Yêu bằng lý trí hay tình cảm?
Yêu bằng lý trí hay tình cảm?
“Luận về yêu” đề cập tình cảm lứa đôi thông qua triết thuyết, “Nghệ thuật yêu” là góc nhìn phân tâm học, còn “Yêu” của Osho đưa người đọc về bản chất tốt đẹp của tình yêu.

Đã có nhiều sách, tác phẩm viết về tình yêu - câu chuyện của trái tim ấm nóng, thứ tình cảm thường được cho là phức tạp. Dưới “cái đầu lạnh” của những lý thuyết triết học, góc nhìn tâm lý học, tình yêu hiện lên sáng rõ nhưng cũng không thiếu cảm xúc.

 

Sách Luận về yêu. Ảnh: Y.N

 

Luận về yêu

Luận về yêu (Essays in Love) là cuốn sách tạo dựng tên tuổi của Alain de Botton - cây bút viết chuyên luận, nhà sản xuất truyền hình và diễn giả nổi tiếng. Đây cũng là tác giả của những cuốn sách best-seller thuộc nhiều chủ đề đa dạng như tình yêu, văn học, kiến trúc, du ký…

Cuốn sách là lời lý giải thấu đáo về quá trình bắt đầu yêu cho đến khi hết yêu bằng một phong cách pha trộn giữa tiểu thuyết với những đoạn phân tích, nhận định đặc trưng của thể loại phi hư cấu.

Bắt đầu bằng câu chuyện của một cặp gặp nhau trên chuyến bay, làm quen, hẹn hò, chinh phục, chiếm lĩnh cả tâm trí… Rồi những khúc mắc bắt đầu xuất hiện. Alain de Botton đã miêu tả tâm lý nhân vật, phân tích, luận giải về tâm trạng khi yêu.

Tác giả sử dụng những triết thuyết tưởng chừng khô cứng để tiếp cận tình yêu một cách thấu đáo. Dưới góc nhìn triết học, Alain de Botton lý giải những hiện tượng tâm lý của người đang yêu, khiến cho thứ tình cảm được cho là phức tạp trở nên đơn giản.

Luận về yêu phân tích về tình yêu trên nhiều phương diện, từ đó cho thấy đó là tình cảm đầy sáng suốt mà không thiếu ảo tưởng, mê đắm mà vẫn giữ khoảng cách, nồng nhiệt và hài hước, không thiếu phân tích lạnh lùng.

Tác giả cũng dành dung lượng của sách để phân tích tình dục bên cạnh tâm lý trong tình yêu. Ông đưa ra những bài học về tình yêu.

Dù xem cuốn sách như tiểu thuyết hay đọc nó như tiểu luận, độc giả vẫn nhìn thấy một thông điệp sáng rõ: Tình yêu là thế đấy, có đủ dư vị, không thiếu khổ đau, chia ly nhưng người ta không thể sống mà không yêu.

 

Sách Nghệ thuật yêu. Ảnh: Omega Plus.

 

Nghệ thuật yêu

Nghệ thuật yêu của nhà phân tâm học Erich Fromm xuất bản năm 1957. Đến nay, cuốn sách được dịch ra 34 thứ tiếng với hàng triệu bản in. Nó vừa là công trình nghiên cứu lý thuyết, vừa là cuốn sách tâm tình, gợi mở bạn đọc hiểu về bản chất của yêu.

Viết về yêu dưới cái nhìn của một nhà phân tâm học, Erich Fromm đã diễn giải vấn đề bằng ngôn từ mang ít tính chuyên môn nhằm giúp bạn đọc dễ tiếp cận.

Trong sách, Erich Fromm cho rằng có 5 loại tình yêu cơ bản: Tình yêu đồng loại, tình mẫu tử/phụ tử, tình yêu nhục cảm, lòng tự yêu mình (self-love), tình yêu thượng đế. Tác giả lý giải tình yêu là sự giải đáp cho sự tồn tại và nhu cầu sâu xa nhất của con người: Vượt qua sự chia cách, rời khỏi ngục tù cô độc để có được sự hòa giải bằng tình yêu.

Tác giả nhận định yêu là một nghệ thuật, giống như sống cũng là một nghệ thuật: “Quá trình học hỏi một nghệ thuật có thể được chia thành hai phần: Một là tinh thông lý thuyết; hai là tinh thông thực hành”.

Fromm nêu ra 4 yếu tố căn bản của tình yêu: Quan tâm, trách nhiệm, tôn trọng và hiểu biết; 5 đức tính con người cần rèn luyện trong việc nắm vững nghệ thuật yêu: Kỷ luật, tập trung, kiên nhẫn, hết lòng quan tâm và rèn luyện.

Sách cũng cho rằng yêu là một thể nghiệm cá nhân, mỗi người chỉ có thể có cho chính mình. Bởi vậy, không thể có một công thức chung cho mọi người trên thế giới thực hành yêu.

 

Sách Yêu. Ảnh: Quỳnh Huỳnh.

 

Yêu

Osho là bậc thầy tinh thần với các bài nói chuyện đã được ghi lại trong hàng trăm cuốn sách thuộc nhiều chủ đề. Trong Yêu (Being in Love), Osho dẫn người đọc vào hành trình tìm hiểu về “hiện tượng bí ẩn” mang tên tình yêu.

Tác giả cho rằng ta không phải học cách yêu, mà cần loại bỏ những cách đánh mất tình yêu. Danh sách những điều không phải tình yêu được liệt kê, gồm cảm giác ghen tuông, chiếm hữu, cạnh tranh, phụ thuộc, đòi hỏi người mình yêu phải hoàn hảo...

Sách cũng đưa ra những lời khuyên về tình yêu, như làm thế nào để đối mặt những cảm xúc tiêu cực khi yêu, làm gì với cảm giác “thiêu thiếu gì đó”, hay ranh giới giữa tình yêu và tình dục…

Tác giả cho rằng tình yêu không bao giờ khiến ai phải nếm chịu đau khổ. “Nếu bạn cảm thấy bị tổn thương bởi tình yêu, nghĩa là có điều gì khác bên trong bạn, không phải phẩm chất yêu thương”, Osho nói trong sách.

Độc giả được khích lệ rằng đừng sợ tình yêu kết thúc, thứ kết thúc là các mối quan hệ, còn tình yêu là sự kết nối không ngừng.

Qua Yêu, bạn đọc được củng cố niềm tin vào “cơn gió mát lành” tình yêu. Sách cổ vũ bạn đọc dấn thân vào tình yêu đích thực, thứ tình yêu trưởng thành, đầy hân hoan, không vị kỷ, không chiếm hữu, không ghen ghét.

Theo Zing News

 
 
Tags: