Vài kinh nghiệm viết văn từ một nhà văn
Vài kinh nghiệm viết văn từ một nhà văn
Không thành nhà văn thì không có sao cả, chẳng hại cho ta, mà cũng chẳng hại cho đời.
Hình như lý thuyết gia và văn nghệ sĩ là hai thứ người khác nhau: một đàng biết nói, nhưng chưa chắc làm được. Một đàng biết làm nhưng không biết trình bày cách thức làm. Tôi còn nhớ thuở tôi còn theo học trung học thì bên Pháp có một lý thuyết gia tên là Antoine Albalat (Không bảo đảm viết đúng tên ông này, vì đã lâu năm quá rồi). Ông A. Albalat rất nổi danh vì ông chỉ cho thiên hạ cách thức viết văn như thế nào cho hay, mà chỉ rất đúng, vì luôn luôn, sau một tiểu ri, ông có trình một thí dụ cụ thể, trích ở các tác giả danh tiếng. Anh học sinh trung học nào của thời ấy mà văn đều có đọc sách của ông này.
 
 Thế nên tôi không dám viết tiểu ri văn nghệ.
 
Tuy nhiên tôi vẫn nhận viết, thử xem sao, viết một lần mà không đúng thì thôi, chẳng hề gây hại cho ai hết.
 

 

Kinh Nghiệm Thứ Nhứt:

 

 
Không thành nhà văn thì không có sao cả, chẳng hại cho ta, mà cũng chẳng hại cho đời. Làm một công chức liêm cần, cũng tốt như là một nhà văn. Tôi thấy vài bạn trẻ tuyệt vọng và đau khổ quá khi họ không thành công.
 

 

Kinh Nghiệm Thứ Nhì:

 

Viết văn là một việc có thể học được cho thành công nếu có người dìu dắt đúng mức, và nếu mình chịu nghe người đó. Dĩ nhiên không kể những người tự tạo. Những người này thì chẳng cần ông thầy nào hết.
 

 

Kinh Nghiệm Thứ Ba:

 

 
Viết văn thành công cũng không trở thành nhà văn được, nếu ta chẳng có gì để nói ra. Có gạch, có xi măng, có ngói, nhưng thiếu ông kiến trúc sư thì xây cất sao được.
 
Vào thời tôi còn làm báo, tôi kinh ngạc lắm mà thấy nhiều bài lai cảo hay không chỗ chê. Hiện tôi có một tập thơ, cắt ở các báo, để dành ngâm chơi, mà không có nhà thơ nào được tôi cắt bài, mà làm được bài thứ nhì cả. Về truyện ngắn cũng thế, họ viết quá hay, nhưng viết được có một bài rồi tịt ngòi hai mươi năm, thế thì làm sao mà thành nhà văn, nhà thơ được? Vậy phải có cái gì để nói ra rồi mới nên tập viết văn, và phải có cho thật nhiều, bởi một đời văn cũng hơi dài, hai ba mươi năm là thường, mà phải viết đều đều, không đều như người chuyên nghiệp thì cũng phải đều tương đối.
 

 

Kinh Nghiệm Thứ Tư:

 

 
Phải đọc tương đối hết các tác phẩm nổi danh trong nước và ngoài nước thì mới xong. Đọc sách không phải để cóp người ta mà để biết người ta đã tiến đến đâu hầu mình rượt theo họ, và nhất là vượt họ, nếu được. Vào năm nay (1974) mà viết văn hay bằng một nhà văn của năm 1935 thì hóa ra văn càng năm càng lùi hay sao? Từ vài năm nay, sách nước ngoài được dịch tương đối nhiều. Đó là cái lợi thế mà những bạn trẻ của ba năm về trước không có được. Là nhà văn Việt thì nhất định là các bạn phải đọc cho hết, không đổ thừa tại thiếu bản dịch được.
 

 

Kinh Nghiệm Thứ Năm:

 

 
Đa số các nhà văn mới ra nghề, thích viết tiểu thuyết. Sở thích đó, trung lập, không đúng, cũng chẳng sai. Văn có nhiều loại, ai thích loại nào thì viết loại ấy, không nói vào đâu được Nhưng bạn trẻ cần nên biết điều này là có thể bịa câu chuyện được, còn chi tiết thì không. Tả nỗi sợ hãi của một người bám vào một gốc cây khi rơi đến lưng chừng vực thẳm. Cái đó thì không sao mà bịa được, trừ phi mình đã kinh sợ, vào trường hợp khác cũng được, nhưng chính mình đã có kinh sợ tột độ trong đời mình thì tả mới nghe được. Chỉ là nghe được mà thôi còn nghe có thật hay, hay chăng, là một chuyện khác nữa.
 
Vậy có bịa chuyện thì nên tưởng tượng trước về những lớp lang của cốt truyện, để xem nhân vật của mình có phải đi qua những cảnh đời mà chính mình không có sống lần nào. Nếu thế thì nên xoay làm sao cho nhân vật sẽ không trải qua những cảnh ấy. Xoay không được thì bỏ cả câu chuyện là hơn.
 
Như vậy thì chính trong sự bịa phải có sự thật phần nào, và nếu xét cho chặt chẽ thì chẳng có thể bịa được gì hết.
 
Vậy, không có sống thì viết tiểu thuyết ắt không thành công.
 

 

Kinh Nghiệm Thứ Sáu:

 

 
Tìm hứng hình như là nỗi băn khoăn lớn của nhiều bạn, tôi thấy rằng có hai ngộ nhận trong việc tìm hứng. Một phái cho rằng hứng tự nhiên mà đến, không thể tìm được. Phái khác thì quả quyết hễ tìm thì hứng phải được gặp.
 
Con người của tôi, không có vậy bao giờ. Tôi tìm mà không bao giờ gặp. Và tôi để vậy thì hứng lại chẳng bao giờ đến. Tôi khác thiên hạ chăng?
 
Như tôi đã nói ra trên kia là những gì mà ta viết đều phải có sẵn trong lòng ta. Nếu nó vắng mặt nơi lòng ta thì ta làm thế nào để tìm nó được? Vậy tìm hứng chỉ vô ích thôi. Hứng cũng chẳng bao giờ mà tới hết. Ta bù đầu với sự sống thì có cái gì tới được, từ giá gạo, giá xăng, giá thuốc men.
 
Tôi thấy rằng những cái đó có sẵn đó chỉ tới khi nào nó gặp khí hậu hạp cho sự xuất hiện cua nó. Khí hậu đó không phải là sự nằm đó. Ta phải dẫn lối.
 
Cái khí hậu ấy thì thật ra là có hàng trăm, mỗi khí hậu gợi một hứng khác nhau, nhưng khí hậu nào cũng gợi hứng cả. Vậy cốt là tìm khí hậu chứ không nghĩa là tìm hứng. Vào mùa nóng bức này (Bài này được nhà báo yêu cầu viết vào tháng tư, tức trời đang oi nồng) thì trong buổi xế, bạn chạy lên quán Cây Dừa ngồi chơi một vài tiếng đồng hồ là sẽ có hứng ngay, chớ ngồi quán rượu trong thành phố thì hứng chẳng thèm tới đâu.
 
Vậy việc cần thiết là tạo khí hậu. Các bạn rót ra đĩa một vài chục giọt mật thì ruồi sẽ đánh hơi mà đến.
 
Khí hậu phải được thay đổi hoài hoài. Nhưng quanh ta chẳng có bao nhiêu khí hậu chăng? Không, có nhiều lắm, nếu ta chẳng chê cái này cái nọ.
 
Chiều chúa nhật vào một bệnh viện tặng quà bánh vài con bịnh nghèo mà không người thân chăm nom là ta có thể gặp một đề tài không phải luôn luôn gặp, nhưng có thể gặp. Các bạn cứ xách xe Honda, bắt đầu từ Cầu Kho chạy tuốt vào Gia Định rồi trở về thì khó lòng mà gặp hứng lắm, vì cái lộ trình đó quá quen thuộc, chẳng khác bao nhiêu lộ trình từ nhà bạn đến sở làm của bạn thì đâu có phải là khí hậu.
 
Bạn có đi đường vòng đai mới, qua vùng cư xá Thanh Đa chưa? Nếu chưa thì đi một chuyến. Bạn sẽ kinh ngạc lắm mà thấy con đường đưa lên Bình Dương, mấy năm trước đây, cũng có vẻ khá rộng, ngày nay nó bị con xa lộ Đại Hàn, gặp nó tại chợ Bình Phước, làm cho nó chỉ còn nhỏ bằng bàn tay thôi. Bạn đừng nên dùng xa lộ để tiếp tục con đường mà cứ tiến sâu vào con đường cũ của năm nào. Bạn sẽ nghe một cảm giác kỳ kỳ của cuộc bể dâu, và sẽ được một đề tài.
 
Tôi có một người bạn thỉnh thoảng lên cơn điên một lần. Không nặng lắm đi nằm nhà thương nửa tháng là khỏi, nhưng phiền lắm là bịnh thường tái phát. Lần đó tôi bàn với một người bạn khác, nhà thương trị không khỏi hẳn có lẽ vì nhà thương tìm không ra nguyên nhân thật chăng? Vậy ta tìm thử xem sao. Và hai đứa bắt đầu là thầy thuốc nhảy dù. Một tiếng đồng hồ sau, hai đứa đểu đồng ý rằng anh bạn mắc bệnh thiếu sinh lý. Thế nên chẳng thèm nghĩ đến chuyện sáng hôm sau đưa anh bạn đi nhà thương mà liền ngay khi đó đưa anh bạn vào Arc-En-Ciel và gọi vũ nữ tới thật đông nơi bàn chúng tôi. Anh bạn đã nổi cơn từ ban chiều và đang hăng tiết vịt, anh bạn vũ nữ làm tình làm tội, vui trò quá, và hôm sau tôi viết được ngay tiểu thuyết Lữ Đoàn Mông Đen, dĩ nhiên là viết được nhờ những cái biết trước đó mà mình không định khai thác. Nhưng cuộc vui do người bạn lên cơn làm huyên náo vũ trường đã gợi hứng mình rất mạnh, khác với nếu đó chỉ là vào thường với một người bạn bình thường, tức đêm ấy, tôi đã gặp khí hậu lạ.
 
Tôi kém tiểu ri và xin báo trước rằng không bắt buộc ai nghe theo. Tại nhà báo bắt thì tôi viết, và viết theo chủ quan. Bạn nào thực thi vài kinh nghiệm vặt trên đây mà không nhành công thì nên kể như là tôi nói sai, và bỏ qua đi cho.
 
Bình Nguyên Lộc, 1974.
 
Bình Nguyên Lộc (1914-1987) tên thật là Tô Văn Tuấn, thường ký với các bút danh: Bình Nguyên Lộc, Phong Ngạn, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Trinh Nguyên Tôn Dzật Huân, Hồ Văn Huấn, Diên Quỳnh. Bình Nguyên Lộc (nghĩa: nai đồng bằng) được coi là một nhà văn lớn của phương Nam trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Ông sinh ra tại làng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, cùng quê hương với thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (1914- 1977) nổi tiếng với hai câu thơ được cả nước thuộc lòng: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (Nhớ Bắc)*.
(Theo trang Vanchuongphuongnam.com)
Tags: