Vì sao tôi viết “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm”
Vì sao tôi viết “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm”
Trong bài viết dưới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương sẽ chia sẻ lý do vì sao anh viết cuốn sách "Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm"

Tôi vào học khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Hà Nội tháng 9 năm 2000 và tốt nghiệp tháng 6 năm 2004. Sau hai năm làm trợ giảng ở đây, tôi đến Nhật Bản du học.

Tôi vẫn nhớ rất rõ đó là ngày 3 tháng 10 năm 2006. Tháng 4 năm 2011, tôi rời Nhật Bản về nước sau khi học xong chương trình cao học và ba năm sau tôi trở lại nước Nhật vào đúng mùa hoa anh đào nở.

Tôi tiếp tục ở đây thêm ba năm nữa trước khi về nước để rồi sau đó rời khỏi giảng đường đại học, trở thành “người bán sách rong”.

Hơn mười năm - một chặng đường dài mà thoạt nhìn qua chỉ toàn thấy những dấu mốc của giảng đường và thế giới quẩn quanh trong những trang sách. Nhưng, tự mình đánh giá, tôi thấy đấy là quãng thời gian ở tôi có sự chuyển biến dữ dội cả về tư duy học thuật và lẽ sống.

Trong quãng thời gian khoảng tám năm ở Nhật Bản, tôi đã học, đi làm, trải nghiệm nhiều không gian khác nhau từ trường học, nhà máy, doanh nghiệp tới trại tạm giam, nhà tù, tòa án, viện kiểm sát. Tôi cũng đã đi đến hầu hết các đô, đạo, phủ, tỉnh ở Nhật Bản.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương

Trong quá trình, ấy tôi đã nhận ra và khám phá rất nhiều điều về nước Nhật mà nếu chỉ thông qua đọc sách ở Việt Nam, tôi không thể nào thấy được. Một trong những thứ đó là “sự hiện diện và sức mạnh của văn hóa đọc”.

Người Nhật đọc sách ở khắp mọi nơi tôi đến, kể cả trong trại tạm giam và nhà tù. Và càng nghiên cứu, tìm hiểu giáo dục Nhật Bản, tôi càng nhận ra xuyên suốt sự tiến bộ của giáo dục là sự cải thiện và tăng tiến không ngừng của văn hóa đọc.

Những thời điểm đánh dấu sự nhảy vọt về văn minh của nước Nhật cũng thường là những thời điểm diễn ra các cuộc cách mạng về văn hóa đọc.Không biết tự bao giờ, giáo dục và văn hóa đọc đã trở thành trọng tâm trong mối quan tâm của tôi ở cả phương diện nghiên cứu và đời sống.

Cũng chính trong thời gian đó, ở Việt Nam, phong trào “sách hóa nông thôn” sáng lập bởi anh Nguyễn Quang Thạch phát triển và lan tỏa mạnh mẽ. Một cách rất tự nhiên, qua Facebook tôi đã trở thành bạn của rất nhiều người hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực khuyến đọc.

Chúng tôi đã cùng nhau đi tới nhiều, trên cả nước để đọc sách cho trẻ em nghe, nói chuyện, giao lưu với bạn đọc và tặng sách cho nhiều người, nhiều thư viện. Cho dù xuất phát điểm khác nhau, có nghề nghiệp khác nhau, chúng tôi đều chia sẻ chung mục tiêu là thúc đẩy văn hóa đọc phát triển thông qua việc làm cho mọi người quan tâm hơn và nhận thức sâu sắc hơn về việc đọc sách.

Và đương nhiên, chúng tôi cũng chia sẻ nhận thức: văn hóa đọc là nền tảng cơ bản không thể thiếu để xây dựng một quốc - gia văn minh, đảm bảo đem lại cơ hội có được cuộc sống hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Văn hóa đọc là nền tảng cơ bản không thể thiếu để xây dựng một quốc - gia văn minh

Những hoạt động đó đã đem lại cho bản thân tôi rất nhiều trải nghiệm thú vị và hữu ích. Trong mỗi dịp như thế, tôi thường được đề nghị nói chuyện với bạn đọc. Nội dung nói chuyện có khi là ngẫu hứng, có khi được chuẩn bị.

Cũng chính trong thời gian này, với tư cách là người nghiên cứu, bình luận về giáo dục, tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nhà báo phụ trách lĩnh vực giáo dục thuộc các cơ quan báo chí.

Những bài phỏng vấn tôi về các vấn đề của giáo dục từ đó đã ra đời và xuất hiện trên mặt báo. Ở đó, tôi đã nói về triết lý giáo dục, về đào tạo giáo viên, về giáo dục lịch sử... và tất nhiên là cả những nội dung liên quan đến khuyến đọc, đặc biệt là khuyến đọc trong nhà trường.

Trong khoảng thời gian đó, tôi cũng đã viết và dịch khoảng 50 đầu sách cùng 200 bài báo cho truyền thông đại chúng. Tôi cũng đã đi tới nhiều địa phương trong cả nước để trực tiếp giới thiệu và bán những cuốn sách của mình. Bản thân tôi tự nhận mình là “người bán sách rong” và bạn bè, những người xung quanh dần dần cũng gọi tôi bằng cái tên đó.

Đối với cá nhân tôi, bằng con đường đó, giáo dục và văn hóa đọc đã song hành và gắn bó với nhau.

Với mong muốn, những thông tin, ý tưởng mà tôi đã trình bày trong các cuộc phỏng vấn và giao lưu nói trên đến được nhiều người hơn, tôi đã tập hợp chúng lại thành cuốn sách nhỏ này, lấy tựa đề là: “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm - Tự sự về giáo dục và văn hóa đọc của một người bán sách rong”.

Cuốn sách sẽ được chia thành ba phần.

Phần một - Đọc sách, trải nghiệm và lẽ sống của tuổi trẻ - bao gồm các bài nói chuyện của tôi trong các buổi giao lưu với độc giả trên cả nước.

Phần hai - Giáo dục trường học và “cải cách từ dưới lên” - là những bài trả lời phỏng vấn của tôi trên báo chí.

Phần ba - Kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ở Nhật Bản thể hiện cái nhìn và phân tích của tôi đối với những bài học kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc của Nhật Bản từ sau năm 1945. Đồng thời, ở đây, tôi cũng sẽ dịch và giới thiệu các bộ luật, văn bản liên quan đến văn hóa đọc ở Nhật Bản.

Ngoài ra, ở phần phụ lục, tôi đưa vào một vài hình ảnh ghi lại các hoạt động giáo dục và khuyến đọc của tôi được tiến hành trong gần hai năm qua kể từ khi về nước để ở bạn đọc dễ hình dung.

Cuối cùng, tôi xin phép được giới thiệu đến quý vị độc giả những cuốn sách mà tôi đã dịch, viết và được xuất bản tại Việt Nam cho tới nay.

Cho dù biết rằng khả năng, bút lực của bản thân là có hạn, tôi vẫn hi vọng cuốn sách sẽ đem đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích và những ý nghĩ tích cực.

Nguyễn Quốc Vương

Tags: