“Nhìn mặt mà bắt hình dong” hay còn được gọi là vấn đề “ngoại hình – tâm hồn” là một trong những câu đố âm thầm mà hóc búa nhất trong triết học và thậm chí trong cuộc sống hằng ngày.
Vấn đề này bắt nguồn từ thực tế: trong con mắt của người đời, bản chất của chúng ta đều tự động liên kết với vẻ ngoài và suy nghĩ này không dễ gì thay đổi. Ngoại hình là nhân tố chủ yếu quyết định cách người khác đánh giá bản chất và tính cách của chúng ta. Mặc dù việc khéo léo trong giao tiếp có thể khiến hệ tư tưởng trên bớt hà khắc, trên thực tế thước đo để đánh giá chúng ta lại chính là vẻ bề ngoài.
Người có khuôn mặt dễ thương thường được cho là người dịu dàng và nhân hậu; khuôn mặt đỏ, to với đôi mắt ti hí là người nóng giận và đáng nghi. Ta tin rằng nhân dạng của mỗi người không thể nào tách khỏi ngoại hình.
Tuy nhiên quy luật này có một ngoại lệ đáng chú ý: bản thân chúng ta. Khi quy luật áp dụng lên ta, ta nhận ra rằng ngoại hình rõ ràng không phải con người của ta, và cũng luôn cảm thấy buồn sâu sắc vì lý do này. Ta nhận thức được rằng giữa những gì ta hiểu về bản thân và những tín hiệu trên vẻ mặt của mình có một cách biệt lớn. Có thể ta cảm thấy dịu dàng, hào hứng, tò mò, tinh nghịch nhưng khuôn mặt trong gương lại phảng phất nét u uất, cau có, tẻ nhạt không thể tẩy xóa, khiến ta trông giống một ông già vô vị. Ta sẽ cố gắng thay đổi kiểu tóc hay vẻ ngoài trở nên dịu dàng hơn với một cái áo sáng màu, một đôi giày trẻ trung, trang điềm – nhưng không gì có thể cải thiện điều bất công ta phải chịu. Không chỉ cảm thấy thiếu hấp dẫn, ta còn có nỗi lo lớn hơn: bị hiểu nhầm – như thể bị ép đi dự một hội nghị với tư cách là đại sứ cho đất nước ta thậm chí chưa từng nghe tên.
Nhà văn người Anh George Orwell từng nói, ở tuổi 40 mọi người sẽ có khuôn mặt họ đáng được nhận. Điều này thật vô lý và độc ác, khi cho rằng mọi người đều đáng phải chịu bệnh tật, mức lương hay số phận họ đang có. Không có một ai thay đổi ngoại hình thành công chỉ bằng nỗ lực sống tử tế, kể cả khi họ có cố gắng làm việc đó trong suốt 40 năm. Không có một ai có thể thu nhỏ được mũi của mình dù chỉ một phần tư mi-li-mét chỉ với suy nghĩ về chiếc mũi hoàn hảo.
Trong thực tế, điều ngược lại thường xảy ra: ta tự đặt mình vào những tính cách định hình bởi vẻ ngoài. Đây là hệ quả của việc bị người khác đánh giá và đối xử dựa vào ngoại hình trong một thời gian dài.
Do vậy, phần dịu dàng của một người nhìn hiền hậu sẽ tiếp tục được thể hiện ra để đáp ứng kỳ vọng và khuyến khích từ những người xung quanh. Những người được coi là nhút nhát bởi họ có đôi mắt bé sẽ có thể cuối cùng sẽ có tính cách nhút nhát phù hợp với nhận xét của mọi người.
Vấn đề “ngoại hình – tâm hồn” giúp ta hiểu được điều gì tạo nên tình yêu đích thực: luôn nhớ rằng mọi người trông không giống vẻ bề ngoài, họ không có quyền lựa chọn cơ thể của mình và đằng sau vẻ ngoài có thể là một con người hoàn toàn khác đang mắc kẹt bên trong cái vỏ bọc ngoại hình.
Nhà văn Cyril Connolly, một người phải vật vã với cân nặng trong cả cuộc đời mình, phát ốm với khuôn mặt tròn đầy, cái đầu hói và vẻ ngoài “hệt một gã kế toán cau có” đã từng viết: “Bên trong mọi người béo là một con người cân đối đang cố gắng thoát ra.” Nhưng hiện tượng này không nên bị giới hạn trong phạm trù béo – gầy. Bên trong tất cả mọi người đều có một ai khác đang cố gắng thoát ra, có thể là một người đàn ông trưởng thành 65 tuổi trong hình hài một cô gái 25, hay một cô gái dịu dàng chu đáo bên trong thân hình của một người đàn ông trung niên cau có.
Cách tốt nhất có thể để khắc phục vấn đề “ngoại hình – tâm hồn” không phải cố gắng đánh lừa mọi người bằng trang phục, kiểu tóc hay mạo hiểm sức khỏe bằng phẫu thuật thẩm mĩ. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thay đổi ngoại hình cho đồng nhất với tính cách được. Giải pháp là nhận ra rằng vấn đề này là một phần của loài người, vậy nên hãy cố gắng nhớ rằng vẻ ngoài của mọi người tách biệt với tính cách bên trong của họ - với hy vọng rằng những người khác cũng sẽ bao dung và tốt bụng thấu hiểu khi họ nhìn vào khuôn mặt và vẻ ngoài của ta.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo The book of life