Văn hóa ảnh hưởng đến mức độ thành công của chúng ta như thế nào?
Văn hóa ảnh hưởng đến mức độ thành công của chúng ta như thế nào?
Hẳn chúng ta ai cũng biết rằng thành công là tổng hòa của rất nhiều yếu tố như sự chăm chỉ, tố chất sẵn có, hoàn cảnh gia đình, thậm chí cả vị trí địa lý. Nhưng, bạn có biết nền văn hóa mà ta được sinh ra cũng là một thành tố quan trọng để tạo nên thành công? Trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng”, tác giả Malcolm Gladwell đã chỉ ra ba yếu tố văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi con người, đó là: Nền văn hóa danh dự (Culture of Honor), Nền văn hóa kính trên nhường dưới (Culture of Deference),
Những kẻ xuất chúng
(157 lượt)

 

1/ Nền văn hóa danh dự

 

 

Đây là các nền văn hóa nơi mà giá trị bản thân được gắn với danh dự của con người. Họ sẵn sàng bắn giết nhau nếu như bị xúc phạm, và sẵn sàng đáp trả nếu như bị khiêu khích. Vậy, nền văn hóa này bắt nguồn từ đâu?

Theo Malcolm Gladwell, nền văn hóa danh dự thường tồn tại trong các vùng đất ít màu mỡ, khó trồng trọt. Tại những nơi này, nghề chính của người dân là chăn nuôi. Khác với những người nông dân phụ thuộc lẫn nhau để sống, người chăn nuôi gia súc đa phần tự mình xoay sở. Người nông dân không phải lo mất trộm sinh kế (trừ phi có người muốn chuốc họa vào thân bằng cách tự gặt hết thửa ruộng); trong khi đó, người chăn nuôi luôn phải đối mặt với nỗi lo bị trộm gia súc. Chính vì thế, họ khoác lên mình lớp áo gai góc để chứng tỏ cho người xung quanh thấy mình không dễ động vào. 

Nhưng, nền văn hóa danh dự hiện nay không chỉ tồn tại trong những người chăn nuôi, mà nó tồn tại ở trong cả những người làm nghề khác nhưng có xuất xứ từ vùng đó. Một nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Dov Cohen và Richard Nisbett đã chỉ ra rằng những sinh viên đến từ miền nam thường dễ bị kích động và có xu hướng bạo lực cao hơn những sinh viên ở miền Bắc nước Mĩ, dù cho một số sinh viên đến từ miền Nam có xuất xứ từ gia đình thu nhập hơn 100.000 đô mỗi năm (vào thời điểm 1990s). Thế mới thấy ảnh hưởng của nền văn hóa danh dự mạnh mẽ như thế nào.

 

2/ Nền văn hóa kính trên nhường dưới 

 

Trong những nền văn hóa có chỉ số khoảng cách quyền lực (PDI) cao, con người có xu hướng giảm nhẹ quan điểm cá nhân của mình và phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Họ thường nói giảm nói tránh vì sợ mất lòng cấp trên, điều này trong một số trường hợp thì hoàn toàn bình thường, nhưng trong những trường hợp khẩn cấp thì có thể gây chết người. Chính lối nói giảm nói tránh là thủ phạm khiến cho tỉ lệ tai nạn của hãng Korean Air tăng đột biến trong giai đoạn từ 1988 - 1998. 

Ở Hàn Quốc, có tận sáu lối nói giảm nói tránh tùy theo mối quan hệ giữa người nói. Mệnh lệnh “sang phải 30 độ” khi qua lăng kính nói giảm nói tránh có thể trở thành “Tín hiệu phản hồi cách đây 25 dặm có vẻ tồi tệ”. Cách nói bóng gió này dẫn đến việc cấp trên không hiểu được ý của cấp dưới, khiến tai nạn thảm khốc xảy đến. 

Sau đó, Korean Air đã nhận ra vấn đề của mình và kịp thời thay đổi. Họ sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thay vì tiếng Hàn như trước kia, khiến các rào cản nói giảm nói tránh bị xóa bỏ. Họ còn giao cho những người ngoại quốc các vị trí quan trọng trên phi hành đoàn, nhằm khuyến khích tự do thể hiện quan điểm cá nhân. Và kết quả là Korean Air trở thành một trong những hãng hàng không hàng đầu thế giới.

Qua ví dụ này, Malcom Gladwell cũng muốn gửi đến thông điệp rằng văn hóa, dù là một phần không thể thiếu trong mỗi con người chúng ta, không phải là yếu tố mặc định không thể được thay đổi. Bằng cách nhận ra các rào cản văn hóa của bản thân, ta có thể vượt qua những định kiến sẵn có để đạt đến phiên bản tốt hơn của chính mình. 

 

3/ Nền văn hóa cần cù 

 

Nền văn hóa này thường xuất hiện ở những quốc gia châu Á, nơi nông nghiệp lúa nước ngự trị. Khác với nền nông nghiệp dựa trên máy móc của phương Tây, người phương Đông chủ yếu lao động bằng chính sức lực của mình. Họ càng bỏ ra nhiều sức, thì sẽ càng thu hoạch được nhiều. Chính vì vậy, họ tin rằng thành công phải đi đôi với sự kiên trì. Từ đó hình thành nên một quan niệm nổi bật: “Người có khả năng thức dậy trước bình minh suốt 360 ngày một năm chắc chắn có thể làm cho gia đình mình trở nên sung túc.” 

Nền văn hóa cần cù cũng là lý giải cho việc điểm toán của các quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan cao hơn hẳn các quốc gia ở châu lục khác. Học sinh châu Á thường là những người sẽ ở lại thư viện của các trường Đại học cho đến tối muộn. Họ kiên trì giải các bài toán được đưa ra chứ không chịu bỏ cuộc như học sinh nhiều nơi khác. 

 

—------------- 

Nền văn hóa mà chúng ta sinh ra cũng là một yếu tố quan trọng để dẫn đến thành công. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng dù văn hóa là thứ tồn tại với chúng ta từ lúc lọt lòng, nó không phải là thứ không thể thay đổi. Biết cách nhận ra các giới hạn văn hóa, và tận dụng những lợi thế của các nền văn hóa khác nhau, bạn sẽ đi được một bước dài trên chặng đường tới thành công.

Những nội dung trên được luận từ cuốn sách “Outliers - Những kẻ xuất chúng”. Cuốn sách giải mã các yếu tố cấu thành nên một người xuất chúng, từ đó cung cấp cho độc giả cái nhìn khác về thành công. 

Trạm mời các bạn tìm đọc./.






Tags: