không thiếu gì những tu sĩ như thế. Họ có thể nói đủ thứ giáo điều cao siêu chỉ để đổi lấy sự khen ngợi hay kính trọng của người đời. Đó chỉ là một sự đổi chác vật chất lấy tinh thần vì họ chưa xé bỏ được tấm màn vô minh của tham vọng qua bản ngã cá nhân.

Angie thắc mắc:

– Vậy thì họ phải làm gì?

Kris trả lời:

– Họ phải tiếp tục đi trên con đường hành động vì chỉ có sự hành động mới giúp họ học hỏi, thay đổi để trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Họ có thể sống ở thành thị như mọi người nhưng phải biết cách thoát ra khỏi ảo ảnh của vô minh. Họ vẫn làm việc như mọi người, hành động như mọi người nhưng trong tâm đã biết xả ly dứt bỏ mọi ràng buộc. Họ không từ bỏ bổn phận của con người trong gia đình hay trong xã hội nhưng hành động với một mục đích khác. Họ có thể giàu có, tài sản đầy nhà nhưng không thiết tha với nó. Họ coi mình như là người quản lý tài sản đó chứ không phải chủ nhân. Những người này hành động vì quyền lợi chung chứ không phải cá nhân. Nói cách khác, họ làm việc để giúp đời chứ không phải cho chính mình.

Kris nghiêm nghị:

– Tuy nhiên, trong giai đoạn này có một khuynh hướng tinh tế xảy ra vì làm việc tốt cũng có thể ẩn chứa mục đích riêng tư bắt nguồn từ những động cơ vi tế nằm sâu trong nội tâm mà không mấy người biết rõ. Có người làm việc để giúp xã hội nhưng muốn thành công và sợ thất bại. Họ lo lắng về kết quả, do đó động cơ họ làm vẫn bắt nguồn từ sự ham muốn. Họ lo sợ khi việc không thành và vui sướng khi thấy việc thành tựu. Từ đó, họ mong được mọi người biết đến việc làm của mình, hay được đề cao cá nhân. Kết quả là việc làm đó, dù là việc tốt, cũng ẩn chứa một ham muốn riêng tư cho chính mình. Đó là một tham vọng vi tế nằm sâu bên trong bản ngã cá nhân. Bất cứ việc làm nào mà có yếu tố cá nhân xen vào thì người làm sẽ bị ràng buộc bởi hành động hay kết quả. Do đó, họ vẫn chưa thoát khỏi vòng kiềm tỏa của yếu tố vô minh rajas.

Chỉ khi nào người làm không thấy mình làm, không thấy việc làm, không thấy kết quả của hành động, dù là sự biết ơn hay cảm mến thì mới thật sự là người đi đúng con đường Karma Yoga. Khi đã dứt bỏ hoàn toàn, không hoạt động để được một thứ gì đó ở thế gian, cũng không hoạt động để được một thứ gì đó ở cõi trên, không hoạt động để được một thứ gì đó ở kiếp này, cũng không hoạt động để được một thứ gì đó ở kiếp sau, không hoạt động để được mọi người biết đến, không hoạt động để được phần thưởng tinh thần mà hoạt động âm thầm không màng đến kết quả, thành công đến cũng được mà thất bại cũng không sao, lúc nào cũng hoạt động nhưng tâm hồn bình thản như không có chuyện gì xảy ra, đó mới chính là sự quân bình cần thiết để hoàn tất bài học Karma Yoga, hay con đường hành động.

Khi biết thản nhiên với thành công cũng như thất bại, trong lúc vui cũng như buồn, trong khi vinh cũng như nhục, trong tình thương cũng như oán hận thì họ đạt đến trạng thái quân bình, không bất động (tamas) và cũng không náo động (rajas), vì hành động “vô sở cầu” là bài học quan trọng của con người đi trên đường Karma Yoga. Những người này thản nhiên và bình tĩnh trước mọi sự việc trong đời vì hành động chính là phận sự. Họ không tìm kiếm hành động khi nó không đến, không từ chối hành động khi nó xảy ra, mà vui vẻ hành động khi bổn phận bắt buộc và bình thản trước mọi kết quả.

Những người này dù ở trong cung vàng điện ngọc, ăn cao lương mỹ vị, sống giữa châu báu ngọc ngà nhưng vẫn an nhiên tự tại. Nếu họ sống trong lều tranh chiếu rách, ăn bữa có bữa không, sống như kẻ bần cùng thì tâm hồn vẫn bình thản trước mọi thăng trầm. Khi sự vật bên ngoài đến, họ không xua đuổi; khi chúng đi, họ không tiếc nuối vì họ có thể sống trong mọi hoàn cảnh. Không gì khiến họ đam mê, không gì khiến họ bận tâm, không gì khiến họ lo lắng mà lúc nào cũng ung dung tự tại vì biết rằng tất cả chỉ là những ảo ảnh chập chờn của vô minh (guna).

Ai sống được như thế nghĩa là đã đi trọn vẹn con đường hành động Karma Yoga và tiến đến chỗ mọi con đường đều hòa hợp thành một và hợp nhất với nguồn sống thiêng liêng vô tận kia. Dù gọi bằng “Thượng Đế” hay danh từ gì chăng nữa cũng không thành vấn đề. Những người này đã cởi bỏ được những ô trược của bản ngã, đã sạch được dục vọng và nhìn thấy rõ tất cả mọi sự vật trên thế gian này liên hệ với nhau như thế nào. Họ thấy rằng vũ trụ này là một cái gì đó mỹ lệ và đẹp đẽ, không bút mực nào có thể tả xiết. Lúc đó, họ sẽ hưởng được niềm phúc lạc vô biên, niềm hân hoan sung sướng mà Ấn giáo gọi là sự hòa hợp “bản ngã vào với chân ngã”.

Angie suy nghĩ, rồi hỏi:

– Theo con đường này thì con người phải trải qua rất nhiều kiếp sống và học qua sự đau khổ cho đến khi trở nên tốt đẹp. Nhưng đã mấy ai tin rằng có nhiều kiếp sống và con người chết đi rồi tái sinh như thế?

Kris mỉm cười:

– Tin hay không là quyền của mọi người nhưng quan niệm rằng có nhiều kiếp sống khác nhau, hay luân hồi, là một niềm tin đã có từ ngàn xưa. Các tôn giáo như Ấn giáo và Phật giáo đều dạy như thế. Nếu bà đọc các sách vở của Hy Lạp thì cũng thấy các triết gia như Pythagoras, Plato, hay Aristoteles đều tin rằng sau khi chết có đời sống kế tiếp. Triết gia Plato đã viết rất rõ về đời sống con người trải qua nhiều kiếp sống trong cuốn Phaedo và Republic, và nếu xét kỹ bà cũng thấy Chúa Jesus cũng từng dạy về điều này trong Phúc Âm.

Ông Kris mỉm cười nhìn tôi với vẻ mặt tinh quái và tiếp tục:

– Trên bình diện luân lý đạo đức, nếu xem xét quan niệm “con người chết đi rồi tái sinh trong nhiều kiếp sống do những yếu tố mà chính họ đã gây ra”, ông bà có thể trả lời câu hỏi mà các triết gia và khoa học gia ngày nay lúng túng không tìm được lời giải đáp. Tại sao con người sinh ra để rồi chết đi? Đời sống có ý nghĩa gì nếu chỉ có một đời sống suy nhất và chết là hết? Tại sao có người sinh ra đã sung sướng trong khi người khác lại sinh vào hoàn cảnh bần cùng? Tại sao có người được sinh ra ở những quốc gia thịnh vượng, văn minh, được hưởng thụ những tiện nghi vật chất trong khi người khác được sinh ra ở những quốc gia nghèo đói, chiến tranh, đầy thiên tai hay bệnh tật? Không ai có thể trả lời những câu hỏi này nếu người ta không tin vào luật Luân hồi và Nhân quả.

Hãy cứ tạm coi đây chỉ là một “lý thuyết” thôi thì ông bà sẽ thấy đó là một lý thuyết hợp lý, công bình và thỏa đáng hơn bất kỳ quan niệm nào. Nó khác với tà thuyết “tiền định” rằng mọi sự hay số mạng đều được định trước bởi một “đấng cao cả” nào đó mà con người không thể thoát ra được. Điều này có nghĩa là con người không có tự do và chỉ bị sai khiến mà thôi. Nó biến con người thành một thứ nô lệ sống trong nhà tù và không thể thay đổi. Làm gì có chuyện vô lý, bất công như thế được. Ai có quyền định đoạt số phận con người như thế? Không thể có một người nào hay đấng nào có thể trừng phạt con người qua số mạng khắt khe mà họ không thể thay đổi. Đời sống con người tốt xấu ra sao là do chính họ tạo nên qua nhiều kiếp sống. Những người được hưởng sung sướng vì những lý đó sâu xa từ trước và những người không may mắn cũng là do những yếu tố trong quá khứ mà không mấy ai nhớ. Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng là do chính cá nhân đó tạo ra cho chính họ chứ chẳng phải ai trừng phạt hay ban thưởng gì cho họ.

Nhập mã TIKITD giảm thêm 5% khi mua sách Muôn Kiếp Nhân Sinh do Tiki Trading phân phối: https://bit.ly/MuonKiepNhanSinhTiki (Thời hạn sử dụng đến hết ngày 31/07/2020. Số lượng mã giảm giá có hạn)
Nhập mã FNSFHST6 giảm thêm 5% khi mua sách Muôn Kiếp Nhân Sinh tại Fahasha: https://bit.ly/muonkiepnhansinh-fhs (Thời hạn sử dụng đến hết ngày 30/6/2020). 
Tags: