Khi trí tuệ thiếu minh mẫn: Sự nắm quyền của xúc cảm
Khi trí tuệ thiếu minh mẫn: Sự nắm quyền của xúc cảm
Độc quyền từ Trạm Đọc: Bản trích đầy đủ lời tựa và chương 1 cuốn: Trí tuệ xúc cảm - Vì sao nó quan trọng hơn IQ của tác giả Daniel Goleman
Trí tuệ xúc cảm
(520 lượt)

 

 

Lời tâm sự: Lời thách đố của Aristotle

 

Bất cứ ai cũng có thể trở nên giận dữ – đó là điều rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, để giận đúng người, với mức độ thích hợp, đúng thời điểm, vì những lý do chính đáng và biểu lộ sự tức giận đúng cách – lại là điều không dễ.

– ARISTORE –
Đạo đức học cho Nicomaque.

 

Vào một buổi chiều tháng Tám, ở thành phố New York, không khí ẩm ướt, nóng nực khiến người ta dễ nổi cáu. Tôi trở về khách sạn, khi lên xe buýt ở Đại lộ Madison, người lái xe da đen đứng tuổi mỉm cười nói với tôi: “Xin chào! Anh khoẻ chứ?” Đó là câu đón tiếp anh thường dành cho tất cả hành khách. Hành khách đều lúng túng giống tôi, nhưng phần lớn không đáp lại vì đã quá ủ ê

Khi chiếc xe buýt len lỏi qua những chỗ tắc đường, thì một biến đổi từ từ đã xảy ra. Người lái xe vẫn thao thao, bình luận về đủ thứ chuyện: viện bảo tàng nọ đang có cuộc triển lãm tuyệt vời, rạp chiếu phim cuối phố đang chiếu một bộ phim mới,.. Sự thích thú của anh về vô số cơ hội do thành phố mở ra quả là có sức lôi cuốn. Khi rời xe, hành khách đều hết ủ ê, và khi người lái xe nói với theo: “Hẹn gặp lại nhé! Chúc một ngày tốt lành!” thì mọi người đều nở một nụ cười thân thiện.

Chuyện đó xảy ra cách đây gần 20 năm nhưng vẫn khắc sâu vào trí nhớ tôi. Khi hình dung lại cảm giác dễ chịu mà những hành khách nói trên có được, tôi hiểu rằng người lái xe ấy là tuýp người có thể làm yên lòng người khác. Anh có khả năng làm thay đổi sự bực bội, làm nguôi ngoai và tháo mở được phần nào tâm tình của mọi người.

Còn đây là những điều ngược lại mà báo chí đã đề cập tới:

  • Ở một trường học, một đứa trẻ chín tuổi bôi sơn lên bàn học, lên các máy vi tính, máy in và phá hỏng một chiếc xe đỗ trong bãi xe nhà trường. Nguyên nhân vì nó bị bọn trẻ “lớn” hơn gọi là “nhóc con” và nó muốn làm cho bọn chúng phải nể phục.
  • Ở Manhattan, một thiếu niên dùng súng lục tự động bắn 38 viên đạn vào đám đông làm tám người bị thương.
  • Theo một báo cáo, thủ phạm của 57% số vụ giết trẻ em là bố mẹ đẻ hay bố mẹ ghẻ của chúng. Trong một nửa số trường hợp, họ khẳng định là “chỉ muốn trừng phạt đứa trẻ” do những “lỗi” nhẹ mà chúng gây ra như khóc lóc hay làm bẩn giường khiến họ không thể xem tivi yên.
  • Một thanh niên mới bị kết án vì đã gây ra cái chết của năm người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đốt nhà họ khi họ đang ngủ. Nguyên nhân là do hắn bị mất việc nên đã uống rượu và trút giận lên người nước ngoài.

Hàng ngày, những tin tức loại đó cho thấy sự suy đồi đạo đức và tình trạng bất ổn của xã hội. Nhưng đó chỉ là sự phản chiếu chung về nỗi ám ảnh rằng tất cả chúng ta đã mất sự kiểm soát với xúc cảm của mình. Không ai thoát được những cơn giận bùng phát và mỗi người trong chúng ta sớm hay muộn cũng phải trải qua trạng thái này.

Cuốn sách này đem lại ý nghĩa cho những gì tưởng như vô lý. Là một nhà tâm lý học theo sát những tiến bộ do khoa học đem lại trong sự hiểu biết cái phi lý, tôi thấy nổi lên hai xu hướng trái ngược: xu hướng ghi nhận trạng thái ngày càng tồi tệ của cuộc sống cảm xúc và xu hướng đưa ra những phương thuốc mang theo niềm hy vọng.

Tại sao có nghiên cứu này?

Cuối của thế kỷ XX, hàng loạt công trình khoa học nghiên cứu về cảm xúc đã ra đời. Nhờ có nhiều phương pháp đổi mới, như công nghệ mới về hình ảnh, chúng ta có thể thấy rõ bộ não họat động như thế nào, điều gì thật sự diễn ra khi chúng ta suy nghĩ, cảm nhận, tưởng tượng và mơ ước. Những thông tin thần kinh – sinh học này cho phép chúng ta hiểu rõ hơn trung tâm não bộ có chức năng điều khiển xúc cảm gây ra sự giận dữ hay làm cho chúng ta khóc, kích động tính hiếu chiến hay làm cho chúng ta thánh thiện, hướng chúng ta trở nên tốt hơn hay xấu đi như thế nào. Phát hiện mới này sẽ mang đến phương thuốc mới cho cuộc khủng hoảng xúc cảm đang diễn ra hiện nay.

Trong một thời gian dài, vị trí của tình cảm trong đời sống tinh thần chưa được nghiên cứu. Ngày nay, khoa học đã đề cập tới những vấn đề xuất phát từ họat động tâm thần ở những khía cạnh phi lý nhất và dựng lên bản đồ trái tim con người với sự chuẩn xác nhất định.

Đây là sự phủ định với quan điểm cho rằng IQ (chỉ số thông minh) là do di truyền, không thể thay đổi và số phận cá nhân phần lớn đã được định trước. Vậy cái gì có thể giúp chúng ta thành công hơn trong cuộc sống? Đâu là những nhân tố tác động? Ví dụ, một số cá nhân có IQ cao nhưng thất bại, trong khi những người có IQ khiêm tốn lại thành công. Tôi muốn khẳng định rằng sự khác nhau thường là ở năng lực mà ở đây chúng ta gọi là trí tuệ cảm xúc (emotinal intelligence) bao gồm: sự tự chủ, lòng nhiệt thành và kiên nhẫn cũng như khả năng và sự kích thích hành động. Người ta có thể giáo dục cho trẻ em những phẩm chất ấy và giúp chúng sử dụng tốt hơn tiềm năng trí tuệ do di truyền.

Ngoài những khả năng đó, còn có đòi hỏi về mặt đạo đức. Chúng ta sống trong một thời đại mà tổ chức xã hội có vẻ có xu hướng ngày càng lỏng lẻo, thói vị kỷ, bạo lực và vô tâm dường như đang phá huỷ cuộc sống của chúng ta. Vậy thái độ đạo đức chúng ta cần có là gì? Đó là sự kiềm chế và lòng trắc ẩn.

Hành trình của chúng ta

Cuốn sách này giải thích một số thời điểm gây rắc rối trong cuộc đời mỗi người và thế giới xung quanh ta. Nó giúp ta hiểu tại sao trí tuệ có thể hòa hợp với xúc cảm và sự hòa hợp đó diễn ra như thế nào.

Hãy bắt đầu bằng việc xem xét những phát hiện mới nhất về cấu trúc bộ não để giải thích trạng thái bối rối của con người, khi tình cảm lấn át lý trí. Mối tương tác giữa cấu trúc bộ não quy định thái độ giận dữ và sự sợ hãi, đam mê và vui mừng cho phép chúng ta hiểu được cách lập lại những thói quen tâm lý từng làm thất bại những ý đồ tốt của chúng ta. Các dữ kiện thần kinh-logic cho phép chúng ta thấy được khả năng làm biến đổi các thói quen tâm lý của con em mình.

Trong phần thứ hai, chúng ta sẽ xem thần kinh-logic được thể hiện như thế nào qua hành vi − cái mà chúng ta gọi là trí tuệ cảm xúc: chẳng hạn, có thể làm chủ xung lực tình cảm, hiểu rõ tình cảm của người khác, kết nối những mối liên hệ hòa hợp với người khác. Theo cách nói của Aristote, đó là khả năng hiếm có để “tức giận đúng người với mức độ thích hợp, đúng thời điểm, vì những lý do chính đáng”.

Quan niệm mới về “trí tuệ” đem lại vai trò hàng đầu cho những xúc cảm. Trong phần thứ ba, chúng ta sẽ thấy tại sao năng lực này được coi là có vai trò quyết định trong việc giữ mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh, hay thiếu nó sẽ ngăn cản sự tiến thân của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu những xúc cảm tiêu cực ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như thế nào và sự cân bằng tâm lý góp phần duy trì sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta ra sao.

Di sản di truyền quy định tính khí chúng ta nhưng tính khí không đồng nghĩa với số phận. Phần thứ tư chỉ ra những bài học tâm lý học được từ thời thơ ấu ở nhà hay trường học sẽ uốn nắn tinh thần của chúng ta và cho phép chúng ta tìm thấy cơ sở của trí tuệ xúc cảm. Nói cách khác, đây là những thời kỳ then chốt để rèn luyện thói quen tâm lý chi phối cuộc sống của chúng ta sau này.

Phần thứ năm chỉ ra mối nguy hiểm đối với những ai không làm chủ được xúc cảm trong sự phát triển của mình. Nói cách khác, những nhược điểm về trí tuệ xúc cảm làm tăng thêm mối nguy hiểm như thế nào. Phần này cũng giải thích việc rèn luyện những thói quen tâm lý và xã hội cho trẻ là hết sức cần thiết.

Những số liệu đáng lo ngại nhất được lấy từ một nghiên cứu quy mô lớn về các bậc cha mẹ và con cái cho thấy, ngày nay, trẻ em dễ bị rối loạn về tâm lý hơn dễ cô đơn và suy sụp hơn, vô kỷ luật và dễ nổi giận hơn, cáu kỉnh và lo lắng hơn, dễ bốc đồng và dễ gây hấn hơn.

Vấn đề là phải tìm hiểu cách chúng ta chuẩn bị cho trẻ vào đời như thế nào. Hiện nay, việc giáo dục tâm lý cho giới trẻ thường phó mặc cho tự nhiên. Theo tôi, giải pháp là nhà trường cần giáo dục nhân cách cho học sinh về mặt trí tuệ cũng như tình cảm. Kết thúc cuộc du hành, chúng ta đến thăm những ngôi trường đang khuyến khích sự phát triển trí tuệ xúc cảm. Đến ngày nào đó, giáo dục sẽ hướng tới việc trau dồi những khả năng cốt yếu của con người, như ý thức về bản thân, làm chủ bản thân, đồng cảm, tôn trọng người khác, biết giải quyết những xung đột và có ý thức hợp tác.

Đạo đức học cho Nihcomachean là tác phẩm của Aristote lấy hành vi trí tuệ của cuộc sống xúc cảm làm đối tượng. Những đam mê sẽ hướng dẫn cách suy nghĩ của chúng ta, sự lựa chọn các giá trị bảo đảm sự sống còn của chúng ta, nhưng chúng cũng có thể làm chúng ta lạc hướng. Aristote đã chỉ ra, nguyên nhân không chỉ ở bản thân những xúc cảm, mà còn ở tính đúng đắn và cách biểu hiện của chúng. Vấn đề là làm thế nào để trí tuệ ăn nhập với những xúc cảm của chúng ta.

  

Phần thứ nhất: BỘ NÃO XÚC CẢM

  

 

Các xúc cảm dùng để làm gì?

 

Với trái tim, người ta có thể nhìn thấy những cái cốt yếu mà đôi mắt không thể nhìn thấy được.

– ANTOINE DE SAINT – EXUPERY –

 

Hãy suy ngẫm về kết cục bi thảm của Gary và Mary Jane Chauncey – bố mẹ của Andrea, đứa trẻ 11 tuổi bị chứng bệnh bại liệt. Trên một nhánh sông thuộc bang Louisiana, chuyến tàu hỏa có cả gia đình Chauncey đã bị trượt bánh và rơi xuống sông. Nghĩ tới con gái mình trước hết, bố mẹ Andrea cố cứu cho được cô bé khi nước đã ngập đầy toa tàu. Tuy trao được đứa con cho nhân viên cứu hộ qua ô cửa sổ, nhưng cả đều bị chết đuối [1].

Sự hy sinh của bố mẹ Andrea là một hành động anh hùng và những trường hợp như vậy có rất nhiều trong cuộc sống. Xét theo quan điểm tiến hóa, sự hy sinh này nhằm bảo đảm cho “thành công sinh sản”, bảo đảm sự truyền thụ gen cho thế hệ tiếp theo. Nhưng với những bậc cha mẹ, họ làm vậy chỉ vì lòng yêu thương. Hành vi ấy minh họa cho chức năng và sức mạnh của các xúc cảm, chứng minh cho vai trò của tình yêu vị tha và của tất cả những xúc cảm khác trong đời sống con người. Chúng cho thấy chúng ta phải nhờ tới quyền năng của những xúc cảm ấy để sống còn ra sao. Chỉ có một tình yêu thương sâu sắc cũng như duy nhất mong muốn cứu bằng được đứa con mới có thể đưa con người tới chỗ vượt qua bản năng tồn tại của mình. Xét về mặt trí tuệ, sự quên mình của bố mẹ dường như phi lý, nhưng xét về lý lẽ trái tim, thì đó là thái độ duy nhất có thể có.

Các nhà sinh học xã hội đã chỉ ra: những xúc cảm giúp chúng ta đương đầu với những cảnh ngộ và nhiệm vụ quan trọng mà đôi khi chỉ mình trí tuệ không thể quyết định nổi như những mối nguy hiểm, những mất mát đau đớn, sự kiên nhẫn bất chấp thất vọng. Mỗi xúc cảm chuẩn bị cho chúng ta hành động theo một cách nào đó. Nó chỉ cho chúng ta cách chấp nhận thách thức để sinh tồn.

Khi đam mê chi phối lý trí

Để trêu đùa bố mẹ, Matilda Crabtree, 14 tuổi, quyết định làm bố mẹ sợ khi về nhà muộn sau buổi tối chơi ở nhà bạn.

Nhưng, thật bi thảm, Bobby Crabtree và vợ tưởng rằng Matilda ngủ lại ở nhà bạn. Nghe thấy tiếng động, Crabtree liền cầm khẩu súng lục và đi lên buồng của Matilda. Khi Matilda nhảy phóc ra từ nơi ẩn nấp và kêu to lên, ông liền bắn một phát trúng cổ con. Matilda chết 12 giờ sau đó2.

Di sản tâm lý do sự tiến hóa để lại có sự sợ hãi, yếu tố bảo vệ chúng ta khi gặp nguy hiểm. Chính nó đã đẩy Boby Crabtree tới chỗ bắn vào con gái mình trước khi nhận ra cô bé. Theo các chuyên gia, những phản ứng tự động thuộc loại này đã được ghi vào hệ thần kinh chúng ta. Trong thời gian dài, những phản ứng này đã giúp chúng ta sống sót. Điều quan trọng hơn, chúng đáp ứng nhiệm vụ cơ bản của sự tiến hóa: truyền cho con cháu biết gìn giữ sự sống.

Nếu xúc cảm từng là kẻ hướng đạo trong quá trình tiến hóa lâu dài của con người, thì trong xã hội hiện đại biến đổi không ngừng như hiện nay, sự tiến hóa chậm chạp của xúc cảm lại không theo được nhịp độ ấy. Về mặt sinh học mà nói, chúng ta đã thừa hưởng những vòng mạch nơ-ron cho các xúc cảm hoạt động hoàn hảo trong 50 nghìn thế hệ, chứ không phải chỉ trong 500 thế hệ. Phải mất sức mạnh của sự tiến hóa một triệu năm để nhào nặn đời sống xúc cảm của chúng ta. Hàng nghìn năm qua, dù dân số tăng từ năm triệu lên năm tỷ người nhưng vẫn không để lại bất cứ dấu vết nào của yếu tố sinh học điều khiển đời sống xúc cảm của chúng ta.

Cách chúng ta đánh giá những cuộc gặp gỡ và phản ứng với chúng không chỉ bị quy định bởi sự xét đoán lý trí hay bởi quá khứ cá nhân mà còn bởi quá khứ của tổ tiên chúng ta. Tóm lại, chúng ta thường đứng trước những lựa chọn do xã hội hậu hiện đại đặt ra với một bộ sưu tập tâm lý có từ thời cổ xưa. Trên thực tế, trạng thái đáng buồn ấy là trung tâm của chủ đề này.

Tại sao chúng ta hành động?

Vào những ngày đầu xuân, khi đi qua đèo ở vùng Rocheuses, một cơn bão tuyết khiến ập đến khiến tôi không nhìn thấy gì cả. Tôi liền đạp phanh, nỗi kinh hoàng xâm chiếm và tim tôi đập liên hồi.

Nỗi kinh hoàng nhường chỗ ngay cho sự sợ hãi. Tôi dừng xe bên đường chờ cơn bão đi qua. Nửa giờ sau, tuyết ngừng rơi, tôi lại lên đường, nhưng đi được chừng 100 mét, tôi lại phải dừng: những nhân viên cứu thương đang cấp cứu một người lái xe vừa đâm vào chiếc xe khác. Nếu trước đó tôi tiếp tục đi trong cơn bão, biết đâu tôi đã đâm phải hai chiếc xe kia.

Hôm đó, nỗi sợ hãi có lẽ đã cứu sống tôi: trạng thái nội tâm đã buộc tôi dừng xe và chú tâm tới mối nguy hiểm ngay trước mắt.

Về căn bản, mọi xúc cảm xuất phát từ sự kích thích hành động; đó là phản ứng tức thì vì bản năng sinh tồn. Việc xúc cảm thúc đẩy hành động đặc biệt rõ ràng ở loài vật hay trẻ em.

Mỗi xúc cảm của chúng ta đóng một vai trò riêng biệt, như những dấu ấn sinh học đặc trưng. Những điều diễn ra bên trong thân thể và bộ não cho thấy mỗi xức cảm chuẩn bị cho thân thể một kiểu phản ứng khác nhau:

  • Sự giận dữ làm máu dồn tới bàn tay, khiến người ta đoạt lấy m­­­ột thứ vũ khí hay đánh kẻ thù, và những hoóc-môn như adrenaline tiết ra rất mạnh để giải thoát năng lượng cần thiết cho một hành động quyết liệt.
  • Sự sợ hãi đưa máu tới các cơ chỉ huy sự vận động của thân thể, như cơ bắp chân chuẩn bị bỏ chạy, làm cho mặt tái đi do máu bị dồn đến nơi khác. Thân thể bị tê liệt trong một khoảnh khắc. Trung tâm xúc cảm của bộ não tiết ra những hoóc-môn đặt cơ thể tập trung vào mối đe dọa trước mắt.
  • Sự vui sướng được đặc trưng bằng hoạt động tăng lên của trung tâm não nhằm ức chế những tình cảm tiêu cực và làm năng lượng hiện có tăng lên, cũng như làm chậm lại họat động của trung tâm gây lo lắng. Trạng thái này đem lại cho cơ thể sự thư giãn. Cá nhân thực hiện vội vàng và phấn khởi hơn những nhiệm vụ đặt ra cho mình, đồng thời đặt ra nhiều nhiệm vụ khác nhau hơn.
  • Tình yêu, sự âu yếm và sự thỏa mãn tình dục gây ra kích thích đối giao cảm. Phản xạ này là một tập hợp phản ứng của thân thể tạo ra trạng thái yên tĩnh, đồng cảm và hợp tác.
  • Sự ngạc nhiên làm lông mày nhướn lên, tầm nhìn mở rộng, lượng ánh sáng lọt tới võng mạc tăng lên. Do đó, cá nhân nắm bắt được nhiều thông tin hơn về một sự kiện, đánh giá hoàn cảnh đúng hơn và nghĩ được kế họach hành động tốt hơn.
  • Sự căm ghét luôn gây ra bực mình. Biểu hiện trên mặt là môi trên trễ xuống ở hai cạnh còn mũi thì hơi nhăn lại, như phản ánh ý muốn bịt mũi trước một mùi khó chịu hay nhè ra thứ thức ăn độc hại.
  • Sự buồn rầu giúp người ta chịu đựng tổn thất đau đớn làm năng lượng suy sút và giảm niềm hứng khởi đối với mọi họat động của cuộc sống. Nó gần với sự suy sụp, làm cho quá trình trao đổi chất chậm lại. Việc thu mình lại để phục hồi hậu quả và khi trở lại năng lượng sẽ phát ra một sự khởi đầu mới. Khi buồn rầu, con người dễ bị tổn thương và cần ở gần nơi cư trú của mình để được an toàn.

Các nguyên nhân sinh học của hành động cũng chịu sự chi phối của văn hóa. Chẳng hạn, cái chết của người thân luôn gây ra sự buồn rầu. Nhưng cách thể hiện nỗi buồn giữa đám đông hay nơi riêng tư phụ thuộc vào từng nền văn hóa.

Các phản ứng xúc cảm đã hình thành từ xa xưa, khi điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt. Tỷ lệ tử vong rất cao và tuổi thọ không vượt quá 30. Người ta dễ bị làm mồi cho ác thú, nghèo đói và thiên tai. Với sự xuất hiện của kinh tế nông nghiệp và các hình thái xã hội đầu tiên, tình hình đã thay đổi và những yếu tố từng kìm hãm sự gia tăng dân số đã dần dần bị gạt bỏ.

Xúc cảm của chúng ta do đó cũng trở nên không thích hợp nữa. Một cơn giận xưa kia có thể là lợi thế quyết định sự sống còn, ngày nay mọi việc đã khác, chẳng hạn một đứa trẻ 13 tuổi giữ súng sẽ chỉ mang lại những hậu quả tai hại khi chúng nổi giận.

Hai thứ tinh thần của chúng ta

Một người bạn kể cho tôi nghe chuyện ly hôn của mình. Chồng cô yêu một cô gái trẻ hơn và đột ngột tuyên bố sẽ đến sống với cô ta. Sau nhiều tháng cay đắng, cô nói với tôi rằng cô thích cuộc sống độc lập, rằng những chuyện cũ không làm cho cô xúc động nữa. Nhưng, chỉ một thoáng sau, mắt cô đã đẫm lệ.

Sự đồng cảm khiến tôi hiểu rằng nước mắt của ai đó là biểu hiện của nỗi buồn cho dù người đó có giải thích thế nào. Một bên có tinh thần xúc cảm, còn bên kia thì là tinh thần lý trí.

Sự tác động qua lại giữa những công cụ nhận thức khác nhau về căn bản ấy tạo ra đời sống nội tâm của chúng ta. Tinh thần lý trí là thứ mà nói chung chúng ta ý thức được và cảm nhận được sự hiện hữu của nó. Nhưng có một hệ thống nhận thức khác, bốc đồng, mãnh liệt, đôi khi không logic, đó là tinh thần xúc cảm.

Sự chia đôi xúc cảm/lý trí phù hợp với sự phân biệt giữa “trái tim” và “khối óc”. Khi người ta cảm thấy “từ đáy lòng mình” một sự việc có thật, thì mức độ tin chắc gần như sâu hơn, khác với mức độ do lý trí đem lại. Mức độ kiểm soát bằng lý trí hay bằng xúc cảm thay đổi dần dần: tình cảm càng mạnh, xúc cảm càng chi phối và lý trí càng mất đi tính hiệu quả. Trong phần lớn trường hợp, tinh thần xúc cảm và tinh thần lý trí hoạt động hài hòa với nhau, kết hợp những cách nhận thức khác nhau để hướng dẫn chúng ta. Thông thường, để có sự cân bằng giữa hai tinh thần ấy, xúc cảm cung cấp thông tin cho các thao tác của lý trí, còn lý trí thì tinh chế và đôi khi loại bỏ một số dữ kiện do tinh thần xúc cảm cung cấp. Thế nhưng, tinh thần xúc cảm và tinh thần lý trí là hai phạm trù độc lập và mỗi phạm trù phản ánh sự vận hành của những cấu trúc bộ não khác nhau nhưng có liên kết với nhau. Sự vận hành của chúng được phối hợp với nhau tinh tế và thường xuyên: tình cảm tỏ ra cốt yếu cho tư duy và tư duy cũng tỏ ra cốt yếu cho tình cảm. Khi đam mê trỗi dậy thì tinh thần xúc cảm chiếm ưu thế.

Bộ não đã phát triển như thế nào?

Để hiểu rõ hơn sự khống chế mạnh mẽ của các xúc cảm đối với tinh thần lý trí và tại sao tình cảm và lý trí lại đối lập nhau, hãy xem bộ não phát triển như thế nào.

Bộ não người, với 1,5 kg nơ-ron và những mô khác, to gần gấp ba lần bộ não khỉ. Qua hàng triệu năm tiến hóa, bộ não đã phát triển từ dưới lên trên, các trung tâm phía trên hiện ra như sự hoàn thiện của các bộ phận cổ xưa hơn nằm ở phía dưới. (Sự phát triển bộ não ở thai người tóm lược sự tiến hóa ấy.)

Bộ phận xưa nhất của bộ não là thân não bọc quanh đầu trên của tuỷ sống. Bộ não nguyên thuỷ chi phối những chức năng như hô hấp, sự chuyển hóa của các cơ quan và những phản ứng, cử động đã được đúc khuôn. Bộ não ấy chiếm ưu thế ở thời kỳ bò sát.

Từ gốc nguyên thuỷ là thân não, xuất hiện trung tâm thần kinh của các xúc cảm. Từ trung tâm này, phần bên trên phát triển lên thành bộ não “lý trí” hay “vỏ não mới” (neocortex), một hành to gồm các mô tạo thành những hồi não. Việc hành não phát triển từ bộ não “lý trí” đã nói rõ về mối liên hệ giữa tư duy và xúc cảm: bộ não “xúc cảm” đã có trước bộ não “lý trí”.

Nguồn gốc xưa nhất của đời sống xúc cảm nằm ở hành khứu giác, tập hợp những tế bào tiếp nhận và phân tích các mùi. Mỗi sinh thể đều có một dấu ấn phân tử đặc trưng được gió chuyển đi. Vào thời nguyên thuỷ ấy, khứu giác là giác quan chủ yếu để tồn tại.

Từ thùy khứu giác, những trung tâm đầu tiên chi phối xúc cảm bắt đầu phát triển. Ở giai đoạn này, trung tâm khứu giác chỉ gồm có những lớp nơ-ron mỏng được quy tụ lại để phân tích các mùi. Lớp tế bào thứ nhất ghi lại những gì được cảm nhận và xếp nó vào đúng loại. Lớp tế bào thứ hai gửi những thông điệp phản xạ qua hệ thần kinh, ra lệnh cho cơ thể hành động thích hợp.

Những lớp mới trọng yếu của bộ não cảm xúc đã xuất hiện cùng những động vật có vú đầu tiên. Phần não này thít quanh thân não, nên người ta gọi nói là hệ thống “rìa” có nguồn gốc từ tiếng Latinh “Limbus”. Lãnh thổ nơ-ron mới mang lại cho bộ não những xúc cảm đích thực3. Khi chúng ta bị sự ham muốn hoặc phẫn nộ khống chế, khi chúng ta yêu đến quên thân mình hay mặt xanh như tàu lá vì khiếp hãi, thì đó chính là do hệ rìa chỉ huy.

Khi phát triển, hệ thống này đã tạo ra hai công cụ cực kỳ hữu hiệu là năng lực học tập và trí nhớ. Những bước tiến tuần tự ấy cho phép một con vật thực hiện những lựa chọn thông minh hơn để tồn tại và thích ứng với những thay đổi của môi trường. Nếu một thứ thức ăn làm cho người ta mắc bệnh, thì sau đó người ta tránh đi. Quyết định đến việc ăn hay từ bỏ vẫn phụ thuộc vào khứu giác. Nhờ có liên lạc giữa hành khứu giác và hệ thống rìa, nó phân biệt những mùi khác nhau, so sánh thứ mùi hiện tại với những thứ mùi trước kia, tách cái tốt khỏi cái xấu. Đó chính là nhiệm vụ của khứu não (rhinen-cephacon), một yếu tố của hệ thống rìa và là cơ sở bước đầu của vỏ não mới, bộ não suy nghĩ.

Cách đây khoảng 100 triệu năm, bộ não của các động vật có vú trải qua đợt phát triển mạnh mẽ. Trên hai lớp mỏng của vỏ não đã chồng lên nhiều lớp tế bào tạo thành vỏ não mới. Khác với hai lớp cũ, vỏ não mới đem lại một ưu thế lạ thường về trí tuệ. Vỏ não mới của Người thông minh đã tạo ra tất cả những cái riêng biệt của con người. Nó là nơi cư ngụ của tư duy, chứa đựng những trung tâm phụ trách tập hợp và tìm hiểu những tri giác của giác quan. Nó mang cho cảm giác những gì chúng ta suy nghĩ về chúng và cảm giác về những ý tưởng, biểu tượng, những sản phẩm của sự tưởng tượng và những tác phẩm nghệ thuật.

Trong tiến hóa, vỏ não mới đã có sự thích ứng tinh tế và chuẩn xác để tạo ra ưu thế to lớn cho sự tồn tại của cá nhân. Chúng làm tăng thêm những cơ may để thế hệ con cháu được truyền những vòng mạch nơ-ron giống như thế.

Yếu tố cộng thêm của bộ não đã mang những sắc thái mới cho đời sống xúc cảm. Ví dụ trong tình yêu, cấu trúc rìa tạo ra những khoái cảm và ham muốn tình dục là xúc cảm nuôi dưỡng đam mê tính dục. Nhưng sự kết hợp của vỏ não mới với hệ thống rìa đã tạo ra sự gắn bó mẹ − con, tạo thành cơ sở của gia đình và sự chăm lo giáo dục cần thiết cho con cái.

Theo dõi bậc thang phát triển các loài, chúng ta sẽ thấy khối lượng của vỏ não mới tăng dần lên, tạo ra cấp số nhân cho số lượng những điểm nối kết giữa các nơ-ron. Số lượng này càng lớn, thì phạm vi những phản ứng càng mở rộng. Vỏ não mới mang lại cho đời sống tình cảm sự tinh tế và tính phức hợp. Việc tổ hợp vỏ não mới – hệ thống rìa phát triển hơn ở loài khỉ và đặc biệt ở loài người đã giải thích tại sao chúng ta có phản ứng khác nhau với những xúc cảm.

Nhưng các trung tâm não phía trên không chi phối toàn bộ đời sống tình cảm. Đối với những vấn đề của trái tim, đặc biệt đối với những trường hợp “khẩn cấp” về xúc cảm, chúng giao cho hệ thống rìa làm việc. Do có nhiều trung tâm não phía trên, nên phần não có các xúc cảm trú ngụ đóng vai trò then chốt trong cấu trúc nơ-ron. Vì nó bắt nguồn từ những vùng xúc cảm, nên vỏ não mới nối liền với những vùng này bằng vô số liên kết. Điều đó đem lại cho các trung tâm xúc cảm quyền năng vô tận đối với sự vận hành của phần não còn lại, kể cả đối với các trung tâm tư duy.

[1] Associated Press: ngày 15 tháng 9 năm 1993.

[2] Bi kịch của người Crabtree; The New York Times, ngày 11 tháng 11 năm 1994.

[3] Hệ thống rìa và các xúc cảm: R. Joseph, “The Naked Neuron: Evolution and the Languages of the Brain and Body”, Plenum Publishing, New York, 1993; Paul D. MacLean, The Triune Brain in Evolution, Plenum Publishing, New York, 1990.

Trạm Đọc (Read Station)

Không sao chép bản trích dẫn trên với mục đích thương mại