Chúng ta biết gì về nguồn gốc của sự bất lương? 
Chúng ta biết gì về nguồn gốc của sự bất lương? 
“Muốn biết một người có trung thực hay không - hãy hỏi thắng anh ta. Nếu câu trả lời là “có”, đó hẳn là kẻ bịp bợm.” - GROUCHO MARX
Bản chất của dối trá - Tái bản
(1 lượt)
Trong Kinh tế học lý trí, Gary Becker – Nhà kinh tế tại Đại học Chicago, người từng đoạt giải Nobel và nêu giả thuyết rằng con người thường phạm tội thông qua một quá trình phân tích lý tính về mỗi tình huống – chính là người khởi xướng học thuyết phổ biến về sự lừa bịp. Theo lời Tim Harford trong tác phẩm The Logic of Life (Logic của cuộc sống), học thuyết này đã ra đời khá ngẫu nhiên. Một ngày nọ, Becker sắp đến muộn một cuộc họp, và do không tìm được nơi cho phép đỗ xe, ông đã quyết định đỗ sai luật và liều nhận vé phạt. Becker đã ngẫm lại về quá trình tư duy của ông trong tình huống này, và nhận thấy quyết định của ông hoàn toàn phụ thuộc vào việc cân nhắc giữa “cái giá” hiển nhiên – bị phát hiện, bị phạt và thậm chí bị kéo xe đi – và lợi ích từ việc đến dự họp đúng giờ. Ông cũng lưu ý rằng: trong quá trình cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại, “đúng” và “sai” đã không còn quan trọng; đó chỉ đơn thuần là sự cân đong giữa các hệ quả tích cực và tiêu cực có khả năng xảy đến.

Và kể từ đó, Mô hình Phạm tội Đơn giản theo Lý tính (Simple Model of Rational Crime – SMORC) đã ra đời. Theo mô hình này, chúng ta đều suy nghĩ và hành động tương tự như Becker. Như một kẻ trấn lột tầm thường, chúng ta đều tìm kiếm lợi ích cho riêng mình khi chen chân giữa dòng đời. Dù đạt được điều đó bằng cách cướp ngân hàng hay xuất bản sách, tất cả đều chỉ là trò vặt trước những tính toán hợp lý của chúng ta giữa lợi ích và tổn thất. Theo lập luận của Becker, khi nhẵn túi và tình cờ đi ngang qua một cửa hàng tiện lợi, chúng ta sẽ nhanh chóng ước lượng xem có bao nhiêu tiền trong máy đếm, cân nhắc khả năng bị tóm và hình dung về hình phạt đang đợi sẵn trong trong trường hợp đó (và tất nhiên sẽ chẳng còn thời gian để nghĩ về điều hay lẽ phải). Về cơ bản, trong tính toán lợi hại trên, chúng ta sẽ quyết định việc cướp cửa hàng có đáng công hay không. Nguyên lý cơ bản trong học thuyết của Becker chính là: như mọi quyết định khác, các quyết định về sự lương thiện chỉ dựa trên sự phân tích giữa lợi và hại.

Tuy SMORC là một mô hình vô cùng cởi mở về sự bất lương, nhưng liệu nó có mô tả chính xác hành vi của con người trong đời thực hay không? Nếu có, chúng ta sẽ vạch rõ hai biện pháp nhằm đối phó với thói bất lương trong xã hội. Cách thứ nhất là gia tăng khả năng “bị tóm” (chẳng hạn như tuyển thêm cảnh sát và lắp đặt thêm máy quay an ninh). Thứ hai là tăng cường khung hình phạt dành cho những kẻ bị bắt (như tăng số năm tù hay mức phạt khi tuyên án). Các độc giả thân yêu của tôi, đây chính là SMORC, với những hàm ý rõ ràng nhất đến từ khái niệm thực thi pháp luật, trừng phạt và thói bất lương nói chung.

Nhưng sẽ ra sao nếu quan điểm sơ đẳng của SMORC về sự bất lương vẫn thiếu chính xác hoặc chưa hoàn chỉnh? Trong trường hợp đó, những biện pháp tiêu chuẩn nhằm ứng phó với sự bất lương sẽ không còn hiệu nghiệm và thỏa đáng. Nếu SMORC chỉ là một mô hình chưa hoàn thiện về căn nguyên của sự bất lương, chúng ta phải ưu tiên nhận biết những động cơ nào khiến con người lừa dối kẻ khác và áp dụng vốn hiểu biết nâng cao này nhằm hạn chế sự thiếu trung thực. Đây chính xác là điều cuốn sách này muốn truyền tải.

 

Trong thế giới của SMORC

 

Trước khi đánh giá những động cơ chi phối tính lương thiện và bất lương trong mỗi chúng ta, hãy đến với một thí nghiệm nhanh về tư duy. Cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu bạn và tôi đều nhất mực tuân theo nguyên lý của SMORC và chỉ cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại trong mọi quyết định? 

Nếu sống trong một thế giới SMORC thuần túy, chúng ta sẽ tiến hành phân tích lợi-hại trong mọi quyết định và lựa chọn phương án có vẻ hợp lý nhất. Chúng ta sẽ không còn ra quyết định dựa trên cảm xúc và sự tin tưởng, do đó chúng ta sẽ khóa chặt ví trong ngăn kéo khi bước chân ra khỏi văn phòng dù chỉ một phút. Chúng ta cũng ngại nhờ hàng xóm nhận thư hộ khi đi du lịch, vì lo sợ họ sẽ lấy cắp đồ. Chúng ta bắt đầu xem đồng nghiệp như lũ diều hâu. Những cái bắt tay tán đồng sẽ chẳng còn ý nghĩa, hợp đồng pháp lý sẽ có mặt trong mọi giao dịch, điều này cũng đồng nghĩa chúng ta sẽ mất không ít thời gian cho những vụ tranh chấp luật pháp hay kiện tụng. Chúng ta có thể sẽ quyết định không sinh con vì khi trưởng thành, chúng sẽ lấy đi mọi thứ ta có, và để chúng sống chung với ta chẳng khác nào như mỡ treo miệng mèo vậy.

Tất nhiên, con người há phải thánh nhân. Chúng ta còn lâu mới đạt đến sự hoàn hảo. Nhưng nếu bạn đồng ý với tôi rằng SMORC không phải là thế giới đáng để chúng ta suy nghĩ và hành động, và không thể đại diện cho cuộc sống thường ngày của chúng ta, thì bài thử nghiệm tư duy này đã cho thấy rằng: chúng ta không lừa dối và lường gạt nhiều như ta có thể – nếu chúng ta hoàn toàn tuân theo lý trí và chỉ hành động vì lợi ích bản thân.

Trích sách "Bản chất của dối trá"

Tags: